SẢN XUẤT ÐIỆN NGUYÊN TỬ Ở VIỆT NAM: 5 TỈNH, 8 ÐỊA ÐIỂM, 13 NHÀ MÁY

@ 2 July 2010 06:14 PM
Tin Hà Nội - Nhà cầm quyền Hà Nội dự tính chọn 8 địa điểm tất cả đều ở 5 tỉnh miền Trung để xây dựng 13 nhà máy sản xuất điện nguyên tử ở Việt Nam từ nay đến năm 2030. Nguồn tin chính thức của nhà cầm quyền Hà Nội loan báo Quy hoạch 8 địa điểm xây nhà máy điện nguyên tử đến năm 2030. Lời loan báo vẽ ra một hình ảnh đẹp đẽ chói chang về một tương lai khoa học kỹ thuật và đa dạng nguồn cung cấp điện năng ở một tương lai xa, trong khi cả nước đang vô cùng điêu đứng vì nạn thiếu điện. Ngày 19 tháng 6, hàng trăm nông dân ở xã Quỳnh Phụ, huyện Quỳnh Hội, tỉnh Thái Bình đã bắt một số viên chức công ty điện địa phương phơi nắng nhiều tiếng đồng hồ khi trời nắng nóng trên dưới 40 độ C. Dân địa phương đã bị cúp điện có khi lên đến 18 giờ trong một ngày, không có điện để chạy máy xát gạo, cũng như không có điện cho đủ mọi thứ nhu cầu khác hàng ngày.

Ngay ở thủ đô Hà Nội, nhà cầm quyền thành phố đã phải ra lệnh cho công ty điện không được cắt điện vào những ngày nắng nóng. Với kế hoạch xây dựng điện nguyên tử được đưa ra, bản tin trên nói 13 tổ máy điện nguyên tử sẽ sản xuất khoảng 10% điện năng trong tổng số điện sản xuất được trên cả nước. Nhà máy đầu tiên đặt tại Ninh Thuận dự trù khởi công vào năm 2014, hoàn tất và phát điện vào năm 2020. Những nơi được lựa chọn để xây dựng các nhà máy điện nguyên tử, sau Ninh Thuận sẽ ở các tỉnh Bình Ðịnh, Phú Yên, Hà Tĩnh và Quảng Ngãi. Cho tới nay không có tin chính thức nào loan báo công ty nào sẽ đứng ra xây dựng nhà máy điện nguyên tử đầu tiên cho Việt Nam.

Từ cuối năm ngoái đến nay, một số tin tức cho rằng công ty của Nga Rosatom sẽ được trao quyền xây dựng nhà máy đầu tiên cho Việt Nam. Thỏa thuận đã được ký kết khi Nguyễn Tấn Dũng cầm đầu một phái đoàn đến Moscow hồi giữa tháng 12 năm ngoái, trong đó gồm cả việc mua 6 tầu ngầm Hạng Kilo và một số chiến đấu cơ đa năng Sukhoi SU30 MK2. Chính phủ Nhật Bản đã ráo riết vận động với Hà Nội để xây dựng các nhà máy điện nguyên tử nhưng đã không giành được hợp đồng. Báo chí Nhật hồi tháng 2 ám chỉ việc Hà Nội để cho Nga xây dựng lò điện nguyên tử đầu tiên vì liên quan đến các điều kiện bán 6 tàu ngầm và các điều kiện trả tiền mà Việt Nam thì không có dồi dào tiền mặt. Mục tiêu đặt ra đến năm 2020 là hoàn thành việc xây dựng và đưa tổ máy đầu tiên của nhà máy điện nguyên tử Ninh Thuận 1 vào vận hành phát điện thương mại năm 2020, tổ máy 2 vào vận hành năm 2021. Ðồng thời khởi công xây dựng nhà máy điện nguyên tử Ninh Thuận 2 và tiến hành công tác chuẩn bị địa điểm cho việc xây dựng các nhà máy điện nguyên tử tiếp theo. Trong một bản tin khác, giám đốc Viện Năng Lượng nguyên tử xác nhận Việt Nam sẽ sử dụng công nghệ lò nước nhẹ của Nga mà họ ca tụng là an toàn bậc nhất

Hiện nay. Tốn kém dự trù cho nhà máy đầu tiên tổng mức đầu tư dự toán 200,000 tỷ đồng hay khoảng $11 tỉ đô-la. Nhiều bản phản biện, phân tích của giới chuyên viên phổ biến thời gian gần đây nói điện nguyên tử vừa đắt gấp nhiều lần, vừa không an toàn, dễ bị phá hủy nếu có chiến tranh. Nhu cầu điện năng ở Việt Nam gia tăng trung bình mỗi năm khoảng 15%. Số lượng các nhà máy thủy điện và nhiệt điện được xây dựng hàng năm vẫn không đủ thỏa mãn nhu cầu. Các nhà máy thủy điện vào mùa khô thiếu nước chỉ chạy cầm chừng, nạn cúp điện diễn ra thường trực gây nhiều bất mãn kêu ca trên cả nước.(SBTN)

{nl}{nl}