Translate this page: English French German Spanish Vietnam
Nguyễn Tầm Thường: suy niệm & cầu nguyện

Đây là collection các bài viết & audio suy niệm và cầu nguyện,
tản mác về đời sống và đức tin, với từng giòng suy tư sâu sắc qua những cuộc hành trình viễn mộng mà thực tế, dấn thân ở phương tây hay phương huyền bí, soi rọi nhiều góc cạnh đời thường hay cuộc đời trầm mặc tĩnh lặng của giới đạo sĩ. Tác giả là Nguyễn Tầm Thường, tức Linh mục Giuse Nguyễn Trọng Tước, vị tu sĩ xuất thân từ những nhóm Chia Xẻ Lời Chúa thân ái ở vùng Tây Bắc Hoa Kỳ....


64 AUDIO collection:


STT Tên Bài Nghe

1

Bao dung

 

2

Bên hồ Tiberia

 

3

Bên mộ Mẹ Têrêxa

 

4

Chân dung cây viết chì

 

5

Cỗ áo quan

 

6

Cô đơn

 

7

Con cần Chúa

 

8

Dang dở

 

9

Dấu chân trên cát

 

10

Dấu chân xưa

 

11

Để tự do và hạnh phúc hơn

 

12

Đêm Satan, đêm đức tin - 01

 

13

Đêm Satan, đêm đức tin - 02

 

14

Điệu ca của những người mù

 

15

Đôi guốc của mẹ

 

16

Đôi mắt

 

17

Giêusalem Chủ nhật Phục Sinh

 

18

Hái lộc

 

19

Hoa nghĩa trang

 

20

Hoa thương nhớ

 

21

Hồng ân Thiên Chúa

 

22

Khi náo ngày bắt đầu

 

23

Khúc ca dâng mẹ

 

24

Kinh tin kinh tin kính của tên trộm

 

25

Kỷ niệm : Hạnh phúc hay vết thương

 

26

Lời của dòng sông

 

27

Lối đi của kiến

 

28

Lời kinh Sutra

 

29

Màu tím hoa sim

 

30

Ngày lễ Bạc

 

31

Ngày lễ Vàng

 

32

Ngày tảo mộ

 

33

Ngoại đạo

 

34

Ngục tối

 

35

Người anh cả

 

36

Người khách và con tàu

 

37

Nhặt cá

 

38

Nhổ cỏ

 

39

Niềm tin của thầy Sadhu

 

40

Nỗi lòng người chăn chiên

 

41

Nụ hôn

 

42

Nước trời

 

43

Sự chết

 

44

Sự sống trong căn nhà chờ chết

 

45

Tạ ơn là một tâm tình

 

46

Tấm hình của mẹ

 

47

Tấm thiệp cưới

 

48

Tha thứ

 

49

Thân dã tràng

 

50

Thánh giá bên chiều mưa rừng

 

51

Thánh Thể

 

52

Thầy Bà-la-môn và mẹ Têrêsa

 

53

Tiếng gày gáy

 

54

Tiếng gọi

 

55

Tình yêu

 

56

Tình yêu và đau khổ

 

57

Tôi chọn Giêsu

 

58

Trang hồi kí toà giải tội

 

59

Trên nước sông hằng

 

60

Trí sạch tâm an

 

61

Trong đạo

 

62

Vị cha xứ hà tiện

 

63

Xin tri ân

 

64

Yếu đuối

 
 

Tiếng Chuông Đồng (Lm.Ng. T. Thường, S.J.)
http://thanhnhacvietnam.info/Vung_Nuoc/Bai_Giang/37_SuyNiem_NTT/01_TiengChuongDong.mp3


  Chết (LM. Nguyễn Tầm Thường,S.J.)
http://thanhnhacvietnam.info/Vung_Nuoc/Bai_Giang/37_SuyNiem_NTT/04_chet.mp3

Nỗi Lòng Cha (LM.Ng. T. Thường, S.J.)
http://thanhnhacvietnam.info/Vung_Nuoc/Bai_Giang/37_SuyNiem_NTT/22_NoiLongCha.mp3


26 Trở Về (LM.Ng. T. Thường, S.J.)
http://thanhnhacvietnam.info/Vung_Nuoc/Bai_Giang/37_SuyNiem_NTT/26_trove.mp3

29 Lời Trên Sân Ga (LM.Ng. T. Thường, S.J.)
http://thanhnhacvietnam.info/Vung_Nuoc/Bai_Giang/37_SuyNiem_NTT/29_LoiTrenSanGa_Lm.ntt.mp3

 LỜI CỦA GIÒNG SÔNG

Lm.Nguyễn Tầm Thường

            Cũng có lúc dòng sông cạn. Nhưng chẳng vì thế mà dòng sông lo âu, rồi toan tính giữ nước cho mình. Từ quá khứ, xuôi nguồn vào tương lai, nước làm thành dòng sông chứ không phải dòng sông làm nên nước. Từ ý nghĩ đó, dòng sông vào đời tự do theo ơn gọi của nó.
            Ðặt cuộc đời trước dòng sông. Ta xin dòng sông cho cuộc đời một lần nhìn rõ mặt mình trong ý nghĩ ấy.

            Vào mùa nước lũ, dòng sông đưa nước xuôi đồng bằng. Mênh mông chân trời khi bình minh rải ánh sáng. Lấp lánh rừng bạc vào mùa trăng thượng tuần huyền ảo. Thế nhưng, tháng hạ nắng hanh, dòng sông vơi dần. Nước cạn cho phơi bờ cát lở. Trong đời sống, có những khúc sông cuộc đời mà ngày tháng sóng nước chơi vơi.  Cũng trong đời sống, không vắng những mùa khô cạn nước. Cuộc sống của ai cũng vậy thôi, hễ có ngày sai mùa trái chín, thì cũng có những ngày khô khan lá rơi. Có những mảnh đời nghèo khó và cũng có những khúc đường đầy đủ. Lúc vơi bờ cát lở là khi túng thiếu đưa mùa gian nan chín tới, là lúc buồn bã gọi lòng trống trải đi về.

            - Xin Thượng Ðế cho con hiểu rằng nếu dòng sông vì âu lo mùa nắng mà dừng lại, tích nước mùa mưa thì dòng sông hết là dòng sông mất rồi. Nó chỉ là dòng sông khi chảy xuôi nguồn. Ngày nào con băn khoăn bắt dòng sông cuộc đời ngưng trôi chảy trong hồn, ngày đó cuộc đời thành ao tù.
            Buồn làm sao những mảnh đời ứ đọng, không còn niềm vui xuôi nguồn nhân gian. Dòng sông trở nên hoang vu trong cái ứ đầy của mình.
            Xin Thượng Ðế cho con biết nhận thì cũng biết cho đi. Chính lúc nghèo túng là lúc con biết tỏ tâm hồn mình có độ lượng, bao dung hay không
                                                                           
* * *
            Dòng sông không gian tham. Nó biết nó chỉ là dòng sông khi trời cho nước. Nó không băn khoăn vào mùa nắng hạn. Nó chẳng tự phụ khi dòng nước dâng. Nước làm nên dòng sông. Biết mình tùy thuộc vào dòng nước, con sông bình an xuôi dọc thời gian.
            Như nước đưa dòng sông thành nguồn, ơn sủng trời cao đưa con người vào đời. Dòng sông không bao giờ gian tham lấy nước của dòng sông khác. Nó dâng vui khi nước nguồn đổ tới. Nó thong thả khi nguồn nước nghỉ ngơi.

            Nếu con người biết những gì mình có trong đời là do ơn sủng trời cao, như dòng sông biết nước đưa mình vào đời chứ không phải tự mình, thì con người sẽ nhận sự sống từ trời bằng bàn tay an nhiên. Con người phải vào đời bình an như dòng sông, không so sánh nhỏ nhen, không ghen tức.

            -Xin Thượng Ðế cho con biết con tùy thuộc vào Ngài, con sống bởi ơn sủng của Ngài. Khi con hiểu ơn sủng Ngài đưa con vào đời như nước làm thành dòng sông thì con hiểu tình yêu lá sức mạnh chứ không phải lấy sức mạnh tạo dựng tình yêu.
           
Vì ngỡ sức mạnh tạo dựng giá trị nên con mới tích lũy để chiếm đoạt. Có những tích lũy bằng uy thế, bằng sắc đẹp, bằng địa vị, bằng đam mê. Giá trị đời con là sống như dòng sông, xuôi nguồn mùa nước lớn, thong thả mùa nước khô. Bởi, con biết giá trị cuộc sống là sống trọn ơn gọi trong hoàn cảnh Ngài ban tặng riêng con.

* * *
Dòng sông không ngừng lại nên sự sống của dòng sông chính là từ giã không ngừng. Cuộc đời cũng thế thôi, là trôi chảy.
Con người không chấp nhận biệt ly. Bởi đó, sự bám giữ của con người đã đưa dòng sông cuộc đời mình thành sóng đổ. Một ngày nào rồi cũng giã từ tuổi thơ vào đời. Bờ đê nhỏ. Mái nhà xưa. Rồi cũng bỏ đi xa. Cho dù tuổi thơ có là êm đềm.
Rồi lớn lên ta cũng buông cáchn thiw gió mà ra khơi. Cứ như thế cho đến ngày ta gặp gỡ tình yêu đầu đời. Thoáng hương có mật ong say, có hơi thở ấm. Rồi cũng đến ngày hơi thở thì dài và mật ong thì phai. Sống là chấp nhận chia ly không ngừng. Ngày nào ta bám víu lại không cho dòng sông chảy xuôi la ngày hồn ta quằn quại.

         -Xin Thượng Ðế cho con đừng bị ràng buộc vào những bờ đất. Bởi dòng sông phải buông bờ mà đi. Ngày nào dòng nước dừng lại, lưu luyến một bến bờ nào đó, nó chỉ tàn phá nhau thôi. Nước thành sóng và bờ tan hoang. Chẳng nói chi vật chất, ngay cả những giá trị tinh thần như tình yêu, tình bạn, lòng nhiệt thành, con cũng phải buông cánh cho trôi theo  dòng đời. Những giá trị ấy không phải là cùng đích của cuộc sống, nó phải dẫn con đến cuộc sống cùng đích sau cùng là gặp Chúa. Vì thế, con phải biết lúc nào buông cánh để đời nhẹ nhàng xuôi dòng.
                                                                                        * * *
            Dòng sông luân chuyển không bao giờ ngừng nghỉ, nhưng có ngày chấm dứt. Ðó là ngày dòng sông về tới biển cả. Nó xuôi nguồn để tới cùng đích. Nó luôn luôn chảy, luôn luôn giã từ để tới nơi không còn từ giã.
            Cuộc đời cũng thế thôi. Ta vào đời là xuôi dòng về với trùng khơi. Bởi đó, ta phải chấp nhận sự chết như một  chờ mong. Bất cứ ràng buộc nào cũng gây khổ đau vì nó dồn sóng lại trên đường mà đáng lẽ phải là êm ả buông rơi. Chết như một định luật tất yếu thì bám víu vào bờ cát trên dòng sông cuộc đời chỉ là cấu nhặt vào một hư vô. Người yêu cũng là từ giã. Những thành quách ta xây cũng là giã từ. Bởi đó, như dòng sông ta phải sẵn lòng nói lời ly biệt.
            -Xin Thượng Ðế cho con can đảm nhìn cuộc đời bao dung để con bao dung với chính mình. Nếu con không bao dung với đời, lòng thèm muốn bảo con giữ chặt lại cho mình, của cải, quyền bính, danh vọng thì con chẳng bao dung với chính mình đâu. Con mất tự do mất rồi.
                                                                                        
* * *
            Dòng sông tự nó là chia ly đôi bờ. Những tình yêu phải xa nhau đã chẳng có tiếng thở dài về dòng sông đó sao. Ôi! những dòng sông xa cách!
            Như dòng sông tự nó là chia ly, là trắc trở, con người cũng thế, ai cũng là gai nhọn cho nhau. Tự mình ai cũng là nghịch cảnh cho nhau. Bởi trong ta, ai không yếu đuối? Dòng nước làm chia ly, nhưng bên bờ sông cũng có những bến hẹn, bến mong cho con đò một chiều có nhau. Chia ly đôi bờ đã có những gặp gỡ. Cuộc đời cũng vậy thôi.
            -Xin Thượng Ðế cho đời con là bến hẹn cho người hội ngộ để dòng sông nhìn hạnh phúc gặp nhau trên bến đê.
            Người ta nhớ về những bến sông có kỷ niệm ngọt ngào. Tự con có thể là nghịch cảnh ngăn cách người với người, nhưng bờ sông, tự con cũng có thể là bến hẹn hòa giải gặp gỡ.
            Như dòng sông hương hoa biết bao khi nghe tình yêu đi trên bờ đê của mình, thì đời con cũng thế thôi, cuộc sống sẽ hạnh phúc hơn khi là bến cho niềm vui của thế nhân đỗ chân
                                                                                        * * *
            Khi dòng sông có cây cầu nối xa về gần thì bến sông có tình yêu về trên lối cỏ. Khi cây cầu đưa vắng mặt về xum họp thì bến sông có kỷ niệm hương hoa.
            Ðời người cũng thế thôi. Và cây cầu ấy chính là Thượng Ðế. Xin dòng sông dạy tôi biết không có cây cầu Thượng Ðế thì đời tôi có thể là chia ly cách biệt người với người. Nhưng có Ngài, ôi! dòng sông đời sống sẽ đẹp biết bao.

            Dòng sông đời ai có bến đỗ đem kỷ niệm êm đềm cho người khác, thì bến đỗ ấy cũng được ban tặng lại hạnh phúc do kỷ niệm êm đềm kia để lại. Vì khi hạnh phúc đậu trên bờ sông nào thì dấu thơm hạnh phúc ấy cũng lưu lại với chính bờ sông đó nữa.

http://www.scribd.com/doc/46454771/4-Cuon-Sach-Cua-Nguyen-Tam-Thuong#scribd

 Suy Niệm và Cầu Nguyện Mp3 – Lm. Nguyễn Tầm Thường (11)

 Phỏng vấn Linh Mục Nguyễn Trọng Tước
https://www.youtube.com/watch?v=xZAthvCAYDY




Trên nước sông Hằng

Nguyễn Tầm Thường

           
           Trời rất mờ, đã thấy bóng người rồi. Dọc theo bờ sông, các tín đồ Bà La Môn đang xuống tắm. Bình minh lên ở phía đông, nắng ban mai còn sắc vàng của mặt trời mới mọc. Thứ ánh sáng làm nhộn nhịp mầu sắc của những bộ áo sari. Sari của phụ nữ Ấn rất rực rỡ.  Ðỏ tươi chóa mắt, vàng rực lộng lẫy, tím lóng lánh kim tuyến bạc. Có người đi riêng, có nhóm thành hàng, họ lục đục kéo nhau từ trong các hẻm phố chui ra. Xuống dòng sông thanh tẩy.
            Nước sông dập dềnh theo gió, chảy nhẹ. Thuyền tôi lững lờ trôi, rất thong thả. Không du khách tây phương nào đến đây mà không thuê một con đò, chèo ra giữa dòng. Từ lác đác dăm ba con thuyền lúc trời chưa sáng, đến không biết bao nhiêu mái chèo lúc bóng mặt trời lên cao. Tôi thuê chiếc thuyền gỗ mộc, cậu bé chèo đò mười ba tuổi, chắc của gia đình kiếm sống. Cậu chèo tôi lênh đênh trên nước của  dòng sông tôi mơ ước từ thuở tuổi thơ. Không ngờ có ngày tôi đang ngồi trên con đò trong “Câu Chuyện Của Dòng Sông, Siddhartha”, tôi đọc lúc thiếu thời.
            Không biết dòng sông đã có từ bao triệu năm trước? Không biết con người đã xuất hiện từ thiên niên đại nào? Làm cách nào dòng sông trở nên thần thánh? Ôi! dòng sông huyền bí của biết bao nhiệm màu. Tôi nhìn xuống dòng nước, mùa nước cạn của tháng hạ, nước vẫn đục lừ đừ chảy. Con người tìm đến dòng sông này từ bao giờ nhỉ? Vì sao? Bao nhiêu trăm ngàn sọ xương trắng đang nằm dưới dòng nước kia?
            -Khi nào sọ dưới sông ngập đầy ứ làm nước không chảy được nữa?
            Chẳng bao giờ sọ người có thể lấp đầy dòng sông.
            Tôi nghĩ không bao giờ dòng sông thua cuộc.
            Những sọ kia làm sao cứng nổi mà thách đố với dòng nước.
            Không chừng dưới đáy sông kia chả còn bao nhiêu sọ người.
            Nó tan rữa thành bùn đất, mùa lũ đến, sông thẳng thừng cuốn trôi bạt nó ra biển rồi.
            Con người có thể cứng đầu với nhau, chứ không thể chống chọi với dòng sông.
            Cứng như đầu người cũng không thách đố được với dòng sông.
            Chẳng có gì không bị dòng sông hóa giải.
            Cậu bé cứ chậm rãi vỗ mái chèo gỗ.  Thuyền lênh đênh. Tôi đang trên sóng nước sông Hằng. Dọc theo bờ sông người tắm cũng là dọc theo bờ sông với các lò thiêu xác. Từ giữa lòng sông nhìn vào bờ, chi chít người dưới chân những lò thiêu cao nghều nghệu. Nắng phương đông đổ xuống dòng nước chiếu trên lưng trần đen sạm của những người đàn ông Bà La Môn. Dưới dòng nước, họ chắp tay nhắm mắt hướng về phía mặt trời. Trên bờ, thỉnh thỏang  có bóng các Sadhy khổ hạnh, dính chút vải thô làm khố ngồi thiền Yoga. Mình mẩy họ trát bụi tro, vẽ mầu mè ngoằn ngèo trên mặt, tóc như không bao giờ cắt, dài cuốn vai, dơ dáy. Cổ đeo lủng lẳng vài vòng hoa. Họ là những con người khi chết chỉ đẩy xác xuống sông chứ không được thiêu. Có nhiều trường phái Sadhu khác nhau. Có trường phái sống trần truồng như người rừng. Vào ngày cực linh thánh của sông Hằng, họ kéo nhau về.
            Ban đêm, khách du lịch tây phương ra bờ sông xem các thầy Bà La Môn cúng hồn. Bên sông, trên lễ đài, hàng chục thầy Bà La Môn tụng kinh. Họ rải tro, rẩy nước xuống sông. Nhạc chiêng rập rình. Mấy mươi chiếc chuông to hơn trái dừa kính công kêu liên hồi. Họ giật chuông đánh thức các hồn dưới sông để nghe lời cúng vái. Lửa là phần quan trọng trong nghi lễ. Các thầy Bà La Môn đổ lửa trong bình đồng rồi múa lửa hướng về dòng nước đen ngòm phía trước. Họ thổi tù và. Tiếng tù và bằng ốc tiếp nối nhau hú rít. Nghi lễ dài cả tiếng đồng hồ.
            Tan lễ, tín đồ thả lửa trôi trên sông. Họ lấy một loại lá làm thành chiếc đĩa, ủ kín gió một cây đèn cầy. Những người nghèo, các em bé kiếm ăn bằng cách đi bán những chiếc đĩa này. Có khi kèm theo những cánh hoa vạn thọ vàng đã xé nhỏ rải trên đĩa. Ðêm đen kịt, nước bồng bềnh trôi từng bày những ánh lửa dập dờn xuôi dòng. Những ngọn nến thả xuống, mới đầu chúng dính chùm, chỉ sau vài phút, tản mác mỗi ánh lửa trôi về một cõi. Nó như những cuộc chia lìa của một kiếp phù sinh. Rồi chúng tắt.
            Tôi đã có dịp xem thả nến trên dòng sông Bangkok. Ngày lễ hội rất vui. Hàng ngàn ngọn nến như ánh pháo bông làm rực rỡ dòng sông. Dân chúng bên sông vui cười tưng bừng. Ở dòng sông Ganga này không như thế. Người thả lửa chắp tay. Bờ sông im lặng. Họ đứng nhìn ánh lửa xa dần.
            Tôi muốn nghe tiếng Ohm vọng về từ tiền kiếp. Tiếng Ohm của dòng sông nói với con người và tiếng Ohm của người thế giới bên kia gửi người thế giới hôm nay.
            Dưới dòng sông kia không chiếc sọ nào còn óc.
            Chúng không còn suy nghĩ, không còn tính toán, ngay cả yêu thương.
            Tất cả giống nhau: Một sự rỗng tuếch.
            Các sọ ấy  không phân biệt được sọ nào giầu có, sọ nào nghèo khổ, không còn triết gia, không còn cách mạng, không còn tư tưởng thay đổi xã hội.
            Tất cả trống rỗng.
            Có khi nào đầu óc con người cần một chút trống rỗng để bớt căng thẳng.
            Có khi nào con người cần một chút nghèo để đỡ xa nhau,
            cần một chút đau để hiểu thống khổ,
            cần một chút dại để bớt kình địch,
            cần một chút yếu để bớt cạnh tranh,
            cần một chút ngây ngô để bớt ghen.
            Khi xuống dòng sông rồi sọ nằm yên bên sọ chờ ngày tan rữa.
            Tôi không thể nói với những chiếc sọ dưới lòng nước.
            Tôi chỉ có thể nghe những chiếc sọ ấy nói với tôi. Và chúng đã nói:
            -Bạn thân mến, ngày xưa đầu tôi cũng như bạn, đầy một mớ óc. Người ta ca ngợi tôi “bộ óc vĩ đại.”
            Tôi tính toán quá kỹ nên ít bạn bè.
            Tôi lý luận quá nhiều nên trái tim thiếu lòng thương xót.
            Tôi nghi ngờ tất cả nên trái tim rất vất vả.
            Tôi xét nét từng li từng tí nên chỗ nào cũng thấy dính màu đen.
            Lúc nào cũng lắm âm mưu nên cuộc sống không bình an.
                                                            * * *
            Lạy Chúa, hơn ba mươi năm trước, tuổi học trò còn mơ một dòng sông. Ba mươi năm sau con đứng bên bờ dòng sông ấy. Năm tháng còn lại chỉ là để chuẩn bị ra đi với dòng sông thôi. Dòng sông cuộc đời.
            Con sẽ chết như bao tín đồ Bà La Môn ở đây. Xin Chúa là dòng sông định mệnh cho con về. Ôi! Tâm trí con sẽ suy nghĩ gì, trái tim con sẽ sống thế nào để Chúa chờ đón con vào dòng sông vĩnh hằng linh thiêng là chính Chúa.
                                                                       
                                           ---Ấn Ðộ tháng 5, 2001


KỶ NIỆM: HẠNH PHÚC HAY VẾT THƯƠNG
 
Những bài ca nói về ngọt ngào của tình yêu hay nhắc đến kỷ niệm.  Những bài thơ viết về hạnh phúc cũng thường mang hình ảnh của quá khứ.  Những tìm về con đường cũ vết chân xưa.  Sân ga thủa nào hẹn hò. Chiều Giáng Sinh lần đầu gặp gỡ. Tất cả là kỷ niệm.  Kỷ niệm là hành ảnh ghi lại những yêu dấu đã buông cánh đậu xuống đời mình. Nhưng, cũng có những bài thơ buồn nhắc nhở một dòng nước mắt.  Cũng có những nốt nhạc sầu âm vang một dang dở.  Những nước mắt, những dang dở cũng là kỷ niệm.  Như thế, kỷ niệm là con đường hai chiều: một lối xuôi hạnh phúc, một nẻo nhongược đau thương.

