QUY ÐỊNH MỚI VỀ XUẤT CẢNG LAO ÐỘNG SANG ÐÀI LOAN

@ 7 August 2010 03:11 PM
Tin Hà Nội - Cục Quản Lý Lao Ðộng Ngoài Nước thuộc Bộ Lao Ðộng, Thương Binh và Xã Hội của nhà cầm quyền Cộng sản Việt Nam vừa lên tiếng yêu cầu các công ty môi giới nghiêm chỉnh tuân theo những quy định mới về quy trình, thủ tục thẩm định hồ sơ tiếp nhận lao động Việt Nam sang làm việc tại Ðài Loan. Ðó là các doanh nghiệp trong nước cần phối hợp với đối tác bên Ðài Loan để tuân thủ quy định, không được phép bắt công nhân ký kết các loại giấy như trả tiền vé máy bay khi về nước, khấu trừ tiền ăn vượt mức quy định, khấu trừ tiền tiết kiệm hàng tháng, khấu trừ tiền lương, tiền tiết kiệm trong trường hợp bỏ trốn.

Linh mục Nguyễn Văn Hùng, giám đốc Văn Phòng Hỗ Trợ Pháp Lý cho Công Nhân và Cô Dâu Việt ở Ðài Loan phân tích điều báo chí trong nước cho là nhiều chi nhánh, trung tâm xuất cảng lao động không đủ chức năng nhưng cứ làm liều khiến người lao động bị thiệt thòi. Linh mục Hùng cho rằng những quy đinh này không thấy có liên quan gì nhiều đến vấn đề mà hiện nay người công nhân lao động Việt Nam đã và đang gặp phải. Ðó là vấn đề tiền môi giới mà công nhân phải trả quá lớn, từ 6 đến 8 ngàn mỹ kim cho đến chuyện ký kết hợp đồng trước khi rời Việt Nam khoảng chừng hai ba tiếng trước khi lên máy bay mà không được phép coi nội dung. Vì vậy ngài nghĩ quy định mới này cũng không thay đổi gì về hiện trạng của người lao động Việt Nam tại Ðài Loan, và họ sẽ không thể nào thực hiện được bởi vì quyền lợi về tiền môi giới quá cao và quá nhiều.

Tiến sĩ Nguyễn Ðình Thắng của tổ chức CAMSA đồng ý với nhận định của linh mục Nguyễn Văn Hùng và cho rằng Ðài Loan cần đẩy mạnh hơn nữa vấn đề chống buôn người và phải chống ngay tại gốc của nó là Việt Nam. Chính phủ Ðài Loan hoàn toàn đồng ý, cho biết đang có những nỗ lực đối với Việt Nam. Ông nghĩ rằng quy định này là phản ứng của Việt Nam đối với hai áp lực. Thứ nhất là từ phía Hoa Kỳ, thứ hai là từ phía chính phủ Ðài Loan, nhưng mà yếu tố chính là liệu nhà cầm quyền Cộng sản Việt Nam có hành động hay không.

Tuy nhiên thực tế mọi nơi đều xảy ra tình trạng là những chi nhánh như vậy làm tất cả công việc mà theo luật pháp là không được làm. Rất nhiều tình trạng là sau khi nạn nhân bị thiệt hại, chạy đến đòi lại tiền thì công ty chi nhánh đã mất rồi hoặc mở ra một công ty chi nhánh khác ở chỗ khác, không cách nào nạn nhân có thể truy tìm được. Linh mục Hùng nói đã gọi là một nhà nước pháp quyền thì luật pháp phải được sử dụng nghiêm minh để vận hành một công việc đã mang lại rất nhiều lợi nhuận cho đất nước, đồng thời giải quyết được vấn đề thất nghiệp cũng như sự nghèo đói. Không có lý do gì trong một quốc gia có hệ thống công an an ninh dày đặc mà những việc đơn giản liên quan đến môi giới thì lại đỗ thừa cho những chi nhánh làm liều.

Không những vậy, nhiều công nhân đã ký hợp đồng để sang Ðài Loan, sang Mã Lai hoặc sang Brunei, mà cuối cùng đặt chân đến Jordan mà họ không biết Jordan là vùng đất nào trên địa cầu này. Ngài kết luận rằng thực sự Luật và quy định đã có từ lâu tại Việt Nam nhưng mà không được áp dụng và không được chấp hành.(SBTN)