CẢNH SÁT ÚC XÉT NHÀ 2 VIÊN CHỨC NGÂN HÀNG TRUNG ƯƠNG ÚC VỀ VỤ HỐI LỘ IN TIỀN GIẤY POLYMER CHO VIỆT NAM

@ 23 November 2009 06:10 AM
Tin Melbourne - Một nguồn tin cho biết Cảnh sát liên bang Úc hôm thứ năm cũng đã ập vào khám xét nhà của hai viên chức cao cấp Ngân Hàng Trung Ương Úc để tìm bằng chứng trong cuộc điều tra hối lộ vụ tiền Polymer. Báo The Age hôm qua loan tin nhà của ông Myles Curtis, giám đốc điều hành Ngân hàng Trung ương, và nhà của ông John Ellery là thư ký của ngân hàng này, ở hai khu vực ngoại ô của thủ phủ Melbourne đã bị cảnh sát Liên Bang Úc lục soát. Ðồng thời cảnh sát cũng đã khám xét trụ sở trung ương của công ty in tiền polymer cho Ngân Hàng Trung Ương Úc trong cùng ngày. Một nữ phát ngôn viên của cảnh sát Liên Bang cho hay chưa có lệnh truy tố nào được tiến hành cũng như chưa có ai bị thẩm vấn. Một cuộc họp khẩn cấp do Phó Thống đốc Ngân Hàng Trung Ương Úc chủ tọa đã quyết định cho hai ông nói trên tạm nghỉ trong khi cuộc điều tra đang tiến hành.

Hội Ðồng Quản Trị RBA cũng ra lệnh cho công ty Securency đình chỉ hết mọi hoạt động tiếp thị dịch vụ in tiền giấy nhựa ở ngoại quốc liên quan đến các người môi giới ăn hoa hồng, đồng thời cũng mời công ty kiểm toán bên ngoài mở cuộc cứu xét từng trường hợp một, các hợp đồng của công ty với các người môi giới ngoại quốc. Theo báo The Age, Sở Ðiều Tra Tội Phạm Lừa Ðảo Nghiêm Trọng của chính phủ Anh cũng bắt đầu tiếp tay điều tra vụ việc. Securency là công ty liên doanh mà Ngân Hàng Trung Ương Úc nắm phân nửa cổ phần và giữ phần kiểm soát, một công ty Anh Quốc nắm phần còn lại. Công ty này in tiền giấy nhựa polymer không những cho chính phủ Úc mà còn bán dịch vụ tới 28 nước trên thế giới trong đó có Việt Nam.

Vào tháng 5 vừa qua, báo The Age tung tin cho hay Securency đã hối lộ cho các quan chức chính phủ ngoại quốc để có được hợp đồng. Không đưa tiền trực tiếp cho thống đốc Ngân Hàng Trung Ương Việt Nam khi đó là Lê Ðức Thúy và các quan chức cao cấp của chế độ Hà Nội nhưng số tiền đã chuyển gián tiếp qua Lương Ngọc Anh, tổng giám đốc Công ty Phát Triển Công Nghệ ở Hà Nội. Nhân vật này qua sự mô tả của báo điện tử Ðảng Cộng sản Việt Nam hồi đầu tháng 10, cho biết có nhiều quan hệ chằng chịt với Bộ Công An, cơ quan tình báo và nhiều chức sắc khác của đảng và nhà nước. Công ty Phát triển Công nghệ từ một công ty gia đình cò con ban đầu có 2 nhân viên đã phình ra nhanh chóng thành một công ty có 300 nhân viên với thương vụ hàng năm trung bình $30 triệu đô la. Báo Úc nói cuộc điều tra cho thấy Securency đã chuyển cho công ty của Lương Ngọc Anh $12 triệu đô la Úc, trong đó 5 triệu được chuyển tới một số trương mục bí mật ở Thụy Sĩ. Tiền hoa hồng nhiều như vậy, nhưng dịch vụ do công ty này cung cấp chỉ là đưa đón phi trường, sắp xếp lịch gặp viên chức chính phủ, dịch một ít tài liệu và thông dịch trong các cuộc họp. Từ năm 2006, báo chí ở việt Nam viết nhiều về những nghi vấn in tiền polymer khi thấy những tờ giấy bạc này phẩm chất rất tồi, từ nhòe mực đến phai màu. Việc thuê Úc cung cấp dịch vụ in tiền polymer, như ông Lê Ðức Thúy là Thống đốc Ngân Hàng Nhà Nước tại thời điểm đó, đã họp báo nói là nhằm đối phó với nạn tiền giả xuất hiện lan tràn khắp nơi trên cả nước.

Cuộc điều tra của Thanh Tra Nhà Nước thấy có những sai phạm trầm trong trong vụ in tiền polymer nhưng ông Thúy chỉ bị khiển trách, rồi mất ghế Thống đốc vào tháng 7 năm 2007. Sau đó tháng 3 năm 2008 ông này lại được cất nhắc làm phó chủ tịch chuyên trách Hội Ðồng Tư Vấn chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia, và nắm chức chủ tịch Ủy Ban Giám Sát tài chính quốc gia. Vụ in tiền polymer làm người ta chú ý hơn khi được biết ông Thúy đã đưa con trai Lê Ðức Minh vào làm phó giám đốc một công ty con của CFTD, nhưng thấy chuyện ồn ào nên con ông đã bị đẩy ra ngoài. Ngày 19 tháng 11 khi trả lời chất vấn của đại biểu Quốc Hội về các vụ quan chức tình nghi ăn hối lộ của nước ngoài, Thủ tướng Cộng sản Việt Nam là Nguyễn Tấn Dũng nói báo chí Úc đưa tin về việc có đơn vị doanh nghiệp của Úc hối lộ về in tiền cho Việt Nam, một mặt yêu cầu cơ quan chức năng Việt Nam tìm hiểu vấn đề, nắm tình hình và kiểm tra vấn đề, đồng thời giao cho Bộ Ngoại Giao làm việc với Úc.

Tuy nhiên, lãnh tụ Cộng sản Việt Nam vẫn tuyên bố một cách máy móc rằng sẽ phải điều tra theo pháp luật Việt Nam, với tinh thần không để sót tội phạm, không làm oan cho ai. Cuộc điều tra của cảnh sát Liên Bang Úc nhằm tìm nguồn gốc và mối quan hệ giữa viên chức Securency với các quan chức ngoại quốc qua sự trung gian của những kẻ môi giới nhằm kiếm được hợp đồng cung cấp dịch vụ. Ðể có được hợp đồng, phải trả những khoản tiền quá lớn. Theo luật lệ Úc, nếu tìm thấy chứng cớ và bị truy tố tội hối lộ cán bộ ngoại quốc, kẻ phạm luật có thể bị kết án đến 10 năm tù.(SBTN) {nl}{nl}