BIẾN ÐỔI KHÍ HẬU TÁC HẠI ÐỒNG BẰNG CỬU LONG

@ 14 December 2010 12:33 AM
{nl}
Tin tổng hợp - Thời tiết bất thường ở Việt Nam, nơi cần nắng thì mưa tầm tã, nơi cần nước thì hạn hán, dự báo xâm nhập mặn sẽ diễn ra sớm và khốc liệt ở đồng bằng sông Cửu Long. Ðó là những dấu hiệu cho thấy Việt Nam bắt đầu chịu tác động của khí hậu biến đổi. Tại hội nghị sản xuất lúa đông xuân 2010-2011 vùng đồng bằng sông Cửu Long diễn ra ở Bạc Liêu ghi nhận Tổng cục Thủy lợi dự báo xâm nhập mặn sẽ diễn ra sớm và sâu hơn những năm trước, lượng mưa 11 tháng của năm 2010 ở đồng bằng sông Cửu Long kém hơn hẳn mọi năm, ước tính giảm khoảng 15%. Hai ngày sau, hãng thông tấn Reuters của Anh Quốc có bài viết từ Long Xuyên nhận định là, đất canh tác nhiễm mặn chỉ là một trong nhiều thách thức cấp thời về môi trường đang gia tăng ở Việt Nam, tình trạng càng thêm tồi tệ vì ảnh hưởng biến đổi khí hậu. Khả năng điều phối của nhà nước để thực hiện các biện pháp đối phó với biến đổi khí hậu đang bị thử thách.

Phó Tổng Cục Trưởng Thủy Lợi nhận định khí hậu biến đổi rất là thất thường, người ta cứ nói biến đổi khí hậu nước biển dâng là bài toán tương lai, nhưng thực ra mấy năm nay hàng ngày Việt Nam luôn bị cái thất thường ấy của thời tiết. Ví dụ như năm nay miền Trung lũ lụt liên tục, trong khi đồng bằng sông Cửu Long mùa lũ mà không có nước thì chắc chắn ảnh hưởng thời vụ. Ở đồng bằng sông Hồng thông thường mực nước lũ trên sông mười thước, thì năm nay chỉ khoảng trên 6 thước, dự báo ngang Hà Nội có thể chỉ còn 0.1 thước. Các hồ thủy điện thì cạn kiệt, so với năm ngoái hụt khoảng 1.7 tỷ thước khối cho ba hồ thủy điện, so với mực nước thiết kế thì bị hụt khoảng 4.4 tỷ thước khối.

Nói chung khí hậu thất thường, lượng mưa gấp nhiều lần, đó chính là biến đổi khí hậu. Trong hội nghị tại vùng đồng bằng sông Cửu Long ghi nhận Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tại Việt Nam đã đề nghị Viện lúa đồng bằng sông Cửu Long sớm đưa ra nhiều giống lúa chịu mặn, chịu ngập và chịu hạn trước tác động biến đổi khí hậu. Riêng tỉnh Bạc Liêu diện tích vụ đông xuân năm nay phải cắt giảm 3000 hecta so với vụ trước nhằm đề phòng tác động của xâm nhập mặn. Một người trồng lúa vùng ven biển dễ ngập mặn ở đồng bằng sông Cửu Long cho biết thường đến giữa tháng 12 âm lịch là cao điểm mặn xâm nhập, có những cống tự động để ngăn mặn nhưng mỗi năm xâm nhập mặn càng vô sâu thêm trong đất liền. Những giống lúa kháng được mặn là nói vậy thôi, mặn trên 3 phần ngàn cây lúa nào cũng bị ảnh hưởng, làm không có năng suất.

Nhiều nghiên cứu cho thấy Việt Nam là một trong những nước chịu nhiều thiệt hại nhất của tình trạng biến đổi khí hậu, điển hình như mực nước biển dâng cao và thời tiết bất thường. Vùng đồng bằng sông Cửu Long bị đe dọa đặc biệt, nơi này làm ra một nửa sản lượng lúa của cả nước và cung cấp gần như toàn bộ lượng gạo hàng hóa xuất cảng, đưa Việt Nam trở thành nước xuất cảng gạo lớn thứ nhì thế giới. Khoảng 1/5 dân số 86 triệu của Việt Nam sống tại vùng đồng bằng sông Cửu Long, nơi là một trong những vùng đa dạng sinh thái hàng đầu trái đất. Báo cáo của Việt Nam vào năm ngoái cho thấy 1/3 vùng đồng bằng sông Cửu Long có thể bị ngập chìm nếu mực nước biển dâng cao thêm 1 thước. Các vùng ven biển khác cũng chìm dưới nước, thời tiết thất thường sẽ tác động lũ lụt, hạn hán và làm giảm sản lượng lúa thu hoạch.(SBTN)