Thư Mừng Giáng Sinh kính gởi Anh Chị Em cộng đoàn Thái Hà

@ 24 December 2009 08:41 AM
- Lm Vũ Khởi Phụng - 23/12/2009

Kính gửi Anh chị em cộng đoàn Thái Hà

Kính thưa anh chị em,

Tôi viết những dòng này trong khi ngoài sân nhà thờ các bạn trẻ đã cùng nhau dựng một máng cỏ rất lớn, và từ trong nhà thờ vọng ngân những âm điệu của bài Thánh ca: “Xin cho lòng chúng con luôn khát khao chờ mong Chúa đến”. Mầu nhiệm “Chúa đến” đang lan tỏa trong tâm tư mọi người chúng ta. Phụng vụ cho chúng ta được nghe những lời nói tuyệt vời của Thánh Phaolô: “Anh em hãy vui mừng luôn trong niềm vui của Chúa. Tôi xin nhắc lại: Hãy vui mừng, sao cho mọi người nhận biết anh em sống hiền hòa đại độ, Chúa đã gần bên! Xin anh em đừng lo lắng gì, nhưng trong mọi hoàn cảnh hãy đem lời cầu khẩn, nguyện xin và tạ ơn mà giãi bày trước Thiên Chúa mọi điều mà anh em thỉnh nguyện. Và bình an của Thiên Chúa là bình an vượt lên trên mọi hiểu biết, sẽ giữ lòng trí anh em được kết hợp với Ðức Kitô Giêsu” (Ph 4, 4-7).

Thiết tưởng không có lời chúc Noel nào tốt đẹp hơn, vì vậy tôi xin chuyển những lời Thánh Kinh này đến tất cả anh chị em như một hồng ân Thần Khí Chúa ban cho tất cả chúng ta trong dịp đại lễ này.

I. Ðối với cộng đoàn chúng ta, lễ Giáng sinh là đỉnh cao của một năm Ơn Thánh đặc biệt. Như anh chị em biết năm 2009, năm Kỷ Sửu, là kỷ niệm 80 năm Dòng Chúa Cứu Thế tìm đến đất Thái Hà. Ðược Ðức Tổng giám mục Hà Nội bầu cử, Ðức Thánh Cha đã ban phép cho chúng ta được hưởng ơn năm Thánh còn tiếp tục đến ngày kỷ niệm 7 - 5 – 2010.

Năm Thánh là một thời gian ơn phúc để chúng ta đi vào hiệp thông, trước hết là hiệp thông với 80 năm qua. Chung quanh hang đá Ðức Mẹ trong khuôn viên nhà thờ, chúng ta còn thấy nhiều bia nhỏ tạ ơn, có khi chữ viết đã phai mòn với thời gian. Mỗi bia là một cảnh ngộ, một cuộc đời, một tâm hồn, những bia nhỏ bé ấy, và rất nhiều bia khác không thể trưng lên vì thiếu mặt bằng, và vô số những lời tạ ơn âm thầm không cần bia ký, đưa chúng ta đi vào hiệp thông với những thế hệ đã qua, cùng với những anh chị em ở xa về không gian hay thời gian, nhưng tâm tình vẫn rất gần với chúng ta. Chúng ta hòa mình vào những làn sóng cầu nguyện suốt 80 năm qua đã đổ về Thái Hà hợp lưu với lời cầu nguyện vĩ đại của Ðức Mẹ Hằng Cứu Giúp. Tất cả những tâm hồn ấy đã cảm nghiệm được rằng: “lòng từ hậu ái nhân của Thiên Chúa, đấng cứu thoát chúng ta đã hiển linh” (Tt 3,4) như phụng vụ Hội Thánh tuyên xung trong thánh lễ Giáng sinh.

Chúng ta cũng đã lên nghĩa trang Thanh Tước để viếng mộ các vị thừa sai ngày trước. Ðó là những nấm mồ rất khiêm tốn. Có những vị thừa sai nước ngoài mà bia mộ không còn ghi danh tính, chỉ còn tên mà giáo dân quen gọi: “Cha Phúc, Cha Ðức”. Có những vị thừa sai Việt Nam mà chúng ta còn lưu kỷ niệm, vị này qua đời dưới bom đạn thời chiến, vị kia đã hi sinh vì ở bên các bệnh nhân truyền nhiễm trong một cơn đại dịch, v.v… cho đến những vị thừa sai gần đây còn ở với chúng ta như cha già Vũ Ngọc Bích, cha già Trần Hữu Thanh. Tất cả các vị thừa sai và giáo dân đó là những người mở đường cho chúng ta ngày nay. Tạ ơn Chúa và tạ ơn các thế hệ đã đi trước.

