KẾT THÚC HỘI THẢO BIỂN ÐÔNG

@ 29 November 2009 12:12 AM
Tin Hà Nội - Cuộc hội thảo về Biển Ðông do Học viện Ngoại giao Cộng sản Việt Nam và Hội Luật gia Việt Nam tổ chức tại Hà Nội đã kết thúc ngày hôm qua. Báo chí trong nước loan tin là trong hai ngày hội thảo có 5 phiên thảo luận giữa 150 đại biểu và chuyên gia từ 22 quốc gia đến tham dự. Các phiên thảo luận xoay quanh ba chủ đề chính của hội thảo là tầm quan trọng của Biển Ðông đối với an ninh khu vực, nguồn gốc và diễn biến tình hình các tranh chấp hiện nay, đánh giá về hiệu quả của các cơ chế hiện có trong khu vực nhằm kiềm chế căng thẳng gia tăng và đề nghị các cơ chế giải quyết tranh chấp giữa các bên liên quan. Trong khi hội thảo về Biển Ðông đang diễn ra thì phía Trung Cộng đưa hai tàu lớn ngư Chính 311 và 303 đến đảo Phú Lâm thuộc quần đảo Hoàng Sa, mục đích được cho biết là để hộ tống các thuyền đánh cá của Trung Cộng tại Biển Ðông, và tuần tra vùng biển mà Trung Cộng cho là thuộc chủ quyền của họ.

Bộ Ngoại giao Cộng sản Việt Nam hôm nay đã đến Toà đại sứ Trung Cộng ở Hà Nội để phản đối việc Trung Cộng đưa tàu đến quần đảo Hoàng Sa. Hội nghị Khoa học Quốc tế về biển Ðông lần đầu tiên tại Việt Nam, do Học viện Ngoại giao và Hội luật gia Việt Nam tổ chức, quy tụ sự tham dự của 150 học giả, cố vấn, và nhà nghiên cứu hàng đầu từ nhiều nước. Ngoài các thành viên Châu Á còn có các đại biểu đến từ Mỹ, Canada, và Châu Âu như Thụy Ðiển, Ðức, Na Uy.

Các đại biểu cho rằng các tranh chấp về lãnh thổ tại biển Ðông có thể sẽ còn kéo dài hàng mấy thập niên nữa, và nhu cầu tìm kiếm khai thác tài nguyên ngày càng tăng, sẽ càng khiến những căng thẳng ngày một dâng cao. Trọng tâm Hội nghị mang tên Biển Ðông là tăng cường hợp tác vì an ninh và phát triển ở khu vực, kéo dài hai ngày bàn về một trong những chủ đề chính trị nhạy cảm nhất đối với Việt Nam và các nước Ðông Nam Á khi mà tranh chấp chủ quyền trên vùng biển Ðông giữa một số nước trong khu vực với Trung Cộng ngày một leo thang. DPA trích dự đoán của ông Nazery Khalid, đại biểu Mã Lai tham gia hội nghị rằng sẽ không sớm tìm ra giải pháp cho vấn đề, vì vậy cần tập trung vào các thỏa thuận đạt được với nhau thay vì những điểm mâu thuẫn. Việt Nam gần đây đã đề nghị các nước thành viên trong khối ASEAN hợp nhất đàm phán với Trung Cộng với tư cách toàn khối liên quan tranh chấp chủ quyền tại biển Ðông.

Ông Mark Valencia chuyên gia của Hoa Kỳ về phân tích chính sách biển, nói điều này khó thực hiện được đơn giản vì những nỗ lực cản trở từ phía Trung Cộng. Ông cũng đồng thời đề nghị cần chính thức hóa Bộ quy tắc ứng xử ở Biển Ðông. Nhận định của giáo sư Ramses Amer từ đại học Stockholm của Thụy Ðiển nói tranh chấp ở biển Ðông dù khó dẫn đến chiến tranh, nhưng không dễ giải quyết. Khu vực biển Ðông bao gồm 3.5 triệu cây số vuông giàu tài nguyên và có tầm quan trọng chiến lược về nhiều mặt.(SBTN){nl}{nl}