TỔNG KẾT TÌNH HÌNH VIỆT NAM NĂM CANH DẦN

@ 4 February 2011 07:49 AM
Hôm nay là ngày mùng 1 Tết, chúng ta hãy nhìn lại tình hình Việt Nam trong một năm qua. Việt Nam trong năm 2010 cũng có chút thành tựu về mặt ngoại giao. Với việc tổ chức 2 hội nghị ASEAN và Ðông Á, Việt Nam đã thu hút được sự chú ý của công luận trong vùng. Hơn thế nữa, trong một phát biểu đưa ra tại Hà Nội, nữ Ngoại trưởng Hillary Clinton đã lên tiếng chính thức xác định rằng Hoa Kỳ xem Biển Ðông là quyền lợi quốc gia của nứơc này.

Trước đó Trung Cộng cho Biển Ðông là quyền lợi cốt lõi đã trở thành mối bận tâm cho nhiều nước trong đó có Việt Nam.

Giáo sư Carl Thayer, chuyên gia nghiên cứu quân sự kiêm giám đốc Diễn Ðàn Nghiên Cứu Quốc Phòng của Úc đã nhận xét việc Nga tham gia vào hội nghị Ðông Á là một chuyển biến thuận lợi cho Việt Nam. Ông nói Nga là nước có thế mạnh về năng lượng, như khí đốt, dầu hỏa, và quan trọng hơn nữa là Nga có khả năng cao về sản xuất năng lượng điện nguyên tử. Việt Nam cũng rất cần sự trợ giúp về tài chánh và Nga có khả năng này. Có 4 dự án nhà máy điện nguyên tử tại Việt Nam thì hai trong số đó đã được giao cho Nhật. Vì vậy hai quốc gia chính có nền công nghiệp điện nguyên tử cao đã được Việt Nam chọn, ngoại trừ Hoa Kỳ. Nga hiện đang là nước cung cấp vũ khí cho Việt Nam nên cơ hội kéo Nga lại gần với mình hơn của Việt Nam trong chiến lược bắt tay với nhiều nước đã có tác dụng. Bây giờ thì Nga đã trở lại cuộc chơi và Việt Nam rõ ràng đang ở thế có nhiều chọn lực trong chính sách lôi kéo thế giới về với mình.

Một sự kiện được người Việt hải ngoại rất quan tâm trong khi đồng bào trong nước lại không mấy chú ý đó là chuyến đi Việt Nam của Dân Biểu Cao Quang Ánh. Ông cho biết cảm nghĩ của ông về chuyến đi này, vì ngay lúc đầu chuyến đi của ông đến Việt Nam đã gây nhiều tranh cãi. Nhà cầm quyền Cộng sản Việt Nam không muốn cấp visa cho ông vì sợ có khả năng bùng nổ thành chuyện không hay, nhưng cuối cùng thì Hà Nội cũng phải cấp visa cho ông nhưng với điều kiện là ông không được gặp các nhà bất đồng chính kiến, không được tổ chức họp báo cũng như ra thông cáo báo chí, vì vậy ông phải đến Việt Nam và rời Việt Nam một cách yên lặng. Ông không nhận được bất cứ sự bảo đảm nào từ phía nhà nước, ngoại trừ việc họ nói họ sẽ xem xét. Theo ông thì hai bên đã có những cuộc nói chuyện có hiệu quả và tôi hy vọng là các vấn đề rồi sẽ được giải quyết.

Tuy thành công trong việc hướng dẫn dư luận quốc tế về phía mình, kể cả việc cho phép Dân biểu Cao Quang Ánh về Việt Nam, nhưng ngay vào những ngày cuối năm Việt Nam đã phạm một sai lầm trong cách ứng xử với nhân viên ngoại giao quốc tế khiến các hình ảnh Việt Nam hiếu khách vài tháng trước trở thành biến dạng, đó là việc ông Christian Marchant là tùy viên chính trị Tòa đại sứ Hoa Kỳ, bị công an hành hung khi tới thăm Linh Mục Nguyễn Văn Lý tại Nhà Chung Huế. Nhận xét việc này một nhà hoạt động nhân quyền cho biết mối quan hệ giữa Việt Nam và Hoa Kỳ đã và đang phát triển mạnh mẽ trong các năm qua cho nên Tòa Bạch Ốc sẽ dễ bỏ qua hơn đối với các vấn đề về quyền con người cũng như về tự do dân chủ tại Việt Nam.

