VIỆT NAM CẦN THAY ÐỔI CHIẾN LƯỢC NẾU MUỐN VƯƠN LÊN THÀNH NƯỚC CÔNG NGHIỆP

@ 23 August 2010 03:52 PM
Tin Hà Nội - Trong thời gian hơn hai thập niên qua, Việt Nam đã thành công trong việc chuyển từ một nước nghèo lên thành một quốc gia có tăng trưởng kinh tế thuộc loại nhanh nhất Châu Á. Việt Nam đã mở được cánh cửa bước vào hàng ngũ các nước có thu nhập trung bình, và hy vọng trở thành một quốc gia công nghiệp vào năm 2020. Tuy nhiên theo nhiều chuyên gia phân tích được hãng tin Pháp AFP hôm nay trích dẫn, thì cao vọng đó có thể biến thành ảo vọng nếu Việt Nam không kịp thời thay đổi chiến lược phát triển. Một trong những thách thức quan trọng đặt ra là làm sao tạo ra được một đội ngũ công nhân lành nghề đông đảo, đồng thời nâng cao được chuẩn mực khoa học và công nghiệp còn non yếu tại Việt Nam. Về thành tựu phát triển kinh tế của Việt Nam trong thời gian qua, tất cả các chuyên gia đều ghi nhận là từ hơn mười năm nay, đất nước này đã quen thuộc với tốc độ tăng trưởng trên 6% hoặc 7%, có năm lên tới 8%.

Vào năm ngoái, mức tăng 5.32% của Tổng sản phẩm quốc nội GDP đã được cho là tỷ lệ tồi tệ nhất trong thập kỷ này. Song song với đà tăng trưởng kinh tế nhanh chóng, mức GDP bình quân theo đầu người cũng tăng theo. Theo ước tính nêu lên trong một bản báo cáo do Ngân hàng Thế giới và Viện Khoa học Xã hội Việt Nam vừa thực hiện, thì từ không đầy 100 đô-la vào năm 1990, thu nhập bình quân của người Việt Nam sẽ lên đến khoảng 1200 đô-la vào năm nay 2010. Tỷ lệ gia đình nghèo đã giảm từ 58% vào năm 1993 xuống còn 12.3% trong năm 2009.

Nương theo hướng đi lên đó, Việt Nam hy vọng sẽ gia nhập được vào đội ngũ các nước công nghiệp hóa vào năm 2020. Phát biểu tại một cuộc hội thảo ở Hà Nội do Ngân hàng Thế giới và Viện Khoa học Xã hội Việt Nam đồng tổ chức trong tuần qua, Thủ tướng Cộng sản Việt Nam Nguyễn Tấn Dũng đã nêu ra dự báo rằng mức GDP bình quân theo đầu người của Việt Nam vào năm 2020 sẽ lên đến khoảng từ 3000 đến 3200 đô-la. Thế nhưng theo Ngân hàng Thế giới, sự phát triển kinh tế của Việt Nam trong những năm tới đây có thể bị ảnh hưởng từ hai nhóm quốc gia cạnh tranh với mình, một bên là các nước nghèo hơn, nơi chi phí nhân công thấp hơn Việt Nam, và một bên kia là những nước giàu hơn, có nhiều sức sáng tạo hơn với lực lượng lao động có chất lượng cao hơn.

Bà Victoria Kwakwa, đại diện thường trú của Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam đã cho biết Việt Nam đang đứng ở một ngã ba đường quan trọng trong lịch sử phát triển kinh tế và xã hội của mình. Theo bà, trong thập kỷ tới, Việt Nam có thể tăng cường được nhịp độ tăng trưởng kinh tế và phát triển xã hội để gia nhâp hàng ngũ các nước công nghiệp hóa thịnh vượng, nhưng cũng có thể bị đình trệ trên mặt trận kinh tế và xã hội.

Viện trưởng Viện Khoa học Xã hội Việt Nam cũng nhấn mạnh Việt Nam sẽ phải đối mặt với những thách thức ác liệt để thoát khỏi cái bẫy của thu nhập trung bình, và cho rằng các cản trở trên con đường phát triển của Việt Nam còn rất nhiều từ cơ sở hạ tầng, các khu đô thị và nông thôn chưa phát triển, nền kinh tế thiếu chuyên môn hóa và sức cạnh tranh, lực lượng công nhân lành nghề quá ít, trong lúc các chuẩn mực về khoa học và công nghệ còn thấp so với khu vực.(SBTN) {nl}{nl}