VIỆT NAM VÀ TRUNG CỘNG NẮM GIỮ CHÌA KHÓA CHO VẤN ÐỀ BIỂN ÐÔNG

@ 28 November 2009 08:05 AM
Tin Hà Nội - Tại buổi hội thảo quốc tế đang diễn ra tại Hà Nội, các học giả đã thẩm định việc nhà cầm quyền Cộng sản Việt Nam cùng Mã Lai trình bản đồ thềm lục địa mở rộng lên Liên Hiệp Quốc là một bước đi khiến Trung Cộng bất ngờ. Giáo sư Ramses Amer của Thụy Ðiển nói nhận định, tất cả những hành động gần đây của Trung Cộng đều liên quan đến việc này, kể cả việc cấm tàu cá ra khơi, bắt giữ ngư dân khi tránh bão ở quần đảo Hoàng Sa chỉ là biểu hiện của sự phản ứng giận dữ của Bắc Kinh đối với đàn em Cộng sản Việt Nam. Ông Amer nói Trung cộng đã tìm mọi cách để nhắc nhở và khẳng định ai là chủ ở Biển Ðông.

Lần đầu tiên Trung Cộng buộc phải đưa bản đồ tuyên bố chủ quyền hình chữ U trên Biển Ðông lên Liên hiệp quốc, bản đồ mà Trung Cộng đã giữ riêng cho mình. Trong khi đó, chính các học giả Trung Cộng cũng không hiểu thực sự đường lưỡi bò mà Trung Cộng đưa ra thể hiện điều gì. Cách phản ứng của Bắc Kinh cũng cho thấy khả năng lựa chọn phản ứng rất hạn chế. Giáo sư Amer cho rằng trên thực tế, các đảo đều đã có quốc gia chiếm giữ. Muốn tăng sự hiện diện, Trung Cộng không có cách nào khác là gây chiến với một nước khác đang chiếm giữ đảo, là điều mà Trung Cộng không muốn và điều kiện quốc tế hiện nay cũng không cho phép. Lựa chọn tốt nhất cho các nước là giữ nguyên trạng.

Tuy nhiên các học giả cho rằng những tranh chấp về chủ quyền lãnh thổ giữa nhiều bên liên quan đang có dấu hiệu tăng lên. Các hành động khẳng định chủ quyền về mặt pháp lý, kèm theo đó là những hành vi đơn phương nhằm tăng cường sự kiểm soát các đảo, tranh chấp các nguồn năng lượng và tài nguyên đã làm cho tình hình thêm phức tạp.

Giáo sư Mark Valencia từ Mỹ cho rằng bầu không khí chính trị ở Biển Ðông đã khác xa so với những năm của thập niên 80 và 90, căng thẳng đang tăng lên. Trong tâm lý của các quốc gia liên quan, các đảo nhỏ, đảo đá cũng rất quan trọng. Trung Cộng còn chiếm cả các đảo ngầm chìm trong nước biển khi thủy triều lên. Giáo sư người Anh Geoffrey Till cho rằng tranh chấp Biển Ðông đặc biệt phức tạp khi có nhiều bên liên quan, và sự tham gia ngày càng nhiều cả các chủ thể phi nhà nước như các công ty đa quốc gia và các ngư dân. Giáo sư Carl Thayer từ Úc Ðại Lợi nhận xét từ 2007 đến nay, tranh chấp Biển Ðông đã chuyển sang các vấn đề an ninh khu vực bất chấp tuyên bố về các nguyên tắc ứng xử trên biển Ðông DOC đã được các bên ký kết năm 2002. Ông Kazunime Akimoto, nguyên Phó đô đốc hải quân của Nhật Bản lưu ý nếu tranh chấp nóng xảy ra, kinh tế của các nước sát vùng Biển Ðông sẽ nguy hiểm. Các quốc gia Ðông Á đều liên quan đến Biển Ðông.

Nếu một nước độc chiếm Biển Ðông, nó sẽ tác động không chỉ ở khu vực mà an ninh toàn thế giới. Các học giả đều đồng ý rằng xung đột lợi ích quốc gia, lịch sử tranh chấp phức tạp của Biển Ðông, cách diễn giải khác nhau về Luật Biển 1982, báo cáo về thềm lục địa kéo dài, cạnh tranh giữa các nước lớn xuất hiện nhiều hơn trong vùng Biển Ðông. Việc các nước tăng cường lực lượng hải quân, chủ nghĩa dân tộc hướng vào vấn đề chủ quyền là những nguyên nhân chính khiến cho tình hình phát triển phức tạp hơn và việc giải quyết tranh chấp khó khăn hơn.(SBTN){nl}{nl}