HÔM NAY KỶ NIỆM 32 NĂM CUỘC CHIẾN VIỆT TRUNG NĂM 1979

@ 18 February 2011 08:30 AM
Chiến tranh Việt Trung năm 1979 hay thường được gọi là Chiến tranh biên giới là một cuộc chiến ngắn nhưng khốc liệt giữa Trung cộng và đàn em là Cộng sản Việt Nam, nổ ra vào vào ngày 17 tháng 2 năm 1979 khi Trung Cộng xua quân tấn công Việt Nam trên toàn tuyến biên giới trên bộ giữa hai nước. Chiến tranh xuất phát từ quan hệ căng thẳng kéo dài giữa hai quốc gia và ý đồ dạy cho Việt Nam một bài học của Ðặng Tiểu Bình, kéo dài trong chừng một tháng với thiệt hại nặng nề về người và tài sản cho cả hai phía. Cuộc chiến kết thúc khi Trung Cộng hoàn thành rút quân vào ngày 18 tháng 3 năm 1979, sau khi chiếm được các thị xã Lạng Sơn, Lào Cai, Cao Bằng, và một số thị trấn vùng biên. Mục tiêu của Trung Cộng buộc Việt Nam rút quân khỏi Cam Bốt không thành, nhưng cuộc chiến để lại hậu quả lâu dài đối với nền kinh tế Việt Nam và quan hệ căng thẳng giữa hai nước.

Xung đột vũ trang tại biên giới còn tiếp diễn thêm 10 năm. Hơn 13 năm sau, quan hệ ngoại giao Việt-Trung chính thức được bình thường hóa. Tuy được sự giúp đỡ rất lớn của Trung Cộng trong chiến tranh Ðông Dương và Chiến tranh Việt Nam, các rạn nứt trong quan hệ ngoại giao giữa Cộng sản Việt Nam và Trung Cộng đã bắt đầu thể hiện từ năm 1968. Sau khi Hà Nội đưa quân tấn công Cam Bốt để lật đổ chế độ Pol Pot và đưa Hun Sen lên nắm quyền, Bắc Kinh cho rằng Việt Nam vô ơn, ngạo ngược và cắt toàn bộ viện trợ cho Hà Nội. Thêm vào đó Hà Nội đã ra lệnh trục xuất người Hoa cư ngụ ở vùng Chợ Lớn, khiến cho những người này phải hồi hương hoặc tìm cách trốn sang Hong Kong để tỵ nạn. Ðặng Tiểu Bình vì thế ra lệnh tấn công và tuyên bố Việt Nam là côn đồ, phải dạy cho Hà Nội một bài học.

Dấu hiệu đầu tiên của chiến tranh là việc Trung Cộng cắt đứt tuyến đường sắt Hữu Nghị nối liền hai nước vào ngày 22 tháng 12 năm 1978. Ðến cuối tháng 1 năm 1979, khoảng 17 sư đoàn chính quy Trung Cộng đã tập trung gần biên giới với Việt Nam. 5 giờ sáng ngày 17 tháng 2 năm 1979, lực lượng Trung Cộng khoảng 120,000 quân bắt đầu tiến vào Việt Nam trên toàn tuyến biên giới, mở đầu là pháo, tiếp theo là xe tăng và bộ binh. Cánh phía Ðông có sở chỉ huy tiền phương đặt tại Nam Ninh và mục tiêu chính là Lạng Sơn. Tổng cộng quân Trung Cộng xâm nhập Việt Nam trên 26 điểm, các khu vực dân cư Việt Nam chịu thiệt hại nặng nhất từ đợt tấn công đầu tiên này là Lào Cai, Mường Khương, Cao Bằng, Lạng Sơn và Móng Cái. Không quân và hải quân không được sử dụng trong toàn bộ cuộc chiến. Tất cả các hướng tấn công đều có xe tăng, pháo binh hỗ trợ. Quân Trung Cộng vừa chiếm ưu thế về lực lượng, vừa chủ động về thời gian tiến công, lại còn có lực lượng thứ năm gồm những người Việt gốc Hoa cài cắm từ lâu trên đất Việt Nam. Từ đêm 16 tháng 2, các tổ thám báo Trung Cộng đã luồn sâu vào nội địa Việt Nam, trước giờ nổ súng, các lực lượng này cũng bí mật cắt các đường dây điện thoại để cô lập chỉ huy sư đoàn. Tiến nhanh lúc khởi đầu, nhưng quân Trung Cộng nhanh chóng phải giảm tốc độ do gặp nhiều trở ngại về địa hình và hệ thống hậu cần lạc hậu phải dùng lừa, ngựa và người thồ hàng. Hệ thống phòng thủ của Việt Nam dọc theo biên giới rất mạnh, với các hầm hào hang động tại các điểm cao dọc biên giới do lực lượng quân sự có trang bị và huấn luyện tốt trấn giữ. Kết quả là Trung Cộng phải chịu thương vong lớn.

