SÔNG MEKONG NẰM TRONG CHIẾN LƯỢC TÁI CHINH PHỤC ÐÔNG NAM Á CỦA MỸ

@ 10 September 2010 06:43 AM
Tin Sydney - Trong những ngày qua sự can dự cứng rắn của Mỹ vào Biển Ðông làm cho Trung Cộng bực bội, bước đầu đẩy mạnh hợp tác giữa Mỹ và 4 nước hạ nguồn sông Mêkông cũng khiến Bắc Kinh quan ngại. Theo nhà nghiên cứu về chính sách đối ngoại John Lee thuộc Trung tâm Nghiên cứu Ðộc lập trụ sở tại Úc, thì việc này có thể sẽ hiệu quả hơn trong việc giúp Hoa Kỳ khôi phục ảnh hưởng của mình trong vùng Ðông Nam Á. Ông John Lee đã phân tích tâm trạng bất bình cao độ của cư dân các nước hạ nguồn trước việc dòng sông Mêkông nuôi sống họ bị Trung Cộng lũng đoạn. Ông đề nghị Hoa Kỳ nên tập trung vào sông Mêkông vì sẽ gặt hái kết quả rõ ràng hơn. Trong những tuần vừa qua, Hoa Kỳ đã có một số bước đi quyết đoán trong vấn đề biển Ðông và Bắc Kinh lo lắng theo dõi.

Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton đã tuyên bố rằng vì lợi ích quốc gia, Hoa Kỳ muốn giúp làm trung gian giải quyết các tranh chấp giữa Trung Cộng và nhiều nước châu Á khác trên chủ quyền các đảo và quyền lưu thông trên biển. Sau đó bộ trưởng Quốc phòng Robert Gates thông báo rằng Mỹ sẽ nối lại quan hệ với lực lượng đặc biệt của Nam Dương sau 12 năm gián đoạn, với mục tiêu là tiến tới tái lập hoàn toàn quan hệ giữa hai quân đội. Ông cũng xác nhận những quan hệ cộng tác khác với các đối thủ cạnh tranh vùng biển với Trung Cộng, trong đó có một loạt diễn tập quân sự đa phương tại Cam Bốt, diễn tập hải quân hỗn hợp Mỹ-Việt, và những cuộc thảo luận nghiêm túc với Hà Nội về chia sẻ nhiên liệu nguyên tử.

Chính vì lý do đó mà quyết tâm của Mỹ can dự vào cuộc tranh chấp về sông Mêkông có thể tạo ra một sự đối trọng gần như hoàn hảo đối với chiến lược của Trung Cộng trong hàng chục triệu dân sống phụ thuộc vào dòng sông này. Các quan sát viên cho rằng hầu hết các nước châu Á ngoại trừ Bắc Hàn và Miến Ðiện, đều sẵn sàng chấp nhận quyền lực của Mỹ hơn là của Trung Cộng. Trong lúc có hơn 40 hiệp định song phương và đa phương về tự do thương mại đã được ký giữa các nước châu Á, bao gồm cả một hiệp định giữa Trung Cộng-ASEAN vừa có hiệu lực năm nay, thì Mỹ chỉ mới ký và phê chuẩn được một hiệp định với Singapore. Ðó chính là lý do khiến cho khả năng Mỹ kềm chế được Bắc Kinh trong vấn đề sông Mêkông có thể làm cho hàng triệu người dân châu Á bình thường nhớ lại rằng ưu thế của Mỹ trong khu vực vẫn còn quan trọng, rằng ảnh hưởng ngoại giao và sự hiện diện quân sự của Mỹ đã giúp duy trì hòa bình tại châu Á và giữ cho những tuyến đường biển quan trọng được an toàn và mở rộng cho giao thương trong hàng thập niên.(SBTN)