XUẤT CẢNG GẠO VIỆT NAM TĂNG MẠNH TRONG 8 THÁNG ÐẦU NĂM

@ 15 September 2010 02:44 AM
{nl}Tin Hà Nội - Từ đầu năm đến nay Việt Nam khoe rằng đã xuất cảng trên 5 triệu tấn gạo, tăng gần 11% so với cùng thời gian này năm ngoái, thu về 2 tỉ 350 triệu đôla, tăng trên 11% kim ngạch xuất cảng. Tin này được trích từ báo cáo của Hiệp hội xuất cảng gạo Việt Nam. Chỉ tính riêng trong tháng 8, Việt Nam đã bán ra thế giới trên 800,000 tấn gạo, đạt trên 302 triệu đô la. Nhu cầu gạo đang gia tăng trên thế giới do một số nước xuất cảng gạo lớn như Ấn độ, Pakistan, và Trung Cộng đang phải đối phó với tình trạng ổn định thực phẩm trong nước. Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam giải thích lý do của sự tăng vọt này như vậy, và cho biết đây là cơ hội để Việt nam đẩy mạnh xuất cảng gạo.

Ngoài ra gần đây nước Nga đã ngưng xuất cảng lúa mì. Ðiều này khiến một số nước nhập cảng lúa mì của Nga chuyển sang nhập cảng gạo. Giá lúa gạo vùng đồng bằng sông Cửu Long tăng cao bất thường từ hơn một tháng qua, tăng trung bình 50 đô-la một tấn trong vài tuần qua, gạo trắng cùng loại của láng giềng Thái Lan cũng tăng tương tự. Sự kiện này góp phần ảnh hưởng tới tình trạng giá lúa gạo tăng ở đồng bằng sông Cửu Long, bên cạnh những nguyên nhân khác như hợp đồng xuất cảng giao hàng dồn cục trong hai tháng 8 và tháng 9, cũng như chuyện người Trung Cộng có mặt tại chỗ đặt hàng thương lái mua gạo chở qua biên giới phía Bắc theo đường xuất tiểu ngạch. Mọi năm lúa hè thu là vụ lúa ế giá thấp, năm nay điều này không hoàn toàn đúng như vậy. Lúa ế giá thấp xảy ra từ đầu vụ đến cuối tháng 7, có thể nói hơn 80% nông dân làm lúa hè thu đã bán với giá huề vốn hoặc lời rất ít. Chỉ những ai có khả năng trữ lúa hoặc làm hè thu muộn thì mới được lợi, thậm chí lời tới 50%.

Nhiều chuyên gia cho rằng sự kiện giá lúa gạo ở vựa lúa xuất cảng đồng bằng sông Cửu Long tăng trái với thông lệ, có sự ảnh hưởng bởi doanh nghiệp được khuyến khích ký hợp đồng thương mại theo thời giá, và mãi đến tháng 8 Hiệp Hội Lương Thực VFA mới liên tiếp tăng giá sàn xuất cảng. Tuy nhiên nông dân đồng bằng sông Cửu Long hầu như không còn lúa để bán khi giá tăng cao. Tuy vậy nông dân ở những vùng làm lúa hè thu muộn như Kiên Giang, Sóc Trăng đạt mức lợi nhuận cao nhất từ trước tới nay. Theo thống kê của Bộ Công Thương lượng gạo xuất cảng đến hết tháng 8 đạt mức trên 5 triệu tấn, trị giá 2.3 tỷ mỹ kim. Con số này cao hơn một ít so với thông báo cùng thời gian của Hiệp Hội Lương Thực Việt Nam.

Với lượng hợp đồng đã ký đạt 6.5 triệu tấn gạo, từ giờ đến hết năm 2010 còn khoảng 1.5 triệu tấn gạo sẽ được xuất cảng. Nhiều người cho rằng doanh nghiệp xuất cảng gạo được hưởng lợi từ chênh lệch giá rất nhiều, khi lúa hè thu thu họach rộ doanh nghiệp không mua để lúa rớt giá, nhà nước can thiệp bằng cách cho mua tạm trữ và trợ cấp vốn lãi suất 0% cho doanh nghiệp mua gạo. Nông dân làm lúa thì cho biết khi giá gạo tăng doanh nghiệp sẽ lời nhiều, trước đây họ mua rẻ bây giờ giá cao cộng thêm nhà nước hỗ trợ lãi suất 0% cho doanh nghiệp mua lúa của dân. Cuối cùng doanh nghiệp có lợi mà nông dân chẳng được gì.

Một số nhà phân tích thị trường cho rằng, Việt Nam bỏ lỡ cơ hội khi giá gạo thị trường Thế Giới tăng nhanh. Trên thực tế doanh nghiệp Việt Nam không có đủ kho để trữ gạo dài ngày, tình trạng này phải nhiều năm nữa mới cải thiện được. Cho đến cuối năm 2010 này, nói chung doanh nghiệp xuất cảng vẫn phải xoay vòng kho mới có chỗ chứa gạo.(SBTN)