THỦ TƯỚNG CỘNG SẢN VIỆT NAM THÚ NHẬN GDP TĂNG TRƯỞNG THẤP NHẤT TRONG 10 NĂM QUA

@ 21 October 2009 07:47 AM
{nl}Tin Hà Nội - Thừa nhận tác động của suy giảm kinh tế thế giới làm GDP năm 2009 chỉ tăng 5.2%, Thủ tướng Cộng sản Việt Nam trong bài nói chuyện trong buổi khai mạc Quốc Hội hôm nay khẳng định, năm 2010 sẽ tập trung phục hồi tốc độ tăng trưởng kinh tế với chỉ tiêu GDP tăng 6.5%, bình quân đầu người 1.200 đô-la. Bài nói chuyện của Nguyễn Tấn Dũng đã đổ thừa cho việc khủng hoảng và suy thoái kinh tế toàn cầu đã tác động nghiêm trọng đến kinh tế Việt Nam, nhất là xuất cảng, đầu tư và du lịch. Theo đó, tháng 12 năm ngoái nhà nước Cộng sản Việt Nam đã ban hành nghị quyết 30 về những giải pháp cấp bách nhằm ngăn chặn suy giảm kinh tế, duy trì tăng trưởng, bảo đảm an sinh xã hội. Với hàng loạt giải pháp như giảm lãi suất cơ bản, hỗ trợ lãi suất vay vốn lưu động 4% một năm, bảo lãnh tín dụng cho doanh nghiệp vừa và nhỏ, lùi thời gian nộp thuế, nhưng Việt Nam vẫn không ngăn chặn được đà suy giảm.
 
Tổng sản phẩm nội địa GDP 9 tháng đầu năm là 4.6%, dự báo cả năm tăng khoảng 5.2%. Tổng thu ngân sách nhà nước năm dự trù đạt 390 nghìn tỷ đồng, bội chi ngân sách ở mức 6.9% GDP. Tỷ lệ dư nợ quốc gia so với GDP khoảng 29.7%. Tất cả những con số này đều được coi là dưới sự thật rất xa. Người đứng đầu nhà nước Cộng sản Việt Nam cũng thú nhận dù được đánh giá là nước có mức tăng trưởng cao nhất trong khu vực, nhưng tốc độ tăng trưởng GDP của Việt Nam vẫn là thấp nhất trong 10 năm gần đây. Tăng trưởng chính vẫn là năng suất lao động, chất lượng và sức cạnh tranh còn thấp. Việc điều hành tỷ giá và thị trường ngoại hối chưa thật linh hoạt, dẫn đến tình trạng giữ đô-la, cán cân thanh toán tổng thể đã bị thâm hụt dự báo khoảng 1.9 tỷ đô-la. Bội chi ngân sách tăng và chính sách tiền tệ nới lỏng luôn tiềm ẩn nguy cơ lạm phát cao trở lại.
 
Bản báo cáo của Nguyễn Tấn Dũng đổ thừa rằng do tác động của suy giảm kinh tế, việc bảo đảm an sinh xã hội và phúc lợi xã hội còn nhiều khó khăn. Chỉ tiêu việc làm, xuất cảng lao động không đạt kế hoạch, tỷ lệ lao động thất nghiệp thành thị tăng. Ðời sống nhân dân còn nhiều khó khăn, số hộ nghèo và tái nghèo còn nhiều. Một số chương trình chính sách an sinh xã hội thi hành còn chậm, để xảy ra nhiều vấn đề ở một số nơi. Tất cả những đề tài này sẽ là những yếu tố cho các đối thủ của Nguyễn Tấn Dũng dựa vào để tìm cách lật đổ nhân vật này trong kỳ họp bàn thay đổi nhân sự của đảng Cộng sản trong đại hội kỳ tới. Sang năm 2010, Nguyễn Tấn Dũng đưa ra 5 biện pháp lớn, trong đó quan trọng nhất là hứa hẹn tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, đẩy mạnh xuất cảng, phát triển dịch vụ, xây dựng đề án và thực hiện một bước tái cấu trúc nền kinh tế.
 
Hiện đang có những tin đồn là Việt Nam sẽ thực hiện một chương trình kích cầu thứ nhì, sau chương trình đầu tiên trị giá 10 tỷ mà nhiều người cho rằng Trung cộng đã phải đổ tiền cho Việt Nam vay mượn để cứu nguy để khỏi sụp đổ, và từ đó được nhà nước Cộng sản Việt Nam cho hưởng nhiều quyền lợi kể cả việc cho khai thác bauxite ở vùng Tây nguyên bất chấp những nguy hiểm về môi trường và về cả an ninh quốc gia khiến cho rất nhiều người chống đối.
 
Nguyễn Tấn Dũng cũng hứa hẹn tăng lương tối thiểu, đẩy mạnh cải cách hành chính, cắt giảm tối thiểu 30% các quy định hiện hành về thủ tục hành chính và rất nhiều lời hứa khác trước Ðại hội Ðảng. Người ta thấy Nguyễn Tấn Dũng đã nhận trách nhiệm trước nhân dân, nhưng nhiều người cho rằng lời nhận trách nhiệm này là quá trễ, và sẽ khó mà tránh một cuộc đấu đá trong nội bộ đảng trong những ngày tới.(SBTN)