ÐẦU MÙA MƯA SAIGON ÐÃ LO SẠT LỞ, VỠ BỜ BAO

@ 5 July 2010 07:49 PM
Tin Saigon - Ngược lại với miền trung, trong những ngày qua tại Saigon đã liên tục xuất hiện những cơn mưa lớn kéo dài gây ngập nước ở nhiều khu vực. Nhưng đáng lo hơn là tình hình sạt lở bờ sông và vỡ bờ bao ngăn thủy triều. Mới đầu mùa mưa, người dân Thủ Ðức đã phải sống trong ngập úng vì hệ thống kênh rạch không thể thoát nước. Ðáng lo là bởi ngập chỉ có thể gây phiền toái cho giao thông, sinh hoạt nhưng sạt lở bờ sông, vỡ bờ bao thì đến bất ngờ, có thể gây thiệt hại tài sản và tính mạng người dân. Những cơn mưa lớn kéo dài, lượng mưa có xu hướng ngày càng cao, số vị trí có nguy cơ sạt lở ngày càng nhiều và hệ thống bờ bao thì không bảo đảm.

Hầu như tất cả các quận huyện có sông rạch chảy qua đều còn nhiều đoạn bờ bao xung yếu, có nguy cơ vỡ bờ, tràn bờ khi mưa to hoặc triều cường. Như huyện Bình Chánh đến nay vẫn có nhiều tuyến đê bao thấp, nhiều lỗ mọi, thường xuyên bị tràn bờ khi xuất hiện triều cường. Huyện Củ Chi, địa bàn thường xuyên bị sông Saigon uy hiếp trong mùa mưa thì cũng còn nhiều đoạn bờ bao thấp và yếu. Xã Nhị Bình, Hóc Môn hầu như năm nào cũng xảy ra tình trạng nước sông tràn bờ, vỡ bờ nhưng đến nay vẫn còn những đoạn bờ bao nhỏ hẹp, yếu ớt. Tại xã Thới Tam Thôn có rạch Hóc Môn dài đến 720 thước chảy qua nhưng vẫn chưa có bờ bao. Tại Quận 12, chỉ riêng địa bàn phường Thạnh Lộc đã có đến 10 đoạn bờ bao hư hỏng cần sửa chữa cấp bách, phường Thạnh Xuân cũng có 7 đoạn; phường An Phú Ðông có 5 đoạn. Ngay quận trung tâm như Bình Thạnh cũng có nhiều đoạn bờ bao ở các khu vực Bình Quới, rạch Chài, rạch Cây Bàng đã hư hỏng nặng.

Tuyến bờ bao thuộc địa phận phường 13, 14 quận Gò Vấp cũng có nguy cơ bị tràn bờ. Quận Thủ Ðức thì hầu hết các phường đều có bờ bao như Hiệp Bình Phước, Hiệp Bình Chánh, Tam Bình, Tam Phú đã rất cũ kỹ. Các chuyên gia đã thông báo đến các địa phương tình hình sạt lở bờ sông ngày càng phức tạp. Hiện trên địa bàn thành phố có đến 45 vị trí có nguy cơ sạt lở bờ sông; trong đó, nhiều nhất là huyện Nhà Bè với 13 vị trí, Cần Giờ 10 vị trí), Bình Thạnh 9 vị trí. Nhiều vị trí có khu vực nguy cơ sạt lở dài đến hàng trăm thước. Quan trọng nhất là 45 vị trí này hầu như đều có cư dân sinh sống. Nếu sạt lở xảy ra chắc chắn sẽ gây thiệt hại tài sản và có khả năng gây ra thiệt hại về người.

Nhà cầm quyền địa phương và cơ quan chức năng cũng chỉ cảnh báo người dân đề phòng và vận động di dời ra khỏi khu vực có nguy cơ sạt lở nhưng không giúp đỡ gì hết thì làm sao ai mà bỏ nhà để nơi khác? Trong khi đó, các công trình xây dựng bờ bao, bờ kè chống sạt lở quy mô lớn thì hầu hết đều thi công chậm do giải tỏa đền bù như dự án Bờ hữu sông Sài Gòn, dự án Bờ tả sông Sài Gòn quận Thủ Ðức. Nhiều địa phương còn chậm bàn giao các công trình thủy lợi sau khi hoàn thành cho đơn vị chuyên ngành quản lý, vận hành nên một số công trình chưa xây xong mà đã hư hỏng. Trước tình hình đó, cũng như thời gian trước mùa mưa bão những năm trước, cán bộ lại phát thông báo yêu cầu các địa phương gia cố các đoạn đê bao, và ra lệnh chuẩn bị lực lượng sẵn sàng để đối phó. Một quan sát viên cho rằng đây chỉ là việc làm cho có vì với tình trạng đê bào, bờ kè yếu ớt, hư hỏng thi công ì ạch như trên thì chỉ có thể chờ vỡ bờ bao rồi huy động sức người, sức của đến chống chứ không thể phòng được. Thực tế hàng chục vụ vở bờ bao xảy ra đều đều hằng năm là minh chứng rõ ràng nhất.(SBTN) {nl}{nl}