LINH MỤC NGUYỄN VĂN HÙNG GẶP GỠ CÁC GIÁO DÂN CỒN DẦU TỊ NẠN TẠI THÁI LAN

@ 10 September 2010 06:55 AM
Tin Bangkok - Linh mục Nguyễn Văn Hùng, thuộc Văn phòng Trợ giúp Pháp lý Công nhân và Cô Dâu Việt tại Ðài Loan, đã đến Bangkok, Thái Lan gặp gỡ, hỗ trợ tinh thần cho số chừng 40 người giáo dân Cồn Dầu đang lánh nạn tại đó. Sau khi về lại Ðài Loan, vào sáng ngày hôm qua Linh mục Hùng trả lời phỏng vấn báo chí cho biết ngài đã đến dâng thánh lễ chủ nhật cho giáo dân Xứ Cồn Dầu, sau khi dân thánh lễ xong họ đã tâm tình với nhau. Có một số bị bệnh cảm, linh mục đã mang theo thuốc để giúp họ. Bản thân ngài biết châm cứu, nên cũng đã giúp châm cứu cho bà con. Ðồng thời ngài cũng dạy cho bà con một số phương pháp trị bệnh bằng cách bấm huyệt để trong thời gian này bà con có thể giúp đỡ cho nhau. Rồi họ đọc kinh, lần chuỗi trước khi chia tay.

Ngài cho biết có 3 điều quan trọng đối với giáo dân Cồn Dầu đang tỵ nạn tại Thái Lan, điều thứ nhất là đức tin, thứ hai sự khủng bố của công an thành phố Ðà Nẵng và của ông bí thư thành ủy Nguyễn Bá Thanh, và điều thứ ba là phản ứng của giáo hội Công giáo nói chung và của đức cha Châu Ngọc Tri nói riêng. Về Ðức Tin, ngài cho rằng đây là đức tin của những người công giáo thuần thành, vì lòng mến Chúa, yêu Giáo hội nên muốn quay quần quanh Nhà Thờ và Thánh địa là nơi họ có thể lấy lại được sức mạnh về tinh thần sau những ngày lao động mệt mỏi. Và cũng nhờ sức mạnh tinh thần đó mà họ hoàn toàn phó thác cho Chúa trong cả chuyến hành trình qua Thái Lan để xin tỵ nạn và nay gặp muôn vàn khó khăn.

Về sự tàn bạo, khốc liệt, khủng bố của công an Ðà Nẵng tại giáo xứ Cồn Dầu, cũng như của ông bí thư thành ủy Nguyễn Bá Thanh, ngài đã thấy lại sự tàn bạo đó qua lời kể của những nạn nhân bị đánh đập. Họ sử dụng những chiêu thức rất dã man mà nhiều người không thể tưởng tượng được chuyện như thế xảy ra trên một đất nước gọi là văn minh. Về đức cha Châu Ngọc Tri, ngài nói không thể hiểu được lòng nhân từ của một vị mục tử ở đâu, đó là câu hỏi lớn trong đầu ngài. Vấn đề mà ngài nhận thấy khó khăn nhất của họ hiện nay là vấn đề tài chính, tiền bạc. Họ phải tự trang trải cho cuộc sống hằng ngày, bệnh tật, thuốc men. Họ cho biết một người, chi phí một tháng khoảng 150 đô-la Mỹ gồm tiền thuê phòng, ăn uống hằng ngày, tiền bệnh tật phải đi bác sĩ. Tôi thấy ở đó có nhiều trẻ em bệnh, ho sặc sụa, một số anh cũng cảm. Họ lo lắng cho bản thân họ thì ít, mà lo cho gia đình ở quê nhà bị sách nhiễu, khủng bố tinh thần thì nhiều.(SBTN)

{nl}{nl}