Về lĩnh vực kinh tế, Vinashin là chủ đề gây bàn cãi gay cấn nhất. Hơn 4 tỷ đô la đã trôi ra biển khi bản thân con tàu Vinashin thì lại mắc cạn trong bờ. Nhận xét việc này chuyên gia kinh tế Lê Ðăng Doanh phát biểu: Vinashin đã xin quá nhiều đất và dùng đất đó để thế chấp vay ngân hàng, vì vậy cho nên số vốn vay của Vinashin so với vốn tự có là rất lớn và dùng cái vốn đó để đầu tư vào quá nhiều các công ty hay các dự án. Vinashin có những hơn 200 công ty. Ở Thanh Hóa có trang trại nuôi heo Vinashin. Ở đường Lê Duẫn ở Hà Nội có một salon bán xe hơi Vinashin. Ở Tam Ðảo có một khu nghỉ dưỡng mang nhãn hiệu Vinashin. Tất cả các điều đó là điều hết sức không bình thường, trong khi đầu tư vào ngành đóng tàu của Vinashin thì chậm tiến triển và thua lỗ rất là nghiêm trọng.

Tiến sĩ Nguyễn Quang A nhận xét mấu chốt sâu xa gây ra biến cố Vinashin là do từ cơ chế, và trách nhiệm cuối cùng vẫn là nhà nước. Ông nói trách nhiệm đầu tiên là của chính phủ và những người lãnh đạo, và sau đó là đến các nhân vật lãnh đạo của Vinashin. Việc thành lập các tập đoàn như thế là nó không phù hợp với bất kỳ luật lệ hiện hành nào ở Việt Nam. Trái bom Vinashin đã làm rúng động các buổi chất vấn tại Quốc Hội, đến nỗi Ðại Biểu Nguyễn Minh Thuyết, người nổi tiếng là có những câu hỏi gay gắt và trực diện nhất, đã đề nghị Quốc Hội thành lập một ủy ban lâm thời để điều tra và nếu cần bãi nhiệm cả Thủ tướng để công tác điều tra khách quan hơn. Sau đó một ngày, trang web nhà nước đăng một bài viết phê phán ý kiến của ông Thuyết, cho thấy nhà nước Cộng sản Việt Nam sẵn sàng trả thù một cách đê hèn những người phê bình bằng những công cụ báo chí do nhà nước kiểm soát.

Năm 2010 cũng là năm đầy tai họa cho các nhà đấu tranh dân chủ, người được báo chí thế giới chú ý nhất là Tiến sĩ Luật Cù Huy Hà Vũ, ông bị bắt và bị truy tố với tội tuyên truyền chống phá nhà nước, nhưng thật ra ai cũng biết nguyên nhân sâu xa là việc Tiến sĩ Cù Huy Hà Vũ nộp đơn yêu cầu bãi chức Thủ tướng Cộng sản Việt Nam Nguyễn Tấn Dũng, vì nhân vật này đã ký tên cho phép khai thác bauxite Tây Nguyên. Trong một lần trả lời phỏng vấn của RFA ông nói việc mà ông kiện Nguyễn Tấn Dũng vì đã ban hành một quyết định trái pháp luật, trái với những luật đã được ban hành, ví dụ quyết định đó trái Luật Bảo Vệ Môi Trường, quyết định đó trái với Luật Quốc Phòng, rồi trái Luật Di Sản Văn Hóa, hình thức và nội dung văn bản trái nốt cả cái Luật Ban Hành Văn Bản vi phạm pháp luật. Ông Cù Huy Hà Vũ sau đó đã bị bắt giữ khi vào Saigon và gặp gỡ một nữ luật sư khác tại một khách sạn, lúc đầu Công an cho rằng ông này bị bắt vì tội mua dâm, nhưng sau đó nhà nước đã không cần phải dàn cảnh nữa và tuyên bố bắt giữ ông ta về tội tuyên truyền chống phá nhà nước.

Vụ án Cù Huy Hà Vũ sắp tới hứa hẹn rất nhiều gay cấn, ông này tuyên bố sẽ chống tới cùng và sẽ đưa ra nhiều chi tiết mà Hà Nội chắc chắn sẽ phải nhức đầu đối phó. Bên cạnh việc bắt giữ Tiến sĩ Cù Huy Hà Vũ là một loạt các blogger khác cũng bị vào tù vì các nguyên nhân khác nhau nhưng ai cũng biết rằng họ bị bắt do các bài viết thẳng thắng chống lại nhà nước cũng như cổ vũ cho tự do dân chủ. Bác Sĩ Nguyễn Ðan Quế từ trong nước nhận xét rằng gần đây nhà cầm quyền Hà Nội đã gia tăng đàn áp những người tranh đấu cho nhân quyền, tự do, dân chủ tại Việt Nam. Ðây là một cuộc chiến đấu chung của tất cả các anh em đang tranh đấu, và Hà Nội vẫn làm ngơ trước những lời chỉ trích của các tổ chức nhân quyền cũng như những quốc gia yêu chuộng tự do trên thế giới.