Nói tới các thế hệ đi trước chúng tôi không thể quên nhắc đến hai vị, tuy không thuộc riêng về Thái Hà nhưng là những vị đại ân nhân đã để lại ấn tượng sâu đậm mà nay đã được Chúa gọi về, đó là Ðức Hồng Y Phaolô – Giuse Phạm Ðình Tụng và Ðức cha Phaolô Lê Ðắc Trọng. Dung mạo của các Ngài luôn sống động trong lời cầu nguyện và trong ký ức của Thái Hà.

II. Năm 2008, Chúa đã cho một trào lưu cầu nguyện bừng lên đáp ứng nỗi khát khao của Dân Chúa về Công Lý – Hòa Bình, tự do, nhân phẩm và tình huynh đệ. Năm Thánh Thái Hà 2009 là một Ơn Quan Phòng để tiếp tục tinh thần cầu nguyện và tương thân tương ái trong Hội Thánh Chúa. Anh chị em thập phương vẫn tiếp tục về đây đoàn tụ chung quanh Ðức Mẹ Hằng Cứu Giúp, nhiều lần do các Ðức Giám mục chủ sự và hướng dẫn. Ðền Thánh Thái Hà vinh dự và hạnh phúc được đón tiếp anh chị em về đây hội ngộ, bù lại anh chị em khắp nơi cũng cho Thái Hà được cảm nghiệm biết bao sự phong phú; nếu Thái Hà chỉ giới hạn vào địa phương bé nhỏ của mình thì không thể nào có được điều đó.

Chúng tôi không thể nào kể hết được những ân tình mà Thái Hà được hưởng, chỉ xin nhắc lại vài dấu ấn để minh họa. Chúng tôi vẫn ghi nhớ với niềm xúc động và biết ơn sâu sắc ngày thứ 7 đầu năm Kỷ Sửu, 31 tháng giêng 2009, khai mạc năm Ðại Khánh kỷ niệm 80 năm Dòng Chúa Cứu Thế đến Thái Hà. Hôm đó, hầu hết các Ðức Giám mục miền Bắc và rất đông anh chị em khắp nơi đã về đây cùng tạ ơn và cầu nguyện với Thái Hà và Nhà dòng.

27/3/2009 là ngày xử phúc thẩm 8 can nhân Thái Hà tại Hà Ðông cũng là một thời điểm mà sự liên đới và tình cảm của anh chị em xa gần đối với Thái Hà đã thể hiện dạt dào mà Thái Hà không bao giờ quên được.

Sau đó 08/05, kỷ niệm tròn 80 năm các thừa sai đầu tiên đặt chân tới Thái Hà cũng là một thời điểm ân phúc. Rất đông anh chị em, có những người đến từ rất xa, từ Tây Nguyên, Tây Bắc, những cồng chiêng, những câu hò điệu múa, những lời kinh tiếng hát tặng cho Thái Hà như một lễ Hiện Xuống mới. Nhờ lòng thương yêu cụ thể của Dân Chúa, Hội Thánh đã không còn là một ý niệm huyền bí xa vời, mà đã là những khuôn mặt, những cảm nghiệm sống, dâng lên thành lời cầu nguyện và tôn thờ. Ðó là vì “Ngôi Lời đã làm Người và ở giữa chúng ta” (Gn 1,14).

III. Năm Thánh kỷ niệm của Thái Hà còn đang chảy xuôi thì lại được hợp lưu với một dòng tâm linh rất lớn. Ðó là năm Ðại Thánh của toàn thể Giáo hội Công giáo Việt Nam kỷ niệm 350 năm thành lập hai giáo phận Tông tòa đầu tiên ở Việt Nam và 50 năm thành lập hàng Giáo Phẩm. Chúng ta đã vui mừng được cùng với anh chị em khắp nước khai mạc năm thánh tại Sở Kiện ngày 24/11 vừa qua. Năm Thánh mở ra cả một chân trời mới cho Hội Thánh Chúa ở Việt Nam. Chúng ta tạ ơn Chúa vì được tiến bước cùng với toàn thể Dân Chúa trong thời điểm mới này.

