DÂN BIỂU HOA KỲ LÊN TIẾNG VỚI CHÍNH PHỦ CAM BỐT VỀ NGƯỜI THƯỢNG VIỆT NAM

@ 1 January 2011 04:31 AM
Tin Hoa Thịnh Ðốn - Trong một văn thư gởi Thủ tướng Hun Sen, 6 Dân Biểu Hoa Kỳ thuộc Uỷ Hội Nhân Quyền Tom Lantos yêu cầu chính phủ Cam Bốt không đẩy lùi các người Thượng về lại Việt Nam, là nơi họ có thể bị ngược đãi. Ngày 29 tháng 11 chính phủ Cam Bốt gởi văn thư cho Cao Uỷ Tị Nạn Liên Hiệp Quốc để yêu cầu đóng cửa cơ sở đang dùng làm nơi tạm trú cho các người dân tộc thiểu số Tây Nguyên đến từ Việt Nam. Chính phủ Cam Bốt yêu cầu Cao ủy di chuyển số trên 70 người Thượng đang tạm trú, hoặc định cư hoặc hồi hương họ, và phải hoàn tất trước đầu năm 2011.

Tin này chỉ được tiết lộ ngày 14 tháng 12 khi tờ Phnom Penh Post lấy được bản sao của văn thư. Qua những tin riêng từ cộng đồng bảo vệ nhân quyền, hiện vẫn còn khoảng 300 người Thượng còn đang ở trong tù vì đã tham gia các cuộc biểu tình năm 2001, 2002, 2004 và 2008. Tháng 11 vừa qua, nhà cầm quyền Cộng sản Việt Nam đã xử án hai Mục Sư Tin Lành và gia tăng áp lực các tín hữu người Thượng bỏ đạo. Ðồng thời, nhà nước cũng đã có những động thái đàn áp giáo dân Công Giáo người Thượng ở các tỉnh Kontum, Gia lai và Dak Lak, làm cho vị Giám Mục Giáo Phận Kontum đã phải lên tiếng phản đối. Trước tình trạng khẩn cấp do thời hạn của chính phủ Cam Bốt đưa ra, chính phủ Canada đang làm việc với Cao ủy Tỵ Nạn để định cư số 62 người Thượng đã được xét là tị nạn. Ðồng thời Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ cho biết rằng trong số này những ai có thân nhân trực hệ ở Hoa Kỳ thì sau đó vẫn có thể nhập cảnh Hoa Kỳ theo diện đoàn tụ tị nạn hay di dân.

Dân biểu Christopher Smith và Dân biểu Tom Lantos cùng Dân biểu Cao Quang Ánh đã hỗ trợ cho nỗ lực chung này. Sự quan tâm của các vị dân biểu Hoa Kỳ được thể hiện qua văn thư của Uỷ Hội Nhân Quyền Tom Lantos gởi cho Thủ tướng Hun Sen. Văn thư nhắc nhở lại một sự kiện tương tự cách đây đúng một năm khi ngày 20 tháng 12 năm ngoái, chính phủ Cam Bốt đã trục xuất 20 người tị nạn gốc thiểu số Uyghur về lại Trung Cộng.

Từ khi hồi hương, chính phủ Trung Cộng không hề cho biết về hiện tình của số 20 người này và từ chối cung cấp tin tức về tình trạng cũng như sự an nguy của họ. Các vị dân biểu Hoa Kỳ ký văn thư gồm có: Dân biểu Frank Wolf, Dân biểu Joseph Cao, Dân biểu Zoe Lofgren, Dân biểu Christopher Smith, Dân biểu Joseph Pitts và Dân biểu Trent Franks.(SBTN)