Một vài cảm nhận ngày Cha ‘đi’

@ 16 May 2010 11:47 AM
{nl}Một

VRNs (16.05.2010) - Biết Cha ‘chính thức đã ra đi’, cũng như bao người khác, con cảm thấy hụt hẫng, ngậm ngùi và có cái gì đăng đắng trong lòng.

Cách đây đúng ba tuần, ngay sau khi được tin Tòa Thánh bổ nhiệm Ðức cha Phêrô Nguyễn Văn Nhơn làm TGM Phó Hà Nội, trang web của HÐGM Việt Nam (WHÐ) đã nhanh chóng thực hiện và đăng bài phỏng vấn với Cha.

Và ngay đầu bài phỏng vấn đó, WHÐ đã ‘chúc mừng Cha ... vừa có TGM Phó’.

Cha chưa kịp ‘mừng’ vì có TGM Phó, vì có người cùng ‘trợ giúp’ và cùng với mình ‘phục vụ Tổng Giáo phận’, thì đã phải khăn gói ra đi.

Sao ở đời lại có những trớ trêu như vậy?

Nội tình như thế nào, con không biết. Nhưng đọc ‘Lên tiếng hay không lên tiếng’, rồi việc Cha ‘có được’ một vị làm phó, nhiều hơn Cha đến 14 tuổi, cũng như bao người khác, con biết rằng sớm hay muộn Cha cũng phải ra đi.

Nhưng sao Cha lại đi sớm như vậy? Hơn nữa, chuyện ra đi của Cha đã được biết trước, đã được xếp đặt trước sao Cha lại ra đi một cách thầm lặng, ra đi trong đêm tối, ra đi một cách vội vàng như vậy?

Xem mấy tấm hình của Cha lúc chia tay, nghe lại đoạn video ngắn ngủi, được thu vội vàng cảnh Cha quỳ cầu nguyện trước lúc đi, con cảm thấy nghẹn ngào.

Cha đã gầy đi thật nhiều. Ðoạn video 18 giây chỉ ghi kịp lời cầu kinh: ‘Lạy Mẹ là ngôi sao sáng, soi lối cho con lúc vượt biển thế gian’ dường như đã diễn tả hết được bao u buồn về sự ra đi vội vàng của Cha.

Ðọc ‘Lời từ biệt của Cha gửi cộng đồng dân Chúa Tổng giáo phận Hà Nội’, con thấy mắt mình cay cay. Con nghĩ chắc Cha đã rơi lệ khi viết lời từ biệt đó. Chắc chắn giáo dân của Cha cũng nghẹn ngào khi đọc những lời từ biệt ấy.

Khóc vì tâm tình sâu nặng giữa Cha và con cái Cha như Cha đã bộc lộ trong lá thư từ biệt.

Khóc vì Cha ra đi mà trực tiếp nói lời từ biệt với “những người anh em rất thân thiết”, “những cộng sự thân tín”, “những người con thân yêu”, “những thành viên thân thương” của Cha.

Khóc vì con cái của Cha �" linh mục, tu sỹ nam nữ, chủng sinh và giáo dân �" những người mà bao năm qua Cha đã ‘đồng hành’, ‘đồng cảm’, ‘đồng sinh’ và ‘đồng tử’, và cũng là những người đã cùng với Cha, và nhờ có Cha đã dám dấn thân phục vụ Giáo phận và phục vụ xã hội “khi can đảm lên tiếng bênh vực công lý, sẵn sàng hy sinh tính mạng để bảo vệ sự thật” �" đã không thể trực tiếp nói lời tri ân, nói lời từ biệt với Cha.

Và con nghĩ đây đó ở Việt Nam, cũng như nhiều nơi khác trên thế giới, bao người đã rơi lệ khi ‘chứng kiến’ cảnh Cha và con cái Cha ‘chia tay, từ biệt’ trong tình cảnh trớ trêu như vậy.

Con biết chuyện thuyên chuyển, đổi ngôi trong Giáo hội cũng như xã hội là chuyện bình thường. Có ngày đến chắc chắn sẽ có ngày đi. Con biết Cha đi vì ‘tự nguyện’, “Cha đã làm tất cả chỉ vì lợi ích của Giáo hội”.

Nhưng con thấy có cái gì đó thật ngậm ngùi và đăng đắng trong lòng khi chứng kiến sự ‘ra đi’ như vậy của Cha.

Cách đây mấy ngày ở nước Anh cũng có chuyện đổi ngôi. Vì thất bại trong cuộc bầu cử, ông Gordon Brown (thuộc đảng Lao Ðộng) đã phải từ chức thủ tướng và quyền thành lập chính phủ cũng như điều hành đất nước trong thời gian tới được trao cho ông David Cameron (thuộc đảng Bảo Thủ).

