LÊN NÚI NHẶT THỊT CHÚA

@ 12 January 2010 07:38 AM

Có đáng ngạc nhiên ?

Câu{nl}chuyện thời sự khiến mọi tín hữu Công Giáo Việt Nam quan tâm lúc này,{nl}là những gì mới xảy ra tại giáo xứ Ðồng Chiêm trong những ngày qua. Ðọc{nl}các bài viết trên mạng Vietcatholic, tôi thấy nhiều người tỏ vẻ ngạc{nl}nhiên: Làm sao sau cuộc viếng thăm Vatican của Chủ tịch Nước Nguyễn{nl}Minh Triết, cùng với bao lời lẽ tốt đẹp trao đổi với Ðức Giáo Hoàng{nl}Bê-nê-đi-tô XVI, lại có thể có một vụ việc tồi tệ và trầm trọng như thế{nl}này được ? Trước cuộc viếng thăm này, có người đã tỏ vẻ lạc quan. Thậm{nl}chí có giám mục đã nói đến một cuộc viếng thăm khả dĩ của Ðức Giáo{nl}Hoàng đến Việt Nam sau cuộc viếng thăm Vatican của Chủ tịch Nước ! Rồi{nl}còn nói đến khả năng các Giáo Hội anh chị giúp đỡ về mặt tài chánh để{nl}có thể đón Ðức Giáo Hoàng !

Bản thân tôi chẳng kỳ vọng gì trước{nl}chuyến đi của Chủ tịch Nước, cũng không ngạc nhiên trước những sự việc{nl}mới xảy ra. Các quan chức cộng sản có thể có những vai diễn khác nhau,{nl}nhưng đạo diễn duy nhất vẫn là đảng cộng sản. Tôi nhớ có đọc ở đâu đó{nl}lời một chính trị gia, ông Âu Dương Thệ, đại khái như thế này: Nhìn từ{nl}bên ngoài, ta có thể đoán: trong nội bộ đảng cộng sản Việt Nam, có phe{nl}thân Tàu, có phe thân Mỹ, nhưng kỳ thực, chỉ có những phe thân nhau mà{nl}thôi. Thành ra bắt tay Ðức Giáo Hoàng, hay là triệt hạ Cây Thánh Giá,{nl}chỉ là những màn khác nhau của cùng một vở tuồng. Cộng sản Việt Nam với{nl}tôn giáo, ở đây chính xác là Công Giáo: Chiến thuật thay đổi tuỳ thời{nl}điểm, nhưng chiến lược thì không.

Tại sao lúc này ?

Ngược{nl}dòng thời gian thì cách đây chưa lâu, thửa đất non hai chục mẫu của{nl}thánh địa La Vang mới được trả lại. Toà Tổng Giám Mục Huế đang khẩn{nl}trương lên phương án xây một trung tâm hành hương với kinh phí 25 triệu{nl}Mỹ Kim. Nhìn từ phía Nhà Nước thì đây không phải là đất “trả lại” nhưng{nl}là đất “cấp cho theo yêu cầu” dựa trên nguyên tắc “đất đai là của toàn{nl}dân do Nhà Nước quản lý” ! Trước nữa là đất xây trung tâm mục vụ Ðà{nl}Lạt. Nghe đâu xin ba mẫu, cho đến tám chín mẫu gì đó. Làm sao ăn của{nl}chùa mà không phải ngọng miệng ! Nhưng qua các vụ việc xảy ra liên quan{nl}đến đất đai, trong đó có đất của Công Giáo, chính quyền cộng sản Việt{nl}Nam muốn cho thấy rằng: Cho đất xây trung tâm mục vụ hay trung tâm hành{nl}hương là ta, biến đất Toà Khâm Sứ hay Thái Hà thành công viên chính là{nl}ta, không trả đất Giáo Hoàng Học Viện cũng là ta, thì nay đập Thánh Giá{nl}trên đất Ðồng Chiêm vẫn là ta.

