Hơn 60% sữa tươi ở Việt Nam chỉ là sữa bột pha nước

@ 18 July 2010 09:21 PM
HÀ NỘI 17-7 (TH) - Sữa tươi được quảng cáo là sữa tươi nguyên chất nhưng thực chất, phần lớn chỉ là sữa bột pha nước cùng với một số phụ phẩm khác. Ðây là điều được Bộ Công Thương Hà Nội cáo buộc qua một cuộc hội thảo mới đây.

“Chuyên viên của chúng tôi vừa tiến hành cuộc khảo sát với hầu hết các sản phẩm sữa tươi có mặt trên thị trường, nhưng không thấy sản phẩm nào có ghi nhãn là ‘sữa hoàn nguyên’. Tất cả đều ghi sữa tươi tiệt trùng, sữa tươi thanh trùng, có sản phẩm chỉ ghi ‘sữa tiệt trùng’, không biết có ‘tươi’ hay không? Ðây là hành vi đánh lừa khách hàng, bởi sữa hoàn nguyên không được sản xuất trực tiếp từ sữa tươi mà từ sữa bột”. Bà Vũ Thị Bạch Nga, trưởng ban bảo vệ người tiêu dùng, Cục Quản Lý Cạnh Tranh của Bộ Công Thương nói như vậy trong cuộc hội thảo ở Hà Nội ngày 9 tháng 7 năm 2010 với đề tài “Thực trạng thị trường sữa tươi Việt Nam”, được tường thuật trên nhiều báo đài của nhà nước.

Dịp này, bà Nguyễn Thị Quỳnh Chi, chủ nhiệm CLB Người Tiêu Dùng Nữ - Hội Tiêu Chuẩn và Bảo Vệ Người Tiêu Dùng Việt Nam, nêu thắc mắc: “Sản lượng của đàn bò sữa và đàn dê sữa nội địa chỉ đáp ứng không quá 30% nhu cầu sản xuất trong nước. Vậy sao trên hầu hết các bao bì sản phẩm đều ghi là ‘sữa bò tươi nguyên chất’, ‘sữa tươi 100%’... Vậy các loại ‘sữa tươi’ trên thị trường hiện có bảo đảm cung cấp đầy đủ các loại dinh dưỡng cần thiết như thông tin được các nhà sản xuất cung cấp?”

Theo các con số thống kê của Cơ Quan Lương Nông Liên Hiệp Quốc (FAO) hiện nay Châu Á đang dẫn đầu thế giới về mức tăng trưởng tiêu thụ sữa. Trong đó, mức tiêu thụ các sản phẩm từ sữa trung bình của người Việt Nam hiện nay là 14 lít/người/năm, còn thấp hơn so với Thái Lan (23 lít/người/năm) và Trung Quốc (25 lít/người/năm).

Lợi tức gia tăng theo sự phát triển kinh tế, lượng sữa tiêu thụ ở Việt Nam tăng theo. Các nhà sản xuất các sản phẩm sữa ở Việt Nam đã lợi dụng cơ hội để làm ăn gian dối, kiếm nhiều tiền. Nhu cầu về các loại sữa ở Việt Nam gia tăng từ 20-25% hàng năm, riêng các loại sữa nước tăng 8% đến 10% mỗi năm.

Hiện ở Việt Nam có khoảng 70 công ty lớn nhỏ sản xuất, chế biến các loại sữa và các sản phẩm sữa. Công ty lớn nhất là Vinamilk, đại công ty quốc doanh chiếm đến 75% thị phần sữa ở trong nước.

Năm 2006, Việt Nam đã ban hành qui định 3 tiêu chuẩn đối với 3 loại sữa gồm sữa tươi thanh trùng (sữa tươi nguyên chất 100%), sữa tươi tiệt trùng (chỉ có 1% sữa tươi 100%, phần còn lại là sữa bột và phụ phẩm pha chế với nước), sữa tươi hoàn nguyên tiệt trùng (sữa bột trộn phụ phẩm hòa tan trong nước). Tuy đều gọi là “sữa tươi” nhưng cái tiêu chuẩn vừa nói thật dễ dãi với chữ “tươi”.

Nghị định số 89/2006/ND/CP buộc ở trên các hộp đựng sữa và các sản phẩm pha chế với sữa, phải nói rõ là pha chế với sữa tươi hay sữa bột.

Chỉ có một loại “sữa tươi thanh trùng” mới thật sự là sữa tươi mà hai loại kia cũng đều được gọi là “sữa tươi” nên trên thị trường không có loại sữa nước nào lại không đề rõ là “sữa tươi” dù thực chất không đúng.

Lê Hoàng Vinh, giám đốc công ty sữa Ba Vì Milk Company nói rằng tốn phí sản xuất giảm 30% nếu sản xuất “sữa tươi” bằng sữa bột. Ông này nhìn nhận phẩm chất dinh dưỡng của “sữa tươi” từ sữa bột thấp hơn rất nhiều so với sữa tươi thứ thật.

Bà Nga cáo buộc rằng chất lượng sữa nói chung và sữa nước nói riêng bị “thả nổi” nhưng chính cái bộ của bà lại không có biện pháp gì để chấn chính, trừng phạt sự gian lận, gây thiệt hại cho người tiêu thụ.

“Vừa rồi có người tiêu dùng nói với tôi, trên website của một công ty sữa đăng tin họ sản xuất bằng công nghệ ly tâm đặc biệt, ‘bắn’ hết vi khuẩn ra ngoài.” Ông Trần Anh Sơn, phó cục trưởng Cục Bảo Vệ Người Tiêu Dùng, nói trong cuộc hội thảo kể trên như thế và bà Nga nói rằng bà chưa hề biết có máy móc nào có khả năng vậy. Bà còn cho hay khi có người khiếu nại với hãng sữa về sữa hỏng thì được trả lời hỏng “trong quá trình vận chuyển”.

Giữa năm ngoái, nhiều loại sữa nhập cảng từ Trung Quốc vào Việt Nam nhiễm hóa chất melamine gây sỏi thận và nhiều chứng bệnh nguy hiểm, kể cả ung thư. Nhà cầm quyền Hà Nội đã cấm dân chúng kiện nhà phân phối trong nước cũng như nhà sản xuất Trung Quốc để đòi bồi thường thiệt hại.

Tin sữa nhiễm melamine làm các loại sữa bán khựng lại, các gia đình nuôi bò sữa quanh Hà Nội không bán được sữa tươi đã đổi sữa ra đường.
(source: http://www.nguoi-viet.com/absolutenm/anmviewer.asp?a=116134&z=2)