PHÓNG SỰ ÐẶC BIỆT TỪ VIỆT NAM: LỄ HỘI NGÀN NĂM THĂNG LONG BỊ DƯ LUẬN E NGẠI VÌ Ô NHIỄM

@ 14 September 2010 02:16 AM
Hôm nay trong phóng sự đặc biệt từ trong nước, thông tín viên SB-TN gửi ra bản tin về tình trạng ô nhiễm đang làm cho người dân trong nước e ngại nhân dịp Hà Nội tổ chức cái gọi là lễ hội Ngàn Năm Thăng Long, mời quý vị cùng theo dõi trong phóng sự ngắn sau đây (video 3 phút).

Tiền bạc và sự rầm rộ mà Hà Nội muốn tạo dựng cho Lễ hội 1000 năm Thăng Long, không đủ bù đắp lại những lời chỉ trích mọi thứ mà chính quyền này hy sinh từ ngân sách, đời sống dân sinh để hoàn thành mục đích. Bên cạnh đó việc ô nhiễm tại Hà Nội cũng đang là thứ khiến nhiều người lo ngại, e dè tham gia.

Trong khi đó chỉ còn một tháng nữa là lễ hội này sẽ bắt đầu. Theo một đánh giá của Sở Tài nguyên và Môi trường thành phố được báo Lao Ðộng trích thuật hồi cuối tháng 6 thì tình trạng ô nhiễm môi trường không khí do bụi trên địa bàn thành phố đang ở mức báo động đỏ bởi nồng độ bụi lơ lửng ở các quận nội thành đều vượt quá tiêu chuẩn cho phép từ 2 đến 3 lần. Chị Hoàng Thị Minh Hồng, người lâu nay vẫn tích cực tham gia vào các hoạt động bảo vệ môi trường, cho biết theo báo cáo mới nhất của chương trình môi trường toàn cầu của Liên Hiệp Quốc tức UNESCO Environmental Program, thì Hà Nội và Saigon nằm trong số 6 thành phố ô nhiễm bụi nhiều nhất trên thế giới. Chị Hồng cho rằng có rất nhiều nguyên đã dẫn đến tình trạng ô nhiễm trầm trọng ở thủ đô, trong đó có tình trạng người dân đổ về thành phố làm việc, đặc biệt là nhân dịp lễ hội này mỗi ngày càng gia tăng, kéo theo một số lượng lớn các phương tiện giao thông cá nhân chạy trong thành phố, trong khi rất nhiều phương tiện giao thông này đã cũ kỹ và không đạt tiêu chuẩn môi trường, còn hệ thống cơ sở hạ tầng thì lại chưa phát triển kịp với tốc độ gia tăng dân số.

Ngoài ra, tình trạng đô thị hóa với các công trình xây dựng mọc lên khắp nơi cùng với các khu công nghiệp, các nhà máy cũ kỹ, thậm chí có hững nhà máy được xây dựng từ những năm 70 đến 80, cũng góp phần vào nạn ô nhiễm môi trường. Thêm vào đó, ý thức của người dân trong việc bảo vệ môi trường cũng là điều đáng quan ngại. Tại Hà Nội, xe máy hiện vẫn là một phương tiện giao thông chủ yếu của người dân, tuy nhiên xe gắn máy và xe tải nhỏ được xác định là tạo ra nhiều chất độc trong không khí nhất so với các loại phương tiện khác. Nhiều nhà hoạt động môi trường nói họ cảm thấy lo nhiều hơn vui trong dịp đại lễ khi nghĩ tới ý thức của người dân đối với môi trường thành phố. Thậm chí lễ hội Ngàn năm Thăng Long đang là cơ hội của nhiều chiến dịch kêu gọi mọi người dân có ý thức bảo vệ môi trường một cách bền vững và lâu dài chứ không chỉ nhân dịp đại lễ này. Tuy nhiên nhà nươc cũng cần phải đứng ra tiến hành xây dựng và quản lý các chương trình môi trường như vậy và các cơ quan truyền thông cũng cần có những chương trình thường xuyên hơn, để kêu gọi người dân có ý thức bảo vệ môi trường hơn, vì ngoài tình trạng ô nhiễm ở các thành phố lớn, Việt Nam cũng còn là một trong những nước bị tác động nặng nề nhất của tình trạng biến đổi khí hậu.(SBTN)

{nl}{nl}