MỸ TRUNG CẠNH TRANH QUYỀN LỰC VÀ TRANH CHẤP BIỂN ÐÔNG

@ 5 January 2011 05:17 PM
Tin tổng hợp - Hiện đang có sự nghi kỵ, bất tín đáng kể giữa Hoa Kỳ và Trung Cộng khi hai cường quốc này ra sức gây ảnh hưởng trên thế giới, nhất là tại khu vực Biển Ðông. Tạp chí The Economist mới đây qua bài tựa đề Sự Nguy Hiểm Của Một Nước Trung Cộng Trỗi Dậy, cho rằng rắc rối đang xảy ra là 2 siêu cường Mỹ-Trung đang lâm vào tình trạng ngày càng bất tín nhiệm nhau. Khi đề cập tới vị thế của Trung Cộng trên bình diện quốc tế, chuyên gia Bonnie Glaser thuộc Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế trụ sở tại thủ đô Washington nhận xét rằng sự bất tín nhiệm chiến lược giữa Hoa Kỳ và Trung Cộng tiếp tục nghiêm trọng thêm. Cựu Ngoại trưởng Mỹ Henry Kissinger cũng bày tỏ quan ngại về nguy cơ giới lãnh đạo Mỹ-Trung trong vòng một thập niên sắp tới đang gieo nền móng thù nghịch đáng ngại, mặc dù trước kia ông Kissinger tin chắc rằng Hoa Kỳ và Trung Cộng cùng có lợi qua sự hợp tác, chứ không phải kình chống nhau. Và tờ The Economist cũng cảnh báo thêm rằng hiện không có nơi nào diễn ra sự kình chống manh nha nhưng gay gắt như giữa quân lực Mỹ và quân đội Bắc Kinh.

Một trong những mối quan ngại của Hoa Kỳ, và nhiều nước khác, là Bắc Kinh xem chừng như ngày càng ráo riết hiện đại hóa quân đội, đặc biệt tăng cường lực lượng hải quân ở Biển Ðông và có hành động ngày càng gây hấn, cao ngạo hơn. Báo Washington Post trích dẫn một bản phúc trình của Bộ Quốc Phòng Mỹ lưu ý rằng Bắc Kinh hiện đã thay đổi cách suy nghĩ về quân sự: Trước đây họ chú trọng tới chủ quyền Hoa Lục hàm ý rằng binh sĩ Trung Cộng chỉ bám theo vùng biên giới, nhưng giờ Bắc Kinh đang chú trọng tới sách lược nhằm bảo vệ điều mà Bắc Kinh tự cho là quyền lợi Trung Cộng ở khắp hoàn cầu.

Cựu Phó Ðô Ðốc Mỹ Eric McVadon, chuyên gia cao cấp nghiên cứu vùng Á châu-Thái Bình Dương mới đây lưu ý rằng quy mô và mức độ đe doạ nghiêm trọng của Quân đội Nhân dân Trung Cộng hiện đã quá rõ rệt. Về mặt an ninh quốc phòng, thì không những Mỹ mà nhiều nước khác cũng quan tâm đến chương trình hiện đại hóa quân đội của Trung Cộng. Hoa Kỳ muốn Trung quốc phải minh bạch hơn trong vấn đề này. Nhưng ngược lại Trung Cộng là nước có thể thách thức vị thế lãnh đạo của Hoa Kỳ. Trong bối cảnh như vậy, hiện giới ngoại giao, các nhà hoạch định chính sách cùng học giả ngày càng giảm bớt sự tin tưởng rằng Hoa Lục có thể là một siêu cường hòa bình trong tương lai. Gần đây nhiều hành động gây hấn ngày càng đáng ngại của Bắc Kinh khiến người ta lại càng giảm đi sự tin tưởng như vậy, từ vụ tàu Trung Cộng đâm tàu tuần duyên Nhật Bản ở khu vực quần đảo mà Tokyo gọi là Senkaku, Trung Cộng gọi Ðiếu Ngư, qua đó phía Bắc Kinh đòi Tokyo xin lỗi, cho tới chuyện Hoa Lục bày tỏ thái độ bao che Bắc Hàn sau khi có bằng chứng rằng Bình Nhưỡng là thủ phạm bắn chìm chiến hạm Cheonan của Nam Hàn khiến 46 thuỷ thủ tử vong, và bao che cả chuyện Bắc Hàn pháo kích Miền Nam.

Ðó là chưa kể tàu Trung Cộng nhiều lần sách nhiễu táo bạo tàu hải quân Mỹ, kể cả Khu trục hạm USS John S. McCain và tàu thăm dò đại dương USNS Impeccable. Nhưng có lẽ hành động đáng ngại hàng đầu từ Hoa Lục là Bắc Kinh tự khẳng định có chủ quyền gần trọn Biển Ðông, cho đây là quyền lợi cốt lõi của họ khiến Hoa Kỳ qua Ngoại trưởng Hillary Clinton, tuyên bố khu vực Biển Ðông cũng là quyền lợi quốc gia của Hoa Kỳ. Các quan sát viên cho rằng biển Ðông sẽ là điểm nóng nhất của thế giới trong năm nay, và Việt Nam chắc chắn sẽ bị lôi cuốn vào những tranh chấp này.(SBTN)