Về tình trạng tranh chấp đất đai trong năm 2010 thành phố Ðà Nẵng đã vướng vào một chuyện sai lầm khi tấn công đám tang của cụ bà Hồ Nhu gây nên biến cố mang tên Cồn Dầu với một người chết, 6 người bị giam giữ và 45 người chạy sang Thái Lan tỵ nạn. Ðến cuối năm những giáo dân này đã nộp đơn kháng án lên tòa phúc thẩm, nhưng tòa này vẫn giữ y án của tòa trước. Các Dân biểu Hoa Kỳ đã lên án Hà Nội đàn áp tự do tôn giáo, và nhiều người đang vận động để đưa Cộng sản Việt Nam trở lại vào danh sách CPC. Năm 2010 cũng là năm cả Hà Nội như lên cơn sốt khi nhà nước khởi động một chiến dịch quy mô để ăn mừng Thăng Long 1000 năm tuổi.

Cho tới những ngày cuối năm rồi mà vẫn chưa thấy báo cáo chính thức Hà Nội đã tốn bao nhiêu cho lễ hội này. Những người trong nước cho rằng đây là một lễ hội để các cán bộ nhà nước tiêu tiền vô tội vạ lên đến hàng tỷ tỷ đồng. Ðại lễ Ngàn Năm Thăng Long khách quan mà nói tuy hoành tráng và đạt được những mục tiêu mà nhà cầm quyền cộng sản Hà Nội tuyên bố trên báo chí nhưng trong khi đại lễ diễn ra thì hàng trăm ngàn người dân tại nhiều tỉnh Miền Trung lâm vào tình trạng màn trời chiếu đất. Ba cơn lụt liên tiếp xảy ra trong vòng một tháng đã nhấn chìm nhiều tỉnh miền Trung, thiệt hại rất nặng nề nhưng cứu trợ của nhà nước thì vẫn nhỏ giọt, vẫn là mì khô và nước uống, trong khi những tin tức về nạn ăn chặn, xà xẻo tiền cứu trợ của các tổ chức thiện nguyện vẫn được báo chí đăng tải đầy dẫy kéo dài cho đến nay.

Trong những ngày cuối năm, có lẽ tin tức được giới quan sát chính trị quốc tế chú ý nhất là Ðại Hội Ðảng Cộng sản Việt Nam lần thứ 11 khép lại với thành phần nhân sự mới: Nguyễn Phú Trọng được Ðại Hội bầu vào chức Tổng Bí Thư, Trương Tấn Sang được bầu vào chức Chủ Tịch Nước, Nguyễn Sinh Hùng làm Chủ Tịch Quốc Hội và Nguyễn Tấn Dũng tiếp tục giữ chức Thủ tướng. Báo chí quốc tế thì cho rằng như vậy Nguyễn Tấn Dũng sẽ là người lèo lái con thuyền Việt Nam thêm một nhiệm kỳ nữa, trong khi người Việt Nam thì lo ngại về nhân vật đứng đầu đảng Cộng sản là Nguyễn Phú Trọng được coi là một thái thú của Trung cộng, người được Bắc Kinh hỗ trợ làm cho mối lo về âm mưu bành trướng và chiếm biển đảo của Trung cộng đối với Việt Nam lại càng lộ rõ hơn bao giờ hết. Trong lúc Hoa Kỳ tuyên bố muốn quay trở lại Ðông Nam Á và hy vọng hợp tác chiến lược với Việt Nam cùng những quốc gia trong vùng, thì thành phần nhân sự mới của đảng Cộng sản Việt Nam lại làm cho người ta tiên đoán rằng Hà Nội sẽ tiếp tục thần phục đàn anh Trung cộng một cách đê hèn và khiếp nhược như những năm trước, mà không có một dấu hiệu nào cho thấy việc này sẽ suy giảm hay có hy vọng sẽ thay đổi.

Cuối năm Canh Dần cũng đánh dấu cuộc nổi dậy của người dân đòi dân chủ tự do tại Tunisia, sau đó lan sang Ai Cập rồi Algeria, Yemen, Jordan và những nước vùng Trung Ðông. Cả thế giới đang chứng kiến những giây phút lịch sử giống như giai đoạn khối Cộng sản Ðông Âu bị sụp đổ. Người Việt tha hương đón mừng năm Tân Mão với một tâm trạng u hoài, liệu không biết tại Việt Nam làn sóng dân chủ liệu có đến với quê hương của chúng ta như các nước nói trên hay không? Hãy mong rằng giấc mơ đó sẽ trở thành sự thật trong năm nay.(SBTN)

{nl}{nl}