THÔNG CÁO BÁO CHÍ của UB Bảo Vệ Quyền làm Người Việt Nam

@ 7 September 2009 06:19 PM
THÔNG CÁO BÁO CHÍ LÀM TẠI PARIS NGÀY 7.9.2009

Tổ Hành động Chống Bắt bớ tùy tiện của LHQ tố cáo Hà Nội bắt giam phi pháp những người phê phán chế độ

PARIS, ngày 7.9.2009 (QUÊ MẸ) - Tổ Hành động Chống Bắt bớ tùy tiện của LHQ, là cơ quan của LHQ theo dõi và quan sát các trường hợp bắt bớ trái phép tại các quốc gia thành viên trong thế giới, vừa nêu danh một số các nhà bất đồng chính kiến Việt Nam bị giam giữ trái chống với các Công ước quốc tế về nhân quyền. Nhưng nạn nhân này gồm có : Nguyễn Hoàng Hải (Ðiếu Cày), Nguyễn Xuân Nghĩa, Phạm Văn Trội, Phạm Thanh Nghiên, Vũ Hùng, Ngô Quỳnh, Nguyễn Văn Túc, Trương Minh Ðức, Nguyễn Văn Hải, và Nguyễn Việt Chiến.

Những nạn nhân trên đây đã bị kết án tù vì phê phán chính sách của nhà cầm quyền Hà Nội, đặc biệt là phê phán quan hệ với Trung quốc. Tổ Hành động Chống Bắt bớ tùy tiện của LHQ kêu gọi Việt Nam “dùng những biện pháp cần thiết để khắc phục tình trạng của những người này”, và yêu cầu trả tự do tức khắc cho ông Trương Minh Ðức vì lý do sức khỏe.

Theo bản “Quan điểm 1/2009” được thông qua tại khóa họp lần thứ 54 của Tổ Hành động Chống Bắt bớ tùy tiện của LHQ tại Genève, tuyên cáo rằng hai ông Phạm Văn Trội, Nguyễn Xuân Nghĩa, cô Phạm Thanh Nghiên, và các ông Vũ Hùng, Ngô Quỳnh và Nguyễn Văn Túc, bị bắt vào tháng 9.2008 sau cuộc biểu tình ôn hòa chống lại yêu sách của Trung quốc xâm lấn hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Những người này vẫn chưa được đưa ra xét xử. Họ bị bắt giam tùy tiện trong khi hành động của họ “chỉ biểu tỏ ôn hòa các quyền tự do hội họp, tự do ngôn luận và tự do báo chí”. Tổ Hành động Chống Bắt bớ tùy tiện của LHQ đặc biệt quan tâm tới trường hợp của nhà giáo Vũ Hùng bị sa thải khỏi chức vụ dạy học.

Trường hợp Blogger Nguyễn Hoàng Hải (Ðiếu Cày) bị tòa án Nhân dân TP Hồ Chí Minh kết án 30 tháng tù hôm 10.9.2008 vì lý do “trốn thuế”, nhưng trong thực tế là ông đã đưa lên mạng Internet các bài chống đối yêu sách chiếm đóng của Trung quốc trên hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, cũng như tham gia các cuộc biểu tình chống Trung quốc. Nhận định rằng tính chất “ôn hòa và chính đáng” của ông Hải thông qua các hành xử báo chí và chính trị, là những hành xử “không bị nhà cầm quyền Việt Nam phản bác”, Tổ Hành động Chống Bắt bớ tùy tiện của LHQ kết luận rằng việc giam giữ ông Hải là “hành động nhằm dập tắt sự hành xử các quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí và tự do hội họp”

Tổ Hành động Chống Bắt bớ tùy tiện của LHQ nhận định trường hợp nhà báo tự do Trương Minh Ðức là “một trường hợp đặc biệt nghiêm trọng về sự bắt bớ tùy tiện”. Ông Ðức bị tố cáo tội “lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước” (chiếu điều 258 trong Bộ luật Hình sự), và bị kết án 5 năm tù hôm 28.3.2008 tại Kiên Giang, vì lý do đã viết những bài tố cáo cán bộ nhà nước tham những. Nhận thấy án tù quá nặng cho một nhà báo mà “sức khỏe đang sa sút vì tình trạng giam cầm tồi tệ”, Tổ Hành động Chống Bắt bớ tùy tiện của LHQ yêu cầu trả tự do tức khắc cho ông Ðức.

