MỤC TỬ NHÂN LÀNH BỊ SÓI LANG CẮN CẤU

@ 4 June 2010 08:12 PM
Mặc Giao

Người mục tử nhân lành đưa đoàn chiên qua ghềnh qua núi, dẫn đoàn chiên về vùng đồng cỏ xanh tươi, bảo vệ đoàn chiên trước những đe dọa của sói lang, và sẵn sàng hy sinh mạng sống mình vì đoàn chiên. Ðó là hình ảnh một mục tử gương mẫu đã được diễn tả trong Kinh Thánh.

Qua "sự kiện Ngô Quang Kiệt", người ta tự hỏi ai là mục tử nhân hậu và can trường? Ai là mục tử run sợ trước sói lang, gây náo loạn, mất tin tưởng và chia rẽ trong đoàn chiên, rồi lại đổ tội lên đầu một số chiên trong đoàn để biện minh cho những thái độ và hành động của mình?

Phải thành thật nhìn nhận rằng những quyết định của Tòa Thánh Vatican, những lời nói (hoặc không nói) và việc làm (hoặc không làm) của Hội Ðồng Giám Mục Việt Nam trong "sự kiện Ngô Quang Kiệt" đã gây chia rẽ ngay trong lòng Giáo Hội và làm mất niềm tin vào Giáo Hội một cách trầm trọng như chưa từng thấy trong lịch sử Giáo Hội Công Giáo VN. Chúng ta không kết án ai nhưng phải nói lên sự thật, sự thật diễn ra ở ngoài đời và sự thật được cảm nghiệm trong tâm hồn chúng ta.

NHỮNG SỰ THẬT KHÔNG THỂ CHỐI CÃI

Việc thay thế một cấp lãnh đạo trong Giáo Hội là chuyện bình thường và ít khi gây tranh cãi, thắc mắc. Tâm trạng luyến tiếc đối với người cũ và bước đầu lạ lẫm đối với ngưới mới cũng là chuyện bình thường và cũng chóng qua đi. Trường hợp Tổng Giám Mục Ngô Quang Kiệt lại khác. Ðức Cha Kiệt đã trở thành biểu tượng cho tình trạng "tức nước vỡ bờ" sau bao nhiêu năm Giáo Hội Công Giáo miền Bắc, không chỉ riêng Hà Nội, bị áp bức, kềm kẹp, đối xử bất công, tịch thu tài sản.

Qua những buổi cầu nguyện để đòi lại những quyền lợi chính đáng một cách hòa bình, qua việc đứng đầu sóng ngọn gió đương đầu với cường quyền để bênh vực giáo dân, Ðức Cha Kiệt được coi như người mục tử nhân lành và can trường, như chỗ dựa vững chắc của đoàn chiên đang bị sói lang rình rập.

Vì vậy, việc thay thế Ðức Cha Kiệt trong khi cuộc tranh đấu chưa đạt mục tiêu chắc chắn sẽ gặp phản ứng mạnh mẽ của tín hữu Công Giáo ở Hà Nội và khắp nơi. Thỉnh nguyện thư thu hút trên 15,000 chữ ký chỉ trong vài tuần đã chứng tỏ điều này. Việc trưng hình, căng biểu ngữ ủng hộ chỉ là một khiá cạnh nhỏ.

Về phiá nhà cầm quyền, Ðức Cha Kiệt trở thành một thách thức và mối đe dọa cho quyền hành toàn trị của họ. Vì thế họ đã công khai bầy tỏ ý muốn đưa Ðức Cha Kiệt ra khỏi Hà Nội. Họ đã chính thức can thiệp với Hội Ðồng Giám Mục Việt Nam và với Tòa Thánh Vatican. Khi họ nhận được sự thỏa thuận, nếu không nói là nhượng bộ, của Tòa Thánh, họ đã khoe khoang một cách công khai. Thứ Trưởng Thông Tin Nguyễn Qúy Doãn đã tiết lộ ngày 6-4-2010 là chính quyền sẽ đẩy TGM Ngô Quang Kiệt ra khỏi Hà Nội nhờ kết quả của công tác ngoại giao. Thông tấn xã Việt Nam loan tin:

