KỶ NIỆM 2 NĂM NGÀY BIỂU TÌNH TRƯỜNG SA-HOÀNG SA CHỐNG TRUNG CỘNG

@ 10 December 2009 01:56 AM
{nl}{nl}Tin Saigon - Ðúng ngày này hai năm trước, hàng ngàn sinh viên ở cả hai đầu nước Việt Nam đã đồng loạt xuống đường biểu tình tại Hà Nội và Saigon để đòi chủ quyền Việt Nam trên hai quần đảo Trường Sa, Hoàng Sa, và phản đối việc Trung Cộng dự định lập huyện đảo Tam Sa. Cuộc biểu tình tự phát có một không hai gây tiếng vang to lớn và vẫn còn ảnh hưởng tới ngày hôm nay. Biến cố thúc đẩy thanh niên Việt Nam lên tiếng đòi biểu tình là một quyết định của Quốc Hội Trung Cộng thành lập Tam Sa. Theo tin tức nhận được khi đó, Tam Sa sẽ là một thành phố cấp huyện, thuộc tỉnh Hải Nam, có thẩm quyền với quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam. Cùng lúc đó, xuất hiện nhiều hình ảnh bản đồ Trung Cộng đòi chủ quyền trên toàn bộ biển Ðông theo đường lưỡi bò. Hai tin tức trùng hợp này lan tràn nhanh chóng trên Internet, gây phẫn nộ trong giới dùng Internet nhiều nhất tại Việt Nam là thanh niên sinh viên.

Ngày 9 tháng 12 tại Saigon, đám đông đã kéo đến trước tòa Tổng Lãnh Sự Trung Cộng nằm tại số 39 Nguyễn Thị Minh Khai, tức là gần ngã tư Hồng Thập Tự và Duy Tân cũ. Những người biểu tình mang theo cờ và biểu ngữ, hô to những khẩu hiệu đả đảo Trung cộng. Trước đó nhà cầm quyền Cộng sản Việt Nam đã cố gắng ngăn chặn, và đưa Công an đến bảo vệ cho tòa lãnh sự. Tại Hà Nội cũng tương tự, hơn 500 người tụ tập đối diện Tòa Ðại Sứ Trung Cộng tại số 46 Hoàng Diệu. An ninh mặc thường phục lẫn cảnh phục đứng dàn rất đông trước cửa tòa đại sứ và trong lòng đường Hoàng Diệu. Ðường phố chung quanh tòa đại sứ bị chặn lại không cho xe vào. Sau một ngày tung cảnh sát, công an dàn trải khắp chỗ biểu tình nhưng không ngăn chặn gì, nhà cầm quyền Cộng sản Việt Nam bắt đầu siết mạnh. Trung cộng đã phản ứng và buộc Hà Nội phải có các biện pháp hiệu quả nhằm ngăn chặn những cuộc biểu tình tương tự. Hà Nội bắt đầu chiến dịch đàn áp, thẩm vấn, bắt giữ, quản chế những người tham gia các cuộc biểu tình. Nhiều người bị theo dõi, đuổi việc, bắt giữ nhiều lần, nhà nước cũng siết chặt các blog, chặn internet và cho tới nay Hà Nội vẫn duy trì thái độ cứng rắn với những người bày tỏ ý kiến chống lại Trung cộng và vấn đề Hoàng Sa Trường Sa.

Nhân ngày 9 tháng 12 năm nay, Công an đã được lệnh kiểm soát chặt chẽ các đường phố dẫn đến tòa lãnh sự Trung cộng tại Saigon và tòa đại sứ tại Hà Nội. Những người trong giới tranh đấu đã bị Công an cảnh cáo trước và theo dõi hoặc quản chế tại nhà, cấm bất cứ mọi tụ tập trong ngày hôm nay. Thế nhưng trên trang mạng, nhiều người blogger vẫn bày tỏ mối quan tâm, và nói Trung Cộng là nỗi ám ảnh mấy ngàn năm với dân tộc Việt Nam, và nếu có một cuộc biểu tình khác, họ vẫn tham dự và chắc chắn còn đông hơn cách đây 2 năm về trước.(SBTN)

{nl}{nl}