Nét đặc thù của vụ Ðồng Chiêm

Các{nl}vụ Toà Khâm Sứ, Thái Hà, Tam Toà, Loan Lý… và nay là Ðồng Chiêm, đều có{nl}một mẫu số chung, đó là đất. Thế nhưng vụ Ðồng Chiêm thì không chỉ liên{nl}quan đến đất mà thôi. Giả sử chính quyền Hà Nội ra lệnh cho nhà thờ{nl}Ðồng Chiêm hay Toà Tổng Giám Mục di dời Cây Thánh Giá, mà lệnh đó không{nl}được thực hiện thì khác, đàng này, giữa đêm hôm khuya khoắt, điều động{nl}cả đến non ngàn dân quân với chó nghiệp vụ và đủ loại vũ khí, rồi dùng{nl}hoá chất để cho nổ tung Cây Thánh Giá, thì điều không thể nghi ngờ là{nl}chính quyền Hà Nội, với thái độ ngạo mạn của người muốn biểu dương{nl}quyền lực, đã cố tình công khai xúc phạm biểu tượng thiêng liêng của{nl}Ki-tô giáo.

Phản ứng từ phía Công Giáo

Khác với{nl}vụ Tam Toà, lần này thì đã có nhiều dấu hiệu hiệp thông của giới Công{nl}Giáo ở trong nước cũng như hải ngoại, đặc biệt từ phía các giám mục. Vị{nl}đầu tiên lên tiếng là đức cha Ðặng Ðức Ngân, giám mục giáo phận Lạng{nl}Sơn, rồi sau đó là tất cả các giám mục thuộc giáo tỉnh Hà Nội. Giáo{nl}tỉnh miền Trung thì có giám mục Kontum, đức cha Hoàng Ðức Oanh. Các{nl}giám mục khác thì có vẻ theo nguyên tắc: chuyện địa phương nào thì địa{nl}phương đó lo, cho dù như đã nói ở trên, chuyện Ðồng Chiêm không đơn{nl}thuần chỉ là chuyện đất. Và chắc cũng vì biết trước là sẽ không có một{nl}lập trường chung trong giới lãnh đạo Công Giáo Việt Nam, nên chính{nl}quyền mới không sợ mạnh tay như mọi người đã thấy. Cũng may mà ngay{nl}ngày sự việc xảy ra, từ Toà Tổng Giám Mục trở về sau buổi tĩnh tâm, 40{nl}linh mục Hà Nội đã tới Ðồng Chiêm dâng thánh lễ đồng tế, trong thánh lễ{nl}đó, cha Phạm Minh Triệu đã có một bài chia sẻ tuyệt vời, vừa cho thấy{nl}lòng tin bất khuất, vừa chứng tỏ một thái độ bao dung của người môn đệ{nl}Chúa Ki-tô, lại vừa bày tỏ lòng yêu nước sâu xa trước hiểm hoạ xâm lăng{nl}của Trung Quốc.

Nhưng điều không thể không nói tới ở đây chính{nl}là những đóng góp vô cùng to lớn của anh em linh mục tu sĩ Dòng Chúa{nl}Cứu Thế. Không chỉ chờ đến khi vụ việc lan đến Thái Hà là nơi anh em có{nl}trách nhiệm mục vụ, nhưng ngay từ lúc xảy ra vụ Toà Khâm Sứ, rồi đến{nl}lúc vụ việc lan tới Tam Toà, và cuối cùng là Ðồng Chiêm, anh em luôn ở{nl}tuyến đầu để cung cấp thông tin và hình ảnh, nhờ đó, bất kỳ ở đâu trên{nl}thế giới, người tín hữu Công Giáo Việt Nam cũng có thể hiệp thông. Và{nl}trong hết mọi lời tuyên bố, không có lời nào vừa đầy đủ, vừa mạnh mẽ{nl}như lời cha Nguyễn Văn Khải, đại diện cho cộng đồng tu sĩ và giáo dân{nl}Thái Hà: “Hiệp thông trong đức tin và đức mến của những người con{nl}cái Chúa và trong tư cách là những người đã chịu chung thân phận bị{nl}bách hại, Giáo xứ Thái Hà-DCCT Hà Nội cực lực phản đối và lên án hành{nl}vi báng bổ tôn giáo cách điên cuồng của nhà cầm quyền thành phố Hà Nội”.

