QUẢNG BÌNH, HUẾ TIẾP TỤC MƯA

@ 6 October 2010 08:05 AM
Tin Quảng Bình - Tỉnh Quảng Bình sáng nay đã đề nghị trung ương chi viện khẩn cấp trực thăng và tàu để cứu hàng chục ngàn dân bị cô lập trong trận lũ vượt mức lịch sử năm 2003 và 1992. Miền Trung có 13 người chết, 5 người mất tích. Trong số các tỉnh miền Trung, Quảng Bình bị ngập nặng nhất. Liên tục từ 5 ngày qua, tỉnh này có mưa to, lượng mưa đo được tại Minh Hóa tới 1360 milimét, Ðồng Tâm, Tuyên Hóa, Mai Hóa, Trường Sơn đều ở gần 1000 milimét. Một chuyên gia cho biết chưa bao giờ Quảng Bình mưa to và dồn dập như vậy. Mực nước các sông lên rất nhanh, tại sông Gianh đã vượt đỉnh năm 2003, sông Kiến Giang vượt đỉnh năm 1992. 6 trong 7 huyện thị của tỉnh ngập trắng, nơi sâu nhất tới nóc nhà.

Trời vẫn mưa rất to, mức độ ngập lụt ngày càng trầm trọng, hàng chục ngàn dân đang đối diện với cái đói, cái khát do tất cả nhà cửa, tài sản đều bị ngập sâu. Hiện vẫn còn 52 ngư dân gặp nạn trên biển không ai đến cứu. Mưa lũ đã tàn phá hệ thống giao thông của tỉnh này. Ðến chiều nay mưa gió trên địa bàn tỉnh Quảng Trị vẫn tiếp tục, một số tuyến đường vùng thấp trũng Hải Lăng, Triệu Phong và vùng miền núi Hướng Hóa, Ðak-rông vẫn đang bị ngập sâu, sạt lở và chia cắt. Toàn tỉnh có trên 5500 nhà dân bị ngập lụt, trong đó Triệu Phong trên 2000 nhà, Hải Lăng có 2000 nhà, Cam Lộ có 690 nhà. Tại Thừa Thiên - Huế, đến chiều nay mực nước trên sông Hương, sông Bồ vẫn ở mức báo động 2, sông Ô Lâu vượt báo động 3. Nạn nhân đầu tiên của trận mưa lũ này là một cháu bé 4 tuổi ở phường Thuận Lộc, thành phố Huế bị chết đuối trên sông Ngự Hà. Toàn tỉnh có 26 xã phường của thành phố Huế và các huyện Phong Ðiền, Phú Vang, Hương Trà, Quảng Ðiền bị ngập.

Huyện ngập sâu nhất là Phong Ðiền với hơn 2100 ngôi nhà bị ngập đến một thước. Tại xã Phong Bình, huyện Phong Ðiền, 100% các tuyến đường liên xã và tuyến quốc lộ 49B đi qua địa bàn xã bị ngập sâu đến 2 thước. Nước lũ dâng cao đã làm các thôn của xã bị cô lập hoàn toàn, giao thông tê liệt. Tất cả diện tích sắn và ao hồ nuôi trồng thủy sản trên địa bàn đã bị nhấn chìm, gây thiệt hại nặng nề. Ðiều lo nhất hiện nay là nhiều khả năng nước lũ sẽ ngâm dài ngày trong khi chất đốt và nước sạch của người dân không đủ nên đời sống sẽ rất ngặt nghèo.(SBTN)

{nl}{nl}