"Theo Ban Tôn Giáo chính phủ, được sự đồng ý của Thủ Tướng chính phủ ngày 22-4, Giáo Hoàng Benedict XVI đã bổ nhiệm Giám Mục Phêrô Nguyễn Văn Nhơn, Giám Mục giáo phận Ðà Lạt, Chủ Tịch Hội Ðồng Giám Mục VN, làm Tổng Giám Mục Phó tổng giáo phận Hà Nội với quyền kế vị".

Như vậy ai có thể phủ nhận sự can thiệp và bầy tỏ uy quyền của nhà nước cộng sản trong vụ này?

Về phiá các vị giám mục Việt Nam, đại đa số giữ thái độ "xem và chờ". Một số vị cũng ngán ngẩm tình đời nhưng ngại lên tiếng. Chỉ còn một thiểu số năng động, đặc biệt những vị trong Ban Chấp Hành Hội Ðồng Giám Mục Việt Nam (ngoại trừ GM Tổng Thơ Ký Ngô Quang Kiệt đã ngồi ghế nạn nhân bị cáo), có thể nhân danh toàn thể Hội Ðồng để thương thảo với nhà cầm quyền, tâu trình những đề nghị lên Tòa Thánh, phân bè "ca hát" nhịp nhàng bản tình ca đối thoại và hợp tác với nhà nước cộng sản, chặn trước những tiếng nói đối kháng, kết án những người dám nói lên sự thật, rồi đồng thanh vỗ tay hoan hô Chủ Tịch Hội Ðồng được đưa lên thay thế Tổng Thơ Ký của Hội Ðồng. Như vậy có lộ liễu qúa không? Có bầy tỏ tình thương yêu, đoàn kết và hiệp thông giữa các "bạn đồng sự" trong cùng một Hội Ðồng không?

Về phần Tòa Thánh Vatican, chúng ta không đoán được những ý định sâu kín hay cao siêu của Ðức Giáo Hoàng và những vị trách nhiệm cao cấp. Chúng ta cũng chưa có bằng chứng để đổ lỗi cho Ðức Ông X hay Ðức Ông Y thuộc Văn Phòng Ðông Nam Á Sự Vụ Bộ Ngoại Giao Tòa Thánh, dù người phụ trách là Ðức Ông Cao Minh Dung có những dấu hiệu được cộng sản o bế.

Chúng ta chỉ thấy việc thay thế Ðức Cha Ngô Quang Kiệt và Ðức Cha Cao Ðình Thuyên (giáo phận Vinh), những vị đã lãnh đạo giáo dân đấu tranh cho tự do và công lý, bằng Ðức Cha Nguyễn Văn Nhơn, một người nổi tiếng về tài làm "compromise" (thỏa hiệp) với nhà nước, và Linh Mục Nguyễn Thái Hợp, một người có thành tích say mê chủ thuyết cộng sản và Thần Học Giải Phóng, là một hành động nhượng bộ, hay nói nhẹ nhàng là làm vui lòng nhà cầm quyền cộng sản VN.

Nhượng bộ để được gì? Chưa ai biết. Nhưng nhượng bộ để mất gì? Ai cũng thấy là mất đoàn kết ngay trong nội bộ Giáo Hội, mất niềm tin nơi giáo dân, suy giảm sự kính trọng từ những người không Công Giáo, và do đó làm mất hiệu quả của việc rao giảng Tin Mừng.

Ðó là những sự thật không thể chối cãi.
Ai có thể "lấy thúng úp voi"?
Ai dám nói những người loan những tin này là xuyên tạc, là có ác ý với Giáo Hội?