Tờ thư cũ.  Tấm hình năm xưa.  Kỷ niệm và kỷ niệm.  Tuổi học trò có kỷ niệm của sân trường.  Tình yêu vợ chồng có kỷ niệm của hôn nhân.  Kỷ niệm ở khắp nơi.  Ai cũng có kỷ niệm.  Ai cũng có lúc sống với kỷ niệm.  Ðã như thế, nơi nào có con người là có kỷ niệm.

Kỷ niệm không bao giờ nhắc đến con người nhưng con người lại hay nhắc đến kỷ niệm.  Chính con người tạo nên kỷ niệm, chứ kỷ niệm không bao giờ hiện hữu độc lập.  Mặc dù con người tạo nên kỷ niệm, nhưng sự yếu đuối của con người trước kỷ niệm là khi sinh ra kỷ niệm rồi thì con người lại bị kỷ niệm chi phối.  Một khi kỷ niệm ra đời rồi thì khó mà chối bỏ được sự có mặt của chúng.  Và kỷ niệm lại có quyền năng không ngờ:  con người không giết được kỷ niệm, nhưng kỷ niệm lại có thể giết được con người.

Kỷ niệm là một gạch nối.  Kỷ niệm là một lối đi về để tôi có thể đến được với người và người đến với tôi trong không gian xa cách, trong thời gian chảy xuôi.  Kỷ niệm là lối đi về, là sự nhắc nhở giữa hai người.  Ðã là nhắc nhở thì tùy sợi giây liên hệ ấy thơ mộng hay vụng về, thân ái hay oán trách mà hai người có kỷ niệm đẹp hay đau buồn.

Cái kỳ diệu và cũng là bi đát của con người là con người sống trong hiện tại nhưng lại có thể mơ ước tương lai và kéo cả quá khứ tới.  Chính vì thế mà sống hiện tại, nhưng đau nỗi đau của quá khứ và lo nỗi lo của tương lai.  Chính cái khả năng vượt thời gian này mà mới có kỷ niệm.  Nếu không sống lại được quá khứ thì sẽ không có kỷ niệm.  Do đấy, kỷ niệm có thể là hồng ân mà cũng là ngục tù.

Vì khả năng có thể kéo quá khứ tới hiện tại nên người ta có thể đem những kỷ niệm đẹp năm xưa làm hành trang cho hôm nay.  Và cũng có thể là ngục tù nếu kỷ niệm đó là những kỷ niệm buồn.  Con người không thể chỉ sống hướng tới tương lai.  Quá khứ đã làm nên đời họ, luôn luôn nhắc nhở họ. Cánh cửa thời gian vật lý đã đóng kín, nhưng cánh cửa tâm lý của con tim chẳng chịu im lìm.  Nó không ồn ào nhưng vẫn thăm thẳm sâu.  Khi quay về quá khứ, họ sẽ không sáng tạo được kỷ niệm nữa, mà chỉ nhìn ngắm kỷ niệm và để kỷ niệm tham dự vào đời mình mà thôi.  Con người bất lực trước quá khứ.  Nhưng quá khứ không hẳn là bất lực trước con người.  Chẳng thể lẩn tránh được kỷ niệm thì chỉ còn lối đi đẹp nhất là hãy xây dựng những kỷ niệm đẹp.

Một cánh thư viết thăm mẹ.  Một món quà tặng nhau.  Một dòng chữ cám ơn thầy, cô dạy cũ.  Ðơn sơ nhưng đều là những kỷ niệm hồng có giá trị hạnh phúc dọc theo thời gian của một cõi lòng.  Có những kỷ niệm êm đềm cho nhau bóng mát thì cũng có nhiều kỷ niệm đã giết chết bao tâm hồn.  Ðưa dằn vặt câm nín đến đời nhau.  Hối tiếc phũ phàng.  Dọc theo thời gian còn lại của họ là nỗi đắng.  Kỷ niệm là những hạt mầm đã gieo xuống hôm nay sẽ trổ sinh ngày mai.  Có thể là quả ngọt, có khi là trái đắng.

Khó mà xóa nhòa được kỷ niệm.  Nó có thể hằn sâu đời đời.  Bởi đó, gieo kỷ niệm đau buồn cho nhau là có thể hành hạ nhau cả một tương lai.  Tặng nhau những kỷ niệm đẹp là sắm sẵn cho nhau bóng mát hạnh phúc trong những ngày sắp tới.  Vì kỷ niệm có quyền năng như vậy, nên khi trao tặng nhau kỷ niệm, những kỷ niệm đó phải là những kỷ niệm hồng.

*
Thánh Kinh có nói đến kỷ niệm.  Con người mong muốn những kỷ niệm đẹp.  Nhưng Chúa lại là người yêu thích kỷ niệm hơn ai hết.  Trước khi chia ly, bữa cơm chiều hôm ấy Chúa đã trao kỷ niệm cho các môn đệ của Ngài. "Này là mình Ta, các con hãy lãnh nhận ... để nhớ đến Ta" (Lc 22, 19).  Cho kỷ niệm để nhớ nhau.  Kỷ niệm là một nhắc nhở để tình thân ấy đẹp mãi, đẹp thêm.  Chúa cũng yêu quý kỷ niệm thì con người cũng cần kỷ niệm để giữ ấm đời nhau.

Chúa đã chuẩn bị bao nhiêu năm trời để trao tặng kỷ vật cho con người.  Chúa đã coi tặng vật như một giá trị vô cùng thiêng liêng nên đã dành vào giờ quan trọng nhất là giờ trước khi Chúa chết.  Chúa cũng đã chọn một tặng vật cao quý nhất để tặng con người, đó là bữa Tiệc Ly, Chúa lập phép Thánh Thể.

Sự việc Chúa lập phép Thánh Thể được coi như một trong những cao điểm quan trọng của Phúc Âm.  So sánh bốn Phúc Âm, ta thấy một sự khác biệt rất lớn.  Cả ba Phúc Âm Máccô, Mátthêu, Luca đều nói tới bữa Tiệc Ly, nhưng lại không đề cập đến việc Chúa rửa chân.  Còn Phúc Âm Gioan, trái lại, chỉ nói đến việc Chúa rửa chân cho môn đệ, nhưng lại không đề cập tới biến cố Chúa lập phép Thánh Thể.

Gioan muốn làm nổi bật một tư tưởng khác.  Không đề cập đến bữa Tiệc Ly, nhưng người môn đệ này mở đầu cuộc loan báo Thương Khó bằng kỷ niệm Chúa rửa chân cho các môn đệ. Gioan dùng biến cố rửa chân để chuẩn bị cho giây phút trao tặng kỷ vật xẩy ra kế tiếp. Ngay khi rửa chân xong, Chúa long trọng tuyên bố gởi gắm lại di sản cuối cùng trước khi chết: "Cha chỉ ở lại với các con một ít nữa... nơi Cha đi các con chẳng thể đến được, thì này Cha nói với các con, Cha trao cho các con một kỷ vật mới là: các con hãy thương mến nhau" (Yn 13, 33).  Ðối với Gioan, kỷ vật là tình yêu.

Gioan đã bỏ qua, không nói đến bữa Tiệc Ly để hết sức thâm thúy diễn tả ý nghĩa liên hệ giữa tình yêu và kỷ vật.  Không có tình yêu, bữa Tiệc Ly không còn ý nghĩa.  Bữa Tiệc Ly chỉ là kết quả của tình yêu.  Không có tình yêu kỷ vật trở nên tội nợ. (Cor 11, 26-29).

Trong ý nghĩa đó, tình yêu phải luôn luôn đi với kỷ vật.  Chính vì có tình yêu nên kỷ vật trở thành kỷ niệm của quá khứ vẫn còn sức sáng tạo cho hạnh phúc hiện tại và nối tiếp đi vào tương lai.  Cũng trong ý nghĩa đó, không có tình yêu, kỷ vật chỉ là nợ nần, kỷ niệm sẽ là gánh nặng, là ngột ngạt khó thở.  Người nhận kỷ niệm mà không có tình yêu là vô ơn.  Kẻ tặng kỷ vật mà không có lòng mến thì kỷ niệm là thừa, hoặc đánh lừa.

*
Vì thực tế lắm lúc nghèo nàn nên con người muốn tìm về kỷ niệm, mong gặp được bóng hình hạnh phúc để xóa bớt đi nỗi khô cằn hiện tại.  Nhưng đã có biết bao tâm hồn thở dài vì một quá khứ chỉ toàn kỷ niệm u uẩn.  Có biết bao cõi lòng phải chạy trốn kỷ niệm, mỗi lần nhớ về kỷ niệm là vết thương càng sâu và bước chân vào tương lai càng ngần ngại.  Sống trong hiện tại, con người không thể trở về quá khứ để thay đổi những gì đã xảy ra.  Ðó là sự yếu đuối của con người trước quá khứ.  Trái lại những gì đã xẩy ra ở quá khứ vẫn tiếp tục cắn rứt hay an ủi con người trong hiện tại.  Ðó là sức mạnh của quá khứ.  Tuy nhiên, đây chỉ là định luật tương đối để con người ý thức thái độ sống của mình hầu cẩn trọng gieo trồng kỷ niệm đẹp, tránh những kỷ niệm đau thương.  Trong cuộc sống, nhiều trường hợp đã xẩy ra, tôi không gieo kỷ niệm gai góc nhưng nó vẫn xẩy tới do sai lầm của tha nhân, hay sự khờ dại của chính tôi.

Như vậy, tôi bất lực trước tàn phá của kỷ niệm u buồn?

Trong thực tế, có phần đúng, nhiều người đã bất lực trước kỷ niệm đau đớn.  Vì không trốn nổi, kỷ niệm đã giết chết họ bằng con đường tự tử.  Giuđa hôn Chúa.  Nụ hôn phản bội đã là kỷ niệm bất hạnh dẫn đến cõi chết.  Con người không thay đổi được sự kiện của quá khứ.  Một mùa thu qua rồi là một mùa thu không thể thêm một cánh lá rơi.  Kỷ niệm là kỷ niệm.  Trọn vẹn.  Dứt khoát.  Kỷ niệm trong quá khứ ảnh hưởng đến hiện tại của tôi.  Nhưng, tự nó, kỷ niệm không hiện hữu độc lập mà phải có con người dựng nên nó.  Thì cũng vậy, nó không thể ảnh hưởng đến tôi như một sức mạnh toàn năng, mà vẫn chịu sự chi phối của suy tư và tự do của tôi đối với nó.  Ðời sống tội lỗi của Augustino trong những ngày ăn chơi ở kinh thành Paris không phải là những kỷ niệm đẹp.  Nhưng Augustino đã thành thánh nhân.  Trong thực tế, nhiều người không chịu đựng nổi sự tàn phá của kỷ niệm buồn.  Nhưng, cũng trong thực tế, nhiều tâm hồn đã vượt thắng.

Làm sao để xóa nhòa những kỷ niệm buồn?

*
Sự khác nhau giữa một tâm hồn đã vượt thắng được những kỷ niệm thương tích và kẻ để cho thương tích dằn vặt là một cõi lòng đi tìm những kỷ niệm đẹp hơn, là một cõi lòng mở rộng cho một kỷ niệm mới.  Tôi không thể tránh được những kỷ niệm đau buồn.  Nhưng mầu nhiệm trong cuộc đời là tôi có khả năng để mơ những kỷ niệm đẹp hơn và khả năng sáng tạo những kỷ niệm mới.  Khi đạt được những kỷ niệm đẹp hơn rồi thì những kỷ niệm buồn trong quá khứ, không hẳn là mất, nhưng phai mờ.  Khi chưa đạt được thì tôi cũng đã trên đường đi tìm kỷ niệm đẹp, điều đó cũng có nghĩa tôi đang trên đường từ giã những quá khứ u uẩn.  Trên con đường từ giã những kỷ niệm u uẩn cũng hàm ý là tôi không hoàn toàn bị nô lệ quá khứ.

Kỷ niệm đẹp không phải là thành công vật chất mà là sự tươi mát của tâm hồn.  Nói về hy vọng và đi sáng tạo những kỷ niệm đẹp hơn, thì con người, một là đạt được, hai là chưa đạt được, chứ không bao giờ có nghĩa là không bao giờ đạt được.

Tại sao?
*
Vì thời gian là tình yêu của Chúa cư ngụ.  Chúa không bao giờ rải gai trong tương lai cho tôi vấp ngã.  Một tâm hồn mở rộng cõi lòng để tìm kỷ niệm mới, họ sẽ gặp: "Ai tìm thì sẽ thấy.  Ai gõ, cửa sẽ mở cho" (Lc 11, 9-10).  Thời gian là Nước Chúa.  Trong Nước ấy: "Kẻ mù nhìn thấy, kẻ què đi được, người phong hủi được chữa lành, kẻ điếc nghe thấy, người chết sống lại và  người nghèo khổ được nghe rao giảng Tin Mừng" (Lc 7, 22-23).  Vì thế, trong Nước Chúa, tôi còn cả một vũ trụ mênh mông để sáng tạo những giấc mơ đẹp, xóa đi những kỷ niệm buồn.  Biết tôi một khi đau khổ vì kỷ niệm đen tối rồi sẽ sợ hãi và nghi ngờ tương lai, nên Chúa đã bảo đảm: "Cha ở với các con mọi ngày cho đến tận thế" (Mt 28, 20).

Lời hứa trên đây phải hiểu trong toàn mạch văn của thánh Mátthêu.  Trong chương mở đầu Phúc Âm, thánh sử giới thiệu bản tính của Thiên Chúa là làm người để ở với nhân loại: "Một người nữ sẽ sinh con và người ta đặt tên là Emmanuel, nghĩa là Thiên Chúa ở với chúng tôi" (Mt 1, 23).  Rồi những dòng chữ sau cùng, thánh sử đã kết thúc Phúc Âm cũng bằng tư tưởng đó: "Cha ở với các con mọi ngày cho đến tận thế".  Tư tưởng mở đầu và kết thúc của một quyển sách nói lên tính cách quan trọng độc nhất mà toàn bộ cuốn sách nhắm tới.  Thánh sử muốn làm nổi bật chân lý Chúa đi song hành với con người.

Bởi đó, tương lai là sự chờ đợi Chúa.  Nơi Ngài là một vũ trụ mênh mông để tôi mở lòng cho những kỷ niệm tươi đẹp hơn.

*
Chúa đã đề cao giá trị của tặng vật và kỷ niệm.  Chúa đã cho con tặng vật đẹp nhất là chính Chúa.  Xin giúp con cố gắng đem kỷ niệm đẹp đến cho người.  Một hy sinh trao tặng nhau hôm nay là một kỷ niệm có thể nẩy sinh nhiều an ủi cần thiết cho một lúc trống trải nào đó của một tâm hồn.

Và, xin Chúa cũng hãy nhắc nhở con luôn luôn khôn ngoan gieo xuống đời mình những kỷ niệm đẹp hôm nay để ngày mai con khỏi dằn vặt hối tiếc.
 
LM Nguyễn Tầm Thường, SJ.
– Trích trong “Nước Mắt và Hạnh Phúc”

c

NÉT ĐẸP ĐỜI LINH MỤC

Cuộc sống quanh ta với biết bao là nét đẹp.  Nét đẹp của hoa cỏ đồng nội.  Nét đẹp của trăng sao, cá nước chim trời.  Nét đẹp của những cánh đồng mênh mông bát ngát, hay nét đẹp của những dòng sông hiền hòa, trĩu nặng phù sa.  Nét đẹp của thiên nhiên và nét đẹp của con người.  Đó là nét đẹp của trí tuệ, nét đẹp về hình thể, nét đẹp của lòng nhân ái bao dung, nét đẹp trong những lời thơ, tiếng hát v.v…  Thế nên, một nhạc sĩ đã từng viết: “Cuộc đời quanh ta có biết bao là nét đẹp.”  Vậy những nét đẹp của đời linh mục là gì?  Tại sao đời linh mục lại có những nét đẹp như thế?
 
Trong một bài viết đã lâu, linh mục Anthony Đào Quang Chính, OP, có đề cập đến 6 niềm vui sướng và 5 niềm khổ đau trong đời linh mục: “Cái sướng thứ nhất là được gọi bằng “cha”; thứ hai là được bài hát nào đó ca tụng rằng: Chúa chọn con lên hàng khanh tướng; thứ ba là nghe tội người khác; thứ tư là ngồi chỗ kính trọng; thứ năm là không bị lo lay-off, nghĩa là thất nghiệp; và thứ sáu là cha nói một tiếng bằng chúng con nói mười tiếng.”  Suy cho cùng, những niềm vui sướng ấy chỉ dừng lại ở khía cạnh hình thức bên ngoài mà thôi.  Những niềm vui sướng ấy không nói lên những nét đẹp nơi căn tính và sứ vụ của người linh mục.  Căn tính sâu xa của đời linh mục đó chính là nét đẹp của tâm linh, nét đẹp của sẻ chia, nét đẹp của tha thứ, và nét đẹp của hy sinh.
 
Nét đẹp của tâm linh
Linh mục là con người của cầu nguyện, là thầy dạy về cầu nguyện.  Là con người của cầu nguyện, linh mục nguyện gẫm, suy niệm Lời Chúa, giảng dạy Lời Chúa, viếng Chúa, Chầu Thánh Thể và dâng Thánh lễ mỗi ngày.  Đó là những nét đẹp tâm linh trong đời linh mục.
 
Mỗi lần nguyện gẫm, linh mục có thời gian nhìn lại chính mình, nhìn lại mối tương quan giữa mình với Thiên Chúa, hay mối tương quan giữa mình với giáo dân.  Mỗi lần suy niệm hay giảng dạy Lời Chúa, linh mục phải là người để Lời Chúa soi sáng, dẫn đường để rao giảng những lời của an ủi yêu thương, những lời của sự thật và sự sống.  Mỗi lần viếng Chúa, chầu Thánh Thể, linh mục quỳ gối thinh lặng, cầu nguyện và chiêm ngắm Thánh Thể là bí tích của tình yêu, một tình yêu cao trọng, một tình yêu đến cùng mà Chúa Giêsu, vị linh mục thượng phẩm đời đời đã dành cho nhân loại.  Mỗi lần dâng Thánh lễ là mỗi lần linh mục hiệp cùng hy tế của Chúa Giêsu trên thập giá, để dâng cả những suy nghĩ, dự định, ước muốn; dâng cả những lỗi lầm, bất xứng trong đời linh mục lên cho Thiên Chúa Cha, để cầu nguyện cho bản thân, nhất là cầu nguyện cho những đau khổ của đoàn chiên mà Chúa trao phó.
 
Nét đẹp của sẻ chia
Nhiều bổn đạo đau khổ, tuyệt vọng bởi những biến cố đau thương giữa đời thường.  Họ tìm đến nhờ linh mục cho những lời khuyên, giúp lời cầu nguyện để vượt qua những khó khăn và thử thách.  Đau khổ về tinh thần lẫn vật chất.  Nhiều bà con vướng vào cảnh nợ nần, hoặc quá nghèo tìm đến với linh mục, nói thật những đau khổ ấy với linh mục, họ hy vọng được ngài sẻ chia.  Có cha mẹ nào lại không thương những đứa con đang hoạn nạn, nghèo túng của mình.  Vì vậy, người linh mục luôn đồng cảm với những nỗi thống khổ của nhiều bổn đạo trong giáo xứ mà ngài coi sóc.  Cha giúp lời cầu nguyện. Cha thăm viếng động viên.  Thậm chí cha giúp một chút tiền để họ vượt linh_muc4qua khủng hoảng và bế tắc.  Vì vậy, linh mục là người “bị ăn”, là tấm bánh được bẻ ra để phân phát cho những ai đang đói khát.
 