Nhưng trước khi ra đi, ngay trước dinh thủ tướng, ông đã có bài phát biểu từ chức và trong đó ông đã nói lời chia tay với mọi người và cám ơn tất cả những người thân, cộng sự của mình. Và mặc dù không phải ai cũng đồng ý với chính sách của ông, giới báo chí và những ai có mặt đều đáp lại bằng những tràng pháo tay dài như là lời chia tay và cám ơn ông.

Và câu đầu tiên mà ông Cameron nói trong bài phát biểu đầu tiên của mình tại dinh thủ tướng với tư cách là tân thủ tướng của nước Anh là cám ơn ông Brown về những đóng góp của ông cho đất nước Anh, mặc dù hai người trước đó từng là đối thủ, và chỉ trích nhau nhiều.

Mặc dù biết rằng ở Anh không giống như ở Việt Nam, hơn nữa so sánh chuyện đổi ngôi ngoài đời với chuyện thuyên chuyển, bổ nhiệm trong Giáo hội thì khập khiễng, nếu không muốn nói là không nên.

Nhưng kể lại chi tiết này, con chỉ muốn nói rằng ‘ngoài đời’ người ta còn biết cám ơn nhau, dù là một việc rất nhỏ.

Tại sao con cái của Cha không có được một cơ hội để nói lên lòng tri ân với Cha? Tại sao Cha không có được một thánh lễ chia tay như bao nơi khác? Tại sao không ai trong Giáo hội chính thức lên tiếng để cám ơn Cha? ‘Anh em’ của Cha đâu cả rồi?

Phải chăng những việc Cha làm, những gì Cha đã hy sinh đều vô nghĩa, đều không có gì đáng để cám ơn?

Chắc chắn không phải như vậy. Qua những gì mà giáo dân Hà Nội thể hiện trong những ngày qua, Cha không chỉ là một người mục tử nhân lành, một người cha nhân hậu, người thầy đáng kính, mà còn là một người anh quý mến, người bạn trung thành.

Vâng, thấy xót xa chứng kiến ‘cảnh’ Cha ‘đi’. Mắt nhỏ lệ đọc ‘lời từ biệt’ của Cha. Con biết có những người cũng hoang mang, thất vọng, mất hướng lúc này.

Nhưng con nghĩ không vì thế mà con cái Cha hoàn toàn lo sợ, nản lòng, buông xuôi.

Do sự ‘xếp đặt’ của ai đó hay do sự an bài của Thiên Chúa, Cha ‘chính thức ra đi’ vào ngày kỷ niệm Mẹ hiện ra lần đầu tại Fatima và cũng đúng vào ngày Lễ Chúa Lên Trời.

Như Mẹ đã tiên báo năm xưa, nhiều thế lực đã, đang và sẽ còn tìm mọi cách đánh phá Giáo hội, loại trừ con cái Giáo hội. Nhưng Mẹ luôn bênh vực, chở che. Mẹ luôn là ‘ngôi sao sáng soi lối, dẫn đường cho Giáo hội vượt qua biển thế gian’.

Các môn đệ đã hoang mang, lo sợ sau khi Chúa Lên Trời. Nhưng Chúa Lên Trời để gửi Thánh Thần Chúa xuống. Nhờ vậy, các môn đệ đã mạnh dạn, đã can đảm ra đi loan báo và làm chứng cho Tin Mừng.

Con tin rằng những gì Cha đã làm, những gì Cha đã sống, con cái Cha sẽ noi theo, sẽ tiếp bước. Con tin rằng những hạt giống Cha đã gieo, những gì Cha đã vun trồng, chăm lo sẽ nảy mầm, sinh hoa kết quả.

Vì hy vọng và tin tưởng như vậy, dù thấy buồn, thấy đau khi chứng kiến cảnh Cha đi nhưng cũng như bao người con cái khác của Cha con tin rằng Chúa Mẹ luôn đồng hành, nâng đỡ, chở che Giáo hội.

Bởi vậy, buồn ngày Cha đi nhưng con tin rằng cũng sẽ có ngày chúng con được vui đón Cha ‘trở về’.

Cũng tiện nơi đây, con muốn được nói lời tri ân với Cha và cùng với Cha dâng lời cảm tạ Chúa đã ban cho chúng con có được một người mục tử, một người cha, một người thầy, một người anh, một người bạn như Cha. Xin Thiên Chúa cũng luôn đồng hành, nâng đỡ, thêm sức mạnh cho Cha đặc biệt trong những ngày này.

Xuân Lộc

(source: http://www.chuacuuthe.com/?p=2545)