MƯA LỚN, CÁC SÔNG MIỀN TRUNG ÐE DỌA LÊN TRỞ LẠI

@ 21 November 2010 08:06 AM
Tin Phú Yên - Lượng mưa đổ xuống các tỉnh từ Quảng Nam đến Phú Yên phổ biến từ 150 đến 450 milimét suốt ngày nay, nước sông dâng cao sau hơn một ngày rút dần. Thủy điện ở Phú Yên bắt đầu xả nước hàng loạt. Quảng Nam tiếp tục bị chia cắt. Suốt 3 ngày qua Phú Yên mưa rất to, mực nước ở tất cả các sông trong tỉnh Phú Yên đang lên. Sông Kỳ Lộ tại Hà Bằng vượt trên báo động cấp 1, sông Ba tại Củng Sơn, sông Bánh Lái tại Hòa Mỹ Tây vượt báo động cấp 2. Dự báo trong 12 giờ tới, mực nước sông Kỳ Lộ tại Hà Bằng sẽ vượt mức báo động 3. Các hồ thủy điện trên địa bàn cũng liên tục xả nước. Hôm nay hồ thủy điện Sông Ba Hạ xả gần 2400 thước khối một giây, Sông Hinh xả 600 thước khối một giây và tăng dần lên 1000 thước khối một giây, hồ thủy điện Krông Hơ-Năng cũng xả từ 500 đến 1000 thước khối một giây. Trước áp lực mưa lớn và nước do các hồ thủy điện xả ra, nhiều vùng trong tỉnh Phú Yên đang có nguy cơ ngập lại. Riêng huyện miền núi Ðồng Xuân chắc chắn sẽ bị ngập nhiều vùng. Ðến chiều nay, tình trạng sạt lở tiếp tục diễn biến phức tạp khiến huyện vùng cao Nam Trà My, tỉnh Quảng Nam, vẫn còn bị cô lập. Hiện mực nước trên sông Tranh, sông Nước Là chảy rất mạnh. Nhiều khu dân cư ở vùng trũng thấp huyện Duy Xuyên bị cô lập, nhiều đường liên xã, liên thôn vẫn còn ngập sâu.

Trong khi đó mưa lớn kéo dài từ đêm qua đến sáng nay khiến cho nhiều khu dân cư, đường phố trên địa bàn thành phố Quy Nhơn chìm trong biển nước, sinh hoạt của người dân bị đảo lộn. Mực nước lũ trên các sông Hà Thanh, sông Kôn tiếp tục dâng cao cô lập nhiều khu dân cư ở hai huyện Tuy Phước và Phù Cát của tỉnh Bình Ðịnh.

Theo thống kê sơ khởi của tỉnh Bình Ðịnh, đến cuối hôm qua mưa lũ đã làm 4 người chết, một người mất tích, sập hoàn toàn 15 ngôi nhà và làm hư hỏng 37 nhà khác. Ước tổng thiệt hại do đợt lũ này gây ra cho tỉnh Bình Ðịnh là 142 tỷ đồng. Tỉnh Quảng Nam có 7 người chết, một người mất tích, thiệt hại nặng các công trình giao thông, thủy lợi, nhiều cây cầu bị ngập và hư hỏng. Ðặc biệt cầu Gò Nổi còn gọi là cầu Ðen trên đường qua huyện Ðiện Bàn bị đứt gãy ba nhịp, gây tê liệt giao thông trong vùng. Các huyện miền núi như Nam Trà My, Bắc Trà My, Phước Sơn, Hiệp Ðức, Nam Giang có trên 100 đập thủy lợi thời vụ bị cuốn trôi.

Tại Quảng Ngãi, những làng chài ở thôn Sơn Trà, xã Bình Ðông và thôn Phước Thiện, xã Bình Hải, huyện Bình Sơn bị nước phá sập hoàn toàn, hư hỏng nặng 25 ngôi nhà, đe dọa hàng chục nhà khác có nguy cơ tiếp tục sụp đổ. Tỉnh Quảng Ngãi cho biết tính đến chiều nay trên địa bàn tỉnh có 11 người chết, một người mất tích và 32 người bị thương. Ða số những vùng lũ lụt vừa qua ngoài việc trời mưa, các chuyên gia còn ghi nhận nguyên nhân gây lụt nặng là do việc xả nước gây ngập lụt của các công ty thủy điện. Thế nhưng vào sáng nay Giám đốc Công ty thủy điện Ða Nhim, Hàm Thuận, Ða Mi cho rằng việc nông dân vùng hạ du hồ Ða Nhim bị ngập lụt trong đợt mưa lũ không phải nguyên nhân từ hồ thủy điện, ngược lại nếu không có hồ thủy điện chắc chắn thiệt hại sẽ gấp nhiều lần. Công ty này nằm ở Lâm Ðồng, bị nông dân huyện Ðơn Dương yêu cầu hỗ trợ bồi thường thiệt hại do việc xả nước hồi đầu tháng 11. Ước thiệt hại của nông dân khoảng 23 tỷ đồng. Tình trạng ngập lụt tại Huế trong 3 ngày qua cũng là do hồ thủy điện xả nước.(SBTN)

{nl}{nl}