Nhiều linh mục tổ chức mời đoàn bác sĩ ở thành phố về nhiều giáo xứ tỉnh lẻ ở thôn quê để khám bệnh, phát thuốc miễn phí cho bà con giáo dân.  Nhiều linh mục tổ chức những đợt phát quà cho bà con giáo dân nghèo mỗi dịp Giáng sinh hay Tết đến.  Nhiều linh mục tổ chức những đợt phát học bổng cho các em thiếu nhi có hoàn cảnh khó khăn nhưng chăm chỉ học hành.  Gia đình nào có tang chế, linh mục đến hiệp dâng Thánh lễ, cầu nguyện và chia sẻ sự mất mát lớn lao.  Đó là những nét đẹp của sẻ chia và yêu thương trong đời linh mục.
 
Nét đẹp của tha thứ
Theo gương Chúa Giêsu, người linh mục là con người của tha thứ.  Ngài tha thứ cho những bổn đạo nói xấu, chỉ trích, lên án mình.  Ngài tha thứ cho nhiều hối nhân nơi tòa giải tội.  Ngài tha thứ cho những lầm lỗi, thiếu sót cho bà con đang làm việc trong các hội đoàn.  Đó là nét đẹp của lòng bao dung.  Vì yêu thương con cái nên cha mẹ sẵn sàng tha thứ, không chấp nhất những lỗi lầm, khuyết điểm của con. Vì yêu thương đoàn chiên nên người linh mục luôn đón nhận tất cả vào vòng tay nhân ái của người mục tử nhân lành.
 
Vì vậy, nơi nét đẹp của tha thứ, mỗi Kitô hữu chúng ta còn khám phá ra nơi khuôn mặt của mỗi linh mục sự hiền lành và phúc hậu.  Nét đẹp ấy đã giúp nhiều hối nhân lấy lại niềm tin yêu và cậy trông vào Thiên Chúa.  Cả thế giới vô cùng cảm kích trước nghĩa cử Đức cố Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đã tới một nhà tù, thăm hỏi và tha thứ cho người thanh niên bắn những phát súng để ám sát ngài.  Phải chăng đó là nghĩa cử xuất phát từ những gì Chúa Giêsu đã dạy và đã sống?
 
Nét đẹp của hy sinh
Làm linh mục đòi hỏi phải có sự hy sinh.  Hy sinh thời gian, sức khỏe; hy sinh những phút thư giãn của bản thân để phục vụ nhu cầu tâm linh của nhiều bà con bổn đạo; hy sinh sống đời độc thân không có vợ con để dành trọn thời gian và công việc cho việc phục vụ Giáo hội và mọi người.  Bởi vậy, nét đẹp của hy sinh được kết nên bởi những từ bỏ trong đời linh mục.  Người linh mục đúng nghĩa phải là một con người của sự từ bỏ của cải vật chất, từ bỏ những quyến luyến của tình cảm, của đam mê xác thịt, hay từ bỏ những cám dỗ quyền lực, danh vọng để sống đơn sơ, thanh thoát và dấn thân cho sứ vụ mục tử.
 
Tình yêu đòi hỏi phải có hy sinh.  Hy sinh càng nhiều tình yêu càng có ý nghĩa và đúng nghĩa.  Tuy nhiên, ngày nay, tâm lý tự nhiên ai cũng sợ hy sinh và từ bỏ.  Người linh mục sợ hy sinh vì thấy lòng mình chưa thật sự từ bỏ dứt khoát những lôi cuốn của sự đời.  Người linh mục sợ cô đơn vì động lực dấn thân vì lòng yêu mến Chúa, yêu mến Giáo hội chưa thật sự mạnh mẽ.

Vì vậy, tận trong sâu thẳm cõi lòng, nhiều linh mục vẫn chân nhận rằng mình cảm thấy cô đơn và đấu tranh với những phân mảnh trái ngược nhau diễn ra trong tâm hồn như trong “Lời Kinh Chiều Chúa nhật”, Linh mục Michel Quoit đã viết: “Lạy Chúa, chiều nay chiều Chúa nhật, một mình con quỳ đây đối diện với ngọn đèn chầu, đối diện với Thánh Thể Chúa.  Giờ này, nhiều gia đình đang sum họp ăn uống, cười nói vui vẻ bên nhau, còn con thì lặng lẽ âm thầm cầu nguyện với Chúa. 

Con bắt tay nhiều người nhưng không giữ lại một bàn tay nào cho riêng mình.  Con tiếp xúc với nhiều trẻ con, nâng niu và vui đùa với chúng.  Nhưng lạy Chúa, đó là những đứa trẻ của người khác chứ không phải là của con.  Con giơ tay ban phép lành xá tội cho nhiều người, nhưng những tội đời của con thì chỉ có Chúa mới hiểu mà thôi… Lạy Chúa, làm linh mục có những phút giây cô đơn rất thật như thế, nhưng con tin rằng những phút giây ấy là cơ hội để con trắc nghiệm lại động lực ơn gọi dấn thân trong sứ vụ đời mình.”
 
Tóm lại, trong cuộc đời này cái gì cũng đều có hai mặt.  Đời linh mục cũng vậy.  Nhiều bậc cha mẹ muốn con đi tu làm linh mục cho sướng cái thân, ra đời lăn lộn kiếm tiền, vất vả khổ cực lắm!  Nhưng họ đâu biết rằng, đằng sau những hào nhoáng, sung sướng bên ngoài ấy, người linh mục hằng ngày phải chiến đấu với bản thân, chiến đấu trong lời kinh, nguyện cầu. 

Làm linh mục có nhiều cái sướng nhưng khổ đau cũng không phải là ít, thậm chí khổ nhiều hơn sướng.  Thế nhưng, nhờ những nét đẹp tâm linh, nét đẹp của sẻ chia, nét đẹp của tha thứ, hy sinh mà người linh mục có thêm động lực tình yêu để sống trọn vẹn trong ơn gọi.  Những nét đẹp đời linh mục cho thấy Tin Mừng của Chúa Giêsu là Tin Mừng của niềm vui, của niềm tin yêu và hy vọng cho thế giới hôm nay.


LM. Nguyễn Tầm Thường, S.J


  

TẶNG VẬT CHO CUỘC ÐI TÌM

Có người Biệt phái kia mời Ngài tới dùng bữa với mình. Ngài vào nhà người Biệt phái và lên giường ăn. Và này: Một phụ nữ, một người tội lỗi trong châu thành. Biết Ngài dùng bữa tại nhà người Biệt phái, người phụ nữ ấy xách theo một bình bạch ngọc đựng dầu thơm. Ðứng phía đằng sau chân Ngài, khóc nức nở, sa nước mắt đẫm ướt chân Ngài. Xõa tóc trên đầu, cố lau sạch. Và tha thiết hôn chân Ngài và xức dầu thơm (Lc. 7: 36-38).

Mai Ðệ Liên đã tìm gặp Chúa. Tìm là giai đoạn sôi bỏng nhất của tình yêu. Gặp mặt nhau nhưng chưa chắc biết tên nhau. Biết là một chuyện nhưng có để ý nhau không lại là một chuyện khác. Cho dù có để ý nhau nhưng chưa chắc đã tìm nhau. Bởi đó, những chuyện tình đi tìm nhau bao giờ cũng là những chuyện tình không quên. Tìm nhau là giai đoạn đồng cảm nhất trong tiến trình của yêu thương. Nói đến phải đi tìm là nói đến vất vả, nên những chuyện tình tìm nhau thường là những chuyện tình gian nan.

Tặng vật là niềm tin

Ðến với Ðức Kitô, người đàn bà này đã mang theo ba tặng vật: Niềm tin, mái tóc và bình dầu quý. Tìm là xác định một điều có trong khi chưa có. Tin là có để rồi miệt mài theo đuổi điều chưa có là một thứ gian nan không dễ. Niềm xác định có càng nhiều thì mới càng có nỗ lực. Những đêm bâng khuâng gọi hồn, tiếng con tim ngập ngừng đếm từng khoảnh khắc. Và bữa tiệc chiều nay, đôi khi nghe cõi lòng chùng xuống khi hình dung ra những cái nhìn soi mói, nhưng người đàn bà này vẫn chuẩn bị cho một cuộc đi tìm rất nhiệm mầu trong linh hồn. Bà cần gặp Ðức Kitô.

Xét theo khung cảnh thì đây không phải là bữa ăn thường mà là bữa tiệc. Tôi không nghĩ rằng người phụ nữ này được mời, vì Biệt phái kết án "gái điếm và thu thuế". Người phụ nữ này đã nổi tiếng tội lỗi trong châu thành vì ai cũng biết. Nếu vậy, càng không thể là khách mời của Biệt phái. Khách được mời sẽ được lấy nước rửa chân, xức dầu và hôn chào. Vậy làm sao người phụ nữ tội lỗi này lọt được vào? Ðối với một kẻ tội lỗi bị xã hội kết án thì đi tới đâu cũng phải đương đầu với những con mắt tò mò. Có thể người phụ nữ này phải giả dạng để vào được phòng khách. Có thể cô ta lẩn đi vào ngõ sau. Có thể cô ta bất chấp mọi ngịch cảnh xông đại vào. Trong bao nhiêu giả thuyết, ta không biết cách nào là đúng. Hoặc cho dù có được vào tự do, thì điều ta biết chắc là người phụ nữ này đã phải chấp nhận những lời kết án cho một lần gặp gỡ.

Chợt đọc qua đoạn Tin Mừng, tôi thấy hình ảnh người phụ nữ ngồi khóc bên chân Chúa là một hình ảnh êm đềm. Thoáng qua, tôi thấy người phụ nữ có thể gặp Chúa một cách nhẹ nhàng. Nhưng nhìn kỹ lại, tôi thấy gặp gỡ với Chúa, cô ta phải lên đường vô cùng quyết liệt. Mình không phải là khách. Người ta dòm ngó xầm xì. Bao nhiêu người chỉ trỏ. Có khi phải bẽ mặt vì bị đuổi đi.

Trong quá khứ, không biết có khi nào tôi liều thân đi gặp Chúa như thế chưa. Những kỷ niệm tìm nhau trong gian nan là những kỷ niệm khó quên. Nếu tôi không nhớ có khi nào tôi vất vả đi tìm Chúa như thế chưa, điều đó có nghĩa là tôi chưa có những "chuyện tình gian nan", dù có đôi ba lần liều thân tìm gặp Chúa, sự liều thân ấy cũng chắc là nhạt nhẽo lắm.

Dầu thơm của khổ đau

Cho cuộc đi tìm này người phụ nữ đã mua một bình bạch ngọc, tìm loại dầu thơm quý. Tặng nhau một cành hồng, gởi nhau một lọ nước hoa là chuyện thường. Nhưng dầu thơm ở đây là hương thơm có thể bay ngược chiều gió. Bởi, nó là hương thơm của trắc ẩn, là đóa hoa lòng. Chắc hẳn tiền mua bình bạch ngọc đến từ những đêm nhục nhằn câm nín, từ nước mắt dàn dụa trên những đồng bạc bất hạnh nằm rơi vãi trên giường. Ðời là hoang vu. Cúi mặt đi trong phố vắng khi đèn chiều cứ ảm đạm. Người khách ra về, cánh cửa sập lại, cúi nhặt những đồng bạc trong cơn mệt mỏi chán chường. Người gái điếm ấy gom số tiền đã chắt chiu từ những tháng ngày cùng cực. Xuống phố, không tiếc lòng, mua một bình ngọc quý, một cân dầu thơm. Rồi, từ từ, đổ hết cho phí đi cân dầu hảo hạng, cho phí đi những đồng tiền khổ đau.

Trọn vẹn mái tóc xám hối

Tặng vật thứ ba là mái tóc của cô ta. Người con gái nào không thương mái tóc. Ở Mai Ðệ Liên chắc hẳn cũng có những ngày mới lớn như những nàng thiếu nữ Jêrusalem. Cô cũng cũng có những áng mây hồng của tuổi bâng khuâng, có cánh bướm nhỏ trong giấc mơ về đậu trên bờ tóc. Tóc mai cũng đã thương những sợi vắn sợi dài. Hôm nay, thương yêu có thể là muộn màng. Thương nhớ có khi đã mất mát. Bây giờ, thương đau là gương soi. Những sợi tóc ấy, giờ đây thả xuống cho xuôi dòng. Những sợi tóc đó nếu có một thủa mây bay tà đạo, thì hôm nay ngoan ngoãn theo lời xin xám hối. Cài vào những sợi tóc ấy là niềm tin để chải xuống một dòng đời lỗi lầm.

Lạy Chúa,
Người phụ nữ ấy đã lấy tất cả thương đau đời mình để mua cân dầu rồi đổ đi, đổ cho cạn đến giọt sau cùng. Con chỉ nhìn vào hình ảnh Chúa tha thứ tội lỗi một cách nhẹ nhàng, mà ít nhìn vào thái độ ao ước tận cùng của niềm tin, của sự quyết liệt trọn vẹn trong trái tim người phụ nữ.

Ở trong con, nhiều lần cũng tìm gặp Chúa, nhưng không bao giờ đổ tất cả cho một cuộc gặp gỡ. Bởi đó, gặp gỡ nào giữa con với Chúa cũng cứ là những gặp gỡ dang dở.

LM Nguyễn Tầm Thường, SJ



TẶNG PHẨM

Tôi đã vất vả rong ruổi đi tìm, nhưng chẳng gặp.  Miệng đã khô và bụi sương làm tóc tôi bay rối. Ngày lại ngày, tôi lục lọi những pho sách quý giá trong tủ sách loài người, nhưng tôi vẫn thất vọng. Tôi rũ mỏi đi khắp phố chợ, ngày, đêm.  Tôi hỏi bạn bè cùng các triết nhân và họ đã trả lời: Ðó là cuộc đời!

Thân tôi tội lỗi, trước Ngài, Thượng Ðế, tôi sợ đâu dám hỏi.  Nhưng đau thương cứ dâng cao và nỗi lo lắng càng ngày càng lênh láng.  Một chiều, tôi vào cuối giáo đường ngồi khóc.  Tôi khóc như một đứa nhỏ và than thở với Người như một đứa con:

- Cha ơi, con đã vất vả đi theo Cha dọc chuỗi thời gian.  Con đã vấp ngã vô vàn, và mặt mày nhơ nhớp như bây giờ Cha thấy đây.

- Cha! Sao Cha đặt con trong vòng Bóng-Tối rồi bảo con tìm về Ánh-Sáng.

- Sao Cha đặt con trong vùng Sự-Ác rồi bảo con tìm về Thiện-Hảo.

- Cha ban cho con Trí-Tuệ nhưng sao Cha lại đặt trong lòng con Trái-Tim trùng trùng, điệp điệp những Man-Mác, Lấp-Lửng.

- Trong khu vườn Già-Nua, khô cằn, Cha bảo con hãy mọc lên Xanh-Tươi và trổ sinh hoa trái!

- Cha ơi, Cha cho con Lương-Tâm, nhưng sao Cha không đem con ra khỏi căn hầm của Gian-Dối và lâu đài của Tham-Lam.

50 ATừ tâm điểm Cha đã thắp sáng trong con Ánh-Lửa-Tình-Yêu nhưng xa xa sao Cha lại vây bọc con bằng Chu-Vi-Căm-Thù.  Rồi Cha bảo: Hãy vượt qua!

Cha ơi, Cha có yêu con?

- Bao lần con lầm lũi trốn tránh vì tha nhân là vấp phạm.  Nhưng từ hút thẳm ý nghĩ Cha lại thôi thúc vang vang: Tha-Nhân là Cây-Cầu và bên kia bờ sông là chính Cha!

- Ôi, Cha đã mở cửa cung vườn tình yêu cho con bước vào.  Con đã hái Bông-Hồng và tay con đã nắm vào Gai.

Cha ơi, Cha có yêu con?

Con đã vất vả gian nan theo Cha.  Bờ vai đã lạnh và Gió-Sương vẫn nghìn dặm dõi theo.  Hai chân đã mỏi mà đường đi thì cứ mù khơi, tít tắp.

Trong vườn hạnh phúc Cha ban, con bứt giật đóa Bạch-Huệ bằng tay trái, thì tay phải đã vướng vào Sâu.

Giáo đường chẳng có ai.  Những hàng ghế dài mút mút, im lặng thẹn thùng vì những lời tôi nói. Nhưng mặc kệ, tôi cứ kể lể.  Vì tôi lo lắng và đã biết rằng đường tôi đi còn dài mà không gian là những đây đó vấp ngã, còn thời gian là những cám dỗ tiếp nối mênh mông.

Tôi kể lể cho tới khi lời tôi nhỏ lại mất hút, cho tới khi những làn sương xuống dầy đặc xóa nhòa đôi mắt, cho tới khi giáo đường tan loãng biến vào hư không.  Bấy giờ, tôi thấy một đồi cao và rừng cây trầm lặng bát ngát.  Những gió và suối tiên vang lên lời ru.  Tôi nghe như có tiếng người nói:

- Trong vùng thăm thẳm, Thẫm-Tối của Cuộc-Ðời, Cha đã ban cho con Ðức-Tin để đi.  Ðó là tặng phẩm qúy nhất.

- Trong những miên trường của giằng co giữa Con-Tim và Lý-Trí, Cha đã cho con Tự-Do để lựa chọn.  Ðó là tặng phẩm quý nhất.

Rồi, những cung điệu rất lạ đã say sưa lá của rừng, những lời ngọt ngào của suối đã ru êm bờ đá cuội trắng.  Tôi nghe như có tiếng nhạc dạt dào, và cũng trong tiếng nhạc ấy dường như có tiếng Người nói nữa:

- Ðó, tất cả là Tặng-Phẩm của Mùa-Xuân.  Ðó, tất cả là Dấu-Chỉ của Tình-Yêu.

Niềm vui và hơi ấm nhen nhúm đâu đây.  Tôi lập lại: Ðó, tất cả là dấu chỉ của Tình-Yêu.

LM Nguyễn Tầm Thường S.J
trích trong "Nước Mắt Và Hạnh Phúc"

ĐÔI ĐIỀU SUY NGHĨ

Chúa đem con vào đời, nhưng mục đích chính yếu của cuộc sống lại là chờ đợi một chuyến đi.  Sân ga không phải là quê hương của con để con bám víu và xây đắp, nhưng chỉ là bến tạm để đợi chờ con tàu. Khi nào thì con tàu sẽ đến để đem con đi?  Khi nào con từ giã cuộc sống?  Con chẳng biết được thời giờ định mệnh này.  Thưa Chúa, có điều con muốn nói là trong khi chờ đợi, trong lúc nhìn thời gian tiến về điểm mốc trọng đại ấy, con luôn luôn cần hạnh phúc.

Suy tu

Con đã cảm nghiệm được nhiều thứ hạnh phúc.  Hạnh phúc khi nhận được tin vui.  Hạnh phúc đến từ một tâm hồn biết thông cảm.  Hạnh phúc đến từ sự thành công trong công ăn việc làm.  Nhưng, những hạnh phúc ấy vẫn chẳng làm con an lòng.  Con vẫn lo âu.  Những hạnh phúc ấy vẫn là bấp bênh.  Quá khứ minh chứng rằng nhiều lần con đã mất hạnh phúc ấy.

Vì những hạnh phúc ấy có thể mất nên cũng có những ngày tháng con sống không niềm vui, chung quanh con là sa mạc.  Mà đời người thì chẳng thể sống không niềm vui.  Nên con đi tìm niềm vui mới. Có khi con oán giận Chúa, bỏ đời sống đức tin để tìm bất cứ một an ủi nào đó.  Trong những giây phút ấy con thường tìm hạnh phúc trong tội lỗi.  Con không nhìn thấy những tàn phá của tội mà con chỉ thấy những hứa hẹn và bóng mát của tội mà thôi.  Thật sự con chẳng muốn bỏ Chúa bằng con đường chủ tâm sống trong tội.  Con vẫn biết con không thể sống thiếu Chúa, nhưng trong yếu đuối của đời mình, con đã thấy quyến rũ nơi tội mạnh hơn hạnh phúc do đời sống đức tin đem lại.

Hạnh phúc thật thì chỉ có một định nghĩa.  Nếu con đi tìm bất cứ hạnh phúc nào ngoài thứ hạnh phúc thật đó, con sẽ hoang mang và hụt hẫng.  Hạnh phúc thật đó chỉ có Chúa mới cho con được mà thôi. Chúa là nguyên ủy của tất cả, thì hạnh phúc cũng phải do Chúa là nguyên nhân.  Bởi đấy, khi con đi tìm niềm vui ngoài nguyên nhân tối thượng là Chúa, con sẽ gặp thất vọng.

Khi con phạm tội, tội cũng cho con một chút “niềm vui”.  Nhưng tội làm con xa Chúa.  Niềm vui hay hạnh phúc là lúc trầm mình thưởng thức trong dòng nước chảy của dòng sông.  Mức độ và sắc thái khác nhau của hạnh phúc tùy thuộc vào nguồn gốc của dòng sông ấy.  Chúa là nguyên nhân của một thứ hạnh phúc.  Tội cũng sinh ra một dòng hoan lạc.  Nguyên nhân khác nhau thì hạnh phúc hay hoan lạc đến từ các nguyên nhân đó phải khác nhau.  Từ sự khác nhau ấy, con chọn lựa cho mình một dòng sông.  Dòng sông hạnh phúc của Chúa hay đôi bờ hoan lạc của tội.

