10 NGƯỜI THƯỢNG SẼ BỊ TRỤC XUẤT VỀ VIỆT NAM

@ 14 February 2011 09:32 AM
Tin Nam Vang - Chính phủ Cam Bốt cho biết sẽ kết thúc bản thỏa thuận thành lập trại tỵ nạn ký kết hồi tháng 5 năm 2005 giữa Chính phủ nước này với văn phòng Cao ủy tỵ nạn Liên Hiệp Quốc và nhà cầm quyền Cộng sản Việt Nam. Văn phòng Cao ủy tỵ nạn Liên Hiệp Quốc tại Cam Bốt cũng mới ra một thông cáo bày tỏ lời cảm ơn chính phủ Canada đã nhận 50 Thượng Tây Nguyên thoát nạn từ Việt Nam cho sang nước này để bắt đầu cuộc sống mới, sau khi họ đã tạm trú ở trại tỵ nạn Cam Bốt từ một đến sáu năm. Ðại diện khu vực của văn phòng Cao ủy tỵ nạn là ông Jean-Noẻl Wetterwald cho biết trong một thông cáo sau khi thảo luận với chính phủ hoàng gia xứ chùa Tháp và các đối tác, họ rất biết ơn đến Chính phủ Canada đã mở cửa cho những cá nhân người Thượng cần một nơi mới để sống, và cho con cái của họ có điều kiện được giáo dục. Lòng hảo tâm của chính phủ Canada cho thấy tầm quan trọng của việc tái định cư là một trong những cách làm của Cao ủy Tỵ Nạn và các nước tài trợ cùng nhau làm việc để bảo vệ người tỵ nạn.

Theo một thông cáo cho biết sau khi đóng cửa trại tỵ nạn, trong tương lai bất kể người tỵ nạn từ đâu đến Cam Bốt để xin tỵ nạn, thì sẽ được cứu xét bởi Chính phủ Cam Bốt. Thông cáo còn cho biết thêm trong 50 người đi Canada, gồm 32 nữ và 18 nam. Trong số 50 người đó có 37 là người dân tộc Jarai, đã rời Cam Bốt để sang định tại thành phố Québec của Canada trong tuần qua. Những nhóm người này có độ tuổi từ 6 tháng đến 57 tuổi. Hầu hết những người lớn là nông dân hay thợ dệt ở Việt Nam, và một số người đã được được học máy tính cơ bản và tiếng Anh tại trại tỵ nạn ở thủ đô Nam Vang.

Hoa Kỳ cũng chấp nhận 4 người Thượng tỵ nạn và một người đến nhập cư sau khi chính phủ Cam Bốt đóng cửa trại người Thượng tỵ nạn của Cao ủy Tỵ Nạn tại thủ đô Nam Vang vào tháng 2 năm 2011. Trong số 75 người, có 55 người sẽ được sang định cư tại Canada và Hoa Kỳ, tuy nhiên 10 người còn lại không được cấp quy chế tỵ nạn sẽ bị buộc hồi hương về Việt Nam. Một người Thượng đang sống tại trại tỵ nạn dấu tên cho biết ông bị văn phòng Cao ủy tỵ nạn Liên Hiệp Quốc từ chối cấp quy chế vì cho rằng theo lời khai và mô tả của ông trong thời gian phỏng vấn thì ông không chứng minh được đã bị Cộng sản Việt Nam đối xử ngược đãi, đàn áp về tôn giáo, về quốc tịch, hoặc về quan điểm chính trị của cá nhân ông. Cho nên bên Cao ủy từ chối cấp quy chế và đề nghị ông cùng với 9 người khác tự nguyện ký tên về Việt Nam. Ông nói nếu tự nguyện ký tên thì về nhanh, đồ đạc họ cấp cho. Nếu không ký thì mai mốt có thể bị cưỡng bức, nên họ đã phải ký tên để xin về nước cho dù họ rất sợ hãi vì biết khi về Việt Nam sẽ bị gây khó dễ.

Trong số 10 người chưa được cấp quy chế như vừa nêu, thì có hai người từ chối tự nguyện ký tên về Việt Nam, chính vì họ nghĩ rằng nếu về họ sẽ bị đàn áp, chụp mũ hoặc sẽ bị đánh đập hay bỏ tù. Họ nói họ không thấy bất cứ tài liệu nào khác ngoài danh sách tự nguyện ký tên về nhà để bảo đảm cho họ được an toàn và yên tâm. Lãnh đạo tổ chức Nhân quyền LICADO tại Cam Bốt ông Om Samart bày tỏ rằng theo những thông tin trong và ngoài nước và báo cáo từ văn phòng Cao ủy tỵ nạn tại Việt Nam, thì trước đây Cộng sản Việt Nam không đàn áp hay tra tấn những người tỵ nạn bị trục xuất về nước. Tuy nhiên các tổ chức nhân quyền Quốc tế vẫn tỏ ra quan ngại và kêu gọi văn phòng Cao ủy tỵ nạn Liên Hiệp Quốc tại Việt Nam theo dõi tình hình tự do tín ngưỡng, đặc biệt là nhóm người Thượng buộc phải hồi hương về nước.(SBTN)