NHÂN QUYỀN SẼ TIẾP TỤC BỊ CHÀ ÐẠP Ở VIỆT NAM

@ 22 January 2011 09:30 AM
Tin tổng hợp - Các nhà hoạt động nhân quyền quốc tế cho biết không có dấu hiệu nào cho thấy tình hình nhân quyền Việt Nam sẽ được cải thiện dưới đội ngũ lãnh đạo mới vừa được bầu ra tại Ðại hội Ðảng kỳ 11 vào tuần qua tại Hà Nội. Tại cuộc họp báo hôm thứ tư vừa qua ở Hà Nội, Thứ trưởng Ngoại giao Cộng sản Việt Nam Phạm Bình Minh cho biết Việt Nam luôn quan tâm đến quyền con người. Phát biểu với báo chí ngay sau phiên bế mạc Ðại hội Toàn quốc lần thứ 11 của Ðảng Cộng Sản Việt Nam, họ Phạm nói Nhà nước Việt Nam luôn có các chính sách để người dân được hưởng tốt nhất các quyền của mình và trên thực tế, các quyền này đã được bảo đảm thực hiện.

Thế nhưng nhiều nhân vật hoạt động cho nhân quyền nói không có dấu hiệu nào cho thấy là tình hình nhân quyền Việt Nam sẽ được cải thiện dưới đội ngũ lãnh đạo mới của Ðảng Cộng Sản Việt Nam sau kỳ Ðại hội Ðảng vừa qua. Các nhà quan sát cũng cho rằng tuy ban lãnh đạo mới sẽ tiếp tục cải cách kinh tế nhưng họ sẽ không thay đổi về chính trị, họ vẫn kiên quyết không chấp nhận đa nguyên đa đảng và những người tranh đấu cho dân chủ và nhân quyền ở Việt Nam vẫn tiếp tục bị đàn áp. Ông Võ Văn Ái, Chủ tịch Ủy ban Bảo vệ Quyền làm người Việt Nam, đã bày tỏ một cái nhìn khá bi quan về triển vọng cải thiện nhân quyền ở Việt Nam dưới sự cai trị của Ðảng Cộng Sản do Nguyễn Phú Trọng làm Tổng bí thư. Ông nói những dấu hiệu gần đây cho thấy rằng nhân quyền chưa được mở ra mà đã bị bóp nghẹt trên phương diện ngôn luận và báo chí.

Và một mặt khác, ông thấy rằng tại cuộc họp báo hôm khai mạc của Ðại hội, Tổng biên tập của tờ báo Nhân dân của Ðảng, đã tuyên bố một cách rõ ràng là chống lại đa nguyên đa đảng. Nhân quyền không biết làm sao có thể thực hiện được khi mà một đảng độc tài cứ tiếp tục ngự trị trên đầu dân! Ðó là hai dấu hiệu cho mọi người thấy không có con đường ra của vấn đề nhân quyền.

Ông Phil Robertson, Phó giám đốc bộ phận Á châu của tổ chức nhân quyền Human Rights Watch, cũng có một nhận xét tương tự khi cho biết trong suốt quá trình vừa qua là một phản ứng rất bảo thủ, chú trọng quá độ tới an ninh quốc gia, đối với những sự cởi mở về kinh tế và chính trị. Theo nhận xét của ông, trong thời gian trước Ðại hội Ðảng đã có một chiến dịch đàn áp dữ dội nhắm vào các nhân vật bất đồng chính kiến và những tiếng nói phê phán. Giờ đây ông dự báo là tình hình sẽ không có gì thay đổi. Không có dấu hiệu nào là những vụ vi phạm nhân quyền ở Việt Nam sẽ giảm đi. Chẳng những thế mà ông còn cảm thấy lo ngại hơn vì nhận thấy trong cơ quan lãnh đạo cao nhất của đảng có hai nhân vật của ngành công an. Cũng như các nhà hoạt động khác của các tổ chức tranh đấu cho nhân quyền và tự do báo chí quốc tế, ông Robertson tỏ ý lo ngại về Nghị định 211 của chính phủ Việt Nam. Ông nói nghị định được ban hành ngay trước Ðại hội Ðảng và sẽ bắt đầu có hiệu lực từ ngày 25 tháng 2. Nghị định này sẽ hạn chế thêm nữa các quyền của những người làm báo và những người cầm bút.

Ông Robertson cho rằng Việt Nam đang đi theo một con đường không khác gì mấy so với Trung Cộng là cởi mở kinh tế trong lúc bóp nghẹt tự do chính trị. Cả hai đều tìm cách thu hút thêm đầu tư nước ngoài trong lúc duy trì sự kiểm soát chặt chẽ đối với việc bày tỏ ý kiến chính trị, đối với internet và các hoạt động truyền thông, và dĩ nhiên là đối với các quyền tự do tụ họp và tự do lập hội.(SBTN)

{nl}{nl}