Tất cả những ân huệ lớn lao đó trong năm 2009 không cho phép chúng ta được thụ động thỏa mãn với những gì mình có. Trong đêm khai mặc Năm Thánh 2010 vừa qua, Hội Thánh đã nhắc nhở cho mỗi người chúng ta phải tự kiểm điểm, nhận ra những lỗi lầm để xin lỗi Chúa, xin lỗi nhau, xin lỗi mọi người về những “tư tưởng, lời nói, việc làm và mọi điều thiếu sót”, về tất cả những gì chúng ta không phản ánh đúng Tin Mừng của Chúa như chúng ta hằng thú nhận trong mỗi Thánh lễ. Những tội lỗi đó, khiến cho Danh Cha chưa cả sáng, Nước Cha chưa đến, Ý Cha chưa thành.

Thánh Phaolô đã dạy: “anh em đừng mắc nợ gì ai, trừ món nợ yêu mến nhau” (Rm 13,8). Trong các thứ tội mà các Ðức Giám mục đã gợi ý cho ta xét mình trong đêm khai mạc, tựu trung đều quy về tội không có lòng yêu mến. Chúng ta đã không đủ, chưa đủ, còn thiếu lòng yêu mến đối với Chúa, đối với nhau và đối với toàn thể mọi người.

Từ lễ Noel năm nay và trong Năm Thánh 2010 chúng ta sẽ quan tâm “không làm rách tấm áo Hiệp Nhất” đã từng làm “hoen ố dung nhan” Giáo hội. Ðiều đó không có nghĩa là cái gì ta cũng phải tô hồng cho Giáo hội. Nhưng Ðức Giáo Hoàng Gioan – Phaolô II đã dậy rằng chỉ những ai đã từng đau đớn vì những khiếm khuyết trong Giáo hội mới có khả năng khắc phục những khiếm khuyết đó. Có nghĩa là ta không thể như một người đứng ngoài mà chỉ trích cộng đoàn của mình như thể mình là người vô can. Trái lại những khiếm khuyết của cộng đoàn cũng chính là những thương tích trên cơ thể của mình, phải chạy chữa bằng tấm lòng khiêm tốn chân thành. Ta hãy theo gương Thánh Tông đồ: “Tôi bù đắp nơi thân mình tôi những gì còn thiếu, nơi các quẫn bách Ðức Kitô phải gánh chịu, vì thân mình Ngài, tức là Hội Thánh, mà tôi là người phục vụ… cho lời Thiên Chúa được viên thành” (Cl 1.24).

Các Ðức Giám mục cũng nhắc nhở chúng ta về tội “biếng trễ, thoái thác công việc rao giảng Tin Mừng”. Phải chăng sự biếng trễ này do chúng ta chưa học, chưa ngấm, chưa sống Tin Mừng đủ? Ðây vừa là một nhu cầu, vừa là một nhiệm vụ trong thời gian trước mặt.

Kể đến chúng ta đã có lúc “xúc phạm nhau, khai trừ, kỳ thị, không lắng nghe nhau, không đối xử với nhau như Chúa dậy”. Ðiều này có thể xảy ra trong từng gia đình, từng giáo xứ, có khi trong cả cộng đoàn rộng lớn. Ðó cũng là những chấn thương cần được chữa lành.

Sau nữa, với toàn thể anh chị em bên lương (hơn 90% dân số Việt Nam) chúng ta cũng có “thiếu sót nhiều trong nghĩa vụ yêu thương”, chưa “hòa mình và đồng hành”. Ðặc biệt chúng ta hãy quan tâm đến những lời này: “Chúng tôi xin lỗi người nghèo, người hẩm hiu, xấu số, người khuyết tật đau khổ vì chúng tôi chưa đủ quan tâm”.

Thật vậy, nếu chúng ta đã tỉnh thức, đã mẫn cảm hơn trước những nỗi đau, những hoàn cảnh thương tâm vẫn còn nhiều chung quanh chúng ta, thì người nghèo đã bớt phần khốn đốn, người xấu số hay tật nguyền đã được nâng đỡ, ủi an nhiều hơn. Xã hội bớt phần tham nhũng, cuộc sống bớt phần bất công và bất nhân. Vì thế bao lâu những người thấp cổ bé miệng vẫn còn bị chà đạp và bóc lột, nhân phẩm và sự thật còn chưa được tôn trọng, bấy lâu ta còn những nỗi niềm áy náy, vì chưa trả được món nợ yêu thương.

IV. Ôn lại những thiếu sót đó không phải để chúng ta than thở bi quan, nhưng là để nghe thấy tiếng gọi của một nhiệm vụ khiến cho ta rất mực phấn chấn. Ðó là tiếng Chúa gọi ta đi loan báo cho mọi người rằng Chúa đã gần bên. Từ nay ta đừng ngủ mê trong nếp sống vô tâm hẹp hòi, nhưng nhận ra rằng mình phải cùng đi với Chúa, vì, như Chúa đã dậy: Ai không cùng Chúa thu họp, thì người ấy chỉ gây ra sự tan tác thôi ( Mt 12,30; Lc 11,23).

