PHÓNG SỰ ÐẶC BIỆT TỪ VIỆT NAM: VIỆC BẠC ÐÃI VÀ GIẾT HẠI TÙ NHÂN VÀ THƯỜNG DÂN Ở VIỆT NAM NGÀY CÀNG NHIỀU

@ 17 February 2011 12:00 PM
Hôm nay trong tiết mục Phóng sự đặc biệt, thông tín viên SB-TN từ trong nước gởi ra bản tin về việc bạc đãi và giết hại tù nhân và thường dân ở Việt Nam, mời quý vị cùng theo dõi trong bản tin sau đây (video insert).

Tổ chức Theo dõi Nhân quyền, thường được biết với tên gọi Human Rights Watch, vừa ra tuyên bố hôm nay rằng nhà cầm quyền Việt Nam cần nhanh chóng mở các cuộc điều tra kỹ lưỡng và minh bạch về hàng loạt ca tử vong do công an sử dụng vũ lực chết người gây nên, và xử phạt những cán bộ có trách nhiệm trong việc này. Tổ chức Theo dõi Nhân quyền nói rằng họ ghi nhận được 19 trường hợp bạo hành của công an, dẫn đến cái chết của 15 người, do báo chí thuộc quản lý nhà nước đưa tin trong 12 tháng vừa qua.

Theo Tổ chức này, Hà Nội cần công khai thừa nhận vấn đề này và ban hành luật quy định rõ hành vi lạm quyền của công an ở mọi cấp bậc đều là phạm pháp, đồng thời khẳng định rõ bất kỳ cán bộ công an nào bị phát giác vi phạm đều phải chịu kỷ luật, và truy tố hình sự nếu cần thiết. Tình trạng công an bạo hành tại mọi miền ở Việt Nam được ghi nhận ở mức độ đáng báo động, làm gia tăng mối quan ngại sâu sắc rằng những vụ việc bạo hành lạm quyền lan rộng và có tính hệ thống, Ông Robertson, phó Giám đốc phụ trách châu Á của Tổ chức Theo dõi Nhân quyền phát biểu trong các trại giam ở Việt nam, tình trạng bạc đãi và đánh tù nhân đến chết hoặc trọng thương, cũng đã được báo chí trong nước loan báo, nhưng gần như không có ai phải chịu trách nhiệm.

Trong một số vụ việc, nạn nhân tử vong do bị đánh trong khi đang bị công an hoặc dân phòng giam giữ. Một số trường hợp khác, nạn nhân chết ở chỗ đông người do công an sử dụng bạo lực được ghi nhận là quá mức cần thiết. Nhiều cái chết như thế đã gây nên những cuộc biểu tình phản đối của dân chúng khắp Việt Nam trong năm vừa qua. Những trường hợp tử vong trong khi bị công an giam giữ hoặc chết dưới tay của công an được ghi nhận ở nhiều tỉnh thành, từ khu vực miền núi phía Bắc như Bắc Giang và Thái Nguyên, đến các thành phố lớn như Hà Nội và Ðà Nẵng, tới Quảng Nam ở ven biển miền Trung, hay Gia Lai ở vùng cao nguyên hẻo lánh, cho tới các tỉnh Hậu Giang và Bình Phước ở miền Nam. Trong nhiều trường hợp, nạn nhân tử vong tại nơi giam giữ bị bắt vì những vi phạm nhỏ.

Phần lớn hồ sơ công an đều khép lại với kết luận chết do bệnh tật. Thay vì bịt miệng báo chí hoặc chỉ cho phép phóng viên đăng bài sau khi được bật đèn xanh, nhà cầm quyền Việt Nam nên lùi lại và cho phép báo chí tiến hành phóng sự điều tra về các vấn đề như thế này. Ông Robertson tuyên bố báo chí độc lập có khả năng đưa ra ánh sáng những vụ việc lạm quyền mà công an và nhà cầm quyền địa phương muốn dấu nhẹm. Trong cả 19 vụ việc về công an bạo hành được ghi nhận kể từ tháng 9 năm 2009, chưa có báo cáo nào cho thấy công an bị tòa kết án vì hành vi của mình. Ông Robertson kết luận chừng nào mà công an chưa nhận được thông điệp từ mọi cấp nhà cầm quyền rằng họ sẽ bị truy cứu và trừng phạt, có rất ít đối trọng để ngăn họ không tiếp diễn các hành vi lạm quyền, bạo hành kiểu này, kể cả đánh người đến chết.(SBTN)

{nl}{nl}