TRUNG CỘNG CẢNH GIÁC VỚI VIỆT NAM

@ 14 November 2010 11:13 AM
Tin Saigon - Một khảo sát vừa được hãng thông tấn Global Times thực hiện để lấy ý kiến trên hơn 1300 người dân Trung Cộng, cho thấy Việt Nam bị xếp hạng thứ 3 trong danh sách các quốc gia mà chính phủ Bắc Kinh cần phải thận trọng cảnh giác. 2 tháng sau khi xảy ra vụ đụng độ giữa tàu đánh cá Trung Cộng với tuần duyên Nhật Bản trên vùng biển gần đảo Ðiếu Ngư mà Nhật gọi là Sensaku dẫn đến căng thẳng chính trị giữa hai nước, hãng thông tấn Global Times thực hiện một cuộc khảo sát qua điện thoại đối với 1305 người dân tại 6 thành phố Bắc Kinh, Quảng Châu, Thành Ðô, Trường Sa, Tây An và Thẩm Dương. Kết quả cuộc khảo sát cho thấy 90% người được hỏi quan tâm đến những vụ tranh chấp chủ quyền của Trung Cộng với Nhật Bản và các nước khác. Ða số không chấp nhận để Hoa Kỳ đóng vai trò trung gian trong việc giải quyết tranh chấp. Ngược lại, có đến gần một nửa số người cho rằng Hoa Kỳ là quốc gia đầu tiên mà Trung Cộng cần phải thận trọng cảnh giác, kế đó là Nhật Bản, thứ ba là Việt Nam và lần lượt sau đó là các nước Mã Lai, Nam Dương, Phi Luật Tân và Brunei.

Khi được hỏi về những giải pháp cho vấn đề tranh chấp chủ quyền biển đảo, 39.8% người Trung Cộng được thăm dò cho rằng phải chiến đấu khẳng định chủ quyền, 35.3% khác cho rằng nên đặt vấn đề tranh chấp chủ quyền qua một bên và cùng nhau phát triển trong khi vẫn tiếp tục lên tiếng khẳng định chủ quyền, chỉ có 18.3% đồng ý xác định lại biên giới lãnh hãi cùng với các quốc gia thích hợp.

Việc Trung Cộng leo thang trong vấn đề quân sự và các chính sách thương mại đã khiến cho các nước láng giềng cũng phải để mắt xem lại thực lực quân sự của mình. Hầu hết các quốc gia châu Á đều ngấm ngầm hiểu rằng việc Trung Cộng sẽ thay thế cho Hoa Kỳ ở vị trí đứng đầu trong khu vực là điều thấy trước, tuy nhiên quá trình thay thế đang diễn ra quá nhanh khiến cho nhiều nước lo ngại. Vấn đề hạ giá đồng Yuan, cấm xuất cảng đất hiếm đến Nhật và sau đó là Mỹ và châu Âu đã dấy lên quan ngại về việc Bắc Kinh sử dụng các lợi thế kinh tế để làm vũ khí ngoại giao và chính trị. Bên cạnh đó, hải quân Trung Cộng không ngừng bành trướng và thực hiện các hoạt động lấn lướt trên các vùng biển tranh chấp. Một nhà chiến lược của Viện Nghiên cứu Hải quân của Trung Cộng, khẳng định rằng Bắc Kinh cần gửi ra một thông điệp mạnh mẽ và rõ ràng rằng sức mạnh quyền lực của Trung Cộng là không thể ngăn cản được.

Trước áp lực của quốc gia khổng lồ đầy tham vọng, việc đưa ra một chính sách ngoại giao và đối phó thích hợp với Trung Cộng đang là vấn đề đau đầu cho các nhà lãnh đạo châu Á. Nhiều quốc gia đã lên tiếng chào đón Hoa Kỳ trở lại khu vực để tìm lại vị thế cân bằng với quyền lực đang lên của Bắc Kinh. Tại Việt Nam, sau thương vụ mua tàu ngầm và chiến đấu cơ của Nga, việc Việt Nam quyết định mở cửa cảng Cam Ranh cho hải quân ngoại quốc cũng là một dấu hiệu cho việc này. Riêng trong vấn đề để Hoa Kỳ làm trung gian trong việc giải quyết tranh chấp chủ quyền các vùng biển đảo, hơn 76% người Trung Cộng được hỏi đã bác bỏ ý kiến này.(SBTN)

{nl}{nl}