DÂN SỐ VIỆT NAM MỖI NĂM MỖI TĂNG NHƯNG HỌC SINH, SINH VIÊN LẠI KHÔNG TĂNG

@ 7 September 2010 05:17 AM
Tin Hà Nội - Dân số Việt Nam năm nào cũng tăng trên dưới một triệu người, nhưng số học sinh, sinh viên kiểm kê vào dịp khai giảng đầu niên học hàng năm ở Việt Nam không đổi bao nhiêu suốt nhiều năm qua mà lại còn giảm xuống. Nhân dịp hàng triệu học sinh tại Việt Nam bắt đầu khai giảng niên học mới, hãng thông tấn chính thức của chế độ Hà Nội hôm qua đã rầm rộ phổ biến những tin tức về các lãnh tụ Ðảng và nhà nước mỗi ông tới một trường ở một nơi đánh trống khai trường, đưa ra những lời tuyên truyền nghe rất kêu tai. Thế nhưng trong suốt cả năm, báo chí từng viết về những vấn nạn như nạn mua bán bằng cấp, học phí quá cao, trình độ giáo viên không ra gì, tham nhũng, đủ mọi thứ tai tiếng thì lại không thấy ai nói đến. Hà Nội loan báo niên học mới này thống kê thấy có gần 22 triệu học sinh, sinh viên vào năm học mới.

Bỏ qua một bên nhiều thứ cũng rất đáng phải đề cập, chỉ riêng con số thống kê vừa nói cũng đã chỉ cho thấy sự thụt lùi của chính sách giáo dục ở Việt Nam. Theo Tổng Cục Thống Kê Việt Nam, cuộc thống kê dân số ngày 1 tháng 4 năm 2009 cả nước có tổng cộng 85.8 triệu người, so với năm 2005 có 83.1 triệu người và năm 2000 có 77.6 triệu người. Cũng cơ quan thống kê này cho biết năm 2005 mùa khai giảng cả nước có 22.5 triệu học sinh sinh viên, năm 2007 có gần 22 triệu học sinh, năm 2008 cũng chỉ gần 22 triệu học sinh, và năm nay con số này cũng không thay đổi, với chi tiết được cho biết là 3.4 triệu học sinh mầm non, 16 triệu giáo dục phổ thông, 1.8 triệu giáo dục đại học, cao đẳng và hơn 1.2 triệu học sinh trung cấp chuyên nghiệp, bổ túc văn hóa. Tức là con số học sinh trong suốt 10 năm qua đã không tăng, cho dù dân số Việt Nam đã tăng thêm gần 10 triệu người.

Báo chí trong nước ngay vào ngày khai trường cũng đã dám nói ra phần nào một trong những sự thật của nền giáo dục lạc hậu tại Việt Nam. Một bài viết cho biết năm học mới, nỗi lo cũ, khác hẳn với cái khẩu hiệu tuyên truyền của các lãnh tụ khi đến đọc diễn văn trong ngày khai giảng. Bài báo cho biết các vấn nạn chạy trường, rồi tiền trường và sách vở, đủ mọi thứ đóng góp tự nguyện nhưng không đóng không được mà giới phụ huynh nghèo khó không thể kham nổi cho con. Một bài báo khác viết về gánh nặng đầu năm của phụ huynh học sinh khắp nơi là cái gì cũng tiền. Mang tiếng là học trường công lập nhưng mọi thứ phí tổn giáo dục gần như cha mẹ học trò phải gồng hết nên tỉ lệ học sinh bỏ học rất cao hàng năm, chưa nói gì đến phẩm chất giáo dục. Bộ Giáo dục và Ðào tạo của Cộng sản Việt Nam cũng thú nhận trong 5 năm qua đã có hơn 3.5 triệu học sinh bỏ học, lý do chính được nêu ra là vì chi phí học hành quá sức gánh vác của gia đình học sinh, gia đình nghèo không đủ ăn, rất nhiều học sinh phải bỏ học để phụ giúp kiếm cơm.

Bệnh thành tích đã thúc đẩy các quan giáo dục các địa phương phải đưa các bản báo cáo đẹp dù sự thật có thế nào đi nữa. Trong một bài viết phổ biến trên trang mạng điện tử Bauxite Vietnam mới đây, một bài viết về giáo dục đại học ở Ðà Nẵng đã thuật lời ông Trần Văn Chính, một Vụ trưởng ở Bộ Giáo Dục-Ðào Tạo tuyên bố một cách thẳng thừng rằng ở bộ Giáo dục và Ðào tạo, thằng nào mà chẳng ăn tiền! Câu nói này đã nói lên sự thật chua chát của nền giáo dục tại Việt Nam hiện nay.(SBTN)


{nl}{nl}