NHỮNG SỰ THẬT ÐƯỢC GIẢI THÍCH QUANH CO

Ngoài những tin đồn được loan truyền từ Hà Nội vào Sài Gòn, từ trong nước ra ngoài nước, điện báo Nữ Vương Công Lý ở Việt Nam tiết lộ những tin tức liên quan đến "sự kiện Ngô Quang Kiệt" hầu như mỗi ngày. Mới đầu, nhiều người đọc còn bán tín bán nghi. Nhưng càng ngày càng tin, vì thấy những việc xảy ra chứng tỏ Nữ Vương Công Lý nói đúng.

Ðiện báo này đã loan báo trước việc bổ nhiệm Ðức Cha Nguyễn Văn Nhơn vào chức tổng giám mục phó với quyền kế vị, đã loan tin trước Ðức Cha Nhơn sẽ ra Hà Nội nhận chức ngày 6 hoặc 7 tháng 5 (việc đã xảy ra ngày 7), đã thông báo trước Ðức TGM Ngô Quang Kiệt sẽ từ chức và trao lại quyền cho ÐC Nhơn vào ngày 13 tháng 5 (việc đã xảy ra vào lúc 23 giờ 25 đêm 12 thay vì ngày 13).

Còn một số việc khác mà Nữ Vương Công Lý loan báo rất đúng (như Tòa Thánh chấp nhận đơn từ chức của ÐC Kiệt và ÐC Thuyên, bổ nhiệm LM Nguyễn Thái Hợp làm giám mục giáo phận Vinh…). Ðể có những thông tin chính xác như thế, Nữ Vương Công Lý chắc chắn phải có nhũng nguồn tin từ giới thân cận nhất của Ðức Cha Kiệt. Cũng không loại trừ việc họ nhận được tin tức "rò rỉ" từ Vatican.

Những nguồn tin chính xác và những bình luận về những tin này đã làm cho một số vị cao cấp trong giáo quyền bực bội. Bực bội vì tin được đưa ra dù không sai nhưng không đúng ý các vị, lại không đúng lúc, không đủ thời giờ cho các vị sắp xếp và sửa soạn dư luận, nhất là bực bội về việc úp mở gán những âm mưu, những tham vọng, những kịch bản, cho vị này vị kia.

Vị nào cũng chủ quan cho mình là người công chính, luôn làm đúng theo ý Chúa. Vì vậy, Ðức Cha Nguyễn Văn Khảm, Giám Mục Phụ Tá Sài Gòn, đã kết án web Nữ Vương Công Lý là "Nói sai sự thật". Chắc họ nói sai ngày 7 thành ngày 6 và ngày 12 thành 13?

Giám Mục Nguyễn Chí Linh, Phó Chủ Tịch Hội Ðồng GMVN, tuyên bố trong lễ nhậm chức của ÐC Nhơn tại nhà thờ chính tòa Hà Nội ngày 7-5-2010 rằng: "Mọi thành phần dân Chúa đã có cơ hội nói lên nguyện vọng của mình một cách chân thành, đồng thời cũng có kinh nghiệm sâu sắc hơn về vai trò và sứ mệnh của các phương tiện truyền thông hiện đại", và rằng: "Dù khác biệt, thậm chí có khi là đối lập, nhưng tất cả mọi quan điểm đều có một mẫu số chung là lòng yêu mến Giáo Hội. Suy nghĩ và cách biểu hiện khác nhau, nhưng lòng yêu mến vẫn là một".

