NGƯỜI VIỆT TẠI ÐỨC CHUẨN BỊ KHÁNH THÀNH TƯỢNG ÐÀI TỴ NẠN

@ 17 August 2009 10:16 PM
{nl}

 
Tin Hamburg - Người Việt tại Ðức sắp sửa tổ chức một sự kiện để tỏ lòng biết ơn các ân nhân đã giúp đỡ mình cách nay 30 năm. Vào ngày 12 tháng 9 tới đây, người Việt ở thành phố cảng Hamburg của Ðức sẽ làm lễ khánh thành tượng đài tỵ nạn để chính thức cám ơn những cá nhân và tổ chức người Ðức đã vớt họ ở biển Ðông cách đây mấy mươi năm trên đường vượt biển. Trong khoảng thời gian từ tháng 9 năm 1979 đến tháng 6 năm 1987, suốt gần 8 năm, một hãng tàu ở Hamburg đã tình nguyện cung cấp miễn phí 3 chiếc tàu, lần lượt mang tên Cap Anamur 1, 2 và 3 đi vớt những người tỵ nạn Việt Nam lênh đênh trên biển cả trong cơn thập tử nhất sinh, trời biển bao la.
 
Tổng cộng đã có hơn 11,000 thuyền nhân Việt Nam được 3 chiếc tàu của ủy ban Cap Anamur vớt lên và đưa về cảng Hamburg. Một số đã định cư tại thành phố cảng này từ đó đến nay, một số định cư tại các thành phố khác của Ðức và một số được thân nhân ở các nước khác bảo lãnh. Những trẻ em bé bỏng, ngơ ngác được tàu Cap Anamur vớt lên ngày nào bây giờ đã là những người trưởng thành, hữu dụng cho các nước phương Tây. Ðể chuẩn bị đánh dấu 30 năm ngày khởi hành con tàu Cap Anamur đầu tiên, từ 4 năm qua những người tỵ nạn trên các tàu Cap Anamur đã lập ra Hội Xây Dựng Tượng Ðài Tỵ Nạn Hamburg để vận động xây một di tích lịch sử, vừa để nói lên tấm lòng của mình với các ân nhân, vừa để con cháu sau này có dịp biết được mình từ đâu tới. Ðịa điểm xây dựng tượng đài không đâu khác hơn là Hamburg, vì đây là điểm xuất phát và trở về của các con tàu Cap Anamur.
 
Cảng Hamburg là cảng lớn thứ nhì của Châu Âu, lớn thứ 7 của thế giới. Thành phố Hamburg là thành phố lớn thứ nhì của Ðức, một trung tâm du lịch của nước này, mỗi năm tiếp đón khoảng 8 triệu du khách. Theo lời ông Nguyễn Hữu Huấn là Hội trưởng Hội Xây Dựng Tượng Ðài Tỵ Nạn Hamburg, một dấu tích có mặt vĩnh viễn tại cảng Hamburg sẽ giúp du khách từ khắp thế giới đổ về cảng này hiểu được tại sao trong thập niên 1980 của thế kỷ trước có nhiều người Việt đến Ðức. Ông cho biết hội đã làm đơn từ cuối năm 2005 lên thống đốc tiểu bang Hamburg. Gần 7 tháng sau mới được trả lời nhưng tiểu bang không cho họ được xây dựng bất kỳ cái gì ở cảng Hamburg.
 
Lý do đưa ra có văn bản rõ ràng, là tại cảng Hamburg có 2 tấm bảng đồng của người Do Thái, nêu lên các tội ác của Ðức Quốc Xã trong thế chiến vừa qua. Một trong 2 bảng nói về tàu Exodus chở khoảng 9000 người Do Thái xuất phát từ cảng Hamburg chạy trốn Ðức Quốc Xã. Tàu này đã bị đánh chìm, tất cả những người trên tàu chết hết. Người Ðức họ ngại nếu mình xây một tượng đài gần đó có thể đụng chạm người Do Thái hoặc làm giảm bớt ý nghĩa tấm bia của người Do Thái. Cộng đồng hơi thất vọng, tưởng phải hủy bỏ dự án. Sau này họ vận động với một số chính khách và họ thấy chuyện này không chấp nhận được. Hơn một năm sau họ mới cho người Việt giấy phép tạm thời. Cuối cùng nhờ sự ủng hộ của đa số đồng bào, Hội Xây Dựng Tượng Ðài đã gửi giấy mời các quan khách người Ðức đến dự lễ khánh thành và cho tới giờ phút này đã có nhiều người nhận lời.(SBTN)