VIỆT NAM ÐÒI HOÀNG SA, TRUNG CỘNG QUYẾT KHÔNG TRẢ

@ 14 December 2010 01:03 AM
Tin Hong Kong - Trung Cộng nhất định không nhả quần đảo Hoàng Sa đã chiếm của Việt Nam nên đây là trở ngại không thể vượt qua để đạt được một thỏa hiệp giữa hai nước về tranh chấp biển Ðông, đó là nhận định của báo South China Morning Post xuất bản tại Hong Kong, khi tiết lộ là trong năm nay, Hà Nội và Bắc Kinh đã đàm phán bí mật 4 lần về vấn đề biển Ðông. Báo này nói Bắc Kinh từ chối thảo luận về sự chiếm đóng của họ tại quần đảo Hoàng Sa, theo lời một số viên chức Bộ Ngoại Giao Hà Nội cho biết để đạt được một thỏa hiệp lâu dài và hai bên chấp nhận được sẽ vô cùng gay go, dù có thể đạt đến một vài thỏa hiệp về quần đảo Trường Sa vì còn dính tới một số nước khác trong khu vực cũng tuyên bố chủ quyền hoặc một phần hoặc toàn thể. Một mặt, Hà Nội vận động quốc tế hóa vấn đề tranh chấp biển Ðông, nhưng trong bí mật vẫn đàm phán tay đôi với Bắc Kinh, theo sự đòi hỏi của Bắc Kinh.

Trung Cộng nói rõ lập trường của họ ngay từ đầu là họ chiếm đóng quần đảo Hoàng Sa nên nó thuộc về Trung Cộng và không có gì để thương thuyết. Một viên chức Ngoại giao của Hà Nội xác nhận hai bên âm thầm họp nhiều lần trong năm nay để đặt nền móng cho một thỏa hiệp về biển. Các cuộc họp vẫn tiếp diễn dù Hà Nội đã thành công khi lôi được vấn đề vào các cuộc họp ASEAN và Hoa Kỳ lên tiếng hậu thuẫn quan điểm của Việt Nam. Bản tuyên bố của Hà Nội nêu ra sự quan trọng của cả đối thoại song phương và đa phương, dù Bắc Kinh luôn luôn lập lại quan điểm chỉ thương thuyết tay đôi cho dễ bắt nạt. Phát ngôn viên Bộ Ngoại Giao Bắc Kinh xác nhận có các cuộc thảo luận đó nhưng không cho biết bao nhiêu chi tiết.

Ông Vương Hàn Lĩnh, một học giả về các vấn đề hàng hải và luật quốc tế tại Học Viện Khoa Học Xã Hội Trung Cộng nói các tranh chấp về quần đảo Hoàng Sa đã giải quyết xong vì nay quần đảo này đang trong sự quản trị của Bắc Kinh, và Trung Cộng chỉ đối thoại về tranh chấp liên quan tới quần đảo Trường Sa với Việt Nam và các nước khác. Ông này nói Bắc Kinh khuyến khích hợp tác phát triển ở trong khu vực đặc quyền kinh tế, nhưng không nhân nhượng cái gì. Một nguyên tắc là Bắc Kinh chỉ chấp nhận thương thuyết tay đôi, không có phe thứ ba hay thương thuyết tập thể. Việt Nam và Trung Cộng ký bản Hiệp ước phân vịnh Bắc Bộ cuối năm 2000 nhưng mãi 4 năm sau mới đạt được thỏa thuận thi hành về vấn đề đánh cá, khai thác thủy sản ở khu vực.

Tuy vậy bản hiệp định vẫn không đụng chạm gì đến hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa mà cả hai bên đều xác định chủ quyền toàn thể, không thể tranh cãi. Hàng năm hai bên có các cuộc tuần tiễu chung dọc theo đường phân định trên vịnh Bắc Bộ. Còn lại ngư dân Việt đánh cá hay bắt hải sản ở khu vực gần quần đảo Hoàng Sa đều bị Trung Cộng bắt giữ, đòi tiền chuộc hoặc đâm chìm tàu. Thỉnh thoảng người ta thấy Hà Nội lên tiếng về những hành động của Bắc Kinh, từ dò tìm dầu khí đến xây dựng thêm các cơ sở ở khu vực tranh chấp. Những lời phản đối chỉ có giá trị tượng trưng vì Bắc Kinh không hề thối lui. Một số ngư dân Việt Nam đã bị Trung Cộng bắn chết, vu cho họ là cướp biển rồi đưa xác về đảo Hải Nam.

Giới ngoại giao tin rằng nếu một thỏa hiệp nếu đạt được giữa Hà Nội và Bắc Kinh liên quan đến quần đảo Hoàng Sa, sẽ làm cho các tranh chấp khác liên quan đến biển Ðông dễ giải quyết hơn. Tuy nhiên một tướng lãnh hồi hưu của Trung Cộng, một chuyên viên về chiến lược gia quân sự tại Học Viện Khoa Học Quân Sự của Trung Cộng, lại cho rằng sẽ không có một cơ hội nào để Trung Cộng từ bỏ chủ quyền tại các quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.(SBTN)