Phục Vụ Chúa Hay Phục Vụ Mình

@ 18 July 2010 05:16 PM
VRNs (17.07.2010) - Vinh - Cuộc sống hôm nay đã và đang xô đẩy biết bao người vào những lo toan vật chất đời thường. Thực trạng ấy còn làm cho con người quên đi trách nhiệm liên đới cao cả với tha nhân và Thiên Chúa. Dường như hai chữ “phục vụ” đã bị người ta biến thái theo chủ ý riêng mình. Trong trường hợp này, chủ thể phục vụ coi trọng các lợi ích bản thân, mà xem nhẹ giá trị phục vụ đích thực.

Ðoạn Tin Mừng Chúa Nhật XVI Thường Niên C (Lc 10, 38 – 42) là lời thức tỉnh cho mỗi người chúng ta về thái độ phục vụ theo Lời Chúa đã dạy.

Trước hết, chúng ta cần xác định đối tượng của hành động phục vụ nơi ta là cho ai ? và vì ai ? Ðây là động cơ chủ yếu thúc đẩy ta dấn thân quên mình vì mục tiêu tốt đẹp của cộng đồng nhân loại và cho Thiên Chúa. Hành động phục vụ của cô Maria đã được Chúa biểu dương nồng nhiệt, được khởi đi từ việc cô nghiệm nhận được đối tượng mà mình cần “ngồi bên” mà “nghe lời Người dạy” (Lc 10, 39b).

Trong cuộc sống, nhiều khi do nhu cầu được phô trương thanh thế bản thân, và sợ phải hao công uổng sức vì một nghĩa cử cao đẹp, chúng ta quên mất giá trị của những hy sinh thầm lặng và hoa trái của hành động vị tha. Những mối bận tâm vô bổ từ nhiều phía không làm cho ta được hạnh phúc hơn, sao ta lại “ôm khư khư” như vậy ? Tất nhiên, hành động phục vụ của ta xét bề ngoài có thể nhắm tới lợi ích tha nhân, nhưng khốn nỗi nó lại hàm ẩn một tư duy lệch lạc, muốn được người khác công nhận thành quả do mình làm ra. Như vậy, ta đã vô tình “phục vụ” chính mình rồi đó.

Thứ đến, hành động phục vụ cần được biểu lộ qua việc lắng nghe. Cô Maria trong Tin Mừng đã chọn “phần tốt nhất…không bị lấy đi”, đó là “ngồi bên chân Chúa mà nghe lời Người dạy”. Cô lắng nghe Chúa, để biết Chúa muốn gì nơi cuộc sống của cô. Hành trình theo Chúa của Maria về sau là minh chứng xác thực cho thái độ phục vụ của của cô khi đã lĩnh hội Lời Hằng Sống.

Chúng ta phục vụ Chúa hay phục vụ mình ? Ðiều này còn hệ tại ở việc ta có biết lắng nghe lời mời gọi trao ban từ Thiên Chúa và tha nhân. Hay ta lại rơi vào một thứ chủ quan trong thái độ phục vụ của cô Mác-ta; cô đã không bằng lòng khi thiếu người cộng tác với mình trong việc phục vụ: “…em con để mình con phục vụ mà Thầy không để ý tới sao ?”. Ý nghĩ vụ lợi, muốn được “để ý” là điểm hạn chế trong hành động phục vụ của Mác-ta.

Mong sao, tiếng kêu của tham vọng, của tư lợi không lấn át lời mời gọi phục vụ của Ðức Ki-tô vẫn từng ngày, từng giờ vang vọng trong ta. Theo gương Maria trong Tin Mừng, ta hãy mau mắn đáp trả tiếng Chúa qua việc dấn thân cho lợi ích Nước Trời và đồng loại. Ðược như thế, ta đã “chọn phần tốt nhất” rồi.

J.B. Nguyễn Quốc Tuấn
(Ðại Chủng viện Vinh Thanh)