PHÓNG SỰ ÐẶC BIỆT TỪ VIỆT NAM: HÀNG NGÀN CÔNG NHÂN VIỆT TỪ LYBIA TRỞ VỀ, LẠI ÐỐI MẶT VỚI ÐÓI NGHÈO

@ 18 March 2011 06:51 AM
Hôm nay trong phóng sự đặc biệt từ Việt Nam, thông tín viên SB-TN từ trong nước gởi ra bản tin hàng ngàn công nhân Việt Nam từ Libya trở về đang phải đối mặt với đói nghèo, mời quý vị cùng theo dõi trong phóng sự đặc biệt sau đây (video insert).

Tiếng kêu than của các công nhân Việt Nam chạy nạn từ Lybia trở về, đang là đề tài cho nhiều bình luận trong nước. Những con người tội nghiệp này từ đồng ruộng nghèo khó, phải đi vay nợ để đi làm công nhân nước ngoài, hy vọng một cú đổi đời cho gia đình và bản thân, nay lại quay về với tay trắng, mọi thứ ngổn ngang với nợ nần chồng chất không có cách giải quyết. Trong một phóng sự của báo Pháp luật thành phố, hầu hết trở về từ Libya đều trong cảnh trắng tay và nợ ngập đầu. Rất nhiều người chưa kịp hoàn hồn đã mất ăn mất ngủ vì nợ nần bủa vây.

Anh Nguyễn Nam ở thôn Chầm, xã Hương Hồ, huyện Hương Trà, Thừa Thiên Huế là một trong những trường hợp được ghi nhận như vậy. Sang Libya làm thợ xây từ tháng 12 năm 2010, theo hợp đồng với Công ty Cung ứng nhân lực và Thương mại Sona. Ðể có tiền đi xuất cảng lao động, anh đã phải bán hầu hết các vật dụng có giá trị trong nhà và vay thêm ngân hàng 9 triệu đồng, chưa kể hơn 40 triệu đồng tiền vay ngân hàng do công ty môi giới tín chấp. Sau 3 tháng làm việc cực nhọc, anh Nam chưa có tiền gửi về nhà do tiền lương 2 tháng đầu đơn vị sử dụng lao động chuyển cho Công ty Sona, còn lương tháng thứ 3 chưa được nhận thì đã phải chạy loạn. Anh nói gia đình hoàn toàn trắng tay, nợ nần ngập đầu nên không biết lấy chi mà sống, anh Nam thở dài.

Chị Bùi Thị Lư, vợ anh Nam tiếp lời với vẻ mặt rầu rĩ nói ăn uống thì rau cháo cũng qua ngày, nhưng ngặt nỗi nợ ngân hàng không biết đào đâu ra mà trả. Nhân sự kiện công nhân tràn về Việt Nam bởi biến động chính trị ở Lybia, Ngày 16 tháng 3 tại Hà Nội, Cục Quản lý lao động ngoài nước phối hợp với Viện Khoa học Lao động-Xã hội công bố kết quả đánh giá thực trạng người đi làm việc ở nước ngoài đã trở về Việt Nam, qua đó cho thấy người nghèo Việt Nam để được đi làm việc ở nước ngoài phải bỏ ra nhiều tiền, học nhiều lớp kỹ năng, thế nhưng phẩm chất lao động và thu nhập vẫn thấp. Theo khảo sát gần 500 người đi lao động ở nước ngoài trở về, cho thấy lao động Việt Nam gặp nhiều khó khăn trong quá trình hòa nhập và làm việc ở nước ngoài, đặc biệt là việc thích nghi với điều kiện sống và làm việc tại nước ngoài. Trong đó gần 70% người lao động yếu về ngoại ngữ, hơn 13% là khác biệt về lối sống, phong tục tập quán và thói quen sinh hoạt. Một trong những nỗi khổ lớn nhất của dân nghèo các miền quê là trước khi đi xuất khẩu lao động, gần 90% người lao động có việc làm nhưng với phẩm chất thấp và lạc hậu, phần lớn không thuộc diện ký hợp đồng lao động. Vì vậy đến khi đi xuất khẩu lao động, có khoảng 10% người lao động phải làm các công việc không đúng theo thỏa thuận trong hợp đồng do trình độ tay nghề không bảo đảm.

Về chi phí đi xuất khẩu lao động, chi phí chính thức chiếm 80% tổng kinh phí, còn lại là các chi phí khác gồm học hành, đào tạo, làm visa, hộ chiếu và chi phí cho người môi giới. 100% người lao động phải vay mượn để chi trả các khoản liên quan đến chuẩn bị đi xuất khẩu lao động, 2/3 lao động phải vay hoàn toàn với nguồn vay từ ngân hàng là chính, một số chấp nhận vay tư nhân với lãi suất cao. Dù đã chuẩn bị đầy đủ song trung bình một lao động phải mất gần nửa năm kể từ khi nộp hồ sơ mới được xuất cảnh. Và như vậy xã hội Việt Nam đang tiếp tục đón nhận các hoàn cảnh khó khăn của người dân, mà mỏi mắt không tìm thấy một sự giúp đỡ nào từ phía nhà nước.(SBTN)

{nl}{nl}