NHÂN QUYỀN VIỆT NAM NHÌN TỪ BÊN NGOÀI

@ 11 December 2010 10:49 PM
Tin Berlin - Tình hình nhân quyền tại Việt Nam cũng được các tổ chức quốc tế theo dõi sát. Một trong những tổ chức đó là Hiệp hội Nhân quyền Quốc tế tại Ðức. Nhân ngày quốc tế nhân quyền, ông Vũ Quốc Dụng là Tổng thư ký Hiệp hội Nhân quyền Quốc tế có văn phòng tại Bá Linh đã nhận định về việc thực thi nhân quyền tại Việt Nam, khi đất nước này tham gia hội nhập quốc tế và cũng từng ký vào nhiều công ước quốc tế về nhân quyền. Ông nói cần phải nhìn nhận rằng Việt Nam đang thực hiện rất tùy tiện các cam kết về nhân quyền với quốc tế. Tùy tiện có nghĩa là Việt Nam muốn làm gì thì làm chứ không tuân thủ đúng các chuẩn mực quốc tế.

Là một thành viên của Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc, đáng lẽ phải làm gương thì Việt Nam lại thường xuyên vi phạm luật nhân quyền. Theo ông, nguyên nhân của vấn đề này là thái độ thiếu chân chính. Việt Nam tham gia vào Công ước Quốc tế về Quyền Dân sự và Chính trị là một trong 3 văn kiện nhân quyền quan trọng nhất của Liên Hiệp Quốc. Thế nhưng Việt Nam không chịu nội luật hóa các điều cam kết, nghĩa là không chịu sửa đổi luật Việt Nam để cho nó phù hợp với điều đã cam kết.

Bộ luật hình sự Việt Nam vẫn đầy rẫy những điều khoản mâu thuẫn với công ước này, thí dụ như điều 88 về tội tuyên truyền chống nhà nước có mâu thuẫn xung khắc với quyền tự do ngôn luận của công ước.

Trong khi đó tòa án Việt Nam cũng không cần biết đến luật quốc tế khi xử án mặc dù Việt Nam đã có luật thực hiện các điều ước quốc tế từ năm 2005 đến nay.

Một vấn đề không kém quan trọng khác mà ông Vũ Quốc Dụng nêu lên là việc hiểu đúng các điều ước về nhân quyền. Luật nhân quyền quốc tế là cái mẫu số chung nhỏ bé mà cộng đồng nhân loại đã đạt được trong 62 năm qua, tính từ ngày 10 tháng 12 năm 1948 là ngày ra đời của bản Tuyên ngôn Nhân quyền Quốc tế. Khi nói về quyền tự do ngôn luận thì Liên Hiệp Quốc có những định nghĩa rõ ràng và những giải thích nhất định để cho mọi người trên thế giới cùng có cách hiểu giống nhau. Thế nhưng Việt Nam hay tự đưa ra lối giải thích của mình về nhân quyền, đây là một thái độ tùy tiện. Ông kêu gọi mọi người cần quan tâm nhiều hơn nữa đến vấn đề này để chống lại các ý định làm ruỗng mục nền móng pháp lý nhân quyền quốc tế.

Tóm lại Việt Nam không được xem là một đối tác đáng tin cậy trong lãnh vực nhân quyền. Ông Vũ Quốc Dụng nói nhân ngày quốc tế nhân quyền, ông mong muốn nhất là Việt Nam thay đổi cách nhìn về những lời góp ý về nhân quyền và xem những góp ý này là những góp ý có tính cách xây dựng dựa trên cơ sở của luật quốc tế mà Việt Nam đã tham gia, chứ không nhằm đả phá Việt Nam. Việt Nam tuyệt đối không nên đồng hóa vấn đề nhân quyền với những âm mưu chính trị nhằm lật đổ chế độ, nhằm kích động các vấn đề tôn giáo, dân tộc, xâm phạm an ninh và chủ quyền. Một cách cụ thể hơn, Việt Nam cần nghiêm chỉnh thi hành luật nhân quyền quốc tế. Ðiều đó có nghĩa là Việt Nam cần công khai xác nhận các chuẩn mực nhân quyền quốc tế, nội luật hóa các điều ước quốc tế. Hà Nội nên thành lập một ủy ban khiếu nại về nhân quyền và cho phép các tổ chức nhân quyền quốc tế được phép mở trụ sở làm việc tại Việt Nam.(SBTN)