Con là một tạo vật hữu hạn.  Thứ hạnh phúc của tội cũng là một sản phẩm hữu hạn, bởi vì chính con tạo nên nó.  Vì con tạo nên nó, do đấy, nó chẳng bao giờ thỏa mãn con được.  Hạnh phúc của con hệ tại bám vào hạnh phúc tự thể là Chúa.  Nên khi con mất cái tự hữu để ký sinh thì con chênh vênh và hao hụt ngay.

Tội làm con xa Chúa.  Chúa xa con không phải vì Chúa bực mình, ghen tức.  Dù con thánh thiện tới đâu đi nữa thì cũng chẳng vì thế mà sự trọn hảo của Chúa thêm trọn hảo hơn.  Dù con có cầu nguyện thiết tha đến đâu đi nữa thì chẳng vì thế mà Chúa được cao cả hơn.  Tự Chúa đã tràn đầy tất cả.  Chúa chẳng cần gì.  Nếu con cầu nguyện là con bám vào sự trọn hảo của Chúa để được thương ban mà thôi.

Tội là thái độ tự do để lựa chọn một đối tượng ngoài Chúa.  Khi phạm tội là con nghe theo một tiếng gọi khác, chấp nhận một đối tượng khác.  Khi con chấp nhận một đối tượng khác rồi thì lẽ dĩ nhiên là Chúa phải xa con.  Chúa không áp bức con bằng sức mạnh, bằng quyền năng, nhưng Chúa kính nể sự tự do của con.  Khi con phạm tội, khi con lựa chọn một đối tượng rồi thì Chúa muốn ở với con cũng không được vì con đã dành khoảng trống của lòng mình cho một chủ khác rồi.

Khi con kiếm tìm niềm vui nơi tội là con tạo nên cơn bão táp cho chính vườn rau của mình.  Càng để tội lỗi làm chủ con tim mình thì Chúa càng phải ở xa.  Mà Chúa càng xa thì hạnh phúc thật càng mù tăm, khuất bóng.  Lý tưởng cuộc đời con là kiếm tìm và quy về nguồn cõi hạnh phúc thật đó.  Do vậy, càng xa nguồn hạnh phúc thật thì con càng đánh mất ý nghĩa cuộc sống.  Mà không còn ý nghĩa thì cuộc sống trở nên man dại, tính toán, lo âu, giành giật, hận thù và chán chường.

Khi con phạm tội là con phá hủy hết tất cả tự do của con.  Cơn bão táp ấy xóa nhòa nhân phẩm của con.  Tội là điều xấu.  Con không muốn để người khác biết những điều xấu xa của con.  Từ đó, con có hai khuôn mặt.  Một khuôn mặt thật và một khuôn mặt để “show up”, trình diễn để tha nhân nhìn vào.  Khi con giấu kín khuôn mặt thật tội lỗi để phô bày khuôn mặt giả cao thượng là con xây dựng giá trị của mình trên sự lầm lẫn của tha nhân.  Con lừa dối kẻ đối diện.  Nếu con còn may mắn để nhìn thấy rằng mình có hai khuôn mặt mỗi khi xét mình thì con còn lương tri để biết rằng mình chỉ lừa gạt người chứ không lừa dối mình.  Nhưng ngày nào đó, con lẫn lộn giữa thực và hư.  Ngày nào đó, con người để trình diễn kia rợp bóng đến nỗi con chỉ thấy nó là chính mình và con tin nó là khuôn mặt thật của mình, con không còn thấy bóng khuôn mặt thật của con đâu nữa thì ngày đó con chẳng còn gì.  Con đã là nạn nhân của sự giả tạo.  Gian dối với tha nhân đã nên lừa đảo chính mình.

Khi tha nhân tưởng con là gương mẫu của đời mà con không là gương mẫu thì con sẽ lo âu cho cái ngưỡng mộ kia bị đổ vỡ nếu tha nhân nhận ra con người thật tội lỗi của con, cho nên con lại càng phải cất giấu con người đó kỹ hơn.  Bởi đấy, tội cướp mất tự do.  Sống trong tội, con phải sống trong hồi hộp, gian dối, lo âu.

Chẳng có người cha nào không mủi lòng khi thấy đứa con mình sắp xuống tắm trong dòng sông ngầu vẩn rác đục.  Vì kính trọng tự do Chúa đã ban cho con, nên Chúa biết con xa Chúa là đời con sẽ chán chường, Chúa cũng đau khổ, nhưng Chúa chẳng thể cưỡng bách con chọn Chúa được.  Mà thật sự con cũng không muốn mất tự do.  Hành vi chọn lựa là một thú vui chan chứa của tự do.  Không có tự do sẽ là gỗ đá.  Nếu con không phải là gỗ đá, nếu con có tự do, thì con phải biết lo âu biết bao về sự tự do của mình.

LM Nguyễn Tầm Thường

 
 
 



Tình Yêu và Hôn Nhân

Ý nghĩa sâu thẳm của tình yêu được minh chứng bởi xa cách, vắng mặt hơn là xum họp?

Khi con tàu chuyển bánh thì bến ga cũng nhạt nhòa, bởi đấy, xa nhau, người ta thường quên nhau. Tàu đi rồi, bến ga có thể chơ vơ trong sương bụi chiều hôm, nhưng đường tàu vẫn còn đó. Nếu xa nhau mà vẫn nối dài mến thương, như đường tàu trung thành làm dòng máu luân hoán yêu thương giữa con tàu cách xa và bến đỗ mong chờ, thì đấy mới là yêu thương đích thực.

Chia ly, tình yêu dễ bụi mờ, bởi trong xa cách là lúc tình yêu lên cao vút trên quãng đời mênh mông những lựa chọn, là lúc tình yêu xuống thẳm sâu dưới lũng đồi cám dỗ.

Hạnh phúc tạm dung thì bắt buộc phải gần gũi, vì hạnh phúc ấy không được thụ thai bởi tình yêu vượt núi đồi mà là hoa trái của khu vườn gần gũi. Hạnh phúc ấy bị vây bọc bởi bến ga chật hẹp. Do đó, vắng mặt người này, xa cách người kia, tình yêu biến dạng và phai màu. Ðấy là hạnh phúc của con tàu khi cập bến đỗ chứ không phải yêu thương của đường tàu nối dài viên miễn.

Nếu tình yêu được sinh bởi chọn lựa trong tự do, thì có thể mịt mùng xa cách, có thể thăm thẳm chia xa mà vẫn rực rỡ trong không gian. Chọn lựa là bao hàm từ chối. Chối từ là dứt bỏ. Dứt bỏ nào cũng thường có phần xót xa. Chính vậy, tình yêu trong tự do là tình yêu có ray rứt giữa những giằng co của lựa chọn, là tình yêu có đau khổ của một chối từ. Chính Thượng Ðế cũng đã đớn đau trước giờ chọn lựa: "Lạy Cha, nếu được, xin Cha cất chén đắng này cho con" (Mk. 14:36). Người yêu cần tự do để xác định tình yêu của mình. Ðau khổ của chối từ, ray rứt của chọn lựa minh chứng sự cao cả của tình yêu mình dành cho người yêu.

Tình yêu không tách rời khỏi thời gian, mà thời gian thì luôn luôn đổi mới, bởi thế, tình yêu không thể chọn lựa một lần là xong, cưới nhau một lần là đủ, mà tình yêu cần được rửa tội mỗi ngày, cưới nhau mỗi sáng. Chính mặt trời còn lột xác, khai sinh sau mỗi đêm đen, cho nên hôn nhân là tái xác nhận chọn lựa không ngừng.

Vì sự bất toàn của mình, con người không thể có một lựa chọn hoàn hảo tuyệt đối. Hôn nhân là chọn một người tình và chối từ những người tình khác. Nhưng bởi sự bất toàn, nên chọn lựa đó chẳng thể trọn vẹn, cho nên từ sâu thẳm trong căn hầm tham lam, đôi lúc họ khổ tâm vì mất mát do những mối tình khác mà họ phải chối từ. Họ bất toàn nên không thể cho nhau sự hoàn hảo. Từ đấy, họ mơ màng một tình yêu nào đó ngoài tình yêu mà họ đã lựa chọn, cho nên sự trung thành là thử thách lớn lao của tình yêu hôn nhân.

Yếu tính của trung thành là khả năng có thể vượt qua rừng sâu, trèo qua núi đá, có thể song hành với thời gian, và thế, tình yêu phát sinh từ sự trung thành sẽ bát ngát như vũ trụ và thênh thang như núi đồi.

Trong tình yêu, ràng buộc chính đáng nhất là hãy để nhau lớn lên trong tự do. Ý nghĩa cao cả của tự do là thành thực với chính mình và ngay thẳng với người tình. Hãy cho nhau tự do nhìn khuôn mặt thật của nhau. Ðừng tạo nên giá trị của mình bằng cách để người tình ngưỡng mộ những điều mình không có.

Vì tình yêu cũng là một thứ nhu cầu, bởi đó, người ta mới nói đến chinh phục. Có khó thì mới phải chinh phục, nên khi chinh phục người ta dùng mọi tài năng. Trong những tài năng tích cực, có một thứ tiêu cực là tạo ra một hình ảnh đẹp, nhưng không đúng với con người thật của mình.

Vì tình yêu cũng là một thứ nhu cầu, bởi đó, người ta nói đến tiếng sét ái tình. Ðã mê hoặc thì phải chiếm đoạt, nên chiếm đoạt trong tình yêu bao giờ cũng pha trộn mù quáng. Cần phải chiếm đoạt, nên người tình thường biện minh, rồi gán cho người yêu những đặc tính mà người yêu không có.

Tạo ra giá trị mình không có là lừa tha nhân. Gán cho tha nhân giá trị họ không có là lừa mình. Cả hai thái độ đều nguy hiểm như nhau. Cả hai thái độ đều là xây dựng giá trị trong thiếu tự do, lầm lẫn. Lầm lẫn không biến đổi bụi than thành kim cương, đá cuội thành ngọc qúy. Sớm muộn gì rồi cũng khám phá ra con người thực của nhau. Ngỡ người tình là kim cương, nhưng thực tế là đá cuội. Thất vọng, ở đó, bắt đầu nẩy sinh. Trung thành, từ đấy, bắt đầu lung lay. Tình yêu sống bởi sự thực, thiếu vắng sự thực tình yêu sẽ u buồn, ủ dột. Thiếu sự thực, tình yêu không còn là cây leo hạnh phúc trong mùa xuân, mà là bủng vàng xanh xao.

Hôn nhân là loài tằm chất phác và kiên nhẫn. Là loài dâu thật thà biết hy sinh. Là tằm, là dâu, chúng chung khúc yêu thương, âm thầm, gắn bó với nhau, góp nhặt hạnh phúc, chúng nhả tơ, dệt lụa óng ả cho đời.

Còn tình yêu của bầy ong với đám hoa cải, cho dù dẫu dễ thương đến đâu chăng nữa, trên da mặt chúng vẫn là mơ màng quyến rũ tình yêu bằng đỏm dáng, và thèm muốn tình yêu qua mật ngọt. Bởi đấy, chỉ là hạnh phúc bấp bênh.

Luống cải kia, cánh ong đó đã nghèo nàn hóa tình yêu của nhau bằng chiếm hữu. Chúng hạn chế hạnh phúc của nhau vì đánh giá tình yêu qua duyên sắc bên ngoài mà thôi. Tình yêu của cả hai đã thai nghén trong thiếu tự do vì sự hiểu biết bị lừa gạt, lòng thật thà bị lãng quên.

Như thế, khi mùa cưới đến, lúc tình yêu của chúng sáp lại. Khi thèm muốn và chiếm đoạt đã theo dòng thời gian thiếu thật thà ấy mà trưởng thành thì cũng là lúc buồn chán đã sẵn chờ đàng sau môi hôn.

Chúng nô lệ hóa nhau mà gọi là tự nguyện.

Chúng mang thương tích nhưng phải gọi là nỗi thương đau dịu dàng.

Chúng trao nhau tình yêu thể nào thì tình yêu cũng dầm bập chúng thể ấy. Bởi, chúng đã dệt tổ yêu thương bằng tơ lụa gấm vóc hơn là sự hiểu biết. Chúng nhìn tình yêu qua nhan sắc hơn là tâm hồn.

Có người hỏi: Sao các đôi tình nhân lại nhắm mắt mỗi khi hôn nhau?

� Có phải, dẫu trong tha thiết thế nào, họ vẫn yêu một phần bóng tối?

� Có phải, dẫu trong hạnh phúc sóng sánh đến đâu, cũng vẫn có một phần thiếu thật thà?

Nếu họ bất tòan, nếu họ chẳng thể trọn vẹn trao nhau thì sao họ lại mơ ước "tôi hóa" tha nhân? "Tôi hóa" tha nhân là bắt tha nhân nên giống như mình. Ðấy là tình yêu ích kỷ, là tàng tật hóa người yêu. Người yêu là của mình, nên khi tàng tật hóa người yêu thì cũng là tàng tật hóa chính hạnh phúc của tôi.

Kẻ muốn đồng hóa tha nhân trong tình yêu là những đôi tình nhân yêu nhau hơi gặp hơi, thở gặp thở mà vẫn như mênh mông xa cách, vẫn như khắc khoải kiếm tìm. Họ khắc khoải kiếm tìm vì chẳng bao giờ con người có thể "tôi hóa" được nhau. Bắt người khác giống mình là hủy diệt tự do và bản tính của người đó, càng bắt họ giống mình bao nhiêu thì sự hiện hữu của họ càng mất đi bấy nhiêu. Tôi muôn đời vẫn là tôi. Tha nhân nghìn đời vẫn là tha nhân.

Nếu tha nhân là tha nhân, tôi là tôi, thì làm sao có thể nên một trong tình yêu như lời Kinh Thánh mong mỏi?

Kẻ nên một trong tình yêu là những đôi hôn nhân đem sự khác biệt của nhau làm nên phong phú của một kết hợp. Khi nói nên một thì phải chấp nhận là đã có hai. Làm sao có kết hợp nếu không có khác biệt. Như thế, khác biệt đã là điều kiện cần thiết cho kết hợp. Trong ý nghĩa đó, khác biệt phải có một giá trị tự nó. Kết hợp không biến hóa nguyên thể của các khác biệt mà là một luân vũ nhịp nhàng. Ðó là một hoà âm trầm bổng của các đơn thể khác nhau chứ không phải là đơn điệu. Ðó là kết hợp của âm nhạc, của vũ trụ, của tình yêu. Kẻ lớn lên trong tình yêu hợp nhất là những đôi uyên ương nửa bên bờ đại dương, nửa trên "cánh đồng nước mặn" Việt Nam mà tình yêu của họ vẫn chập chùng qua biển cả, bàng bạc qua không gian.

Con tàu chỉ tới bến trên tuyến đường sắt song hành. Sự nên một của tuyến đường là cùng sóng đôi chứ không phải là cùng chạm nhau. Mất sự sóng đôi, con đường đánh mất bản tính của mình. Mất sự song hành thì tuyến đường không còn là tuyến đường nữa, bởi, sự hợp nhất căn tính của nó hệ tại cùng sóng đôi đi về một hướng.

Hôn nhân là nên một trong tình yêu. Nên một trong tình yêu là nên một trong hòa đồng chứ không phải nên một bằng đồng hóa.

Kinh Thánh bảo: Phải nên một!

Ôi! đâu là ý muốn thâm sâu của Thượng Ðế.

Cẩn thận! Nếu không đấy chỉ là những lời lừa dối mà thôi. Bởi, chính trên bàn thờ mà hai cây nến cũng có bao giờ dám cháy cạnh nhau đâu

LM Nguyễn Tầm Thường



Kẻ đi tìm

– Nguyễn Tầm Thường
“Con chồn nghển đầu, cố nhìn qua hàng rào. Mùi hương của mậtnho chín trong vườn làm nó chảy rãi. Qua cái lỗ nhỏ chân tường, nóchúi đầu chui vào. Mùi mật của vườn nho làm nó càng tham, sân, si. Lầm lũi, ngày ngày nó đến ướmmình vào lỗ chui ở chân tường. Không chui nổi. Nó nhịn ăn cho đến một ngày đủ gầy để lách qua, chui vào vườn nho. Một ngày hân hoan. Nó tưởng như thiên đàng bất tận. Mùa nho sai chín. Nó say sưa ăn uống cho thỏa mãn dục vọng, cho đã những ngày thèm khát chờ mong.

Bất chợt ngày kia có tiếng động rất lạ. Mùa gặt đến. Các tá điền bắtđầu theo chủ đi hái nho. Cái bất tận của thiên đàng không còn nữa. Mỗi ngày tá điền các đến gầnkhu vườn nho nó đang náu thân. Ánh trăng không còn an bình. Đêm về nó nơm nớp lo âu. Liệu ngày mai nhóm tá điền đến khu an toàn nó náu thân chưa? Bây giờ hương thơm của mùi mật trở thành chán ngấy. Mỗi ngày đám táđiền ồn ào gậy gộc đến gần chỗ nó ẩn náu. Nó trở về góc tường ngày xưa. Tìm về lỗ chân tường ngày xưa chui vào. Than ôi, cái béo phì không đẩy được thân xác ra nữa. Ai sẽ cứu nó? Cái bừng tỉnh của nó, bây giờ làm sao thoát thân?

Có những thèm muốn đưa đời đến dang dở. Có ước mơ ôm vào là rơi vào những tham, sân, si, khổlụy. Chỉ còn con đường hạnh phúclà tìm cách chui qua lỗ chân tường. Trở về kinh nghiệm ngày xưa. Ngày đó nó nhịn ăn cho ốm người để chui vào. Bây giờ nó lại nhịn ăn để chui ra.

Nó nhất quyết nhịn ăn. Gầy ốm dần, tiêu đi cái bụng chềnh lềnh, một hoàng hôn nọ, nó lách được qua lỗ hổng chân tường, biến ra ngoài. Hú hồn, nó chạy thẳng cẳng, thoát chết.

Một đêm trăng vắng yên lặng, nó ngồi nhìn ánh trăng mênh mông. Trong bóng đêm vằng vặc, con chồn nhìn lại đời nó, nó nói với đời:
- Tất cả chỉ có thế. Cái khổ lụy như mồi chài bắt bóng.

Thoái chết chui được ra ngoài. Bây giờ nó mới thấy được cái hương mật của mùa nho không làhạnh phúc. Ngồi một mình trên tảng đá cao. Đêm trăng êm đềm đổ xuống cánh đồng. Nó nhìn bóng nó in trên nền cỏ thinh vắng, hướng về vườn nho. Vườn nho vẫn nhẹ nhàng tỏa hương thơm mặn mà. Nó nói với đời:

- Tất cả chỉ có thế. Boăn khoăn khốn khổ vì hương thơm và rồi khốn khổ để thoát khỏi mùi hương.

Những ngày ăn uống thỏa thuê trong vườn nho, nó tưởng là bất tận. Nó thấm thía về những ước mơ. Tại sao ngày nào mùi mật là thèm muốn mà hôm nay là chán bứa. Tại sao ngày nào hương thơm là khoái lạc mà hôm nay là ghê tởm. Nó ngồi trên ghềnh đá, nhìn về khu vườn mà kinh hoàng. Nó hiểu thấm thía, mùi hương không thay đổi. Mùi mật không biến thể. Tùy cõi lòng mà nó thấy thèm muốn hay chán bứa. Tùy tâm đạo mà miếng ăn là sự sống hay cõi chết. Nó nói với bóng nó mà như nói với đời:

- Hạnh phúc không phải là thỏa mãn nhu cầu. No thỏa của tâm trí khác với no thỏa của thân xác. No thỏa của thân xác là một ồn ào réo gọi. No thỏa của tâm linh là một êm đềm chọn lựa. Sung mãn của tâm hồn là một chọn lựa riêngtư. Sung mãn của thân xác là một xô đẩy của đám đông.

Hôm nay, người ta khó nhìn thấy cái riêng tư của tâm hồn, vì ồn ào của đám đông quá rực rỡ. Những ngày trong vườn nho, tôi chỉ ăn và no say. Tôi mất ánh trăng. Tôi chụm mình vào trong mật, tôi mấtlối mòn thong thả ngoài cánh rừng. Cuộc đời không oan trái, oan trái là lòng mình. Ai trong mình cũng có một năng lực khổng lồ. Tôi nhịn đói để chui mình vào được. Tôi cũng có thể nhịn đói để thoát thân. Năng lực, khả năng đó là ép thân xác mình. Cùng một năng lực ép xá nhưng một lần là đưa đời vào cõi chết, một lần là đi tìm tự do.
Bởi thế, khôn ngoan và khờ dại không hệ tại cạm bẫy của đời mà là tự mình nhìn đời thế nào. Đừng trách cứ cuộc đời.




Để tự do và hạnh phúc hơn

Bỗng nhác thấy bóng ngựa phóng qua. Kẻ trên lưng ngựa chính là người bạn thủa xưa cùng nhau tầm thầy học đạo. Cất tiếng gọi, mà bóng ngựa cứ nước kiệu phóng đi như bay. Băn khoăn về người bạn cũ thủa nào. Nhà đạo sĩ lên đường xuôi phương nam tìm ngọn núi có am thất của kẻ đồng môn. Tới nơi, nhân gian cho ông biết am thất không còn ai trông coi. Kẻ trụ trì đã chết rồi. Tính ra, đúng ngày mà có bóng ngựa đi qua.

