VIỆT NAM CÓ THỂ ÐỐI DIỆN TÁI NGHÈO

@ 21 September 2010 09:26 AM
{nl}Tin New York - Trước thềm Hội nghị Cấp cao Liên Hiệp Quốc về Mục tiêu phát triển thiên niên kỷ diễn ra tại New York, sáng nay phái đoàn Cộng sản Việt Nam đã công bố Báo cáo quốc gia 2010. Báo cáo có tựa đề Việt Nam: 2/3 chặng đường thực hiện các mục tiêu phát triển thiên niên kỷ, hướng tới năm 2015, đã khoe rằng Việt Nam đã đạt 5/8 mục tiêu đề ra của LHQ trước thời hạn, có thể cơ bản đạt hết các mục tiêu vào năm 2015, giảm một nửa tỷ lệ nghèo, phổ cập giáo dục tiểu học theo chuẩn của Việt Nam, tăng cường sức khỏe bà mẹ, giảm tử vong trẻ em, tăng cường bình đẳng giới và nâng cao vị thế phụ nữ. Thế nhưng theo ông John Hendra là Ðiều phối viên thường trú Liên Hiệp Quốc tại Việt Nam cho rằng kết quả xuất phát từ những cam kết và hành động của nhà nước Cộng sản Việt Nam, các thành tựu đạt được là do Việt Nam đã lồng ghép chương trình này vào các kế hoạch phát triển kinh tế xã hội ở cấp trung ương và địa phương, xây dựng các chính sách phát triển vì người nghèo nhưng không đồng bộ.

Ông cảnh báo nhà cầm quyền Cộng sản Việt Nam về mục tiêu số 6 về phòng chống HIV và AIDS, sốt rét và các bệnh dịch nguy hiểm khác có thể không đạt vào đúng hạn vào năm 2015 nếu vấn đề phổ biến dịch vụ không được tăng cường đáng kể, đặc biệt đối với nhóm dân cư nguy cơ cao. Một số chỉ tiêu quan trọng như trong lĩnh vực dinh dưỡng, nước sạch và vệ sinh vẫn chưa đạt được hoàn toàn, đồng thời mục tiêu số 7 về bền vững môi trường đang được xác định là một thách thức không nhỏ khi Việt Nam đối mặt với tình trạng cạn kiệt và xuống cấp tài nguyên thiên nhiên. Bên cạnh đó, Liên Hiệp Quốc lưu ý những nỗ lực trong giai đoạn 5 năm tiếp theo cần tính đến những rủi ro tiềm ẩn nhằm đạt được hoàn toàn các mục tiêu phát triển Thiên niên kỷ. Những ảnh hưởng bên ngoài, như khủng hoảng kinh tế toàn cầu và khủng hoảng năng lượng và lương thực thực phẩm, đang đặt ra những thách thức cho các nước đang phát triển, trong đó có Việt Nam.

Ông Hendra cho biết trong lúc Việt Nam đang bị giảm thiểu nguồn vốn ODA và FDI, nhu cầu về hàng Việt Nam xuất cảng giảm, thâm hụt thương mại lớn cũng như các nguy cơ về lạm phát tăng sẽ cần quan tâm hơn. Những việc này có ảnh hưởng nặng hơn đối với người nghèo, có thể làm cho những người vừa thoát nghèo có thể bị tái nghèo một cách nhanh chóng. Ông John Hendra nói một trong những thách thức lớn khác là biến đổi khí hậu. Lụt lội, hạn hán và bão lốc ngày càng tăng ảnh hưởng không nhỏ đến kế sinh nhai của người nghèo, cùng lúc đó mực nước biển tăng lên sẽ ảnh hưởng đến các vựa lúa, tác động đến an ninh lương thực không những của quốc gia mà còn của khu vực và thậm chí toàn cầu.(SBTN)