PHÓNG SỰ ÐẶC BIỆT TẠI VIỆT NAM: TẾT TRUNG THU Ở VIỆT NAM ÐANG MẤT ÐI Ý NGHĨA CỦA TRẺ CON

@ 27 September 2010 09:24 AM
Hôm nay trong tiết mục phóng sự đặc biệt từ Việt Nam, thông tín viên SB-TN từ trong nước gởi ra bản tin về ngày Tết Trung Thu ở Việt Nam. Mời quý vị cùng theo dõi trong phóng sự ngắn sau đây… (video insert).

Một mùa Trung thu trôi qua ở Việt Nam, sự tẻ nhạt và thay đổi của ngày lễ này đang làm cho nhiều nhà hoạt động xã hội lo ngại cho tương lai của đời sống mang tính truyền thống Việt Nam. Có đến 60% những người được hỏi tại Việt Nam cho biết rằng họ hết sức tiếc nhớ phong vị của những ngày tết trung thu nhiều thập niên trước. Tính đơn giản và gần gũi của ngày lễ này là một ký ức đang dần dần phai tàn, thay vào đó là những lễ hội mang tính tập trung của mô hình xã hội chủ nghĩa. Ðèn lồng thủ công, ánh trăng đêm mọi thứ đã bị thay đổi bằng các mặt hàng điện tử Trung Cộng và trò chơi, tiếng nhạc vui Trung thu cũng không phải là thuần túy Việt Nam. Những con đường bày bán lồng đèn lẻ loi của quận 5, quận 6, Saigon không còn tấp nập như xưa, mà chỉ có những khách ghé qua xem như một cách để hồi tưởng. Thậm chí người lớn đắt trẻ con đi chơi mùa trung thu cũng giống như dắt đi xem một bảo tàng nghệ thuật văn hóa dân gian đang sắp bị mất đi bởi những chỉ số phát triển điên rồ và duy ý chí của xã hội Cộng sản hôm nay. Bên cạnh đó, tính thương mãi của mùa trung thu hiện nay ở Việt Nam bóp chết sự thơ mộng của trẻ con, thay vào đó là sự mua bán, biếu tặng lễ nghĩa mua chuộc nhau của người lớn. Mùa Trung thu là mùa các công ty kinh doanh bánh Trung thu xả công xuất, sản xuất ngày đêm, bày bán với giá ngất trời. Trẻ con không bao giờ có đủ tiền để tự mình mua ăn, có chăng chỉ là cha mẹ góp mua để dùng biếu nhau lễ nghĩa.

Trung thu là dịp để người lớn, dân làm ăn, quan chức tặng quà và nhận quà. Xã hội Việt Nam đã biến ngày Tết Trung thu dành cho trẻ nhỏ trở thành dịp để gửi chút quà hối lộ tình cảm của nhân viên đối với thủ trưởng hoặc của bên này đối với bên kia trong một công trình cụ thể nào đó. Trong rất nhiều trường hợp này, túi bánh trung thu nói đánh tiếng là tặng các cháu chỉ là cái cớ, bên trong bỏ thêm vàng, tiền để mua chuộc lẫn nhau. Bánh trung thu được làm ra hàng loạt với công nghệ cao, kể cả nhập khẩu với giá cao ngất trời, rồi nhân viên A mua nó biếu quan chức B, ông B đem hộp bánh đó biếu lại cho sếp C, sếp C tiếp tục đem nó biếu ông lớn D vân vân.

Bánh trung thu ở xã hội Việt Nam bây giờ được làm ra hình như không phải để ăn, mà để mua chuộc lẫn nhau, hối lộ và biểu lộ quyền thế. Với đồng lương còm cõi của một công nhân, chỉ trung bình một triệu rưỡi mỗi người một tháng, cho đến một giáo viên là 2 triệu rưỡi mỗi người một tháng, thì làm sao có thể mua nổi một hộp bánh giá đến 1 triệu hoặc 2 triệu đồng một hộp cho mình và gia đình? Trung thu Việt Nam từng mùa đi qua như vậy, và chỉ còn được người dân nhắc đến những chiếc bánh giá ngày càng cao. Ngoài ra, giá trị của truyền thống, văn hóa hay giáo dục nay đã không còn.(SBTN)

{nl}{nl}