Ngày xưa hai người có một lời hứa: Ai chết trước sẽ về báo cho kẻ ở lại biết thế giới bên kia thế nào. Phải chăng bóng ngựa là hồn người bạn cũ?

Ðêm đó, bên rừng am thất, bỗng có người cầm tay nhà đạo sĩ dắt đi. Quay nhìn, chính hồn người bạn cũ hiện về!

– Này, bạn cũ, xin nói cho tôi biết thế giới bên kia thế nào.

Hồn người chết lẳng lặng kéo nhà đạo sĩ theo mình. Qua khu rừng, rồi một hoang địa. Có tiếng nói từ đâu đó:

– Ði về phía đông mươi trượng, vào đường hầm. Ði xuống trăm bước. Ði lên. Về phía nam.

Thoát chốc, hồn người bạn cũ biến mất, bất ngờ như khi hiện đến.

Mơ hồ như trong giấc ngủ mộng mị. Con đường về thế giới bên kia bắt đầu. Hồn nhà đạo sĩ theo tiếng gọi huyền bí dẫn đi. Qua nhà, qua cửa. Ông nghe có tiếng cầu kinh. Trời đổ mưa. Ngoài cánh đồng có người làm việc. Hoàng hôn lên, bình minh xuống. Bé thơ ngồi xem mẹ xay bột bên khuông cửa. Êm ả, một đời sống thanh bình. Ông hỏi tiếng vọng:

– Thiên đàng đâu?

Một quang cảnh tương tự như cuộc sống bình thường chung quanh ông trên dương thế đang diễn ra. “Ðó, ông đang đi qua thiên đàng đó.” Nhà đạo sĩ không thấy chi thần tiên như người ta nói, không có các vũ công vũ khúc nghê thường. Không có yến tiệc linh đình. Một sinh hoạt như cuộc

sống trên dương thế của ông thôi. Kì lạ quá. “Thiên đàng có vậy thôi sao? Còn hỏa ngục thế nào?” Ông ngạc nhiên về những hình ảnh thiên đàng, hỏa ngục mà ông vẫn dạy trong những bài thuyết giảng của mình.

Qua thiên đàng rồi, tiếng vọng dẫn ông sang một thế giới khác. Chập chờn, ông lạc vào một vùng như hoang tưởng. Chung quanh ông là những tòa nhà sang trọng. Có những toán người ca hát nhẩy múa thâu đêm suốt sáng. Yến tiệc bày biện tưng bừng. Chỗ nào ông cũng thấy xa hoa, phấn hương. “Có phải đây mới là thiên đàng chăng?” Ông ngạc nhiên không hiểu nơi này là gì mà hạnh phúc phúc thế. Nhưng có tiếng bí mật trả lời ông: “Không! đây là hỏa ngục!”

Qua sảnh đường, ông nhác thấy có người quen, chính hồn người bạn cũ năm xưa! Ông ta đang ngậm miệng cố nuốt những dòng rượu chảy nhễ nhãi. Chung quanh sàn nhà cẩm thạch, đoàn vũ nữ nhẩy múa. Nhóm người khác đang chia nhau tiền bạc. Tiền đâu mà nhiều thế. Họ đếm thâu đêm suốt sáng không hết. Chỗ nọ, đoàn nhạc công mồ hôi nhễ nhãi oằn oại trên tiếng đàn. Họ ăn chơi không ngơi nghỉ. “Thế này nghĩa là gì? Ðâu là thiên đàng? Ðâu là hỏa ngục?”

* * *

Ðược giác ngộ, nhà đạo sĩ mới thấy những gì hiểu về thiên đàng, hỏa ngục của ông xưa kia non nớt quá. Ông vẫn nghĩ rằng thiên đàng là nơi không phải làm việc, chỉ có ăn chơi, tung tăng nhàn hạ suốt ngày. Hỏa ngục là nơi cực hình, không có ăn chơi, chỉ quần quật làm việc. Bây giờ trái ngược lại. Nhưng ông đã hiểu. Cái bi thương hệ tại là thiên đàng có tự do, hỏa ngục là đường một chiều, không có chọn lựa.

Ông thấy người bạn cũ sống trong căn nhà lộng lẫy, không phải làm việc gì, chung quanh là nhạc khúc dập dình. Mới đầu ông nghĩ thế thì hạnh phúc quá. Nhưng hồi lâu, lâu nữa, một ngày, hai ngày, rồi một năm, hai năm, nếu dòng rượu cứ suốt ngày đêm tuôn chảy và người bạn cũ của ông cứ phải oằn oại uống như thế suốt năm này qua năm nọ thì sao? Ông ớn đến lạnh người. Nhìn chung quanh, ông thấy quả là một thế giới kinh hoàng. Tốp người đang khiêu vũ kia cứ oằn oại trong điệu nhạc, ngày này qua ngày nọ. Họ không được đi đâu, không phải làm gì, đời họ bây giờ

chỉ là khiêu vũ, ngày, đêm. Ông đứng nhìn những khuôn mặt thất thần. “Họ đã ở đây bao lâu? Họ đã phải đếm tiền thế kia từ thế kỉ nào?” Chung quanh ông không còn là hạnh phúc vì tiếng đàn, vì những khăn bàn bằng lụa quý, những chén ngà chạm vàng nữa. Ông thấy một thế giới cô độc khủng khiếp. Nhìn người bạn cũ, ông thấy đôi mắt đỏ ngàu, lờ đờ. Môi miệng sưng lên, nhưng ông ta không nghỉ được, dòng rượu cứ chảy và ông cứ ừng ực mà uống.

* * *

Những ngày còn lại cuối đời của nhà đạo sĩ, ông nhìn lại những lời giảng thuyết của ông ngày xưa thế nào là hạnh phúc, thế nào là đau khổ. Ông thấy những suy tư ấy non yếu quá. Trầm ngâm hơn, ông viết cho người môn sinh của mình về thiên đàng và hỏa ngục như sau:

Con thân mến,

Thiên đàng là nối tiếp hạnh phúc chúng ta sống trên cõi trần. Hỏa ngục là xây tiếp những nô lệ nội tâm chúng ta đang xây dở dang.

Con đừng cầu xin Thượng Ðế cho con bất hạnh đời này để được hạnh phúc đời sau. Con phải nỗ lực vươn lên mà loại bớt bất hạnh. Thượng Ðế không muốn con người đau khổ. Ðến trong trần gian, Ðức Kitô cho người đói ăn, người què đi, người mù nhìn thấy, người phung hủi được sạch, người chết sống lại. Ðau khổ, tự nó là điều xấu. Ngài không muốn.

Con hãy xin Thượng Ðế cho con hạnh phúc đời này, như hình ảnh báo trước một hạnh phúc thật bao trùm đời sau. Và hãy hết sức làm đẹp thế giới con đang sống chung quanh bằng con đường xây dựng hòa bình, công chính, yêu thương để con người cảm thấy vị ngọt hạnh phúc mai sau sẽ dạt dào thế nào.

Con đừng vì lười biếng không nỗ lực xây dựng cuộc sống hạnh phúc hôm nay rồi tự an ủi hứa thiên đàng là hạnh phúc tương lai.

Hỏa ngục không là hình phạt Thượng Ðế sắm sẵn như một nhà tù xây nên rồi chờ xem ai lỗi phạm thì bắt vào. Hỏa ngục cũng giống thiên đàng, cuộc sống ấy là kéo dài những dở dang của con người trong cuộc sống hôm nay. Nếu dang dở ấy là hạnh phúc thì con sẽ hạnh phúc tiếp đời sau, đó là thiên đàng.

Nếu dang dở ấy là bất hạnh thì đời sau là bất hạnh tiếp cái dang dở ấy, đấy là hỏa ngục. Con hoàn toàn lựa chọn cho mình. Căn nhà hạnh phúc con đang xây dở thì khi chết rồi, con sẽ tiếp tục xây hạnh phúc ấy. Con xây ngục thất, thì khi chết rồi con sẽ phải tiếp tục xây cái ngục tù dở dang của bất hạnh đó.

Tội là con đưa một đam mê lên thành lí tưởng để theo. Hạnh phúc là sự hài hòa của mọi thứ say mê.

Tình yêu, tình dục, lòng thèm muốn, ghen tương, nhan sắc, tiền bạc, giận hờn, sức khỏe, trí tuệ, vật chất, tinh thần… tất cả làm nên con người chúng ta. Hạnh phúc là khi ta quân bình và hài hòa nó. Chẳng hạn như nhan sắc, đó là nghệ thuật, nó đem hạnh phúc cho người, cho mình. Nhưng nó phải hài hòa trong nhân đức, thật thà, đoan trang. Khi con người để nhan sắc thành lí tưởng cao nhất để theo thì giống như một bức tranh thêu, nhan sắc sẽ tiêu diệt những đường chỉ thêu khác. Lúc ấy lòng thương xót sẽ chết trước cửa nhà người nghèo khó, lòng bao dung chìm dần, niềm tự kiêu dâng lên.

Con sẽ dùng mọi tiền bạc cho tấm thân thôi, những tốn phí có thể lỗi công bình, vì con không còn lòng thương xót cho những kẻ phải sống không đúng phẩm giá con người chỉ vì nghèo. Không có một chút ghen, có lẽ cuộc sống cũng khô khan lắm. Không có tình dục, con người sẽ đi về đâu. Giận hờn cũng thế, nó cho người ta những giây phút “đau thương êm ái.” Nhưng chúng phải hài hòa.

Con thấy đó, hỏa ngục là nơi không còn hài hòa. Kẻ nhẩy múa là thâu đêm suốt sáng nhẩy múa. Kẻ uống rượu là phải uống triền miên. Khi sống, họ chọn một đam mê rồi đưa lên thành lí tưởng để theo, thì khi chết họ cũng theo lí tưởng đó mà sống. Hỏa ngục hệ tại là đó.

Tội làm con người mất hạnh phúc. Nhưng mất hạnh phúc bằng cách nào? Tội là thần tượng một đam mê. Khi một đam mê lên cao thành thần tượng thì nó thống trị mọi suy tư khác. Kẻ ấy lúc nào cũng bị ám ảnh bởi đam mê đó. Ðam mê độc tài này đẩy con người vào hành động. Lúc ấy, con người mất tự do. Bị đam mê điều khiển thì cuộc sống thành đường một chiều. Trên đường một chiều này, hễ ca múa là thâu đêm suốt sáng ca múa. Hễ say đắm tình dục thì ngụp lặn trong dục tính. Hài hòa bị tan vỡ. “Nô lệ là kẻ để cho bất cứ sự gì đó thống trị mình” (2 Phêrô 2:19).

Hạnh phúc, đau khổ là những định nghĩa đơn sơ thôi. Thiên đàng và hỏa ngục ở khắp nơi trên cõi thế này. Bởi đó, con không cần mong người sau hiện về nói cho biết. Chính Kinh Thánh cũng chẳng cho ai từ cõi chết về để nói về thiên đàng, hỏa ngục. Ðây là thế giới riêng tư của mỗi người, thì làm sao con biết thiên đàng của kẻ khác được? và con cũng đâu cần điều ấy, phải vậy không? Cúi hỏi tâm hồn mình, nhìn xem có đam mê nào con đang đưa lên thống trị suy tư, hành động trong đời sống của con. Nơi đó con sẽ thấy thiên đàng hay hỏa ngục.

* * *

Khi của cải bị cô lập một mình, xa cách sự độ lượng, lòng thật thà, tâm tình bao dung, thì nó không còn bè bạn. Nó trở nên độc tài. Nó trả thù lại kẻ đã cắt đi những liên hệ mà nó phải có. Nghi ngờ đi với thành thật và độ lượng sẽ thành khôn ngoan. Có sức mạnh nhưng thiếu tâm hồn sẽ thành hung bạo. Tình dục đi với lề luật sẽ phong phú tình yêu. Tự bản chất, tất cả nó đã được sinh ra trong những liên hệ hài hòa ấy. Khi ta chọn một mà thôi đời sống sẽ nghiêng đổ.

Nhà đạo sĩ thấy nơi ông đi qua mà tiếng nói nhiệm mầu bảo ông là thiên đàng, có gì đặc biệt đâu. Cũng đồng lúa. Có mưa và nắng. Có người tát nước bên dòng sông. Chính trong cái bình thường ấy mà ông đã đi tìm định nghĩa thiên đàng như một thế giới xa lạ, rực rỡ xa hoa. Ông không nhìn thấy thiên đàng hay hỏa ngục ngay dưới chân mình. Trong cuộc đời, bao người đã đi hết miền đất này tới miền đất kia tìm thiên đàng hạ giới. Nhưng họ cứ tìm mãi mà đời cứ mênh mông, không gặp.

Bây giờ ông hiểu ý sâu xa mà tiếng nói nhiệm mầu dạy ông. Thiên đàng là sự tự do nội tâm. Ông đã viết xong lời cuối, muốn gởi người môn sinh. Ông muốn nhắc cho người môn sinh hỏa ngục là tiếp tục cái thú vui độc đoán lúc còn sống, như người mê rượu sẽ suốt ngày đêm phải uống rượu tiếp, người mê nhẩy múa sẽ suốt tháng cứ nhẩy múa liên miên, kẻ mê tiền thì khi chết rồi không được làm gì cả cứ đếm tiền hết năm này qua năm nọ. Ðọc lại những gì đã viết, ông chả thấy có gì mới cả. Kinh Thánh đã nói đến rồi. “Nếu họ không tin lời của Môsê và các tiên tri, thì người chết có sống lại, họ cũng chẳng chịu tin đâu” (Lc. 16:31). Rồi, ông lặng lẽ cất đi những gì đã viết, không gởi cho người môn sinh nữa.

NGUYỄN TẦM THƯỜNG
Trích tập suy niệm Mùa Chay và Con Sâu Bướm

h
Thứ Hai, Ngày 23 tháng 11-2015

TẠ ƠN LÀ MỘT TÂM TÌNH
 
Mỗi mùa Lễ Tạ Ơn, Thanksgiving, người ta hay nhắc đến chuyện người phung cùi trở lại cám ơn Ðức Kitô trong Phúc Âm Luca.

Trên đường lên Jêrusalem, Ðức Giêsu đi ngang qua biên giới giữa hai miền Samaria và Galilêa.  Lúc Người vào một làng kia, thì có mười người phung cùi đón gặp Người. 

Họ dừng lại đàng xa, và kêu lớn tiếng: 

"Lạy Thầy Giêsu, xin dủ lòng thương chúng tôi."

Thấy vậy, Ðức Giêsu bảo họ: 

"Hãy đi trình diện với các tư tế.”  Ðang khi đi thì họ được sạch.  Một người trong bọn họ thấy mình được khỏi liền quay trở lại lớn tiếng tôn vinh Thiên Chúa.  Anh ta sấp mình dưới chân Ðức Giêsu mà tạ ơn.  Anh ta lại là người Samari. 

Ðức Giêsu mới nói: "Không phải cả mười người đều được sạch sao?  Thế thì chín người kia đâu?  Sao không thấy họ trở lại tôn vinh Thiên Chúa mà chỉ có người ngoại bang này?” (Lc. 17: 11-19).

Tôi nghĩ câu chuyện tạ ơn của người phung cùi không dừng lại ở đây.  Không dừng lại ở lời tạ ơn Chúa mà thôi.  Nó gọi ta đến một đường cong sâu hơn và xa xôi hơn.  Tạ ơn là tâm tình đòi hỏi một tấm lòng.  Tâm tình này là bản phiên dịch của một nội tâm.  Chính bản phiên dịch nội tâm này nói trung thực cho ta biết mình là ai.

Tôi muốn nhìn vào nội tâm người phung cùi, để đi tìm chiều kích lời tạ ơn của anh ta với Ðức Kitô. Nó đến từ một đường cong sâu xa nào?
Bối cảnh văn hóa, tôn giáo, lịch sử.

Người Do Thái trong thời Chúa Giêsu không chấp nhận những người phung cùi sống trong làng.  Họ phải sống cô lập ngoài sa mạc, xa xôi ngoài cánh đồng.  Khi gặp Ðức Giêsu, họ cũng đứng "từ đàng xa” chứ không dám lại gần.  Họ bị coi là những kẻ tội lỗi, bị Thiên Chúa giáng án phạt.  Hiểu như thế mới thấy nỗi cô đơn của kẻ mang bệnh tật này.  Trong thời đại ấy, người Do Thái cũng không chấp nhận chung sống với người ngoại giáo.  Họ đối nghịch đến độ thù hận nhau.

Cộng đoàn những người cùi.

Theo mạch văn của đoạn Kinh Thánh, Chúa hỏi: "Còn chín người kia đâu.”  Như vậy chín người kia cộng với anh cùi đến tạ ơn Chúa, tất cả mười người.  Tại sao có mặt người cùi ngoại giáo trong cộng đoàn những người cùi Do Thái?  Tại sao những người cùi Do Thái lại để người cùi xứ Samaria theo mình nhập bọn?  Ðoạn Kinh Thánh trên tường thuật là "một người trong bọn họ.”  Cụm từ "một người trong bọn họ.”  Cho thấy chín người Do Thái Giáo và một người Samaria đã sống chung, đi chung một con đường, là một cộng đoàn.

Chuyện này dường như cũng không xa lạ giữa hoàn cảnh xã hội hôm nay.  Trong những hành trình gian khổ, dường như người ta vượt qua mọi biên giới để sống với nhau.  Có những tình nghĩa vợ chồng, khi nghèo khó, họ sống đời đùm bọc nhau.  Cùng nhau đẩy chiếc xe đạp chở ngô khoai.  Cùng nhau chèo một con đò, buôn thúng bán bưng nuôi con.  Rồi có thể họ mất nhau khi mỗi người có một địa vị, một công ty riêng.  Lúc lâm nạn, người ta vượt qua biên giới chủng tộc, tôn giáo, để cứu nhau. Rồi người ta xây nên những thành trì, những bức tường tôn giáo khi người ta có đền thờ riêng.

Tại sao trong cộng đoàn mười người cùi này lại có một người ngoại giáo.  Tại sao họ chung sống với nhau? Khổ đau dường như có một giá trị rất sâu trong câu chuyện này.  Rất nhiều trường hợp, khi hết yếu đuối, hết nghèo khó, họ xa nhau.  Trên đường đi tạ ơn này, chín người kia đi về một phía, người Samaria đi về một phía.  Không còn một cộng đoàn những người cùi khác tôn giáo.

Với chín người cùi, họ có thể liên kết lại để cô lập người cùi Samaria.  Nhưng ở đây, họ chung sống, chấp nhận người cùi khác tôn giáo này.  Dường như trong cô đơn tận cùng vì bị xã hội chối bỏ, họ được đốt cháy hết những địa vị, tên gọi, và khi được bóc trần đến phẩm giá sau cùng, họ thấy họ giống nhau ở một tên gọi duy nhất là làm người.

Giá trị cùng đích sau hết vẫn là: Làm người.

Dường như tôn giáo cũng rất cần luôn luôn được thanh tẩy để khỏi bám bụi.  Những giá trị ngoài nhân đức như đền thờ, tổ chức, ảnh hưởng, rất có thể đưa con người xa cách nhau.

Mọi tôn giáo đều tìm cách dạy con người ý nghĩa của cô đơn, đau khổ.  Nhưng ý nghĩa đẹp nhất của đau khổ và cô đơn lại là vượt qua mọi tôn giáo để đùm bọc nhau cho con người bớt cô đơn và đỡ khổ đau.

Rồi tình yêu cũng thế.  Tình yêu cũng cần thanh tẩy.  Những giá trị ngoài nhân đức như nhan sắc, địa vị, vàng bạc, rất có thể sẽ đưa con người xa cách nhau.  Trong đời sống, ai cũng cần chịu ơn nhau.

Phải nghèo một chút để biết xin.
Phải yếu một chút để biết nương tựa.

Nhìn lại, người cùi xứ Samaria, trong "bọn họ", anh ta là thiểu số, anh chỉ có một thân, một mình.

Tôi nghĩ anh ta trở lại tạ ơn Thiên Chúa vì đời anh quen tâm tình tạ ơn rồi.  Ngay những ngày sống chung với chín người kia, biết mình thiểu số mà được chấp nhận, anh ta đã sống lòng biết ơn đó.  Tạ ơn là một bản phiên dịch nội tâm của anh.

Câu chuyện cộng đoàn mười người cùi được chữa lành rất đẹp vì họ đã sống với nhau.  Nếu sau khi được chữa lành, tất cả đều trở lại tạ ơn Thiên
Chúa thì câu chuyện kết thúc quá lý tưởng.  Tại sao chín người kia không trở lại?
Rất có thể chín người kia không quen tâm tình tạ ơn.  Rất có thể họ chấp nhận người cùi Samaria như là cho ơn hơn là lãnh nhận.
 
Tôi thụ phong linh mục năm 1989.  Cũng năm này tôi được gởi qua trại Palawan, Philippines giúp đồng bào tỵ nạn.  Những ngày đó, chúng tôi đã có những kỷ niệm đẹp, tôi đã viết bài "Palawan Mùa Phật Ðản", năm 1992, đăng trong báo Ðường Sống.

