TRUNG CỘNG TIẾP TỤC KHUYẾN CÁO CÁC CÔNG TY DẦU HỎA KHÔNG ĐƯỢC LÀM ĂN VỚI VIỆT NAM

@ 18 July 2009 03:29 PM

{nl}{nl}
Tin tổng hợp - Hãng tin Bloomberg hôm nay loan tin nhà cầm quyền Trung cộng tiếp tục khuyến cáo các công ty khai thác dầu hỏa và khí đốt hãy ngưng các chương trình hợp tác với Việt Nam để hoạt động trong vùng biển đông, cho dù Việt Nam cho rằng đây là vùng biển thuộc chủ quyền của mình. Vùng biển Trường Sa là nơi đang có những tranh chấp giữa một số nước, trong đó có Trung cộng, Ðài Loan, Phi Luật Tân, Mã Lai, Brunei và Việt Nam, nhưng Trung cộng tuyên bố đây là thuộc đặc khu kinh tế của họ và họ có toàn quyền trong vùng này. Cơ quan tình báo Hoa Kỳ CIA cũng cho phổ biến trên trang mạng của họ một bản tin về Trung cộng, khi cho rằng những đe dọa của Bắc Kinh đối với những công ty dầu hỏa quốc tế sẽ gây ảnh hưởng đến ngành sản xuất dầu hỏa của Việt Nam. Trong thời gian qua Hà Nội đã cho mở rộng việc đấu thầu khai thác và dò tìm dầu khí trong vùng biển đông, nhưng với giá dầu trên thế giới giảm sút và những công ty quốc tế quan ngại vì nếu hợp tác với Việt Nam sẽ bị mất đi nhiều quyền lợi làm ăn buôn bán khác với Trung cộng, nên số lượng dầu hỏa mà Việt Nam khai thác được đã giảm thiểu khá nhiều và còn thua cả Thái Lan theo những thống kê mới nhất. Bản tin cho biết từ mùa hè năm 2007, Trung cộng đã khuyến cáo một số các công ty dầu hỏa Hoa Kỳ và ngoại quốc là hãy ngung các chương trình dò tìm và khai thác với Việt Nam, còn nếu không sẽ phải chịu những hậu quả tai hại về việc làm ăn buôn bán với Trung cộng. Ngay sau đó, công ty BP của Anh quốc đã bãi bỏ chương trình khai thác dầu khí ở vùng Trường Sa thuộc chủ quyền của Việt Nam. BP vào hồi tháng 3 đã tuyên bố rút ra khỏi dự án hợp tác với Hà Nội, nhưng từ chối không bình luận về việc này mà chỉ nói là không thấy có lợi.

Trong tuần qua, Phụ tá Ngoại trưởng Hoa Kỳ là ông Scot Marciel khi điều trần trước ủy ban Ngoại giao Thượng Viện cũng đã xác nhận tin này, và nói mặc dù Hoa Kỳ đã có một chương trình đàm phán cấp cao với Việt Nam để giảm bớt những căng thẳng trong khu vực có thể biến thành một mối đe dọa cho các công ty Mỹ, nhưng Hoa Kỳ sẽ không can thiệp vào những tranh chấp về chủ quyền biển đảo. Ông Robert Scher là phụ tá Bộ trưởng bộ Quốc Phòng Hoa Kỳ cũng tuyên bố các tàu hải quân của Mỹ đã nhiều lần ghé thăm Việt Nam từ năm 2003 đến nay, khi chiến hạm đầu tiên là chiếc USS Vandegrift ghé thăm hải cảng Saigon.

Hoa Kỳ và Việt Nam cũng đã có những buổi viếng thăm của các viên chức cao cấp của bộ Quốc Phòng lẫn của Hải quân hai nước, nhưng tình hình biển đông càng lúc càng cho thấy là có những căng thẳng mới. Ông Mark Valencia là một chuyên gia nghiên cứu về hải quân làm việc tại Hawaii và Mã Lai, mới đây đã viết một cuốn sách về quần đảo Trường Sa. Ông này cho rằng sau khi quân đội Hoa Kỳ rút quân ra khỏi Iraq, chính phủ Mỹ sẽ có nhiều thời gian hơn để chú trọng đến tình hình tại vùng Ðông Nam Á, cũng như để đối phó với những âm mưu bành trướng của Trung cộng. Ông Valencia nhấn mạnh rằng việc Trung cộng đang mở rộng tầm hoạt động của Hải quân nước này để muốn chiếm trọn vùng biển Ðông là điều mà ai cũng thấy, và Bắc Kinh cũng không che dấu gì về những âm mưu này. Tại Việt Nam người dân ngao ngán nhìn nhà cầm quyền Cộng sản khiếp nhược khuất phục quan thày Trung cộng mà không dám có một thái độ phản đối nào, cho dù những lời tuyên bố mạnh mẽ đòi chủ quyền cũng chỉ phổ biến trên báo chí trong nước, còn trên trang mạng của bộ Ngoại giao Cộng sản Việt Nam cũng không dám hó hé dù chỉ một chữ về vấn đề này.(SBTN)

ÁP THẤP GÂY MƯA LỚN TỪ QUẢNG NINH TỚI QUẢNG BÌNH (HÌNH 11-13)

Tin Hà Nội - Trở lại với những tin từ trong nước, vùng áp thấp trên khu vực vịnh Bắc Bộ gây mưa lớn suốt dọc các tỉnh Quảng Ninh cho đến Quảng Bình. Trong khi đó một cơn áp thấp nhiệt đới ngấp nghé rìa biển Ðông đang có khả năng mạnh lên thành bão. Theo Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn Trung ương, chiều ngày hôm nay vị trí tâm vùng áp thấp ở ven biển các tỉnh Thanh Hóa và Nghệ An, sức gió gần tâm giật tới cấp 7. Mưa lớn xuất hiện khắp các tỉnh khu vực đồng bằng miền Bắc và miền Trung. Tại các tỉnh ven biển Quảng Ninh đến Quảng Bình, lốc xoáy và gió giật mạnh trên cấp 6 có thể xuất hiện trong cơn dông. Vùng núi được lệnh đề phòng lũ lụt và sạt lở đất. Trong khi đó, ngoài khơi phía đông đảo Luzon của Phi Luật Tân, một cơn áp thấp nhiệt đới cũng đang hoành hành tại đây. Tính đến chiều ngày hôm nay tâm áp thấp nhiệt đới cách đảo Luzon khoảng 290 cây số về phía Ðông với sức gió mạnh nhất giật cấp 9. Áp thấp này di chuyển theo hướng Tây Bắc, mỗi giờ đi được khoảng 20 cây số và có khả năng mạnh lên thành bão. Ngày mai tâm bão nằm trên eo biển giữa đảo Ðài Loan và đảo Luzon. Do ảnh hưởng kết hợp với gió mùa tây nam hoạt động mạnh, khu vực giữa và nam biển Ðông, vùng biển từ Bình Thuận đến Cà Mau có gió giật cấp 9 đến cấp 10.(SBTN)

{nl}{nl}