CAMPUCHIA BÊNH VỰC QUYẾT ÐỊNH ÐÓNG CỬA TRẠI TỊ NẠN NGƯỜI VIỆT

@ 22 January 2011 09:37 AM
Tin Nam Vang - Trong một tin khác, hôm nay chính phủ Cam Bốt đã lên tiếng bênh vực quan điểm đóng cửa một trung tâm tị nạn Liên Hiệp Quốc ở thủ đô Phnom Penh, nơi cư ngụ của hàng chục người Thượng Việt Nam. Trong một bức thư đề ngày 14 tháng Giêng gởi tới 6 Dân biểu Hoa Kỳ, Thủ tướng Campuchia Hun Sen cho biết Campuchia đã gia hạn hợp tác vượt quá cả thời gian của một thỏa thuận kéo dài 5 năm với Cao Ủy Tỵ nạn Liên Hiệp Quốc cũng như với nhà nước Cộng sản Việt Nam. Bức thư của ông Hun Sen có đoạn cho biết Khi ký thỏa thuận, biên bản ghi nhớ chỉ đề cập tới việc cung cấp chỗ ở tạm cho khoảng 750 người Thượng, nhưng tới nay đã có nhiều trường hợp hơn được giải quyết. 932 người Thượng đã được trao quy chế tị nạn và sang định cư tại nước thứ ba.

Thủ tướng Hun Sen nêu nhận định vừa kể sau khi một nhóm các Dân biểu do dân biểu Cộng hòa Frank Wolf của bang Virginia đã bày tỏ quan ngại về số phận của 76 người Thượng Việt Nam vẫn còn ở tại trại tị nạn trong khi ngày đóng cửa trại là 15 tháng 2 đang gần kề. Các dân biểu Hoa Kỳ cho rằng theo các quy định của Liên Hiệp Quốc, Campuchia bị cấm bắt buộc những người tị nạn phải trở về những nơi mà họ có thể bị đàn áp. Ðáp lại, ông Hunsen nói những người Thượng không thể xin đi tị nạn và bị đưa trở về Việt Nam đã hòa nhập tốt vào xã hội mà không bị đàn áp.

Trong khi đó, Ðại sứ Campuchia tại Hoa Kỳ là Hem Heng, cho rằng không có lý do gì phải quan ngại về việc đóng cửa trại tị nạn vừa kể. Ông Hem Heng nói Việt Nam hiện là một quốc gia với nền kinh tế tăng trưởng nhanh, hiện không còn chiến tranh ở nước này, nên không còn người tị nạn nữa, nên chính phủ Campuchia đã quyết định đóng cửa trại tị nạn. Một nguồn tin nói với báo chí rằng chỉ có 65 trong số 76 người Thượng hiện ở trong trại tị nạn ở Campuchia sẽ được cấp quy chế tị nạn, còn những người còn lại sẽ bị đưa trở về Việt Nam. Hàng ngàn người Thượng đã chạy sang Campuchia từ năm 2001, khi Việt Nam đàn áp các cuộc biểu tình phản đối các vụ tịch thu đất đai và giới hạn các hoạt động tôn giáo. Nhóm tỵ nạn hiện nay là đợt tỵ nạn cuối cùng trong nhóm 1812 người sắc tộc thiểu số đã được Cao Ủy Tỵ nạn Liên hiệp quốc bảo trợ từ năm 2006. Trong số này, 999 người đã được định cư, phần lớn tại Hoa Kỳ, và 751 người đã bị gửi trả về Việt Nam.(SBTN)

{nl}{nl}