Năm 1995 tôi rời trại tỵ nạn.  Tôi xa khúc đường trong trại, một bên có hương trầm nhà Chùa, một bên có tiếng chuông nhà Chúa.  Rồi một hôm, mười năm sau, kỷ niệm lại về như nghe tiếng mõ tụng kinh quen thuộc ngày nào đó, bên Chùa.  Ðó là vào ngày 28 tháng 12 năm 2004.  Sau lễ Giáng Sinh, tôi đang giúp tĩnh tâm cho cộng đoàn các Sơ Ðaminh Việt Nam ở Houston.  Tôi nhận được một lời nhắn trong chiếc phôn cầm tay: Dạ, kính linh mục Nguyễn Trọng Tước.

Ðây tôi là Thích Thông Ðạt từ San Jose gọi chúc mừng trong mùa Giáng Sinh với New Year.  Chúc mừng linh mục dồi dào sức khỏe.  Happy Merry Christmas. Happy New Year.  Dạ, kính linh mục.  Khi nhận được message xin cho gặp số phôn 408-926-1998.  Kính chúc mừng linh mục trong mùa Chúa Giáng Sinh cũng như đầu năm mới.

Kính linh mục.

Tôi hết sức ngạc nhiên.  Một Thầy bên Chùa đã mười năm xa cách.  Từ ngày Thầy rời trại tỵ nạn Palawan, bằng ấy năm không hề gặp lại nhau.  Mười năm không liên lạc.  Bỗng dưng Thầy tìm phôn gọi tôi, vì Thầy muốn chúc mừng ngày Chúa Giáng Sinh.  Những kỷ niệm xa xưa.

Kính Thầy Thông Ðạt,

Những ngày ở trại tỵ nan, những ngày ấy chúng ta có nhiều kỷ niệm quá nhỉ.  Vào mùa Phật Ðản và Giáng Sinh, năm nào chúng ta cũng có những món nợ.  Chúng ta cho nhau mượn cái trống, mấy sợi giây đèn.  Các em Thiếu Nhi cho nhau mượn mấy mét vải, cái đầu lân để làm văn nghệ.  Chúng ta đã nợ nhau tình thương mến.

Thời gian đã xa xôi quá, như đang xóa nhòa dần đi.  Bỗng dưng mười năm sau, Thầy tìm điện thoại, gọi chúc mừng ngày Chúa Giáng Sinh.  Mười năm là thời gian dài lắm đó Thầy ạ.  Thế là tôi lại "nợ" Thầy.

Thánh Phaolô đã căn dặn các tín hữu của ngài: "Các con hãy nợ nhau tình thương mến" (Rom. 13: 8).  Bây giờ chúng ta đã xa những ngày tỵ nạn cho nhau mượn cái bát, tô cơm.  Thầy Thông Ðạt có thể nay đã có chùa riêng, có đoàn Phật Tử đông đảo.  Chả ai phải mượn ai.  Chùa của Thầy chăng rợp hoa đèn ngày lễ.  Chả ai cần ai.  Thầy gọi điện không là để mượn gì cả, cũng chẳng hỏi tôi có mượn cái đầu múa lân không, chỉ để chúc mừng ngày Chúa Giáng Sinh.  Thầy gọi điện vì nhớ về khung trời tỵ nạn có những kỷ niệm bên bờ đời sống.  Tình thương mến.

Có những cặp vợ chồng nay mỗi người là một giám đốc.  Chẳng ai phải nhờ ai.  Có những anh em, không ai phải cậy ai.  Xa những ngày nghèo túng rồi. Không ai phải dựa ai. Ðầy đủ. Mà sao cứ như có nỗi vắng trong lòng.

Hay là người ta thiếu nhau món nợ tình thương mến?
 
LM Nguyễn Tầm Thường, S.J. -
Trích tập suy niệm Ðường Ði Một Mình
 






Sự Chết, Lm Nguyễn Tầm Thường, Sj.
Thứ Sáu, Ngày 20 tháng 3-2015

SỰ CHẾT, LM Nguyễn Tầm Thường, sj.
 
(Suy niệm mùa chay 2015)
 
Khi tôi được sinh ra là khởi điểm tôi bắt đầu đi về cõi chết. Làm gì có sự chết nếu không có sự sống. Làm gì có ngày người ta chôn tôi nếu không có ngày tôi chào đời. Như thế, cuộc sống của tôi là chuẩn bị cho ngày tôi chết.
 
Ngay từ trong bào thai của mẹ, bắt đầu có sự sống là tôi đã cưu mang sự chết rồi. Kết hợp và biệt ly ở lẫn với nhau. Trong lớn lên đã có mầm tan rã. Khi vũ trụ chào đón tôi, thì cùng một lúc, tôi bắt đầu từ giã vũ trụ từng ngày, từng giờ.
 
Mỗi ngày là một bước tôi đi dần về sự chết. Bình minh mọc lên, nhắc nhở cho tôi một bước cận kề. Hoàng hôn buông xuống, thầm nói cho tôi sự vĩnh biệt đang đến.
 
Không muốn nghĩ về sự chết tôi cũng chẳng tránh đuợc sự chết.
 
Tôi có thể không muốn nghĩ về sự chết nhưng tôi có ghét sự chết được không? Tôi ghét sự chết là tôi ghét chính tôi. Chết ở trong tôi. Tôi đang đi về cõi chết nên ngay bây giờ sự chết đã thuộc về tôi rồi. Sự sống của tôi hàm chứa sự chết, nên tôi yêu sự sống thì tôi cũng phải yêu sự chết. Vì vậy, cuộc đời có ý nghĩa vẫn chỉ là cuộc đời chuẩn bị cho ngày chết.
 
Trong dòng đời, tôi không sống một mình. Cuộc sống của tôi là tấm thảm mà mỗi liên hệ yêu thương là một sợi tơ, mỗi gắn bó quen biết là một sợi chỉ, anh em, cha mẹ, người yêu. Sự chết xé rách tung tất cả để tôi ra đi một mình. Chẳng ai đi với tôi. Vì thế, chết mang mầu ly biệt.
 
Sống là hướng về tương lai. Tương lai là cái tôi không nắm chắc trong tay, vì vậy, tôi hay nhìn về tương lai bằng nỗi sợ bấp bênh. Càng bấp bênh thì tôi càng tìm kiếm vững chãi, càng tích lũy. Nhưng tích lũy xong, xây đắp xong, vất vả ngược xuôi để rồi ra đi trắng đôi tay thì đời tôi thành đáng thương hại. Nếu tôi không đem theo được những gì tôi tích lũy, thì những gì tôi ôm ấp hôm nay chỉ làm tôi thêm đau đớn, nuối tiếc. Nếu không muốn vậy thì chúng phải là phương tiện để chuẩn bị cho giờ ra đi của tôi.
 
Tích lũy cho tương lai có thể là dấu hiệu khôn ngoan đề phòng những bất trắc có thể xẩy ra. Mà cũng có thể là một thứ nô lệ. Nếu suốt đời tôi lo âu tìm kiếm danh vọng, quá tham lam tiền bạc, lúc nào cũng bị vây khốn, băn khoăn thì đâu là niềm vui, tận hưởng.
 
Mà tận hưởng là gì? Ðâu là ý nghĩa của sự tìm kiếm? Tích lũy?
 
Kinh Thánh kể:
 
Có người trong đám dân chúng nói với Ðức Kitô: “Thưa Thầy, Thầy bảo anh tôi chia gia tài với tôi”.
 
Ngài đã nói cùng họ: “Hãy coi chừng! hãy lo giữ mình tránh mọi thứ gian tham, vì không phải ai được sung túc, là đời sống người ấy chắc chắn nhờ của cải”.
 
Ngài nói cùng họ một ví dụ rằng: “Có người phú hộ, ruộng nương được mùa, nên suy tính với mình rằng: ta phải làm gì? Vì ta không còn chỗ nào mà tích trữ hoa mầu nữa. Ðoạn người ấy nói: Ta sẽ làm thế này: phá quách các lẫm đi, mà xây những lẫm lớn hơn, rồi chất cả lúa mạ, và của cải vào đó, rồi ta nhủ hồn ta: Hồn ơi! mày có dư thừa của cải, sẵn đó cho bao nhiêu năm; nghỉ đi! ăn uống đi! hưởng đi! Nhưng Thiên Chúa bảo nó: Ðồ ngốc! ngay đêm nay, người ta sẽ đòi ngươi trả lại hồn ngươi, mọi sự ngươi đã sắm sửa, tích góp kia sẽ về tay ai? (Lc 12,13-21).
 
Không ai sống hộ tôi. Không ai chết thay tôi. Không ai đi cùng tôi. Tôi sẽ ra đi lẻ loi. Họ sẽ quên tôi cũng như tôi đã quên bao người. Có thể đôi khi họ nhớ tôi. Cũng như đôi khi tôi nhớ người này, kẻ kia. Nhưng nỗi nhớ chỉ là của riêng tôi, còn kẻ đã ra đi vẫn ra đi miền miệt. Thì cũng thế, chẳng ai làm gì được cho tôi lúc tôi ra đi không trở lại.
 
Chết là mất tất cả. Nhưng thánh Phaolô lại tuyên tín rằng chết là chiến thắng (1Cor 15,54). Chết là đi về sự sống vĩnh cửu. Chết là gặp gỡ. Gặp Ðấng tạo nên mình. Như vậy, chết là cánh cửa im lìm được mở ra để tôi về với Ðấng thương tôi. Chết là điều kiện để sống.
 
Chúa ơi, chết là đi về với Chúa sao con vẫn lo âu?
 
Phải chăng nỗi lo âu là dấu hiệu nói cho con rằng con sợ con có thể không gặp Chúa. Vì sợ không gặp nên chết mới là bản án nặng nề. Mà tại sao con lại sợ không gặp Chúa? Chúa luôn mong mỏi, đợi chờ con cơ mà. Như thế, muốn gặp Chúa hay không là do ý của lòng con. Con có quyền quyết định cho hạnh phúc của mình.
 
Chúa ơi, vì biết mình sẽ chết nên con băn khoăn tự hỏi bao giờ thì chuyến tầu định mệnh đem con đi. Hôm nay hay ngày mai? Mùa thu này hay mùa xuân tới? Con âu lo. Nhưng vì sao phải lo âu?
 
Phải chăng lo âu là dấu hiệu nói cho con rằng con chưa chuẩn bị đủ, là hồn con còn ngổn ngang. Có xa Chúa thì mới sợ mất Chúa. Sợ mất Chúa thì mới xao xuyến băn khoăn. Con biết thế, con biết rằng vì không sẵn sàng, vì không chuẩn bị nên mới hồi hộp, mất bình an. Con biết thế, con biết sau khi chết là hạnh phúc hay gian nan, là núi cao với mây ngàn cứu rỗi, hay vực sâu phiền muộn với đau thương. Nhưng chuẩn bị cho giờ ra đi không đơn giản Chúa ơi.

Chúa biết đó, con đi tìm Chúa nhưng là đi trong lao đao. Bởi yêu một vật hữu hình thì dễ hơn lắng nghe tiếng gọi từ nơi xa thẳm. Giầu có và danh vọng cho con hạnh phúc mà con có thể sờ được. Còn hạnh phúc của đức tin thì sâu thắm quá.
 
Chung quanh có biết bao mời mọc. Kinh nghiệm cho con thấy rằng đã nhiều lần con bỏ Chúa. Như vậy biết đâu con lại chẳng bỏ Chúa trong tương lai. Nếu lúc đó mà giờ chết đến thì sao?
 
Chúa có nghĩ rằng khi con phải phấn đấu chối từ những rung cảm bất chính để sống theo niềm tin là thánh giá của con không. Chối từ tiếng gọi của tội lỗi đã là một thánh giá. Nhưng có khi lo âu vì không biết mình có từ chối được không còn là một thánh giá khác nữa.

Chính đấng thánh của Chúa mà còn phải kêu lên: “Ôi! những điều tôi muốn làm thì tôi chẳng làm, những gì tôi muốn trốn tránh thì tôi lại làm” (Rom 7,15-16). Chúa thấy đó, vị tông đồ lớn của Chúa mà còn như thế, huống chi con, một kẻ mang nhiều đam mê, yếu đuối thì đường về với Chúa gian nan biết bao.
 
Ðể khỏi chết khi con chết, thì con phải chết trước khi con chết.

Cái chết đó là đóng đinh đời con vào thập giá. Con không biết con can đảm đến đâu. Con chỉ xin sao cho con tiếp tục đi mãi. Ði xiêu vẹo vì yếu đuối của con, nhưng vẫn tiếp tục đi.
 
Thập giá nào thì cũng có đau thương.
 
Con không muốn thập giá. Vì thập giá làm con mang thương tích. Chúa cũng đã ngã. Nhưng nếu sự sống của con mang mầm sự chết, thì trong cái chết của thập tự nẩy sinh sự sống. Chúa đã chết. Chúa hiểu nỗi sợ hãi của sự chết. Con vẫn nhớ lời Chúa cầu nguyện: “Lạy Cha, con xin phó hồn con trong tay Cha” (Lc 23,46). Hôm nay con cũng muốn nói như vậy đó, với Chúa. Cuộc tử nạn và phục sinh của Chúa dạy con rằng chẳng có sự sống nào mà không phải qua sự chết. Chết thì sợ hãi, nhưng nếu con yêu sự sống thì con phải yêu sự chết.
 
Con muốn chết để được sống.
 
Con sẽ đóng đinh đời con vào thập tự. Chúa ơi, Chúa có cho những lo âu của con là dấu chỉ tình yêu của một tâm hồn yếu đuối, đang thao thức đi tìm Chúa vì sợ mất Chúa không.

Lạy Cha, trong tay Cha con xin phó thác đời con.
 
LM Nguyễn Tầm Thường, SJ –
Trích trong Nước Mắt và Hạnh Phúc





Lm Nguyễn Tầm Thường, S.j.

DẤU CHÂN XƯA

Tìm dấu chân xưa là tìm dấu chân không còn.  Trở về biển nhớ, nghìn dấu chân đã đi qua.  Sóng xô bờ đã bao lần xoá thật kĩ.  Trở về làng cũ, tàu cau đã chết thủa nào.  Năm tháng cũ nhạt hương không còn ấn tích.  Mưa nắng quanh năm giặt bạc màu ký ức.  Đổi thay trong đời như những lớp phù sa đã bao lần cày sâu xuống, lấp kín lên.  Tìm dấu chân xưa là tìm dấu chân đã mất.

Không còn dấu chân cũ mà vẫn cứ tìm vì dấu chân ấy có nhiều thương nhớ.  Bến ga chiều nay mưa phùn bay, nhưng người ta trở về tìm dấu chân cũ vì ảnh xưa thì đẹp và hình xưa là hạnh phúc.  Tìm vết chân cũ, vì ở tình yêu ấy, đã bao lần ngọt ngào cùng nhau quấn quýt bước chân đi.  Không gian thay đổi nhưng hồn quá khứ không muốn đổi thay.  Thế giới ấy đi bằng những bước chân đẹp nên nó trong ngắt.  Bụi chỉ xoá dấu chân trên đường còn thế giới trong ngắt của linh hồn nó đẹp mãi.  Và, vì thế, nhiều người cứ muốn đi tìm.

Đi tìm dấu chân xưa, vì về ngõ hồn quá khứ có khi dễ hơn lách lối tương lai đi tới.  Đời người có khi tương lai khép kín mà quá khứ mở rộng ngõ.  Lắm lúc càng đi về phía trước mà lại chỉ thấy đẹp ở phía sau.  Vì thế, hôm qua, hôm nay và mãi về sau vẫn sẽ có nhiều kẻ muốn đi tìm kỷ niệm của dấu chân xưa.

Dấu chân không gian đã mờ nhạt, bụi cát bôi rồi.  Đi tìm dấu chân xưa là dấu chân trong hồn mà thôi. Có nhiều bước chân.  Có bước chân lên đồi.  Có bước chân vào hoàng hôn.  Có bước chân ra bình minh.  Đi tìm dấu chân xưa là tìm riêng kỷ niệm đẹp.  Nhưng khi quá khứ mở ngõ là mở rộng cả đôi cánh.  Vì thế, có những dấu chân không đẹp, chẳng muốn 20tìm mà vẫn gặp.  Có dấu chân muốn quên mà cứ nhớ.

Lạy Chúa, trong hành trình đời sống, Chúa đã nói với con về những bước chân:


Đừng dõi theo đường phường gian ác
Đừng tiến tới trong đường lũ ác nhân
Hãy tránh đi, đừng đi qua đó
Hãy quay lại và đi đi. (Cách Ngôn 4:14-15)
 
Ta dạy con trong đường khôn ngoan
Và Ta đã hướng dẫn con đi đường ngay chính
Khi con đi bước chân con sẽ thênh thang
Và nếu con chạy, con sẽ chẳng vấp ngã.  (Cách Ngôn 1:11-12)
Dấu chân của một mình ta thôi mà đã là những dấu chân xưa muốn đi tìm rồi.  Huống chi, những dấu chân của hai người đi bên nhau chắc hẳn sẽ còn lưu luyến, bởi, vết chân của người này mở ý cho vết chân của người kia đi về.  Con tim mình thổn thức vì nó dâng hai nhịp đập của một chiều sóng.  Vết chân hôn nhân và vết chân của Đức Kitô với các môn đệ là những vết chân này.

Dấu Chân Thiêng Liêng

Trong dấu chân xưa của những chuyện tình, chuyện thuỷ chung, còn một thứ dấu chân của thập giá. Đó là dấu chân theo Chúa ở biển hồ Galilêa khi nghe tiếng gọi: Hãy theo Ta (Mt 4:19).  Theo Chúa trong hành trình truyền giáo: Ngài sai từng hai người một (Mc 6:7).  Theo Chúa lên cuộc tử nạn: Hãy vác thập giá hằng ngày (Lc 9:23).  Những dấu chân thiêng liêng này không sao xóa nhoà được.  Những bước chân này đã một lần in dấu là kỷ niệm thiên thu.  Bởi, Thiên Chúa quý kỷ niệm.  Ngài không bao giờ quên những bước chân ân tình.  Một lần gọi là một lần muốn có trang thiên tình sử.  Một bước chân đi bên nhau là hy vọng có kẻ mang Tin Mừng.

Khi chết rồi Đức Kitô vẫn về Galilêa, vẫn muốn đến biển hồ.  Gặp gỡ Thây trò ở khúc đường Emmaus không phải là đi tìm dấu chân xưa hay sao.  Nhưng dấu chân xác thân không còn.  Chỉ còn là dấu chân xưa trong hồn mà thôi.  Đó là dấu chân thiêng liêng.

Cửa tương lai sẽ đóng lại.  Thí dụ, ngày Đức Kitô chết.  Vết chân trên cát của Ngài chấm dứt.  Mỗi bước chân nhân thế cũng vậy.  Ngày xuôi tay là bước chân sau cùng chào vĩnh biệt đường trần.  Sự chết đến như con đường cụt.  Tôi không còn bước nữa.  Bây giờ tôi chỉ còn quay lại tìm dấu chân xưa. Và bây giờ dấu chân xưa trở thành vô cùng huyền nhiệm linh thiêng.  Tất cả định mệnh hạnh phúc hay đau khổ của tôi trong cõi sống vĩnh hằng hệ tại những dấu chân xưa này.  Tôi đã bước đi trong quá khứ thế nào, thì bây giờ bước chân ấy cũng dẫn tôi vào tương lai như vây.  Bước chân ngang trái sẽ dẫn tôi tới ngang trái.  Bước chân chính trực, chính trực sẽ đem tôi tới đại lộ.  Cái huyền nhiệm của dấu chân xưa thiêng liêng là không tìm, tôi cũng sẽ gặp, cũng phải gặp, như lời Kinh Thánh sau đây:

“Khi Con Người đến trong vinh quang của Người, có tất cả các thiên sứ theo hầu, bấy giờ Người sẽ ngự trên ngai vinh hiển của Người.  Các dân thiên hạ sẽ được tập họp trước mặt Người, và Người sẽ tách biệt họ với nhau, như mục tử tách biệt chiên với dê.  Người cho chiên đứng bên phải Người còn dê đứng bên trái…Bấy giờ đức Vua phán cùng những người ở bên phải rằng: Nào những kẻ Cha Ta chúc phúc, hãy đến thừa hưởng Vương Quốc đã dọn sẵn cho các ngươi từ thủa tạo thiên lập địa… Rồi Đức Vua phán cùng những người ở bên trái rằng: Quân bị nguyền rủa kia, đi đi cho khuất mắt Ta mà vào lửa đời đời, nơi dành cho tên Ác Quỷ và các thần của nó.” (Mt 25:31-46)

Giờ này, dấu chân xưa thiêng liêng có sức mạnh thần thánh đưa tôi về trời cao hay xuống vực sâu.

Ai cũng có kinh nghiệm dấu chân xưa trong đời sống trần thế.  Ngày thơ tuổi nhỏ.  Tấm hình năm cũ.  Nó đưa ta về những vùng ký ức xa mờ.  Dấu chân xưa oan trái sẽ làm ngày tháng hôm nay của ta ảm đạm.  Dấu chân xưa đẹp thì hôm nay cho ta hạnh phúc ngọt ngào.