Những câu nói này đã trấn an phần nào nỗi lo buồn của giáo dân Hà Nội, đã làm nhiều người hy vọng vào tinh thần cởi mở, lắng nghe và chấp nhận đối thoại với giáo dân (thay vì chỉ với nhà nước) sẽ được Hội Ðồng Giám Mục Việt Nam bắt đầu thi hành từ ngày hôm đó. Nhưng chỉ bảy ngày sau, 15-5-2010, cũng ÐC Nguyễn Chí Linh, khi trả lời ký giả Mặc Lâm của đài Á Châu Tự Do, đã tỏ ra cay cú giới truyền thông và kết án giới này:

"Giáo dân nói chung thì họ không nắm vấn đề lắm. Họ bị chi phối bởi truyền thông rất nhiều. Truyền thông có khi chỉ một chiều, ngay cả giới linh mục người ta cũng hoang mang, không biết thật hư như thế nào. Nó tạo ra sự phân hóa hay hận thù nào đó với những nhân vật đang còn phục vụ Giáo Hội VN…", "Có nhiều cái chúng tôi không thể hiểu được, ở sau lưng ai là người đang có ý đồ chia rẽ Giáo Hội Việt Nam?".

Giám Mục Nguyễn Chí Linh mâu thuẫn hay đã thay đổi lập trường trong chỉ một tuần? Từ công nhận mọi thành phần dân Chúa đã có cơ hội nói lên nguyện vọng, từ chấp nhận khác biệt, có khi là đối lập nhưng vẫn có mẫu số chung là yêu mến Giáo Hội, GM Linh đổi sang kết án giới truyền thông tội loan tin một chiều, gây hoang mang, tạo ra sự phân hóa, hận thù và đặt nghi vấn ai đang ở sau lưng có ý đồ chia rẽ Giáo Hội?

Thời gian "sống chung hòa bình" giữa Hội Ðồng Giám Mục và giới truyền thông chỉ ngắn vậy sao? Xin hỏi lại Ðức Cha Linh là những tin tức do các cơ quan truyền thông đăng tải có sai sự thật hay không? Những tin tức này so với những quyết định thay bậc đổi ngôi để làm hài lòng nhà nước cộng sản, thứ nào gây chia rẽ và hoang mang cho giáo dân và cho cả các linh mục nhiều hơn? Thủ phạm hàng đầu chuyên đánh phá, gây chia rẽ trong Giáo Hội là ai, nếu không phải là cộng sản và những người muốn làm vừa lòng cộng sản để đổi lấy tiện nghi, chức quyền?

Cũng cùng một lối lý luận, Ðức Ông Nguyễn Văn Tài, Giám đốc Radio Veritas phần Việt ngữ, phát biểu rằng: "Rất mong những người hoạt động trong truyền thông đừng gây chia rẽ trong Giáo Hội Chúa, và xin những anh em chống lại việc bổ nhiệm Ðức Cha Nhơn là TGM Phó Hà Nội đừng lên tiếng áp đặt giải pháp và cái nhìn của riêng họ cho các Ðức cha, cho Hội Ðồng Giám Mục Việt Nam và cho cả Tòa Thánh.

Ðây là lần đầu tiên trong suốt thời gian từ 1975 đến nay, sự hiệp thông trong Giáo Hội Chúa tại Việt Nam bị đánh vỡ tan nát do chính những người con của Giáo Hội. Những kẻ thù ghét Giáo Hội đã khôn khéo "xì ra tin này tin nọ" để lèo lái từ trong bóng tối, làm cho Giáo Hội bị chia rẽ. Chính mình cầm roi đánh mình. Thế mới đau!".

Ðúng vậy, đau lắm, thưa Ðức Ông. Nhưng xin Ðức Ông nghĩ lại đi. Giáo dân yêu mến Ðức Cha Kiệt không phải chỉ vì cá nhân ÐC Kiệt, nhưng quan trọng hơn là vì ÐC đã sống chết với con chiên, chia sẻ đòn thù với họ trong việc đòi tự do và công lý. Không phải họ không vâng lời Ðức Giáo Hoàng trong việc không tuân phục ÐC Nhơn, nhưng sự thay thế này, đối với họ, quả không hợp lý và càng không hợp tình, nên họ biểu lộ tình cảm bên nặng bên nhẹ như chuyện thường tình của con người.

