BÁO NHẬT KÊU GỌI: PHẢI BUỘC TRUNG CỘNG ÐÀM PHÁN ÐA PHƯƠNG VỀ BIỂN ÐÔNG

@ 10 September 2010 08:26 PM
Tin Tokyo - Các hành động của Trung Cộng phô trương sức mạnh để khẳng định chủ quyền tại Biển Ðông đã làm tình hình căng thẳng và gây lo ngại nơi các láng giềng, trong đó có Nhật Bản. Trong một bài báo đăng trên tờ Yomiuri Shimbun là một trong những tờ báo lớn nhất nước Nhật, đã kêu gọi các nước có quan ngại hợp tác với nhau để buộc Trung Cộng ngồi vào bàn hội nghị đa phương nhằm giảm căng thẳng tại Biển Ðông. Tờ báo rất có uy tín, với lượng phát hành hơn 10 triệu bản mỗi ngày, cho nên ý kiến được nêu lên rất đáng quan tâm. Bài báo cho rằng Trung Cộng đang sử dụng lực lượng hải quân hùng mạnh của mình để hung hăng tiến vào Biển Ðông, đầu mối quan trọng của các tuyến đường biển quốc tế. Hoa Kỳ và các nước châu Á ngày càng cảnh giác trước động thái của Trung Cộng.

Báo cáo hàng năm của Bộ Quốc phòng Mỹ cho rằng xu hướng hiện nay trong khả năng quân sự của Trung Cộng là một vấn đề làm thay đổi cán cân quân sự trong vùng Ðông Á. Nhật Bản cũng không thể xem nhẹ các hành động của Trung Cộng vì lẽ 90% năng lượng và 60% lương thực của Nhật phải nhập cảng bằng đường biển. Do vậy, chính phủ Nhật phải tăng cường hợp tác với Hoa Kỳ, Việt Nam, Ấn Ðộ và các nước khác có liên quan để giải quyết vấn đề. Trung Cộng kiểm soát Biển Ðông để chiếm hữu tài nguyên và ngăn chặn hải quân Mỹ Biển Ðông có hơn 200 hòn đảo và đá ngầm rải rác, bao gồm cả quần đảo Trường Sa là sân khấu cho một số tranh chấp lãnh thổ liên quan đến Trung Cộng, Việt Nam, Phi Luật Tân, Mã Lai và các nước khác.

Trong những năm gần đây, Trung Cộng đã gây ra hiềm khích với các nước khác khi phái chiến hạm vào khu vực trên, viện cớ bảo vệ tàu thuyền đánh cá của họ. Trung Cộng hiện đang xây dựng một căn cứ tàu ngầm lớn trên đảo Hải Nam ở vùng Biển Ðông. Một loạt hành động như trên trong thời gian gần đây có thể được hiểu là nỗ lực của Bắc Kinh nhằm đặt toàn bộ biển Ðông dưới quyền kiểm soát của Trung Cộng, không chỉ để bảo vệ quyền lợi về dầu hỏa và tài nguyên biển của họ, mà còn vì lý do quân sự chẳng hạn như để ngăn chặn bất kỳ hành động can thiệp nào của lực lượng Mỹ trong trường hợp khẩn cấp liên quan đến Ðài Loan. Bài báo viết Biển Ðông là nơi đi qua của các tuyến đường biển quốc tế quan trọng, nối liền Trung Ðông với Ðông Bắc Á, không một nước nào được phép độc quyền di chuyển trong khu vực.

Nhật Bản đã mạnh mẽ yêu cầu Trung Cộng tự kiềm chế. Việt Nam và các nước châu Á khác đang kêu gọi Trung Cộng giải quyết tranh chấp lãnh thổ thông qua thương lượng đa quốc gia. Nhưng Trung Cộng không muốn buông lỏng lập trường theo đó các nước có tranh chấp chủ quyền phải đàm phán song phương một cách riêng lẻ. Tuy nhiên nếu tranh chấp lãnh thổ phát triển thành xung đột quân sự, thì chiến sự sẽ ảnh hưởng đáng kể đến tất cả các nước sử dụng tuyến đường biển của khu vực. Các nước cùng quan ngại về tình hình Biển Ðông cần hợp sức kéo Trung Cộng vào bàn hội nghị. Ðây sẽ là điều hợp lý khi tổ chức các cuộc đàm phán đa quốc gia giữa các nước có quyền lợi trong khu vực để thảo luận về phương cách giảm bớt căng thẳng và các biện pháp xây dựng lòng tin.

Cho đến nay Trung cộng vẫn từ chối không chịu đàm phán đa phương mà chỉ nhất định đàm phán song phương, để có thể lấn lướt những nước chư hầu nhất là đối với Cộng sản Việt Nam.(SBTN)

{nl}{nl}