Trở lại một bến ga bụi sương, dù năm tháng mù mịt rồi, người xưa đã khuất mà lòng ta cứ gần.  Ghé lại bến đò cũ, dòng sông gợi cho ta bao nhớ nhung.  Dấu chân xưa trong chuyện mình lúc còn sống là thế. Nhưng không ai biết thao thức của người chết đi tìm dấu chân xưa như thế nào.  Đơn giản, là không có ai từ cõi chết về kể chuyện cho ta nghe cả.  Phúc Âm có kể chuyện một người chết đi tìm dấu chân xưa như sau:

Xưa có một nguời giàu, ăn mặc những gấm tía, và hàng mịn; ngày ngày yến tiệc linh đình.  Lại có người ăn mày tên là Lazarô, người ta vứt bỏ bên cổng nhà ông, mình đầy lở lói, ước ao có được miếng thừa dưới bàn ông nhà giàu mà ngốn cho no, lại còn bầy chó hoang liếm các ung nhọt người ấy.  Nhưng xẩy ra là người ăn mày chết, và được các thiên thần đem lên dự tiệc ngay lòng Abraham.  Còn ông nhà giàu cũng chết và được tống táng.

Trong âm phủ giữa những cực hình, ông nhà giàu ấy ngẩng mặt lên, thấy đằng xa Abraham cùng Lazarô nơi lòng ông.  Người ấy mới kêu lên và nói: “Lạy cha Abraham, xin thương xót tôi, và sai Lazarô nhúng đầu ngón tay một chút nước mà thấm dịu lưỡi tôi, vì tôi quằn quại đây trong ngọn lửa này.” Nhưng Abraham nói: “Hỡi con, hãy nhớ lại: suốt đời con đã lãnh cả sự lành phần con, còn Lazarô cũng lãnh, nhưng chỉ là tai với họa.  Bây giờ Lazarô được an ủi nơi đây, và con phải quằn quại đau đớn.  Vả chăng giữa chúng ta và các ngươi, đã cắt ngang định sẵn một vực thẳm, khiến cho tự bên này, ai muốn cũng không thể qua bên các ngươi, và tự bên ấy, người ta không thể quá giang đến được với chúng ta. “

Ông nhà giàu lại nói: “Vậy thì, lạy tổ phụ, xin tổ phụ sai Lazarô đến nhà con, vì con có năm anh em, ngõ hầu Lazarô làm chứng răn dạy chúng, kẻo chúng cũng phải sa vào chốn cực hình này.” Abraham nói: “Chúng đã có Maisen và các tiên tri, chúng hãy nghe lời các ngài.” Người ấy đáp: “Thưa tổ phụ Abraham, không đâu!  Song có ai từ cõi chết mà nói với chúng, tất chúng sẽ hối cải.” Nhưng Abraham bảo người ấy: “Nếu chúng không nghe Maisen và các tiên tri, thì cho dẫu có ai sống lại từ cõi chết, chúng cũng chẳng nghe đâu.” (Lc 16:19-31).

Hai người trong câu chuyện, Lazarô và nhà phú hộ đều bước những dấu chân trong đời.  Bây giờ dấu chân ấy đưa họ đi mỗi người mỗi ngã.  Dấu chân xưa của người nghèo Lazarô đưa ông về Nước Trời với Abraham.  Dấu chân xưa của người giàu đưa ông về cõi vắng mênh mông.

Trong cuộc sống này, ta tìm kỷ niệm dấu chân xưa mà nhiều khi không gặp.  Khi chết rồi vào giờ phán xét, những dấu chân xưa thiêng liêng ấy sẽ tự ý đi tìm ta.  Và, dấu chân này sẽ đưa ta về cõi hệ trọng vô biên.  Hạnh phúc hay gian nan.  Bởi đó, mỗi dấu chân linh hồn đi hôm nay trong cõi đời sẽ là dấu chân thiêng liêng cho ngày mai.

Khi nhớ về kỷ niệm là ta đi tìm dấu chân xưa.  Dấu chân đó có thể là những bước chân trên bến đò, trên con đường nhỏ.  Những dấu chân này là dấu chân trong tình cảm, nó sẽ chấm dứt khi ta chết.  Còn dấu chân xưa thiêng liêng là đời sống thánh thiện hay tội lỗi, công bình hay gian tham, độ lượng hay hẹp hòi, thì khi cuộc đời chấm dứt, những bước chân này mới khởi đầu.

Lạy Chúa, khi con đi tìm kỷ niệm cũ, tìm dấu chân xưa trong tình cảm, thì xin Chúa nhắc nhở con đến dấu chân thiêng liêng, để hôm nay con biết đi những bước chân thật đẹp, hầu bước chân này chuẩn bị cho con bước vào hạnh phúc trong Nước Chúa mai sau.

LM Nguyễn Tầm Thường, S.J.





Tặng Vật Cho Cuộc Ði Tìm
Thứ Ba, Ngày 3 tháng 9-2013

TẶNG VẬT CHO CUỘC ÐI TÌM

Có người Biệt phái kia mời Ngài tới dùng bữa với mình. Ngài vào nhà người Biệt phái và lên giường ăn. Và này: Một phụ nữ, một người tội lỗi trong châu thành. Biết Ngài dùng bữa tại nhà người Biệt phái, người phụ nữ ấy xách theo một bình bạch ngọc đựng dầu thơm. Ðứng phía đằng sau chân Ngài, khóc nức nở, sa nước mắt đẫm ướt chân Ngài. Xõa tóc trên đầu, cố lau sạch. Và tha thiết hôn chân Ngài và xức dầu thơm (Lc. 7: 36-38).

Mai Ðệ Liên đã tìm gặp Chúa. Tìm là giai đoạn sôi bỏng nhất của tình yêu. Gặp mặt nhau nhưng chưa chắc biết tên nhau. Biết là một chuyện nhưng có để ý nhau không lại là một chuyện khác. Cho dù có để ý nhau nhưng chưa chắc đã tìm nhau. Bởi đó, những chuyện tình đi tìm nhau bao giờ cũng là những chuyện tình không quên. Tìm nhau là giai đoạn đồng cảm nhất trong tiến trình của yêu thương. Nói đến phải đi tìm là nói đến vất vả, nên những chuyện tình tìm nhau thường là những chuyện tình gian nan.

Tặng vật là niềm tin

Ðến với Ðức Kitô, người đàn bà này đã mang theo ba tặng vật: Niềm tin, mái tóc và bình dầu quý. Tìm là xác định một điều có trong khi chưa có. Tin là có để rồi miệt mài theo đuổi điều chưa có là một thứ gian nan không dễ. Niềm xác định có càng nhiều thì mới càng có nỗ lực. Những đêm bâng khuâng gọi hồn, tiếng con tim ngập ngừng đếm từng khoảnh khắc. Và bữa tiệc chiều nay, đôi khi nghe cõi lòng chùng xuống khi hình dung ra những cái nhìn soi mói, nhưng người đàn bà này vẫn chuẩn bị cho một cuộc đi tìm rất nhiệm mầu trong linh hồn. Bà cần gặp Ðức Kitô.

Xét theo khung cảnh thì đây không phải là bữa ăn thường mà là bữa tiệc. Tôi không nghĩ rằng người phụ nữ này được mời, vì Biệt phái kết án "gái điếm và thu thuế". Người phụ nữ này đã nổi tiếng tội lỗi trong châu thành vì ai cũng biết. Nếu vậy, càng không thể là khách mời của Biệt phái. Khách được mời sẽ được lấy nước rửa chân, xức dầu và hôn chào. Vậy làm sao người phụ nữ tội lỗi này lọt được vào? Ðối với một kẻ tội lỗi bị xã hội kết án thì đi tới đâu cũng phải đương đầu với những con mắt tò mò. Có thể người phụ nữ này phải giả dạng để vào được phòng khách. Có thể cô ta lẩn đi vào ngõ sau. Có thể cô ta bất chấp mọi ngịch cảnh xông đại vào. Trong bao nhiêu giả thuyết, ta không biết cách nào là đúng. Hoặc cho dù có được vào tự do, thì điều ta biết chắc là người phụ nữ này đã phải chấp nhận những lời kết án cho một lần gặp gỡ.

Chợt đọc qua đoạn Tin Mừng, tôi thấy hình ảnh người phụ nữ ngồi khóc bên chân Chúa là một hình ảnh êm đềm. Thoáng qua, tôi thấy người phụ nữ có thể gặp Chúa một cách nhẹ nhàng. Nhưng nhìn kỹ lại, tôi thấy gặp gỡ với Chúa, cô ta phải lên đường vô cùng quyết liệt. Mình không phải là khách. Người ta dòm ngó xầm xì. Bao nhiêu người chỉ trỏ. Có khi phải bẽ mặt vì bị đuổi đi.

Trong quá khứ, không biết có khi nào tôi liều thân đi gặp Chúa như thế chưa. Những kỷ niệm tìm nhau trong gian nan là những kỷ niệm khó quên. Nếu tôi không nhớ có khi nào tôi vất vả đi tìm Chúa như thế chưa, điều đó có nghĩa là tôi chưa có những "chuyện tình gian nan", dù có đôi ba lần liều thân tìm gặp Chúa, sự liều thân ấy cũng chắc là nhạt nhẽo lắm.

Dầu thơm của khổ đau

Cho cuộc đi tìm này người phụ nữ đã mua một bình bạch ngọc, tìm loại dầu thơm quý. Tặng nhau một cành hồng, gởi nhau một lọ nước hoa là chuyện thường. Nhưng dầu thơm ở đây là hương thơm có thể bay ngược chiều gió. Bởi, nó là hương thơm của trắc ẩn, là đóa hoa lòng. Chắc hẳn tiền mua bình bạch ngọc đến từ những đêm nhục nhằn câm nín, từ nước mắt dàn dụa trên những đồng bạc bất hạnh nằm rơi vãi trên giường.

Ðời là hoang vu. Cúi mặt đi trong phố vắng khi đèn chiều cứ ảm đạm. Người khách ra về, cánh cửa sập lại, cúi nhặt những đồng bạc trong cơn mệt mỏi chán chường. Người gái điếm ấy gom số tiền đã chắt chiu từ những tháng ngày cùng cực. Xuống phố, không tiếc lòng, mua một bình ngọc quý, một cân dầu thơm. Rồi, từ từ, đổ hết cho phí đi cân dầu hảo hạng, cho phí đi những đồng tiền khổ đau.

Trọn vẹn mái tóc xám hối

Tặng vật thứ ba là mái tóc của cô ta. Người con gái nào không thương mái tóc. Ở Mai Ðệ Liên chắc hẳn cũng có những ngày mới lớn như những nàng thiếu nữ Jêrusalem. Cô cũng cũng có những áng mây hồng của tuổi bâng khuâng, có cánh bướm nhỏ trong giấc mơ về đậu trên bờ tóc. Tóc mai cũng đã thương những sợi vắn sợi dài. Hôm nay, thương yêu có thể là muộn màng.

Thương nhớ có khi đã mất mát. Bây giờ, thương đau là gương soi. Những sợi tóc ấy, giờ đây thả xuống cho xuôi dòng. Những sợi tóc đó nếu có một thủa mây bay tà đạo, thì hôm nay ngoan ngoãn theo lời xin xám hối. Cài vào những sợi tóc ấy là niềm tin để chải xuống một dòng đời lỗi lầm.

Lạy Chúa,
Người phụ nữ ấy đã lấy tất cả thương đau đời mình để mua cân dầu rồi đổ đi, đổ cho cạn đến giọt sau cùng. Con chỉ nhìn vào hình ảnh Chúa tha thứ tội lỗi một cách nhẹ nhàng, mà ít nhìn vào thái độ ao ước tận cùng của niềm tin, của sự quyết liệt trọn vẹn trong trái tim người phụ nữ.

Ở trong con, nhiều lần cũng tìm gặp Chúa, nhưng không bao giờ đổ tất cả cho một cuộc gặp gỡ. Bởi đó, gặp gỡ nào giữa con với Chúa cũng cứ là những gặp gỡ dang dở.

LM Nguyễn Tầm Thường, SJ







Chúc Mừng

Có nhiều lời chúc mừng.
Có nhiều dịp chúc mừng.
Có nhiều người được chúc mừng.

Người ta chúc mừng nhau. Bằng lời nói. Bằng thư từ. Trong những lời chúc mừng, lời chúc mừng về tình yêu, về những gì liên quan đến hạnh phúc, đến giá trị thiêng liêng là lời chúc mừng bi đát nhất.

Chẳng hạn:

Kỷ niệm 25 năm thành hôn của anh chị, chúng tôi cầu chúc tình yêu của anh chị nồng nàn như thủa mới yêu nhau.

Hoặc như:

Kỷ niệm 10 năm linh mục của Cha. Chúng con kính chúc Cha những ngày tràn đầy hồng ơn Chúa. Tâm tình Cha sốt mến như ngày Cha dâng thánh lễ mở tay.

Những lời chúc rất chân thành. Càng chân thành bao nhiêu, càng thấm thía và bi đát bấy nhiêu. Thực tế, những lời chúc này xảy ra hàng ngày, ở chỗ này, chỗ kia. Nó đến từ trái tim người cầu chúc là mong ước. Và biết đâu, từ trái tim người được cầu chúc cũng tha thiết xin được như thế. Sự bi thương nằm ở đó. Lời cầu chúc này đến từ một thực tế. Nó diễn tả cái thực trạng hàng ngày. Nó là tấm gương phản chiếu trung thực lòng khao khát của người cầu chúc, nó là ước vọng của người được cầu chúc.

Bi thương hơn nữa là đời cứ tiếp đời, lời chúc tiếp tục lời chúc đi theo thời gian.

* * *

Kỷ niệm 25 năm thành hôn

Chúng tôi cầu chúc tình yêu của anh chị nồng nàn như thủa mới yêu nhau. Chúc như thế, nghĩa là, tình yêu của anh chị hôm nay mệt mỏi lắm rồi. Nó xói mòn lắm rồi, nên tôi chúc cho anh chị được như ngày đầu. Nói cách khác, tình yêu ấy cứ mỗi ngày một nhạt đi, cứ mỗi ngày một hết như thủa ban đầu. Chúc như thế, không là thành thực xót xa sao. Nếu tình yêu của người nào đó, sau 25 năm cưới nhau, bây giờ nồng nàn hơn, thì chúc như thế mang ý nghĩa gì? Nó vô duyên và vụng về biết mấy. Nhưng hôm nay, họ cứ chúc mừng nhau như vậy. Họ dựa vào kinh nghiệm thực tế mà làm nên lời chúc. Nếu vậy, mỗi lời chúc không là một lời đau thương sao?

* * *

Kỷ niệm 25 năm linh mục

Sau 25 là linh mục. Tôi rửa tội biết bao nhiêu người. Tôi săn sóc biết bao bệnh nhân, xức dầu Thánh cho biết bao nhiêu người trong giờ hấp hối. Trong 25 năm tôi dâng biết bao thánh lễ. Biết bao lần Mình Máu Thánh Chúa hóa thân trên tay tôi. Tôi cử hành biết bao bí tích. Như thế, sau 25 năm đôi tay tôi đã xây dựng biết bao ân sủng. Một phần tư thế kỷ sống sống đời linh mục, tôi xây dựng biết bao nhân đức. Tại sao người ta lại chúc mừng trong ngày kỷ niệm đẹp như thế bằng lời chúc bi thương?

Họ mong cho tôi dâng thánh lễ sốt sắng như ngày đầu, nghĩa là thánh lễ tôi dâng hôm nay không còn chuẩn bị như ngày mở tay. Nghĩa là hôm nay tôi dâng thánh lễ nhàm chán như chuyện phải làm. Tôi hết náo nức rồi.

* * *

Vì sao có những lời chúc như thế. Cũng là do thực tế mà thôi. Nó cũng đến từ một nhận thức trong sinh hoạt bình thường. Nó do kinh nghiệm, do quan sát, do thấy như vậy. Tôi gọi đó là những lời chúc bi thương. Vì nó thật nên nó bi thương. Những lời chúc ấy đến từ cảm nghiệm.

Những lời chúc như thế, là linh mục, hay tình yêu hôn nhân, nó là tiếng chuông cầu thương khó. Trước lời chúc đó, tình yêu phải nhìn lại tình yêu. Hôn nhân phải hỏi lại hôn nhân. Linh mục phải nhìn lại linh mục. Tu sĩ khấn Dòng phải hỏi lại lý tưởng. Những lời chúc ấy đến từ ước vọng. Nó vừa là tiếng lòng mong mỏi, cũng vừa là tiếng lòng đợi trông.

Thủa ban đầu có nhau lưu luyến ấy, nếu bây giờ nhạt phai, nó phải có nguyên nhân.

Nếu thánh lễ mở tay là náo nức, bây giờ chỉ còn là bổn phận, nó phải có nguyên do.

Những ngày đầu của tình yêu hôn nhân, tháng ngày ấy mới là ngưỡng cửa bước vào vườn hạnh phúc. Ðàng sau đó là một chân trời khám phá. Thì càng đi càng say chứ. Nhưng thực tế, cứ có những tiếng thở dài. Nhiều đôi hôn nhân càng đi càng mỏi.

Những ngày đầu của linh mục cũng thế. Mới lên đường mà thấy lòng rộng mở, thì càng cao, đường phải càng đẹp, càng đi lâu tâm hồn càng say mê đi tới chứ. Nhưng thực tế, không thiếu những cử hành phụng vụ chỉ là cánh cửa sổ cũ kỹ muốn đóng sập xuống cho chóng xong.

Từ những kinh nghiệm được xác định đó, lời cầu chúc ra đời. Ði tìm nguyên do, đi hỏi nguyên nhân. Kinh Thánh bảo: "Khi mọi người ngủ thì kẻ thù đến gieo cỏ lùng, rồi bỏ đi" (Mt.13: 25). Thời gian nào mà không có phấn bụi bay. Khoảnh khắc nào mà không có sương mù. Hạnh phúc rất mong manh. Tấm gương cần phủi bụi mỗi ngày. Cỏ lùng cần nhổ khi còn là mầm non. Chúa muốn nói với tôi về một tỉnh thức.

* * *

Là linh mục, xin Chúa cho con trước lời chúc đó là tiếng lòng cảnh tỉnh.

Con muốn sống làm sao mỗi ngày đẹp hơn.

Con muốn sống làm sao với ân sủng để mỗi ngày có thêm thiết tha đi tới chứ không ao ước quay về.

Tình yêu mà cứ mỗi thời gian đi tới, lại cứ cầu chúc nhau tìm về bến cũ, thì con đò sẽ lặng lẽ biết bao. Hôn nhân mà mỗi bình minh lên, lại cứ phải mong cho nhau như ngày xa xưa cũ thì còn đâu chân trời khám phá. Chả có sáng tạo, hôn nhân mà cứ phải nương nhờ ngày xưa thì bước đi tới nặng nề làm sao.

Lạy Chúa, con muốn nói với Chúa về một lời chúc.
Ðừng để đời linh mục con, có những lời cầu chúc như thế.
Xin cho con sửa lại lời cầu chúc bi thương.

Ngày con dâng lễ mở tay, chỉ là mở tay thôi, mỗi ngày bàn tay con phải vươn cao hơn, nhiều nhân đức hơn, chứa đựng nhiều ơn trời hơn.

Ngày đầu bước vào đời linh mục, có ngỡ ngàng, thì mỗi ngày, mỗi sáng sáng phải ngỡ ngàng hơn vì khám phá ra quá nhiều ơn sủng Cha ban. Mỗi thời điểm về gần ánh sáng, con phải thấy hân hoan hơn, thấy mình thấm nhuần ánh sáng hơn.

Con phải quên đi những ngày đầu chập chững. Con phải sống sao những ngày đầu chỉ là ơn sủng còn non màu mạ, mỗi thời gian đi tới là chứa chan màu vàng của lúa đơm bông.

Như cánh bướm, vì vườn hoa càng rực rỡ thì càng buông cánh vào càng duyên dáng hơn.

"Ơn sủng Cha ban thì hằng hà sa số,
Lớp lớp thời gian Cha không ngừng đổ rót.
Ðể lãnh xin, con chỉ có bàn tay bé nhỏ,
Vậy sao hồn con cứ trống và tim con còn vơi?" (Tagore)

Lạy Cha, lỗi ở con mà thôi.
Con ước muốn sửa lại lời cầu chúc trên kia.
Con muốn mỗi ngày cánh buồm đong gió ra đi là càng thênh thang, chứ đừng có lời cầu chúc tầm thường mong sao được như ngày xưa bên bến hồ nhỏ bé.

Lời cầu chúc đời ban tặng con đến từ nhận xét.
Con không thể thay đổi cái nhìn của đời được, vì con thế nào thì đời nhận xét như thế.

Lời cầu chúc đến từ cảm nghiệm.
Con không van xin đời thay đổi cảm nghiệm được, con chỉ có thể thay thế chanh chua bằng mật ong, vì đời cảm nghiệm thế nào, đời mong mỏi như vậy.

Lời cầu chúc đến từ ước mơ.
Con không cho đời hạnh phúc được nếu mơ ước kia không là sự thật.

Lời cầu chúc đến từ lòng thành thật.
Con có đau thương vì lời chúc thì cũng hãy thành thật nhận lời chúc như câu kinh.

Lời cầu chúc đến như tiếng than thở.
Con hãy quý những thở than đó vì nó là tiếng lòng nhắc nhở con về một tiếng gọi.

Lời cầu chúc đến từ thực tế.
Con không thể lặng thinh mà không hỏi lòng mình: Tại sao thế?

Lời cầu chúc có thể còn tiếp tục mãi.
Con không thể lặng thinh mà không hỏi Chúa:
- Vậy sáng mai con dâng thánh lễ ra sao.