Mọi sự rồi sẽ đâu vào đấy nếu Ðức Cha Nhơn tỏ ra là một mục tử xứng đáng. Các cơ quan truyền thông chỉ nói lên sự thật. Phải công nhận có một thiểu số suy diễn quá xa hoặc dùng những lời xúc phạm.

Tuy nhiên, tuyệt đại đa số đều loan tin đúng và bình luận nghiêm túc. Các đấng bậc không quen nghe lời nói thật của những anh giáo dân dám bàn leo. Sự thật thường mất lòng, nên ai nói sự thật dễ bị kết án là nói sai, xuyên tạc, gây chia rẽ.

Thử hỏi nếu không có "sự kiện Ngô Quang Kiệt", "sự kiện Nguyễn Văn Nhơn, "sự kiện Nguyễn Thái Hợp"… thì giới truyền thông lấy gì mà nói, lấy gì mà gây chia rẽ? Ðức Ông có nghĩ rằng chính những "sự kiện" này mới là thủ phạm gây chia rẽ, không phải giới truyền thông?

Giới truyền thông Công Giáo cả trong lẫn ngoài nước giỏi lắm cũng chỉ được vài trăm người, đa số hoạt động theo kiểu thiện nguyện "ăn cơm nhà vác ngà voi", không có hàng ngũ chặt chẽ và càng không có lập trường, đường lối chung. "Lực lượng" này được tiếng là mạnh nhưng rời rạc, làm sao so sánh được với "lực lượng" trên 15,000 giáo dân ký tên chỉ trong thời gian vài tuần vào thỉnh nguyện thư xin Ðức Giáo Hoàng giữ Ðức TGM Ngô Quang Kiệt ở lại Hà Nội với họ.

Khi ký tên, họ không có nhiều hy vọng thỉnh nguyện của họ được chấp thuận. Tuy nhiên họ vẫn hăng hái ký để bầy tỏ lập trường và sức mạnh đoàn kết.

Trước sức mạnh này, tất cả mọi thứ quyền hành và thế lực liên hệ phải biết tới, phải quan tâm, phải suy nghĩ khi lấy những quyết định cho những việc về sau. Ðừng nói khối người này bị một vài người giật dây. Nói thế là khinh thường sự hiểu biết, lòng trung thành và thái độ kiên cường của họ đối với những vấn đề của Giáo Hội.

Không phải họ chỉ có 15,000 người. Tiềm lực của họ còn rất nhiều. Khi cần đến đâu sẽ xử dụng đến đó. Tiềm lực này không phải được dùng để phá vỡ Giáo Hội, nhưng để bảo vệ và xây dựng Giáo Hội. Ủng hộ lập trường của họ có phải là gây hoang mang và chia rẽ trong Giáo Hội không? Xin đừng giải thích và lý luận quanh co trước những sự việc nhãn tiền đang xảy ra trước mắt.

ÐỨC CHA KIỆT VÀ CÁCH CƯ XỬ CỦA MỘT "GENTLEMAN"

Bây giờ nói về Ðức Cha Ngô Quang Kiệt. Ðúng là ÐC bị bệnh mất ngủ và trầm cảm. Ðúng là ÐC đã làm đơn xin Ðức Giáo Hoàng cho từ chức để đi chữa bệnh. Vấn đề cần suy nghĩ là vì sao ÐC mắc phải những chứng bệnh đó? Có phải vì chịu đựng quá lâu và quá nặng áp lực của thế quyền? Có phải vì thấy bị Tòa Thánh và anh em trong Hội Ðồng Giám Mục Việt Nam bỏ rơi?

Có phải vì thấy những người có trách nhiệm trong Giáo Hội không ủng hộ cuộc đấu tranh ôn hòa đòi công lý và nhân quyền, không một lời bênh vực, an ủi khi giáo dân vô tội bị đánh đập, tù đầy, và chính mình bị lăng nhục, dọa giết?

