BAN LÃNH ÐẠO MỚI CỦA ÐẢNG CỘNG SẢN SẼ KHÔNG CÓ BẤT NGỜ

@ 18 January 2011 07:36 AM
Tin Hà Nội - Ngày mai theo dự trù, các đại biểu dự Ðại hội Ðảng Cộng sản Việt Nam lần thứ 11 sẽ bầu Ban Chấp hành Trung ương khóa mới, gồm 175 ủy viên chính thức và 25 ủy viên dự khuyết. Từ Ban chấp hành mới này sẽ bầu Tổng bí thư. Tuy nhiên các nhà quan sát ngoại quốc cũng như Việt Nam đều không trông chờ một bất ngờ nào từ Ðại hội, vì mọi quyết định đã được thông qua từ trước. Hãng tin AFP trích lời một nhà ngoại giao ngoại quốc nhấn mạnh mọi việc đã sẳn sàng. Nhà ngoại giao này không chờ đợi có thay đổi gì về mặt nhân sự lãnh đạo, cũng như về mặt ý thức hệ từ một đảng cho tới nay vẫn quen cải tổ theo kiểu nhỏ giọt. Dường như Ðại hội lần này sẽ không bầu trực tiếp Tổng bí thư. Nhân vật được coi là rất bảo thủ, vừa thân Trung Cộng, vừa không có mâu thuẩn gì lớn với bất cứ phe phái nào trong đảng.

Ông Nguyễn Phú Trọng 66 tuổi, trên nguyên tắc sẽ lên làm Tổng bí thư thay thế ông Nông Ðức Mạnh. Còn Nguyễn Tấn Dũng 61 tuổi đã sống sót sau khi bị các đối thủ tấn công kịch liệt, dường như sẽ nắm quyền Thủ tướng thêm một nhiệm kỳ, nhờ có quan hệ chặt chẽ với giới báo chí trong nước, giới doanh nghiệp và các nước Tây phương. Cũng trên nguyên tắc, bộ ba lãnh đạo sẽ bao gồm Trương Tấn Sang 61 tuổi, Thường trực Ban bí thư sẽ lên làm chủ tịch Nước, một chức vụ không có thực quyền.

Tuy nhiên theo nhận định của AFP, Ðảng Cộng sản lần này cho các đại biểu một khuôn khổ hành động rộng rãi hơn bình thường, ba ứng cử viên vào Bộ Chính trị đã bị Ban Chấp hành gạt bỏ không thương tiếc, kết quả của cái gọi là dân chủ nội bộ. Một nguồn tin thân cận với đảng nói với AFP rằng chính vì vậy mà các ủy viên trung ương rất phấn khởi và nói đây đúng là một kỳ họp dân chủ, họ cũng nghĩ rằng xu hướng này sẽ tiếp diễn. Theo lời ông Carlyle Thayer, chuyên gia về Việt Nam thuộc Học viện Quốc phòng Úc, qua việc này, Ðảng Cộng Sản Việt Nam chứng tỏ khả năng tự điều chỉnh và tự thích ứng một cách nhẹ nhàng và nhất là dưới sự kiểm soát. Vị chuyên gia này nhận định điều đó không làm thay đổi bản chất độc đoán của chế độ, nhưng có những người trong đảng muốn thúc đẩy thay đổi. Ban lãnh đạo mới của đảng cũng sẽ không khoan nhượng đối với các nhà đối lập.

Năm ngoái khi các phe nhóm trong đảng đấu đá tranh giành quyền lực với nhau, nhiều nhà hoạt động dân chủ và blogger đã bị bắt. Các tổ chức bảo vệ nhân quyền và một số nước Tây phương đã phản đối. Trong một xã hội mà ảnh hưởng của Internet ngày càng lớn, Ðảng Cộng Sản Việt Nam vẫn kiên quyết chống lại cái mà họ gọi là những thế lực thù địch vẫn có âm mưu gây diễn biến hòa bình.(SBTN)

{nl}{nl}