Còn trường hợp hai nhà báo Nguyễn Văn Hải (tuần báo Tuổi Trẻ) và Nguyễn Việt Chiến (nhật báo Thanh Niên), bị kết án năm 2008 mỗi người 2 năm tù và 2 năm cải tạo vì tiết lộ các vụ tham nhũng tai tiếng của những viên chức cao cấp. Họ đã được trả tự do sau đó nhờ áp lực quốc tế. Tổ Hành động Chống Bắt bớ tùy tiện của LHQ tuyên cáo rằng việc kết án họ “lợi dụng chức vụ và quyền hạn” là tùy tiện. Tổ Hành động Chống Bắt bớ tùy tiện của LHQ cho rằng những hành xử của hai nhà báo nói trên “phù hợp với phạm vi thuộc các quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí” cũng như đã hành xử theo khả năng chuyên nghiệp của họ.

Tổ Hành động Chống Bắt bớ tùy tiện của LHQ cũng tố cáo Việt Nam sử dụng các điều khoản trong Bộ luật Hình sự, như dùng Ðiều 258 để kết tội “lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước”. Tổ Hành động Chống Bắt bớ tùy tiện của LHQ cho rằng các điều khoản này “mâu thuẫn với bất cứ quyền hay tự do nào được LHQ bảo đảm trong Tuyên ngôn Quốc tế Nhân quyền và trong Công ước quốc tế về Các quyền dân sự và chính trị mà Việt Nam đã tham gia ký kết”. Khi biết rằng điều 258 trong Bộ luật Hình sự Việt Nam kết án từ 7 năm tù trở lên.

Hồ sơ về các trường hợp kể trên đã được ông Võ Văn Ái, Chủ tịch Ủy ban Bảo vệ Quyền làm Người Việt Nam, đệ nạp Tổ Hành động Chống Bắt bớ tùy tiện của LHQ trong thời gian qua. Theo thủ tục của Hội đồng Nhân quyền LHQ, thì tất cả các hồ sơ đệ nạp đều được cứu xét nghiêm chỉnh. Sau đó, hồ sơ được chuyển về cho Nhà cầm quyền Hà Nội hỏi ý kiến. Khi được Hà Nội phản hồi xác nhận hay bác bỏ, (xưa nay chưa hề có trường hợp nào được Hà Nội xác nhận), LHQ chuyển thư phản hồi ấy đến cơ quan tố cáo để yêu cầu bình luận. Cuối cùng hồ sơ kết thúc mới đưa ra khóa họp để thông qua hay bác bỏ.

Quan điểm 1/2009 về vấn đề Việt Nam đã được thông qua tại khóa họp lần thứ 54 của Tổ Hành động Chống Bắt bớ tùy tiện của LHQ ở Genève, và vừa được ông Miguel de la Lama, Tổng Thư ký Tổ Hành động Chống Bắt bớ tùy tiện của LHQ, gửi đến ông Võ Văn Ái thông báo. Nội dung được trình bày trên đây.

Quan điểm 1/2009 của LHQ về vấn đề Việt Nam đã đến đúng lúc vào thời điểm Hà Nội dăng mẻ lưới bắt bớ các nhà báo, blogger, nhà hoạt động dân chủ… chỉ vì những người này đòi hỏi nhân quyền, dân chủ, toàn vẹn lãnh thổ trước sự kiện Trung quốc xâm lấn lãnh thổ, lãnh hải Việt Nam. Ðó là trường hợp của các vị : Nguyễn Ngọc Như Quỳnh, Huy Ðức, Bùi Thanh Hiếu, Phạm Ðoan Trang, Lê Công Ðịnh, Trần Huỳnh Duy Thức, Lê Thăng Long, Nguyễn Tiến Trung, Trần Anh Kim, v.v…