VIỆT NAM LÊN CƠN SỐT TỈ GIÁ ÐÔ LA, TĂNG GIÁ CẢ TRĂM MẶT HÀNG

@ 31 August 2010 05:25 AM
Tin tổng hợp - Vật giá trong nước đang tăng ào ạt, theo báo nguy của truyền thông quốc nội. Trong khi báo Công Thương cho biết giá thuốc tây sẽ tăng từ tháng 9 và giá thép đã tăng giá trong tháng qua. Cơn sốt tỷ giá đã đẩy mọi thứ tăng giá ào ạt và hàng trăm mặt hàng đã tăng giá từ 3 đến 12%. Tổ điều hành thị trường trong nước thuộc Bộ Công Thương dự báo tháng tới các mặt hàng tân dược trong nước sẽ tăng giá khá mạnh. Ðiều này phụ thuộc vào giá nguyên liệu nhập cảng từ nước ngoài và sự thay đổi của tỷ giá giữa đồng Việt Nam và các đồng ngoại tệ mạnh. Trong tháng 8, Hiệp hội Dược Việt Nam đã khảo sát 60 cơ sở sản xuất kinh doanh thuốc thì đã có 21 cơ sở có điều chỉnh giá một số mặt hàng thuốc. Ðối với thuốc nội, Hà Nội có 9 lượt mặt hàng tăng giá, chiếm gần 0.13% tổng số các mặt hàng khảo sát, mức tăng trung bình 5.7%. Tại Saigon, tỉ lệ tăng giá khoảng 5%. Với thuốc ngoại, có 19 lượt mặt hàng tăng giá, chiếm tỉ lệ 0.3% tổng số mặt hàng khảo sát, với mức tăng trung bình 4.8%.

Một bản tin khác cho biết hiện thép xây dựng đang được các nhà máy bán ra phổ biến ở mức 13.3 đến 13.9 triệu đồng một tấn. Chỉ trong tháng 8, các công ty đã điều chỉnh tăng giá bán thép thêm từ 700 ngàn đến 1 triệu đồng một tấn. Phó chủ tịch Hiệp hội Thép Việt Nam cho biết nguyên nhân chính khiến các công ty thép buộc phải tăng giá bán là do gần đây giá phôi thép đã tăng lên mức 610 đến 620 đô-la một tấn, tăng mạnh so với mức trước đó là 550 đến 570 đô-la một tấn.

Mặt khác về thị trường hàng tiêu dùng trong nướcm bản tin cho biết với tỉ giá đô-la hiện nay cao hơn 400 đồng một đô-la so với thời điểm đầu tháng, một số mặt hàng trên thị trường đã điều chỉnh giá tăng theo, nhất là các mặt hàng nhập cảng và dịch vụ có liên quan với nước ngoài. Hiện đã có một số nhà phân phối rục rịch gửi biểu giá mới với mức tăng giá trung bình từ 5 đến 10%, nên việc tăng giá bán vào tháng tới hay không vẫn còn tùy thuộc vào mức độ tiêu thụ hàng của mỗi siêu thị. Ðại diện siêu thị BigC khẳng định các biểu giá mới theo đề nghị của nhà phân phối sẽ được xem xét kỹ và có thể thương lượng sao cho mức tăng tối thiểu.

Thời điểm đầu năm học mới sắp đến, cũng là cơ hội để các siêu thị tung ra các đợt khuyến mãi nhằm thu hút sức mua của các bậc phụ huynh. Chính vì vậy không thể có hiện tượng tăng giá hàng tiêu dùng với lý do là vào đầu năm học mới. Siêu thị BigC có đến 95% hàng hóa nội địa, tỉ lệ hàng nhập cảng rất thấp, do vậy khẳng định sẽ không tăng giá bán hàng vào tháng tới.

Trong khi đó, người dân thì nói họ phải đau đầu khi chứng kiến hàng loạt các mặt hàng rủ nhau tăng giá. Hệ thống siêu thị ở Saigon nhận được yêu cầu tăng giá hàng trăm mặt hàng tiêu dùng với mức tăng 3 đến 12% từ giữa tháng 8. Giá mới nhiều mặt hàng đã chính thức được áp dụng trong những ngày gần đây, và các mặt hàng khác sẽ được điều chỉnh giá trong thời gian tới.

Các mặt hàng tăng giá tập trung nhiều nhất ở nhóm thực phẩm như đồ hộp, bánh kẹo với gần 100 loại, mức tăng bình quân 5%; dầu ăn tăng 3%; hóa mỹ phẩm tăng 5 đến 8%; gia dụng tăng 4 đến 5%, hàng may mặc, nước giải khát có mức tăng cao nhất 5 đến 12%. Lý do tăng giá được các doanh nghiệp sản xuất, nhà cung cấp đưa ra là do nguyên liệu đầu vào tăng và do sự thay đổi tỉ giá đô-la.(SBTN)

{nl}{nl}