Nếu chúng ta nhận thức được ơn Chúa gọi, cộng đoàn chúng ta không phân biệt người sở tại hay người thập phương về góp mặt, sẽ đi sâu vào đời sống đức tin, sẽ trở nên tích cực và năng động. Chúng ta không đến nỗi khở hành từ con số không. Từ trước tới này chúng ta đã ít nhiều thành tâm phục vụ Chúa và phục vụ nhau. Có những anh chị em không tiếc công sức đóng góp cho cộng đoàn, từ việc phụng vụ, (những thừa tác viên, ca đoàn, phụ trách âm thanh, ánh sáng, làm đẹp nhà Chúa), túc trực đón tiếp, hướng dẫn, phục vụ ẩm thực cho khách hành hương, những anh em lo trật tự, giữ xe, kĩ thuật, v.v… Nhiều bạn trẻ đã tham gia dạy giáo lý cho các em thiếu nhi, nhiều bậc phụ huynh đã ngồi lại với nhau để nâng đỡ và hiệp thông với con cháu mình đang học giáo lý hoặc đang sinh hoạt trong đoàn giúp lễ, nhiều ân nhân đã tham gia cầu nguyện và đóng góp vật chất để ươm mầm ơn gọi cho tương lai; các ông bà cao niên cũng đã họp nhau lại để nâng đỡ nhau về tinh thần, thăm viếng nhau lúc tuổi cao sức yếu, cầu nguyện cho nhau lúc ở thế gian cũng như khi Chúa gọi về. Các anh chị em đang khỏe mạnh và các bạn trẻ tham gia nhiều công tác từ thiện và xã hội. Các lớp giáo lý Dự tòng và Hôn nhân đón nhận được nhiều các bạn mới gia nhập vào Hội Thánh và tích cực sinh hoạt cộng đoàn. Nhiều anh chị em giáo dân đã cùng với các Linh mục và Tu sĩ tham gia hướng dẫn các lớp này.

Trong mấy năm vừa qua cũng xuất hiện những sáng kiến mới như các nhóm Bảo vệ sự sống, an táng các thai nhi, nạn nhân của tệ nạn phá thai, phổ biến kiến thức phòng ngừa ma túy và bệnh AIDS.. Thăm viếng và nâng đõ tâm linh những anh chị em đã mắc bệnh. Những sáng kiến này đạt dưới sự hướng dẫn của tòa tổng giám mục, đã được sự hưởng ứng, tiếp sức và nâng đỡ của nhiều dòng tu và nhiều giáo xứ. Cững không thể không ghi nhận là từ lâu nay ở khắp đất nước có một phong trào cầu tự của các gia đình hiếm muộn. Phong trào này không phát xuất từ Thái Hà. Nhưng Thái Hà lại có duyên may được là một trong những nơi hội tụ của các cặp vợ chồng đang cầu nguyện và sống trong hi vọng. Ða số những cặp vợ chồng này là những người bên lương mà lại coi nhà thờ như một chốn thân thương. Thái Hà xin làm hết sức để chia sẻ vui mừng và hi vọng lẫn đôi chút lo âu để nâng đỡ anh chị em về tâm linh trong ánh sáng của Lời Chúa.

Sau nữa, nhiều anh chị các nhóm sinh viên và các nhóm xa quê làm ăn sinh sống ở Hà Nội cũng đã mang đến Thái Hà rất nhiều nhiệt tình, sáng kiến và lòng tận tụy

Tôi xin nhận lỗi không thể nào nói hết các cách thế đóng góp của anh chị em. Vả lại luôn có rất nhiều tâm hồn âm thầm có những hành động tự phát. Ôn lại một vài hoạt động trên đây là để chúng ta thấy rằng chúng ta có những vốn quý, những tiềm năng hứa hẹn. Nếu chúng ta đồng lòng đi theo tiếng gọi của Hội Thánh, thì mùa gặt thiêng liêng sẽ rất tốt đẹp trong Năm Thánh này.

Với niềm tin ấy, tôi xin chúc cộng đoàn chúng ta một mùa Giáng sinh thánh thiện, an bình và hạnh phúc cùng một năm mới dồi dào Thiên ân.

Lm. Matthêu Vũ Khởi Phụng