Trong ngày đầu của cuộc chiến, chiến thuật dùng biển lửa và biển người của Trung Cộng đã có kết quả tốt, họ tiến được vào sâu trong lãnh thổ Việt Nam hơn 10 dặm và chiếm được một số thị trấn. Chiến sự ác liệt nhất diễn ra tại các vùng Bát Xát, Mường Khương ở Tây Bắc và Ðồng Ðăng, cửa khẩu Hữu Nghị, Thông Nông ở Ðông Bắc. Quân Trung Cộng cũng đã vượt sông Hồng và đánh mạnh về phía Lào Cai. Những ngày sau chiến sự lan rộng hơn. Việt Nam kháng cự rất mạnh và với tinh thần chiến đấu cao. Quân Trung Cộng hầu như không thể sử dụng lực lượng ở mức sư đoàn mà phải dùng đội hình nhỏ và thay đổi chiến thuật. Họ tiến chậm chạp, giành giật từng đường hầm, từng điểm cao, và cuối cùng cũng chiếm được Mường Khương, Trùng Khánh, và Ðồng Ðăng. Có ít nhất 4000 lính Trung Cộng chết trong hai ngày đầu này. Sau hai ngày chiến tranh, quân Trung Cộng đã chiếm được 11 làng mạc và thị trấn, đồng thời bao vây Ðồng Ðăng, thị trấn có vị trí then chốt trên đường biên giới Trung-Việt. Trận chiến tại Ðồng Ðăng bắt đầu ngay từ ngày 17 và là trận ác liệt nhất kéo dài cho đến ngày 22.

Tuy nhiên sau đó Mạc Tư Khoa yêu cầu Trung Cộng rút quân. Liên Xô cũng viện trợ gấp vũ khí cho Việt Nam qua cảng Hải Phòng, đồng thời dùng máy bay vận tải chuyển một số sư đoàn chủ lực của Việt Nam từ Campuchia về. Ngày 5 tháng 3 năm 1979, Bắc Kinh tuyên bố đã hoàn thành mục tiêu chiến tranh, chiến thắng và bắt đầu rút quân.

Cùng ngày Việt Nam ra lệnh tổng động viên toàn quốc. Ngày 7 tháng 3, Việt Nam tuyên bố rằng để thể hiện thiện chí hòa bình, Việt Nam sẽ cho phép Trung Cộng rút quân dù chiến sự vẫn tiếp diễn ở một số nơi. Thường dân Việt Nam vẫn tiếp tục bị giết, Ngày 18 tháng 3 năm 1979, Trung Cộng hoàn tất việc rút quân khỏi Việt Nam. Tuy Việt Nam và Trung Cộng đều tuyên bố chiến thắng trong cuộc chiến nhưng cả hai bên đều phải chịu thiệt hại nặng nề về người và của. Cuộc chiến để lại đặc biệt nhiều tác hại lớn cho phía Việt Nam, con số quân Việt Nam bị chết và bị thương là 50,000, trong khi con số tương ứng của Trung Cộng là 20,000 người.(SBTN)

{nl}{nl}