Trong hoàn cảnh đó, mất ngủ và buồn rầu là chuyện tự nhiên phải xảy ra. Và khi thấy tình thế trong và ngoài Giáo Hội như vậy thì xin từ chức cho rồi, để khỏi gây khó cho Tòa Thánh và một số đồng sự trong Hội Ðồng Giám Mục Việt Nam. Nhìn bề ngoài, trông Ðức Cha hơi gầy nhưng vẫn mạnh khỏe, vẫn thi hành đầy đủ chức năng của một vị tổng giám mục, giọng nói vẫn tốt và cách ăn nói vẫn thông minh, khôn khéo, thể hiện rất rõ trong bài chào mừng ÐC Nhơn ngày 7-5-2010 và thư từ biệt tổng giáo phận Hà Nội ngày 13-5-2010.

Mất ngủ và trầm cảm mà còn cư xử khôn ngoan như thế thì đó không phải là bệnh mãn tính, mà là bệnh thời thế. Xin đừng lấy cớ Ðức Cha Kiệt cáo bệnh xin từ chức để rửa hết mọi trách nhiệm về việc bổ nhiệm mới nhằm đáp ứng đòi hỏi của nhà nước.

Nói về cách cư xử của ÐC Kiệt, người ta thấy ngài đã hành động theo cung cách của một "gentleman", người lịch sự, có nhân cách, biết tự chế, không gây khó cho người khác, nhất là người kế nhiệm, đồng thời thực hiện đức vâng lời đối với bề trên. Ðức Cha không than phiền, chỉ trích, kết án hay đổ lỗi cho ai. ÐC âm thầm chịu đựng, lặng lẽ chấp nhận vai trò nạn nhân.

Ðức Cha còn có những cử chỉ đẹp đối với người kế nhiệm: tổ chức lễ ra mắt long trọng cho ÐC Nhơn tại Hà Nội ngày 7-5-2010, lẳng lặng rút lui, không làm lễ tiễn biệt linh đình để tránh cho người kế nhiệm những khó xử khi giáo dân bầy tỏ thái độ. Xin đừng xử dụng sự nhẫn nhục và lối "chơi đẹp" này để chối phăng những mưu mô, tính toán, xếp đặt của phe mình.

Bề ngoài, ÐC Kiệt đã cư xử một cách không ai có thể chê trách, nhưng bề trong, với bản tính con người, ÐC đã đau khổ rất nhiều. Một số người thân tín đã được ÐC tiết lộ là ngài đã khóc khi thấy bị bỏ rơi. Trong dịp chữa bệnh lần trước tại La Mã, ÐC không được Ðức Giáo Hoàng và các Hồng Y lãnh đạo giáo triều tiếp kiến hoặc thăm hỏi, vấn an. Việc bỏ rơi cho nhà nước cộng sản "hành" còn xảy ra vào ngày chót của ngài tại Việt Nam.

Có nguồn tin (còn đang tranh cãi đúng sai tới đâu) là ÐC Kiệt không muốn rời VN, chỉ muốn rút về nhà dòng Châu Sơn ở Nho Quan, Ninh Bình, để nghỉ ngơi và cầu nguyện. Ngài đã hẹn cả chục thân nhân từ miền Nam ra gặp ngài tại đây. Họ đã mua vé máy bay và chờ ngày hội ngộ. Ngày 12-5, ngài trở về Châu Sơn sau khi dự kễ kim khánh linh mục của ÐC Thuyên thì chuyện không chờ đợi xảy ra: ÐC Nhơn từ Hà Nội xuống Châu Sơn yêu cầu ngài trở về tòa tổng giám mục gấp. Ngài trở về ngay buổi chiều, và ngay đêm hôm đó phải xách khăn gói lên máy bay rời khỏi đất nước!

Mọi sự đã có người lo sẵn, từ vé máy bay tới visa xuất và nhập cảnh. Những uẩn khúc của chuyến đi này chưa được chính thức làm sáng tỏ, nhưng có điều chắc là thế quyền cộng sản chẳng những muốn ÐC Kiệt đi khỏi Hà Nội mà còn buộc ngài phải rời khỏi Việt Nam.

