THỦY ÐIỆN BỊ TỐ GÂY HẠI NHIỀU HƠN LÀM LỢI

@ 5 December 2010 07:00 AM
{nl}
Tin Lâm Ðồng - Dù lãnh đạo Lâm Ðồng khẳng định các công trình thủy điện góp vào nguồn thu ngân sách tỉnh hàng chục tỷ đồng mỗi năm, song các tài liệu khoa học và con số thống kê cho thấy thủy điện gây hại hơn là làm lợi. Theo báo cáo khoa học về quản lý ô nhiễm môi trường từ thủy điện của Sở Tài nguyên môi trường Lâm Ðồng, việc phát triển thủy điện ồ ạt sẽ khiến diện tích đất rừng và đất nông nghiệp rất lớn bị biến mất. Thay vào đó là các hồ chứa, đường giao thông, đường ống dẫn nước và đất xây nhà máy điện. Ðó là chưa tính đến việc phải chặt rừng lấy đất tái định cư cho dân và khai thác vật liệu xây dựng phục vụ các công trình này. Bài toán được tính là thủy điện càng nhỏ diện tích đất rừng bị mất càng lớn.

Thống kê của Sở Tài nguyên môi trường cho thấy các công trình thủy điện đã xây dựng tại Lâm Ðồng tính đến nay đã lấy đi khoảng 15 nghìn hecta rừng. Việc mất rừng và hoạt động của các công trình thủy điện làm suy giảm tính đa dạng sinh học, do thu hẹp và thay đổi môi trường sống của các loài động thực vật, ảnh hưởng trầm trọng đến dòng chảy sinh thái khiến tình hình mưa lũ, khô hạn ngày càng khắc nghiệt.

Báo cáo cũng nêu rõ, theo quy định nhà đầu tư thủy điện phải trồng mới rừng bù đắp diện tích đã xây dựng nhưng thường các công ty thủy điện không tổ chức được việc này và có trường hợp địa phương không có đất giao cho nhà đầu tư. Tài liệu khoa học này còn đưa ra các con số về sự xuất hiện ồ ạt của các công trình thủy điện trên hệ thống sông Lâm Ðồng. Sông Ðạ Dâng có 14 nhà máy thủy điện, sông Ðồng Nai 11 nhà máy; sông Ða Nhim 8 nhà máy; sông Krông-Nô 6 nhà máy; sông Ðạ Huoai 6 nhà máy, sông La Ngà 6 nhà máy; sông Lũy 5 nhà máy và sông Quao 1 nhà máy. Bên cạnh các con số trên, những thiệt hại thống kê cụ thể bằng tiền cũng lên đến hàng chục tỷ đồng.

Trong đợt mưa lũ đầu tháng 11, nông dân huyện Ðơn Dương thuộc hạ du của đập thủy điện Ða Nhim đã bị thiệt hại trên 23 tỷ đồng. Tuy thủy điện Ða Nhim xả nước đúng quy trình được phê duyệt nhưng nông dân cho biết thực tế việc xả nước cũng góp phần vào thiệt hại nặng nề của nhà nông. Ðó là chưa tính đến vùng hạ du của các đập thủy điện mùa mưa thường xuyên bị lũ lụt, nhưng mùa nắng lại bị khô hạn ảnh hưởng tới sản xuất của hàng trăm ngàn nông dân. Vào mùa khô các hồ thủy điện lại chủ động đóng kín van xả nước khiến khô hạn càng trần trọng. Hồ thủy điện Ðại Ninh quy trình vận hành có van xả nước thường xuyên, thế nhưng chính lãnh đạo Công ty thủy điện Ðại Ninh cho hay, mùa khô họ đã đóng kín van vì muốn dự trữ nước để sản xuất điện.

Trong khi đó các doanh nghiệp làm thủy điện cũng thừa nhận thực tế là tình trạng thiếu nước vào mùa khô và nước rút nhanh vào mùa mưa đang có biến chuyển ngày càng xấu đi. Lãnh đạo Công ty thủy điện Ðại Ninh là đơn vị đang quản lý nhà máy điện lớn thứ hai tại Lâm Ðồng cho biết, năm 2009 doanh nghiệp nộp ngân sách Lâm Ðồng 20 tỷ đồng. Tuy nhiên đơn vị này dự báo, năm 2010 tiền đóng góp ngân sách có thể sẽ không bằng năm trước. Lý do sản lượng điện đạt thấp vì bắt đầu xảy ra tình trạng thiếu nước. Giám đốc công ty thủy điện Ða Nhim- Hàm Thuận và Ða Mi cũng thú nhận môi trường có sự biến đổi. Hồ thủy điện Ða Nhim trước đây nếu có lượng mưa khoảng 50 milimét ở thượng nguồn thì phải 7-8 giờ đồng hồ sau nước lũ mới đổ về hồ. Còn hiện nay với lượng mưa tương tự thì chỉ cần sau 4 giờ, nguồn nước đã đổ về với cường độ rất mạnh.

Ðiều này cho thấy những cánh rừng ở thượng nguồn đang bị suy giảm. Tuy nhiên cán bộ nhà nước Cộng sản Việt Nam thì vẫn cho rằng các công trình thủy điện góp nhiều tiền vào nguồn thu ngân sách của tỉnh. Phó giám đốc Công ty điện lực miền Nam đã cảnh báo với lãnh đạo tỉnh Lâm Ðồng là trong mùa khô sắp tới, cả nước có thể tiếp tục lâm vào tình trạng thiếu điện nghiêm trọng.(SBTN)