CHÂU Á NGÀY CÀNG LO NGẠI TRƯỚC NHỮNG HÀNH ÐỘNG GÂY HẤN CỦA TRUNG CỘNG

@ 3 May 2013 03:34 AM
Tin tổng hợp - Với việc Trung cộng tổ chức du thuyền đưa du khách đến Hoàng Sa, đưa tàu với chiến đấu cơ yểm trợ đến vùng Senkaku, đưa quân xâm nhập lãnh thổ Ấn Ðộ, những hành động gây hấn này của Trung Cộng gây lo ngại ngày càng nhiều cho các nước láng giềng châu Á. Nhà cầm quyền Cộng sản Việt Nam đã lên tiếng phản đối việc Bắc Kinh cho một chiếc tàu chở các du khách Trung Cộng đầu tiên đã rời bến ở Hải Khẩu, tỉnh Hải Nam, để đi du lịch quần đảo Hoàng Sa. Thế nhưng công hàm ngoại giao trao cho tòa đại sứ Trung Cộng tại Hà Nội vẫn bị làm ngơ không trả lời. Nhiều người cho rằng Bắc Kinh đang muốn trắc nghiệm phản ứng của các nước láng giềng đang tranh chấp lãnh thổ và biển đảo.

Trước đó một đại đội Trung Cộng, với sự yểm trợ của trực thăng, đã vượt qua lằn ranh gọi là Ðường Kiểm soát thực tế được thiết lập sau cuộc chiến tranh giữa Trung cộng và Ấn Ðộ. Binh lính Trung Cộng tiến sâu đến 19 cây số trong phần lãnh thổ mà Ấn Ðộ đang kiểm soát và dựng trại ở vùng thung lũng Depsang. Mặc dù truyền hình Ấn Ðộ chiếu các hình ảnh về trại lính này của Trung Cộng chỉ nằm cách các vị trí của quân đội Ấn Ðộ có 100 thước, phía Bắc Kinh vẫn khẳng định là quân của họ không hề vượt qua biên giới Ấn-Trung.

Trong khi đó ở hải phận Hoa Ðông, các tàu tuần tra của Trung cộng tiếp tục xâm nhập vùng quần đảo Senkaku với sự yểm trợ của các chiến đấu cơ, trong đó có nhiều chiến đấu cơ phản lực Su-27 và Su-30. Về phần Phi Luật Tân, Bắc Kinh đã lên án chính phủ Manila kiện bản đồ đường lưỡi bò của Trung Cộng ra trước tòa án của Liên Hiệp Quốc. Báo chí do Nhà nước Trung Cộng kiểm soát thì thẳng thừng đe dọa chiến tranh với CS Việt Nam và Phi Luật Tân. Các chuyên gia về chính sách ngoại giao của Trung Cộng cho rằng chính tân Chủ tịch Trung Cộng Tập Cận Bình đã thúc đẩy chính sách xác quyết chủ quyền mạnh mẽ hơn đối với các nước láng giềng, và chủ thuyết mới của Trung cộng là dùng sức mạnh quân sự để thực hiện giấc mơ Ðại Hán chiếm lĩnh nhiều vùng biên giới và biển đông.(SBTN)

{nl}{nl}{nl}