* * *

Ôi! Lạy Chúa,
Mỗi lời chúc đều nói với con về một ý nghĩa.
Mỗi lời chúc đều nói với con về chính con.
Mỗi lời chúc đều nói với con về liên hệ giữa con và Chúa.
Amen.

Lm Nguyễn Tầm Thường SJ
(Trích tập suy niệm Ðường Ði Một Mình,
xuất bản mùa Giáng Sinh 2005)



TÌM Ý CHÚA

Tĩnh tâm là những ngày nhìn lại linh hồn mình, xét xem tôi đang đi về đâu, ý nghĩa cuộc đời, để rồi chìm sâu hơn nữa trong đời sống tìm kiếm ơn thánh. Trong những ngày này, người tĩnh tâm thường đặt câu hỏi làm sao tôi có thể nghe tiếng Chúa nói.

Trong cuộc sống, người ta rất thường phân vân, đâu là tiếng Chúa, đâu là tiếng của chính mình.  Khi phải quyết định một vấn đề gì đó hệ trọng, họ tới nhà cầu nguyện, mong nghe được tiếng Chúa dạy.  Họ cầu nguyện nhưng phân vân, rồi vẫn không biết làm sao quyết định.

Nghe là một nghệ thuật không dễ.  Học một ngôn ngữ bao giờ cũng cần có thời gian.  Phải nghe nhiều lần mới quen.  Nghe trong định nghĩa bình thường là âm thanh vật lý vang lên, rồi truyền qua những làn sóng mà đến các thần kinh của tai.  Thần kinh ghi những ký hiệu này, cất trong ngăn kéo của máy tính não bộ.  Khi gặp lại âm thanh ấy thì não bộ cho nó một nhận định và một giá trị.  Việc nhận định càng dễ nếu bão bộ càng quen âm thanh này.  Nghĩa là âm thanh ấy được lập đi lập lại nhiều lần.

Tập nghe để phân biệt âm thanh này với âm thanh khác cũng đã khó.  Nhưng nghe âm thanh là tiếng nói của lòng thì bước sang một chiều sâu hơn nữa rồi.  Vì tiếng nói của lòng không là âm thanh vật lý, nó thiêng liêng, vô hình.  Cũng tiếng cười, nhưng ý của nó có thể không làm vui, mà là mỉa mai, riễu cợt.  Hiểu tâm hồn nhau là một tiếng nghe đòi nghệ thuật trong đó có yêu, có hy sinh, có tế nhị, có mình muốn thuộc về người đó.  Vì thế mà có khi sống bên nhau chẳng hiểu ngôn ngữ của nhau.

Mẩu đối thoại giữa ba người, Đức Kitô, ông Tôma và Philipphê cho thấy sự lúng túng về loại ngôn ngữ này.  Chúa nói: “Thầy đi đâu thì anh em biết đường rồi”  Ông Tôma thưa: “Thưa Thầy, chúng con không biết Thầy đi đâu làm sao chúng con biết được đường?”  Đức Kitô đáp: “Thầy là đường, là sự thật, là sự sống.  Không ai đến với Chúa Cha mà không qua Thầy.”  Ông Philipphê đáp: “Thưa Thầy, xin tỏ cho chúng con thấy Chúa Cha, như thế là chũng con mãn nguyện.”  Đức Kitô đáp: “Thầy ở với anh em bấy lâu, thế mà anh Philipphê, anh chưa biết Thầy ư?” (Yn 14:1-9).

Chúa nói là Chúa đi đâu thì các ông ấy biết đường rồi.  Nhưng tôma lại thưa các ông ấy không biết Chúa đi đâu.  Các ông muốn biết Chúa Cha, Chúa Yêsu lại bảo ở với nhau lâu vậy rồi mà chưa biết được ư.  Cuộc đối thoại cứ như mỗi người nói một nẻo.  Đọc lại mẩu chuyện đối thoại ấy để thấy nghe là một công trình phải luyện tập, phải có thời gian, phải quen nhau nhiều.  Nghe người nói với người đã không dễ, bây giờ nghe Chúa nói là tiếng nói vô âm thanh thì làm sao nghe.

Khó, nhưng không có nghĩa là không nghe được.  Tiếng nói tình yêu thường là tiếng nói bằng con tim hơn bằng ngôn ngữ.  Khi hai người thương nhau, họ nói một thứ ngôn ngữ riêng, không theo định nghĩa của tự điển nữa.  Họ nói bằng ánh mắt.  Họ hiểu bằng tâm tư.  Họ ngỏ ý bằng một chút hờn.  Họ muốn người khác bắt ý bằng một chút giận.  Đó cũng là một thứ ngôn ngữ không có âm thanh.  Như vậy, ngôn ngữ của Chua cũng có thể nghe, cũng có thể hiểu.  Một biến cố đau khổ xẩy đến có thể như cái trách của Chúa gởi cho ta một nhắc nhở.  Một chút cắn rứt lương tâm có thể so sánh như một  sự dỗi hờn của hai người đang thương nhau.

Trở lại vấn đề nghe là một nghệ thuật phải luyện tập, ta thấy yếu tố quan trọng nhất là phải quen với ngôn ngữ ấy.  Vì thế, cứ đợi khi có một vấn đề gì đó rồi mới hỏi Chúa thì e rằng khó hiểu được ngôn ngữ của Ngài.  Dụ ngôn người chăn chiên và đàn chiên cho ta hình ảnh khá rõ về nghệ thuật nghe này. Ta có thể chia đàn chiên làm ba loại: Một loại không quen ngôn ngữ của chủ, một loại chỉ nghi ngờ tiếng nói của chủ, một loại nhận ra tiếng chủ ngay.

Không Quen Ngôn Ngữ

Tiếng gọi trong đêm là tiếng gọi gian nan.  Không biết ai gọi.  Không biết từ đâu đến.  Một lúc nào đó bất ngờ có tiếng gọi tên mình.  Trong đêm tối, con chiên này bừng dậy.  Kẻ cắp giấu mặt cho khỏi bị nhìn.  Tên trộm nào cũng ưa bóng tối.  Bầy chiên đang ngủ ngon, bỗng có tiếng gọi.  Hạng chiên không quen ngôn ngữ của người chăn là loại không khi nào gần chủ, không nói chuyện với chủ.  Trong đàn chiên, chúng là những con chạy ở cuối đàn.  Đúng ra, nó không phải là những con chiên theo chủ mà là chỉ dựa vào đàn chiên để sống nhờ.  Bởi đó, trong đêm, khi kẻ trộm giả vờ tiếng người chăn mà gọi thì chúng không thể phân biệt được.

Một người không có đời sống cầu nguyện nhiều cũng giống như vậy.  Trong đêm tối của xã hội, họ không phân biệt được đâu là tiếng nói của sự thật, đâu là ngôn ngữ nguỵ biện đánh lừa lương tâm.  Hạng chiên không bao giờ gần chủ thì khi gặp thử thách trong tiếng gọi giữa đêm khuya chúng sẽ bị kẻ cắp đánh lừa.  Một linh hồn thiếu đời sống nội tâm kết hiệp qua cầu nguyện, họ cũng dễ bị lừa như thế trong những phán quyết của tiếng nói lương tâm.  Loại lương tâm này khi thấy một lời mời quyến rũ, say mê là hành động ngay, không phân biệt được phải trái.

Nghi Ngờ Tiếng Người Chăn

Loại thứ hai này khá hơn.  Những con chiên này phân vân nhiều khi nghe tiếng gọi.  Chúng sẽ suy nghĩ chứ không vội chạy theo, nhưng rất khó mà quyết định.  Loại chiên này đôi khi gần chủ nên cũng nghe tiếng chủ, nhưng vì không gần chủ nhiều, nên lúc nghe, lúc không.  Có nói chuyện với chủ, nhưng ít thôi.  Không quen tiếng chủ lắm nên trong đêm khuya chúng phân vân, lưỡng lự, khó phân biệt nổi. Giống người mới bắt đầu học một ngôn ngữ, hiểu lầm, hiểu không hết ý của người nói là chuyện thường.  Nếu con chiên này nghe tiếng gọi trong đêm mà vẫn ở lại trong đàn cũng là cầu may, chứ không có một thái độ tri thức dứt khoát.

Người lâu lâu mới cầu nguyện, có việc mới chạy tới Chúa cũng giống như vậy.  Có nghe tiếng Chúa mà không rõ lắm.  Họ phân vân không biết có phải tiếng Chúa hay là mình nói mà thôi.  Vì thế, những quyết định của họ rất nửa chừng.  Tâm hồn họ không hẳn là muốn ở lại trong tội, nhưng cũng chẳng hân hoan lên đường.  Một khi không dứt khoát thì không đủ năng lực hành động, nên đời sống thiêng liêng mệt mỏi.

Nhận Ra Tiếng Chủ

Không tên trộm nào lừa được loại chiên sau cùng này.  Tiếng gọi bất chợt vang lên trong đêm.  Nó giật mình dậy, nghe xong, nó nhận định rồi tiếp tục giấc ngủ bình an.  Nó biết ngay tiếng giả đó là của bóng tối.  Loại chiên này ngày nào cũng nói chuyện với chủ, ngày nào cũng nghe âm thanh người dẫn mình đi, nên chúng quá quen rồi.  Không tiếng nói nào bắt chước tiếng chủ được.  Một tiếng gọi vang lên, nó phân biệt ngay đấy là tiếng chủ hay tiếng người lạ.

Ma quỷ cũng như những tên trộm chiên, chúng đợi đêm tối là lúc lương tâm phải lựa chọn những hướng đi mà đến xúi giục ta.  Bóng tối có những luận cứ tinh vi, những lý do xem ra rất chính đáng. Người có đời sống kết hiệp với Chúa thì nhận ra ngay đâu là con đường phải đi. Họ có những quyết định chính xác, đúng.  Bóng tối khó mà lừa được những tâm hồn này.

Để nghe tiếng Chúa, yếu tố đầu tiên phải lưu tâm là một trái tim sạch tội.  Điều này ta cảm nghiệm rõ là sau mỗi lần nhận bí tích hoà giải, ta thấy tâm hồn thanh thản, vui tươi.  Vì thế, nếu một tâm hồn muốn hỏi Chúa, muốn nghe tiếng Ngài, linh hồn đó cần phải thanh tẩy linh hồn, đến gặp gỡ Chúa trong bí tích hoà giải trước đã. Giữ một trái tim sạch tội, rồi sau đó mới hy vọng dễ nhận định tiếng Chúa nói qua lương tâm.

Trước một quyết định quan trong trong đời sống, như ngày truyền chức, ngày nhận một sứ vụ quan trọng, Giáo Hội khuyên những người này phải tĩnh tâm.  Các tu sĩ theo luật, hàng năm phải tĩnh tâm.  Tĩnh tâm là những ngày cầu nguyện đặc biệt hơn, nhiều hơn.  Cứ hàng tháng, hàng năm lập đi lập lại nhiều lần tĩnh tâm như thế để tâm hồn ấy quen cách nói chuyện.  Khi quen rồi, lúc phải quyết định một điều gì trong đời sống, tâm hồn này dễ vững tâm, bình an.  Khi cuộc sống đi sai đường sẽ dễ nhận ra.

Tĩnh tâm là phương pháp sư phạm học nghe ngôn ngữ thiêng liêng, vì thế ai cũng cần.  Nhiều người không nhận định rõ nên đếm xem mình đã tĩnh tâm bao nhiêu lần để so sánh với người khác, và tự cho mình một thứ “tốt nghiệp” qua những lần tĩnh tâm ấy.

Có người đi tĩnh tâm để cho biết là gì rồi sau đó thôi không tĩnh tâm nữa.

Tĩnh tâm không phải chỉ để giải quyết một vấn đề mà là hành trình tập nghe.  Tiếng Chúa có sức mạnh. Chẳng ai nghe đủ và nghe hết, bởi đó, không thể có vấn đề tĩnh tâm như một thứ “tốt nghiệp”, một thứ chứng chỉ là tôi đã đi tĩnh tâm rồi, tôi biết rồi, tôi không cần đi nữa.

Chúa dành một thời gian rất dài, 40 ngày trong sa mạc để cầu nguyện.  Trong đời sống hoạt động, Chúa tiếp tục tìm nơi thinh lặng để cẩu nguyện. “Sau khi giải tán đám đông, Người đi riêng lên núi mà cầu nguyện” (Mt 14:23).  “Trong những ngày ấy, Đức Yêsu đi ra núi cầu nguyện, Người đã thức suốt đêm cầu nguyện cùng Thiên Chúa” (Lc 6:12).  Chúa cũng bảo các tông đồ phải cầu nguyện. “Anh em phải tỉnh thức và cầu nguyện, hầu đủ sức thoát khỏi điều sắp xẩy đến và đứng vững trước mặt Con Người” (Lc 21:36)

Nghe là một nghệ thuật không thể qua một buổi sớm, đến một buổi chiều mà quen.  Vấn nạn con không cầu nguyện, chỉ khi cần đến Chúa, con mới đên hỏi Chúa đôi câu.  Không quen ngôn ngữ của Chúa nên con cho rằng Chúa không nói.

Lạy Chúa, vấn đề là con phải học nghe, chứ không phải là Chúa có nói hay không?

LM Nguyễn Tầm Thường






Audio Các Bài Giảng của LM Giuse Nguyễn Trọng Tước

(Tác giả Nguyễn Tầm Thường)

 Truyện Đọc: Đi Tìm Kẻ Trừ Tà


Giảng Mùa Chay 2013 - 1
Giảng Mùa Chay 2013 - 2
Giảng Mùa Chay 2013 - 3
Giảng Mùa Chay 2013 - 4
Giảng Mùa Chay 2013 - 5
Giảng Mùa Chay 2013 - 6
Giảng Mùa Chay 2013 - 7
Gọi Hồn 1
Gọi Hồn 2
Gọi Hồn 3
Gọi Hồn 4
Trăng Đêm 1
Trăng Đêm 2
Trăng Đêm 3
Trăng Đêm 4
Những cái nhìn 1
Những cái nhìn 2
Những cái nhìn 3
Những cái nhìn 4
Mượn Xác 1
Mượn Xác 2
Mượn Xác 3
Mượn Xác 4
Khi người không đáp trả 1
Khi người không đáp trả 2
Khi người không đáp trả 3
Khi người không đáp trả 4
Khi người không đáp trả 5
Sâu bướm 1
Sâu bướm 2
Sâu bướm 3
Sâu bướm 4
1 - Bao Dung
2 - Bên hồ Tiberia
3 - Bên mộ Mẹ Têrêxa
4 - Chân dung cây viết chì
5 - Cỗ áo quan
6 - Cô đơn
7 - Con cần Chúa
8 - Dang dở
9 - Dấu chân trên cát
10 - Dấu chân xưa
11 - Để tự do và hạnh phúc hơn
12 - Đêm Satan, đêm đức tin - 01
13 - Đêm Satan, đêm đức tin - 02
14 - Điệu ca của những người mù
15 - Đôi guốc của mẹ
16 - Đôi mắt
17 - Giêusalem Chủ nhật Phục Sinh
18 - Hái lộc
19 - Hoa nghĩa trang
20 - Hoa thương nhớ
21 - Hồng ân Thiên Chúa
22 - Khi náo ngày bắt đầu
23 - Khúc ca dâng mẹ
24 - Kinh tin kinh tin kính của tên trộm
25 - Kỷ niệm : Hạnh phúc hay vết thương
26 - Lời của dòng sông
27 - Lối đi của kiến
28 - Lời kinh Sutra
29 - Màu tím hoa sim
30 - Ngày lễ Bạc
31 - Ngày lễ Vàng
32 - Ngày tảo mộ
33 - Ngoại đạo
34 - Ngục tối
35 - Người anh cả
36 - Người khách và con tàu
37 - Nhặt cá
38 - Nhổ cỏ
39 - Niềm tin của thầy Sadhu
40 - Nỗi lòng người chăn chiên
41 - Nụ hôn
42 - Nước trời
43 - Sự chết
44 - Sự sống trong căn nhà chờ chết
45 - Tạ ơn là một tâm tình
46 - Tấm hình của mẹ
47 - Tấm thiệp cưới
48 - Tha thứ
49 - Thân dã tràng
50 - Thánh giá bên chiều mưa rừng
51 - Thánhh Thể
52 - Thầy Bà-la-môn và mẹ Têrêsa
53 - Tiếng gày gáy
54 - Tiếng gọi
55 - Tình yêu
56 - Tình yêu và đau khổ
57 - Tôi chọn Giêsu
58 - Trang hồi kí toà giải tội
59 - Trên nước sông hằng
60 - Trí sạch tâm an
61 - Trong đạo
62 - Vị cha xứ hà tiện
63 - Xin tri ân
64 - Yếu đuối

Posted on 21 Oct 2015
TOP
back to Audio FreeViet INDEX
...MORE COLLECTIONS

  • CORONAVIRUS collection
  • THANK YOU VIETNAM VETERANS
  • FLAG PARADE MAY 2018
  • Candlelight Vigil July 28-2018
  • Candlelight Vigil_Spokane 2018
  • Vietnam Freedom movement
  • www.9binh.com-- Trung cộng tàn ác
  • Kỹ Thuật Biểu Tình + Biểu Ngữ
  • GIAI AO THOI SU:TS Nguyen Xuan Nghia
  • Chàng ơi, điện ngọc bơ vơ quá!
  • VIETNAMESE HERITAGE DAY 2018
  • Proclamation 4-point, Spokane, WA 2018
  • Hữu Loan: cố thi sĩ bất khuất của Nhân Văn Giai Phẩm
  • Freedom Flag Parade Spokane 5/20/2017
  • (2) VIETNAMESE HERITAGE DAY 2017
  • Slideshow: My Nation - Dat Nuoc Toi
  • Vietnamese Heritage Day 2017, Spokane
  • PROCLAMATION+Vietnamese Heritage Day 2017
  • GS Vũ Quý Kỳ: Cuộc Bầu cử Hoa Kỳ 2016
  • Trung cộng làm cá chết, biển độc
  • Cố Gs Lưu Trung Khảo: Lạc Quan, Tin Tưởng và Hy Vọng
  • PARADE + VIETNAMESE HERITAGE DAY 2016
  • PROCLAMATION 2016 --SPOKANE
  • Trần Phong Vũ: Một chế độ bạo tàn, không tim óc
  • 25 AUDIO NHẬN ĐỊNH VÀ CHÚC TẾT 2016
  • Gs Nguyễn Ngọc Bích: Chế độ đã đến ngày tàn!
  • Gs Nguyễn Lý Tưởng: Cùng tắc biến, biến tắc thông
  • Đức Giám Mục Nguyễn Văn Long: Hãy cùng nhau đứng lên đáp lời sông núi!
  • Mặc Giao: Can trường cứu Nước cứu nhà!
  • Nguyễn Tầm Thường: suy niệm & cầu nguyện
  • AUDIO Hồi Ký, Bút Ký, Bình Luận
  • Chữ và Nghĩa (Đoàn Thế Ngữ)
  • 40 Năm: Lm Phan văn Lợi nghĩ gì?
  • Gs Vũ Quý Kỳ: 30/4/75 Lesson
  • GS Nguyễn Lý Tưởng: TS Roland Jacques & Quốc Ngữ
  • THƯƠNG TIẾC VIỆT DZŨNG!
  • Thi sĩ Nguyễn Chí Thiện
  • Collection 2_ Sinh Hoat Ca (32)
  • Collection 1_ Sinh Hoat Ca (40)
  • 28 AUDIO Quý Tỵ 2013 từ Hoa Kỳ
  • 70 NĂM TÂN NHẠC MIỀN NAM (1930-2000)
  • Công Giáo Miền Bắc chống nhà nước VC!
  • Mãi mãi dòng thơ HOA ĐỊA NGỤC
  • Tôi Phải Sống -- Hồi ký đời tù của Linh mục Nguyễn Hữu Lễ
  • Tiến sĩ Nguyễn văn Lương: HẠN CHẾ DU LỊCH & GỞI TIỀN
  • TỘI ÁC KINH KHỦNG của Đảng Cộng Sản Trung Quốc!
  • Buồm cao ghi dấu can trường
  • 4 cuốn Sách Pháp viết về 30-4-1975: Pierre Darcourt, Jean Lartéguy, Olivier Todd, Vanuxem
  • VIỆT KHANG: Lòng nào làm ngơ trước NGOẠI XÂM?
  • 33 BÀI NHẬN ĐỊNH & CHÚC TẾT ĐỒNG BÀO VIỆT NAM
  • THÁI HÀ đấu tranh quyết liệt!
  • LM Nguyễn văn Khải: giáo dân xông vào nơi hiểm nguy!
  • TS Nguyễn Xuân Nghĩa: Giờ Giải Ảo + Bên Kia Màn Khói
  • Ts Phan Văn Song: Tinh thần Đại Việt giữ nước và cứu nước
  • Ts Nguyễn Đình Thắng: Muốn thay đổi, phải hành động!


    Các Đài Phát Thanh Việt Ngữ
    hướng về Việt Nam:

    » VOA
    » BBC phát thanh từ Luân Đôn
    » RFI (Radio France Internationale)
    » RFA - Radio Free Asia
    » VERITAS - Chân Lý Á Châu
    » Đài Phật Giáo Việt Nam

    Các đài phát thanh từ Hoa Kỳ:

    » Radio Bolsa
    » Saigon Radio Hải Ngoại


    « FreeVietNews.com

  •  



      
      Services | © 2008 - 2024
    (1)