TÂM THƯ GỞI ÐỨC CHA NGÔ QUANG KIỆT VỀ VIỆC TỪ CHỨC

@ 8 December 2009 03:50 AM
     Trọng kính Ðức Cha Giuse Ngô Quang Kiệt, Tổng Giám mục Hà Nội

     Con là một giáo dân Việt Nam đang sống ở Hoa Kỳ, con muốn gởi đến Ðức Cha một thư riêng, nhưng con biết lúc này liên lạc với Ngài không dễ. Vậy con xin mượn Internet này để gởi đến Ðức Cha vài dòng tâm tư, và cũng là vài dòng hiệp thông với những ai quan tâm đến Giáo hội Việt Nam và thương mến Ðức Cha.

     Kính Thưa Ðức Cha,

     Gần đây có dư luận cho là Ðức Cha đã làm đơn từ chức vì lý do sức khỏe và chính thức sẽ nghỉ hưu vào cuối tháng 11 năm 2009 này. Nghe nói là vì lý do sức khỏe, nhưng bên trong và đàng sau lý do ấy, con nghi là có nhiều áp lực khác nhau đè nặng trên Ðức Cha. Những sự kiện xẩy ra cho Ðức Cha gần một năm qua, nhất là những ngày gần đây, bắt buộc con phải nghĩ như vậy.

     Dĩ nhiên quyết định một sự việc vô cùng hệ trọng cho Giáo hội Việt Nam như việc này là quyền của Ðức Cha sau khi đã suy nghĩ và cầu nguyện nhiều đêm ngày, con hoàn toàn tôn trọng, nhưng dù vậy, con cũng mạo muội khẩn xin Ðức Cha đừng từ chức trong lúc này vì sẽ có nhiều hậu quả không tốt cho Giáo hội Việt Nam.

     1) Giáo dân Việt Nam trong và ngoài nước, đặc biệt là Giáo dân Hà Nội, sẽ hoang mang không biết con đường nào là đường phải theo vì cho đến giờ này họ vẫn một lòng theo chân Ðức Cha trong mọi công việc lớn nhỏ. Vậy tại sao Ðức Cha lại ‘ra đi’. Lý do sức khỏe bắt Ðức Cha phải từ chức không hề thuyết phục.

     2) Từ đó con thấy, nếu Ðức Cha ra đi lúc này thì không dễ dàng có một vị nào thay thế cho Ngài được vì chính quyền chắc chắn sẽ không chấp nhận một vị Tổng Giám mục Hà Nội ‘Giống Như Ngài” về làm việc ở Hà Nội. Và từ đó Giáo phận Hà Nội sẽ trống ngôi một thời gian khá lâu và Dân Chúa sẽ bị thiệt thòi nhiều

     3) Dù muốn dù không, Giáo dân và nhiều người thân thiện với Công giáo sẽ nghi ngờ Hội đồng Giám mục Việt Nam (vì cho đến giờ phút này vẫn có một sự im lặng khó hiểu), nghi ngờ điều gì thì chắc chắn Ðức Cha và mọi người đều đã biết. Dù không phải tất cả mọi người đều nghi ngờ, nhưng chắc chắn sẽ có một số rất đông, và từ đó giáo dân sẽ có nhiều phe nhóm. Và như thế là Giáo hội Việt Nam khó tránh được sự chia rẽ trong tương lai.

     4) Với cái nhìn của một người sống ở hải ngoại, con tin chắc nếu Ðức Cha từ chức trong lúc này thì Giáo dân Việt Nam ở hải ngoại sẽ có phản ứng rất tiêu cực với Hội đồng Giám mục Việt Nam. Nếu họ không phẫn uất thì cũng đổi sang thái độ lạnh lùng dửng dưng.Và một khi niềm tin và sự ủng hộ đã mất đi thì rất khó lấy lại lắm.

     5) Và có thể những hiệu quả tiêu cực khác nữa mà mắt thường con không thấy được hoặc trí mọn của con nghĩ không tới.

     Với những suy tư thô thiển như thế, con kính xin Ðức Cha hãy ở lạị với Giáo phận Hà Nội, ở lại với các Linh mục Hà Nội, và ở lại với Giáo dân Hà Nội. Họ đang cần sự hiện diện của Ðức Cha ở đó và ngay lúc này, ‘Hic et Nunc’. Con nghĩ đây là một việc khó, rất khó. Nhưng xin Ðức Cha bình tâm vì con cũng biết sự ‘ra đi’ (nếu có) của Ðức Cha là một sự can đảm rất lớn, nhưng sự ‘ở lại’ của Ðức Cha cũng là một can đảm khôn lường.

     Biết mình chỉ là một giáo dân tầm thường nên tiếng nói của mình cũng chỉ là tiếng kêu trong đêm vắng. Vì vậy nên con ước mong các vị trong Hội đồng Giám mục Việt Nam, nhất là Ðức Cha Chủ tịch Phêrô Nguyễn Văn Nhơn sẽ thay con nói với Ðức Cha rằng: Xin hãy ở lại với Hà Nội và ở lại với chúng tôi. Ðược như vậy thì chắc Ðức Cha sẽ dễ nghe hơn và nhiều nghi ngờ cùng nhiều khúc mắc khác sẽ được xóa tan đi. Con tha thiết xin các Ngài nói thay cho con.

     Một lần nữa, xin Ðức Cha hãy ở lại Hà Nội cho dù sức khỏe không cho phép Ðức Cha làm việc như xưa nữa, nhưng hãy ở lại đấy như người già yếu vẫn luôn hiện diện trong gia đình với đàn con, mặc dù ông không còn ra đồng cấy cầy hay chèo thuyền đi buôn bán nuôi gia đình được nữa vì Người cha già trong một gia đình cho dù không còn ‘làm việc’ được nữa, thì ông vẫn có ‘việc làm’. Việc làm ấy chính là sự hiện diện, hiện diện như một ánh đèn luôn sáng cả ngày và đêm.

     Sau cùng, con cũng mạo muội lập lại lời Chúa Giêsu đã dậy mà Ðức Gioan-Phaolô II đã khai triển, và cũng là lời mà chính Ðức Cha đã dùng để an ủi chung con trước đây trong những lúc gặp khó khăn: “ÐỪNG SỢ.”

     Con sẽ tiếp tục cầu xin Chúa ban cho Ðức Cha luôn được hồn an xác mạnh.

     Kính chào Ðức Cha
     Giuse Tâm Nguyễn,
     USA, California 17-10-2009