Trước{nl}việc “hai nạn nhân bị công an đánh trọng thương và họ đã dùng bạo lực{nl}đưa 2 nạn nhân này đến bệnh viện Hà Nội, cho các bác sĩ ở đây khám qua{nl}quýt các vết thương rồi bỏ lơ các nạn nhân ở đấy cho đến chiều ngày{nl}mùng 6/1/2010, thì đẩy các nạn nhân ra khỏi bệnh viện đang khi tính{nl}mạng nguy kịch,” Dòng Chúa Cứu Thế Hà Nội “cực lực phản đối và lên{nl}án hành vi sử dụng bạo lực của nhà cầm quyền để khủng bố và gây thương{nl}tích cho các giáo dân giáo xứ Ðồng Chiêm” và “lên án hành vi vô nhân{nl}đạo của nhà cầm quyền khi không dành cho những người bị thương sự cứu{nl}chữa cần thiết và đúng mức và lại còn đẩy họ ra khỏi bệnh viện trong{nl}tình trạng tính mạng nguy kịch.” Giá mà lời tuyên bố hùng hồn đó{nl}không phải chỉ đến từ một xứ đạo, nhưng là từ cả Giáo Hội Công Giáo{nl}Việt Nam, đứng đầu là Hội Ðồng Giám Mục, thì trọng lượng của lời tuyên{nl}bố đó sẽ được nhân lên gấp trăm, gặp vạn lần. Và ai cũng hiểu được nỗi{nl}bức xúc của anh J.B. Nguyễn Hữu Vinh, tác giả bài “Thánh Giá Ðồng{nl}Chiêm: Cơn thử thách khắc nghiệt của tín hữu Ki-tô” đăng tải trên{nl}Vietcatholic ngày 8.1.2010 khi anh viết: “Nếu không có sự hiệp thông{nl}trong toàn Giáo Hội Công Giáo khi Thánh Giá bị xúc phạm đập phá ngang{nl}nhiên và trắng trợn, thì khi đó có nghĩa là đã có một sự ‘Mầu nhiệm’{nl}xảy ra. Ðó là sự ‘mầu nhiệm’ về những ‘thành công’ của chính quyền cộng{nl}sản Việt Nam đối với Giáo Hội Công Giáo.”

Kết luận

Trong{nl}bài viết mang tựa đề “Ðồng Chiêm ơi ! Về rồi ta thấy gì ?” đăng tải{nl}trên trang Vietcatholic ngày 8.1.2010, tác giả Joseph Nguyễn Văn Thống{nl}ghi lại mẩu chuyện sau đây: “Các em thiếu nhi lũ lượt kéo nhau lên{nl}Núi Thờ… ngọn núi ấy quả là cheo leo và hiểm trở, vậy mà các em đã{nl}không ngại khó để lên được nơi chính điểm đã chôn Cây Thánh Giá. Khi{nl}được hỏi các em leo lên núi làm gì vậy ? Các em trả lời ngay, và trên{nl}tay cầm một hòn đá: ‘Chúng em lên nhặt thịt Chúa’. Thịt Chúa của các em{nl}đây chính là những miếng đá bê tông đã làm nên Cây Thánh Giá, và Thánh{nl}Giá này đã bị cộng sản Việt Nam đập vỡ ra từng miếng nhỏ và giờ đây các{nl}em đây đi tìm.” Ðọc xong câu chuyện cảm động này, tôi chợt nghĩ:{nl}các em đích thực là con cháu các thánh Tử Ðạo Việt Nam, và tuy không{nl}mặc áo dòng, các em đích thực là những Ki-tô hữu mến Thánh Giá. Tôi nhớ{nl}trong cuốn Hồi Ký của Ðức Cha Lê Ðắc Trọng, khi đề cập đến chuyện đức{nl}tin thì phải, ngài nói giáo dân thì hơn linh mục, linh mục hơn giám{nl}mục. Tôi là linh mục, tôi không nghĩ linh mục chúng tôi hơn các giám{nl}mục đâu, nhưng đối với tôi, giáo dân hơn linh mục là điều chắc chắn. Và{nl}những em nhỏ như em đang nói ở đây, những tín hữu đã đương đầu với bao{nl}khó khăn thử thách, bất chấp tù đày, bất chấp cả hiểm nguy cho tính{nl}mạng như chúng ta đã thấy qua các vụ Toà Khâm Sứ, Thái Hà, Tam Toà… và{nl}nay là Ðồng Chiêm, đích thực là những bậc thầy, những tấm gương trong{nl}đời sống đức tin cho hết mọi Ki-tô hữu, đặc biệt trên quê hương Việt{nl}Nam yêu dấu của chúng ta. Và đó cũng là niềm hy vọng cho bất cứ người{nl}Việt Nam nào đang mong chờ một đất nước tự do, một tương lai tươi sáng{nl}cho Dân Tộc.

Sài-gòn, ngày 10 tháng 01 năm 2010
pascaltinh@gmail.com{nl} {nl}
{nl} Pascal Nguyễn Ngọc Tỉnh ofm{nl}
{nl}{nl}