CỘNG SẢN VIỆT NAM TỐ TRUNG CỘNG MỞ TOUR DU LỊCH ÐẢO KHÔNG NGƯỜI ÐỂ LẤY ÐẢO VIỆT NAM

@ 15 July 2010 12:37 AM
Tin Hà Nội - Trung Cộng đang âm mưu để làm cho quốc tế nhìn thấy Hoàng Sa và Trường Sa là của Trung Cộng qua nhiều biện pháp. Trong một bài báo hiếm có được đăng tải từ báo chí trong nước, đã viết rằng vừa qua phía Trung Cộng đã có hành động vi phạm nghiêm trọng chủ quyền của Việt Nam với việc đưa Hoàng Sa và Trường Sa vào quy hoạch xây dựng và phát triển đảo du lịch quốc tế Hải Nam. Trong bản quy hoạch này, Trung Cộng cũng nêu kế hoạch tăng cường mở tuyến du lịch đường không và đường biển ra quần đảo Hoàng Sa, đồng thời khuyến khích việc ghi danh quyền sử dụng đối với các đảo không người ở.

Nguyên Trưởng ban Biên giới Chính phủ trả lời phỏng vấn về việc này cho rằng Trung Cộng thông qua quy hoạch này tiếp tục là một trong loạt chuỗi hoạt động của Bắc Kinh, nhằm thực hiện mục tiêu hợp thức hóa chủ quyền trên thực tế mà Trung Cộng muốn thực hiện với 2 quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam mà họ đã sử dụng vũ lực để chiếm đóng. Nhìn rộng hơn, đây cũng là hoạt động nằm trong ý đồ chiến lược của Trung Cộng được kiên trì thực hiện từ nhiều năm qua.

Nhìn nhận một cách khách quan, chúng ta có thể thấy trong bối cảnh hiện tại hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa chưa có những điều kiện thuận lợi cho phát triển du lịch. Hai quần đảo này đều rất xa đất liền. Hoàng Sa cách đảo Lý Sơn của Việt Nam khoảng 220 cây số, cách đảo Hải Nam của Trung Cộng khoảng 260 cây số. Khoảng cách từ Hoàng Sa tới Trường Sa gần nhất cũng khoảng hơn 600 cây số. Các đảo thuộc hai quần đảo này đều có diện tích nhỏ: đảo lớn nhất thuộc quần đảo Hoàng Sa có diện tích khoảng 1.5 cây số vuông, đảo lớn nhất thuộc quần đảo Trường Sa cũng chỉ khoảng 0.5 cây số vuông, đa số là các đảo nửa chìm nửa nổi, điều kiện cho tổ chức du lịch là không lớn. Nếu nói để đầu tư du lịch thì rõ ràng đây không phải là khu vực hứa hẹn đem lại lợi nhuận. Ðó là chưa kể đến việc đây là khu vực đang có tranh chấp về chủ quyền, cực kỳ nhạy cảm, hoàn toàn không phải là nơi thích hợp để khai thác du lịch. Như vậy rõ ràng khi thông qua cương yếu này Trung Cộng đã có ý đồ hoàn toàn khác với những điều mà họ công bố.

Không khó để có thể nhận thấy rằng Trung Cộng đã và đang tiếp tục có những hoạt động nhằm giành lấy sự công nhận trên thực tế cũng như về mặt pháp lý chủ quyền đối với các đảo mà họ đã giành được bằng các biện pháp quân sự. Trên thực tế, Trung Cộng đã có hàng loạt các hoạt động phi pháp nằm trong chiến lược chung đối với biển Ðông được thực hiện hết sức tinh vi. Trong đó có thể kể đến việc phê chuẩn thành lập các đơn vị hành chính thuộc tỉnh Hải Nam để quản lý quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam; hằng năm công bố lệnh cấm đánh bắt cá; cử các tàu ngư chính tuần tiễu trên biển Ðông để bảo vệ ngư trường của Trung Cộng; ngăn cản, bắt giữ và bắt các tàu cá của Việt Nam phải nộp phạt. Không chỉ có vậy, Trung Cộng cũng tận dụng và tranh thủ các hệ thống quốc tế để thực hiện chiến lược này.

Năm 1975, Trung Cộng đã yêu cầu Tổ chức Khí tượng thế giới cho ghi danh đài khí tượng Trung Cộng thay thế cho đài khí tượng Sài Gòn tại Hoàng Sa. Năm 1980, tại kỳ họp lần thứ 26 Hội Ðịa chất quốc tế ở Paris tại Pháp, phía Trung Cộng đã báo cáo và cho lưu hành tài liệu địa chất Biến đổi kiến tạo các bể dầu khí Trung Cộng và đưa ra bản đồ các bể dầu khí trong đó có đoạn nói quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa là phần kéo dài của lục địa Trung Hoa. Năm 1983, tại hội nghị về Hàng không khu vực châu Á Thái Bình Dương, Trung Cộng đưa ra hai tấm bản đồ vẽ đường biên giới trên biển bao quanh gần hết biển Ðông. Trước những hành động này, các lãnh tụ của Cộng sản Việt Nam vẫn khiếp nhược đê hèn không dám lên tiếng phản đối, chỉ cho những đàn em cấp thấp đưa ra những lời phản đối lấy lệ để khỏi bị dân chúng trong nước chỉ trích mà thôi.(SBTN)

{nl}{nl}