ÐẠI BIỂU QUỐC HỘI YÊU CẦU BỎ PHIẾU BẤT TÍN NHIỆM NGUYỄN TẤN DŨNG

@ 4 November 2010 06:14 AM
Tin Hà Nội - Một sự kiện được coi là chưa từng có từ trước tới nay xảy ra tại Quốc Hội Cộng sản Việt Nam, khi hôm qua trong phiên thảo luận kinh tế và xã hội tại Quốc hội, một đại biểu là ông Nguyễn Minh Thuyết đã lên tiếng yêu cầu Quốc hội bỏ phiếu tín nhiệm các thành viên nhà nước có liên quan đến vụ Vinashin, trong đó có cả Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, vì chính nhân vật này đã bổ nhiệm chủ tịch Vinashin Nguyễn Thanh Bình. Ông Bình đã bị đình chỉ chức vụ vào tháng 7 vừa qua và sau đó bị bắt vì trách nhiệm của đương sự trong món nợ của tập đoàn này lên tới 4.3 tỷ đôla. Ðại biểu Nguyễn Minh Thuyết cũng đề nghị thành lập một Uỷ ban lâm thời điều tra trách nhiệm của thành viên nhà nước có liên quan đến vụ Vinashin và tạm đình chỉ chức vụ những người này trong thời gian ủy ban tiến hành điều tra. Những đề nghị của ông Nguyễn Minh Thuyết là hoàn toàn đúng theo quy định của Hiến pháp và Luật Tổ chức Quốc hội của Việt Nam, nhưng cho tới nay chưa ai dám sử dụng các quyền này.

Vào tháng trước trong buổi khai mạc kỳ họp Quốc hội, Nguyễn Tấn Dũng đã không có báo cáo chi tiết về vụ Vinashin mà chỉ nhìn nhận rằng tình trạng của Vinashin là nghiêm trọng và do yếu kém trong quản lý, thiếu tinh thần trách nhiệm, cố ý làm trái, báo cáo không trung thực của lãnh đạo tập đoàn. Nguyễn Tấn Dũng nhận trách nhiệm của nhà nước và cho biết thêm là đã nghiêm túc kiểm điểm và đã đề ra kế hoạch cụ thể để chấn chỉnh hoạt động của tập đoàn. Nhưng đại biểu Nguyễn Minh Thuyết cho rằng chỉ kiểm điểm trong nội bộ là chưa đủ. Ðây cũng là ý kiến của một số đại biểu khác như ông Huỳnh Ngọc Ðáng, đòi hỏi phải có câu trả lời hợp lý hơn về vụ Vinashin trước Quốc hội và trước nhân dân. Còn đại biểu Phạm Thị Loan thì đặt câu hỏi người làm sai thì phải xin lỗi nhân dân và phải từ chức.

Hãng thông tấn AFP hôm nay nhắc lại là vào tháng trước, bà Victoria Kwakwa, giám đốc Ngân hàng thế giới tại Việt Nam cũng đã nói nhà cầm quyền Cộng sản Việt Nam cần phải rút ra những bài học cần thiết về vụ Vinashin. Việc đại biểu Quốc hội đòi truy cứu trách nhiệm chính phủ về vụ Vinashin xảy ra trong bối cảnh căng thẳng chính trị gia tăng khi càng đến gần Ðại hội Ðảng, mà theo dự trù sẽ được triệu tập vào tháng Giêng năm tới. Thật ra thì Vinashin chỉ là điển hình của tình trạng các tập đoàn kinh tế ở Việt Nam hiện nay đã được thành lập một cách chính thức, nhưng lại hoạt động theo kiểu thí điểm và hoàn toàn không có một khuôn khồ pháp lý nào cả. Trong phiên thảo luận hôm nay, các đại biểu Quốc hội cũng đã chỉ trích việc quản lý Tập đoàn Ðiện lực Việt Nam EVN, đã gây nên tình trạng thiếu điện triền miên nhiều năm qua vì tập đoàn này không lo phát triển hệ thống cấp điện, mà lại đầu tư vào những ngành khác, như chứng khoán, tài chính và địa ốc.(SBTN)

{nl}{nl}