Ngài còn ở lại đất nước, dù bất cứ ở chốn sơn cùng thủy tận nào, thì vẫn là điểm thu hút giáo dân và là niềm hy vọng của họ. ÐC Kiệt đã hiểu thân phận của mình. Ngài đã thu dọn và sửa soạn sẵn hành trang trước ngày 6 tháng 5, ngày ÐC Nhơn đến Hà Nội. Ngài muốn đánh ván bài chót với hy vọng được ở lại quê hương, nhưng đã thua lòng hận thù và sự đồng lõa.

Trong thư từ biệt ngày 13-5-2010, ÐC Kiệt đã từ giã giáo dân bằng việc ôn lại những ngày khó khăn tranh đấu cho công lý: "Chúng ta đã cùng sống với nhau, cùng làm việc với nhau. Còn hơn thế nữa, chúng ta đã cùng vui mừng và hi vọng với nhau, cùng lo âu và buồn khổ với nhau. Ðặc biệt là trong những giờ phút nguy hiểm, khi tính mạng bị đe dọa, chúng ta đã sẵn sàng cùng chết với nhau. Còn gì có thể chia cách chúng ta được nữa?".

Ngài ca ngợi giáo dân đã nỗ lực xây dựng xã hội và Giáo Hội bằng sự tích cực và kiên cường của mình: "Anh chị em còn góp phần xây dựng xã hội khi can đảm lên tiếng bênh vực công lý, sẵn sàng hy sinh tính mạng để bảo vệ sự thật. Anh chị em là Giáo Hội. Anh chị em đã đổ mồ hôi nước mắt và cả máu đào để gìn giữ và phát triển Giáo Hội. Tôi tự hào về anh chị em. Tôi cảm phục anh chị em. Tôi tri ân anh chị em".

Những lời này phát ra từ tâm can của TGM Ngô Quang Kiệt. Chúng có tác dụng hâm nóng ngọn lửa trong lòng giáo dân. Chúng là "một trời tâm sự" của một người bị bắt buộc rời bỏ sứ mệnh đang theo đuổi khi chưa đạt mục đích.

Khi mục tử và đoàn chiên thương yêu và tin cậy nhau như thế, không gì có thể chia rẽ họ. Chỉ có lang sói vì muốn phá vỡ đoàn chiên mới nhắm mục tử để tấn công. Vì vậy những mục tử khác khi được cử đến tiếp tục chăm sóc đoàn chiên phải biết noi gương người trước để làm tròn trách nhiệm của mình. Lời ÐC Kiệt nói ÐC Nhơn sẽ cùng sống cùng chết với anh em là một lời ước nhưng cũng là một lời khuyên.

Nguyễn Văn Nhơn không phải là Ngô Quang Kiệt. Nhưng nếu mục tử Nguyễn Văn Nhơn cũng sẽ là một mục tử nhân hậu và can trường như mục tử Ngô Quang Kiệt thì sẽ chinh phục giáo dân dễ dàng, sẽ là một quà tặng từ Trời cho giáo dân Hà Nội và cho cả Giáo Hội Việt Nam. Ðiều hy vọng này cũng xin được đặt nơi tân Giám Mục Nguyễn Thái Hợp của giáo phận Vinh.

Các vị không phải chỉ là chủ chăn của giáo dân tại một địa phương. Các vị đứng trong hàng ngũ chọn lọc của những người lãnh đạo tinh thần, là biểu tượng của công chính, can đảm và nhân từ, có bổn phận dẫn giắt nhân dân cả nước đi tìm công lý, sự thật và phẩm giá con người, trong đó có quyền được tin, được bầy tỏ và thực hành đức tin, không phải qụy lụy xin phép những thế lực chống phá đức tin.

Mặc Giao
www.diendangiaodan.com