PHÓNG SỰ ÐẶC BIỆT TỪ VIỆT NAM: ASIA 66 XUẤT HIỆN TRONG NƯỚC VỚI GIÁ CHÉP LẬU RẺ MẠT

@ 2 September 2010 06:37 AM
Hôm nay trong tiết mục phóng sự đặc biệt từ trong nước, thông tín viên SB-TN gửi ra bản tin về dĩa DVD Asia 66 đã xuất hiện nhưng bị bán với giá chép lậu rẻ mạt.

Những người dân trong nước đã bắt đầu tìm thấy bộ DVD Asia 66 với chủ đề Cánh Hoa Thời Loạn, được sao chép và chuyền tay nhau. Ðặc biệt lần này bộ DVD của Trung tâm Asia với chủ đề độc đáo này đã đem lại một cảm nhận khác lạ về cuộc chiến tranh Việt Nam tàn khốc, cũng như hình ảnh người phụ nữ Việt Nam trong cuộc chiến này. Asia 66 với giá bán của chợ đĩa lậu trong nước, hiện nay chỉ với 20,000 đồng, tức thấp hơn khoảng 200 lần của giá bán chính thức, đã đánh bại mọi sản phẩm văn nghệ khác trong tháng và được tìm mua, dù bị công an văn hóa kiểm tra và đe dọa người mua lẫn người bán. Ðiều trớ trêu của các sản phẩm văn nghệ của người Việt hải ngoại, cụ thể như các sản phẩm của trung tâm Asia rất nổi tiếng trong nước, nhưng cũng là những nạn nhân hàng đầu của nạn sao chép lậu tại Việt Nam. Trong bản báo cáo công bố ngày 25 tháng 8, Văn phòng Tham vấn về các Rủi ro Chính trị và Kinh tế gọi tắt tiếng Anh là PERC, trụ sở tại Hồng Kông đã nêu tên Nam Dương là nước tệ hại nhất trong vấn đề sao chép trái phép, vi phạm bản quyền tác giả, theo sau là Việt Nam, và thứ ba là Trung Cộng.

Tuy nhiên, cũng theo bản báo cáo này, dù Trung Cộng chỉ đứng thứ ba, nhưng tình hình tại nước này đáng quan ngại hơn cả. Trong bản xếp hạng 12 nền kinh tế châu Á Thái Bình Dương, theo thứ tự từ tốt nhất đến xấu nhất trong lãnh vực bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ, Nam Dương bị xếp cuối bảng với số điểm tệ nhất là 8.5 trên 10. Ðứng kế chót là Việt Nam, bị 8.4 điểm, ngay dưới Trung Cộng được 7.9 điểm. Còn ở đầu kia của bảng xếp hạng, Singapore được đánh giá là nước bảo vệ tác quyền chặt chẽ nhất, theo sau là Nhật Bản và kế đến là Hồng Kông. Nghiên cứu của PERC dựa trên kết quả cuộc thăm dò ý kiến của gần 1300 nhà quản lý ngoại quốc hiện làm việc tại 12 quốc gia và lãnh thổ châu Á Thái Bình Dương.

Kết quả bảng xếp hạng của PERC nhìn chung trùng hợp với các công trình nghiên cứu do ngành công nghiệp nhu liệu (software) đưa ra trong thời gian gần đây, theo đó tại các đô thị châu Á, các bộ phim và nhu liệu sao chép trái phép được bán đầy rẫy ngoài đường, dù cho nhà cầm quyền sở tại không ngừng cam kết là sẽ triệt để bài trừ tệ nạn này. Ðặc biệt, PERC quan tâm đến các nước gọi là đang lên ở châu Á trong đó có Việt Nam. Bản báo cáo ghi nhận trong số các nước châu Á đang nổi lên, Việt Nam, Nam Dương và Phi Luật Tân bị cho điểm xấu, không chỉ vì yếu kém trong việc bảo vệ sở hữu trí tuệ, mà còn về một số tiêu chuẩn khác như cơ sở hạ tầng vật chất, tệ nạn quan liêu kém hiệu quả và năng lực lao động hạn chế.(SBTN)

{nl}{nl}